bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Cầm Sơn đã đưa videoclip này!

 

VŨ NHO 085 589 0003

NHÀ MẠNG THÔNG BÁO HỌ BỊ HACK NÊN ĐỂ XẢY RA SỰ CỐ ĐÁNG TIẾC ĐÓ!RẤT MONG CÁC TÁC GIẢ BỊ MẤT BÀI ĐĂNG THÔNG CẢM. TÍNH SƠ MỖI NGÀY TBT ĐĂNG 2 BÀI, CHÚNG TA MẤT NỬA THÁNG 5, NỬA THÁNG 7, TRỌNG VẸN THÁNG 6...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 41
Trong ngày: 222
Trong tuần: 1323
Lượt truy cập: 665380

CHÙM CỎ

Chùm “CỎ”

TÙY BÚT CỦA PHẠM CÔNG TRỨ 

pham_cong_tru

Chẳng biết vì sao và từ bao giờ, cỏ, cụ thể cỏ may - là một loại dã thảo, chứ không phải linh thảo, đã “ám” vào thơ hắn. Nhắc đến Phạm Công Trứ là người ta nghĩ ngay đến “Lời thề cỏ may”. Chỉ một lần hắn trót thề với cỏ, lóng ngóng thế nào mà gỡ mãi vẫn không xong. Vậy nên cái cảm giác bơ vơ, hoang hoải về loài dã thảo thuở đầu đời ấy vẫn trở đi trở lại trong thơ hắn như một ám ảnh:

Người xưa cỏ lan, cỏ chi

Người nay cỏ “ngoại”, hắn thì cỏ may

Cỏ dưới đất, cỏ trên tay

Thơ gỡ bao ngày cỏ vẫn còn vương

Thực ra, hắn không phải là người đầu tiên đối thoại với cỏ dại, dẫn dụ cỏ may vào thơ. Cỏ may đã hồn nhiên đi vào ca dao từ lâu. Một anh trai quê muộn vợ nào đó có hơi lẩn thẩn, vào một sớm mùa xuân đã lén ra chỗ gốc cây gạo đầu làng ngẩng nhìn lên những chùm đỏ chót in trên trên trời mưa bụi, lầm rầm với cao xanh Em như hoa gạo trên cây/ Anh như một đám cỏ may bên đường/ Lạy giời cho cả gió sương/ Hoa gạo rụng xuống, lại luồn cỏ may”. Em rực rỡ, cao sang, anh bình dị, dân dã. Lại cũng đã “lạy giời” rồi, nhưng chẳng biết lời cầu duyên của chàng trai vào buổi sáng đầu xuân ấy có ứng nghiệm không? Trời có cả gió khiến bông gạo rụng xuống để cỏ có cơ may luồn vào, như một “sắc xuất” của phép thử tình yêu không? Song lời nguyện cầu rất thành tâm của anh trai quê ấy đã được dân gian ghi nhận.

Một anh trai làng khác, có cái tên cũng rất quê mùa - Nguyễn Bính, là người đầu tiên đưa cỏ may vào Thơ Mới, với một bài chỉ vẻn vẹn hai câu lục bát “Hồn anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em”. “Bám đầy áo em”, một chi tiết rất chi là chủ động của một trai quê mới vỡ giọng trước cơn gió kinh hồn của tình yêu thổi tới làm sây sẩm mặt mày, loạn nhịp con tim. Anh thì đã mở hết lòng, còn tình cảm em thế nào thì không biết, cứ “lẳng lặng kín như buồng tằm” hay như chiếc lá khoai “đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu”? Với tài hoa trời phú, lại có máu giang hồ xê dịch, Nguyễn Bính sớm“đi dan díu với kinh thành” mải mê với những hoa khuê các, bướm giang hồ”, mà ông bỏ quên cỏ may vào cái chiều cả gió ấy.

Nữ sĩ Xuân Quỳnh khi đã ở tuổi “tri thiên mệnh” vào cái phút xao xuyến chuyển sang mùa đã thoáng đưa mắt nhìn xuống rồi bỗng thảng thốt nhận ra“áo em sơ ý cỏ găm đầy”. Chỉ sơ ý thôi mà cỏ đã găm đầy, thì tại cỏ may hay là tại em đây? Mùa đang chuyển hay lòng thi nhân cũng đang chuyển từ chỗ ồn ào, dữ dội về phía lắng sâu, chiêm nghiệm, thoáng chút chạnh buồn khi thoáng gió heo may về làm rùng mình đám cỏ dại đang xao xác dưới chân. Cái người khiêm tốn, luôn xưng “em” ấy, có một tuổi trẻ gió lào, cát trắng đầy tự tin và đã từng ao ước Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ”. Thế mà cũng con người ấy, có lúc đã phải bất lực thú nhận“Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm/ Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh”. Rồi nữa, vẫn người ấy, đã phải buông ra một tiếng thở dài đầy nghi ngại khi ngồi nhìn những cánh hoa, xác cỏ - “xác tình”, dễ bám mà cũng dễ gỡ “Tình yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay?”.

Ở tận Bắc Mỹ xa xôi, nhờ tập “Lá cỏ” với cảm hứng chủ đạo “tôi ca tụng tôi và hát về chính tôi”, Walt Whitman, con của một ông thợ mộc, mẹ mù chữ, một kẻ gần như “vô công rồi nghề”, bỗng nổi tiếng toàn thế giới vào thế kỷ XIX. Ông, kẻ đã xác quyết “sinh ra trên đời này là hạnh phúc” “chết đi cũng là hạnh phúc” nên thứ cỏ ở vùng Bắc Mỹ của ông không “mỏng mảnh như màu khói”, cũng không nhằm “bám đầy áo em” mà cứng cáp đầy sức sống, như con người của vùng đất mới khai dựng có tên là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, thấm đẫm tinh thần tự do và dân chủ “Tôi di sản chính mình cho đất để mọc lên từ đám cỏ tôi yêu/ Muốn thấy lại tôi hãy tìm tôi dưới đế giày của bạn”.

Trông người để ngắm đến ta…

Trăng vàng con của đồng quê

Thơ tôi con của lời thề đẻ rơi

“Lời thề cỏ may” là đứa con rơi của cái kẻ tuổi thơ chân đất đầu trần là hắn trong cái đêm trăng vàng bờ đê lần đầu chạm ngõ cỏ may. , như đã nói, không gỡ cỏ mà là gỡ lời thề cỏ may” nên có hơi dùng dằng, mà các tập I, II, III cùng “Cỏ may thi tập” (năm 2000) đã là những chứng nhân tinh thần cho cái sự loay hoay, lấn bấn đó. Là con của“Xứ phồn thực thơ lên xanh như cỏ”nên hắn duyên nợ với cỏ từ cái thời chân đất, đầu trần“Quần em dệt kín bông may/ Áo tôi đứt cúc mực dây tím bầm”; qua thời mộng mơ diều gió “Sợi dây đứt cánh diều bay mất/ Ta một mình ngồi khóc với cỏ may”; đến thời say đắm thề nguyền “Cỏ may, cỏ đĩ, cỏ mê/ Cỏ không ngôi thứ, cỏ thề cùng tôi”...

Hắn nghiệm ra rằng dù muốn hay không, quê hương - nơi sinh thành dung dưỡng văn thi nhân vẫn ít nhiều để dấu ấn trong văn chương của họ, nhất là với người làm thơ. Chả thế mà thi hào Nguyễn Du đã dành những “lời có cánh” để tặng chàng họ Kim tên Trọng, ấy là:“văn chương nết đất, thông minh tính trời”, trước khi cho giáp mặt với nàng Thúy Kiều họ Vương“sắc thì đòi một, tài đành họa hai”. Vâng, cái “thông minh” anh có thể hấp thu tinh hoa của bốn phương mà nên, như con ong làm mật từ trăm hoa, nhưng cái “nết đất” - nơi anh phát tích phải là cái dấu ấn đầu tiên, là cái vốn “hương hỏa” in vào thơ anh. Có cái “linh khí” của thổ nhưỡng, hay cái “long mạch” của phong thủy kết tinh trong văn thì mới là anh, mới ra anh.

Văn sĩ đã thế, võ sĩ cũng vậy.

Ai đã từng đọc “Tam quốc”, hẳn thấy địa danh phát tích không chỉ đơn thuần là tiểu sử mà còn là “hành trạng” góp phần đáng kể làm lên tên tuổi, thương hiệu của các võ tướng bên nước Tàu xưa. Chẳng phải vô tình mà mỗi khi lâm trận Triệu Tử Long - một trong ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán - ôm cây kỳ thương xông vào đối phương, miệng thét to lên rằng: “Ta là Triệu Tử Long ở Thường Sơn đây!”, khiến mọi địch thủ đều khiếp vía. Người sau có thơ rằng: “Xưa nay cứu chúa xông trăm trận/ Chỉ có Thường Sơn Triệu Tử Long”. Còn Thái Sử Từ, một dũng tướng của nhà Ngô, người quận Đông Lai, tuy không nổi tiếng như Quan, Trương, Triệu nhưng vì trung nghĩa, khi chết cũng có thơ khen rằng“Thái Sử Từ Đông Lai/ Trung hiếu vẹn cả hai…Lâm chung còn khảng khái/ Ai ai cũng cảm hoài”.

“Nết đất” cũng là lý do quan trọng đầu tiên cắt nghĩa sự khác nhau giữa chất thơ của mỗi thi nhân: Nguyễn Bính với Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu với Huy Cận, Đoàn Văn Cừ với Chế Lan Viên... Tuy nhiên, sinh trưởng trong cùng một vùng đất, song hơi thơ, giọng thơ của mỗi người cũng có khác, đó là do khí chất bẩm sinh của mỗi người, cũng như bầu không khí thời họ sống quy định.

Xét về nguồn gốc, lúa là một giống cỏ hoang/ Ông cha thuần dưỡng mùa màng trĩu bông. Lấy nghề trồng lúa nước làm kế sinh nhai, nương nhờ vào thiên nhiên, thổ nhưỡng, người Việt phương Nam đã làm ra “nền văn minh nông nghiệp” (khác với phía phương Bắc là “văn minh du mục) ở đó làng giữ vị trí trung tâm. Làng cũng được xem là “tế bào sống” của cơ thể Việt cong mềm mại hình chữ S. “Mưa rừng, bão biển, nắng đồng bằng”. Trên xứ mù, xứ mưa thì là làng của rừng cọ, đồi chè, đồi trẩu; dưới xứ gió, xứ cát, xứ đảo thì là của làng chài, làng muối, làng mắm; nơi đồng bằng, thì là làng lúa, làng rau, làng hoa, làng nghề. “Đất lề, quê thói”, tích tụ lắng đọng dần mà mỗi vùng đất hình thành nên tập tục, nhịp sống của riêng mình, cái mà các nhà lý luận gọi là bản sắc văn hóa vùng miền, tộc người. Trung hòa, cộng hưởng, thăng hoa thành hằng số văn hóa của cả một quốc gia, dân tộc.

 Dọc theo các triền sông, bao đời nay người ta quần cư theo quan hệ huyết thống đan xen với quan hệ láng giềng, nương tựa vào nhau, cố kết với nhau để sinh tồn và phát triển, đối diện và vượt qua biết bao giặc giã, thiên tai, nhân tai, vấn nạn. Vấn nạn lớn nhất là “đồng hóa” đến từ nước lớn phương Bắc qua ngôn ngữ, văn hóa và phong tục tập quán. Ngoại trừ nhóm tinh hoa thượng tầng buộc phải sử dụng thứ ký tự “vuông” đã được cải biên, gọi là chữ Nho, còn đại đa số người Việt nơi làng xã vẫn sống theo cách sống riêng có và giữ gìn duy trì tiếng Việt - cái kho báu vô giá của tổ tiên mình. Nhờ đó, mà tuy có nhiều lúc nước mất nhưng nhà chưa tan, văn hóa Việt vẫn còn vì làng còn, tiếng Việt còn, mà tiếng ta còn, nước ta còn” (Phạm Quỳnh”.

“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói” (Lưu Quang Vũ). Vâng, bằng thứ tiếng Việt đơn âm tiết, sáu thanh đó, mà ký ức cộng đồng được lưu giữ và bản sắc giống nòi được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bên cạnh những di sản văn hóa hữu hình như cây đa giếng nước sân đình, còn là di sản văn hóa vô hình, thuộc về giá trị tinh thần như lễ hội, tập tục, tín ngưỡng cùng với những phương ngôn, tục ngữ, câu ca điệu lý, lặn sâu trong tâm tưởng, gặp dịp lại trồi lên, sống dậy. Hữu hình và vô hình, trầm tích và phế tích, hiện tại và tàn dư, cứ đan cài vào nhau, mờ chồng lên nhau làm nên một nét quê kiểng của lề xưa, lối cũ.

Không ai khác, cũng không ở đâu khác, với quan niệm “dĩ nông vi bản” người nông dân, nhất là nông nữ, đã lưu giữ, bảo tồn cái chân tính nguyên thủy, cũng là cái “bản năng gốc” làm nên “căn tính” của tộc Việt. “Nữ nhân nan hóa” (đàn bà khó dậy) Nho giáo đã tỏ ra bất lực khi muốn nhào nặn người phụ nữ theo cái đạo “tam tòng tứ đức” của họ. Đức Chúa trời cũng bó tay trước Eva, khi bà đã nghe lời con rắn ma quỷ mà xui Adam ăn trái cấm trong vườn E-den. Không phải ngẫu nhiên mà xứ ta có Đạo Mẫu mang màu sắc bản địa, trong đó pha trộn giữa yếu tố phồn thực và yếu tố tâm linh. Mẫu là mẹ. Thờ Mẹ là tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước có từ xa xưa, ở đó vai trò người phụ nữ đã được tôn trọng và đề cao. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” là ngoại nhập. “Nhất vợ nhì giời”, “lệnh ông không bằng cồng bà”, “con dại cái mang” đậm đặc “thiên tính nữ” mới là nội sinh, dù từ lâu không còn tồn tại cái gọi “mẫu hệ”.

Quan điểm cho rằng làng quê Bắc bộ cổ nằm dọc sông Hồng và các chi lưu, phụ lưu của nó là “cái nôi”, cũng là “cái gốc” của văn hóa Việt, tuy chưa thuyết phục được tất cả, song cũng là một nhận định thỏa mãn được số đông. Dựng làng, giữ nước, là nỗi lo thường trực của dân Việt trong suốt chiều dài lịch sử dằng dặc mấy nghìn năm. Thiết tưởng, ba ca khúc cùng lấy tên “làng tôi” của các nhạc sĩ Văn Cao, Hồ Bắc, Chung Quân…tuy khác nhau ở khúc thức, giai điệu, song đều thai nghén, ra đời trong tâm thế của những kẻ yêu làng, thiên quê, kết tinh những vui buồn, được mất của một thời thanh bình an ổn xen lẫn chiến chinh máu lửa chưa mấy xa“Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều” (Nguyễn Đình Thi).

Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày nên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau/ Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ...”. Những câu thơ hàm xúc này được Chính Hữu chắt lọc cảm hứng từ “quê anh”, “làng tôi”, nên chân thực và thuyết phục hơn hẳn hình ảnh “Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” cũng của chính tác giả. Nó đánh một dấu son cho tình đồng chí, đồng đội bình dị mà đẹp đẽ của đời nông lính gian khổ mà hào hùng thời kháng chiến chín năm “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Và, làng nói riêng, nông thôn nói chung, đã, đang, sẽ, và vẫn mãi là nơi nương náu, dung dưỡng của hồn quê, cũng là hồn Việt, làm nên nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng. Làng cũng là chốn đi về, tái tạo sức sống, nạp lại năng lượng, làm mới cảm xúc của mỗi con dân trong cộng đồng người, dù đó là cộng đồng truyền thống hay “tân truyền thống”, “hậu truyền thống”, “siêu truyền thống”, “phi truyền thống”...

Tôi sinh ra từ tam giác Hồng

Chỗ hợp giao giữa sông và biển

Quê hắn thuộc hạ du vùng châu thổ sông Hồng (sông Cái), xa xưa thuộc trấn Sơn-Nam-Hạ, nơi cây lúa nước giữ địa vị độc tôn. “Gạo Hải Hậu”, “phở gia truyền Nam Định” chả biết từ bao giờ đã trở thành “thương hiệu”, cho dù đó chỉ là do dân gian phong tặng. Xứ Nam hạ, nhìn chung, không có nhiều đền chùa cổ kính, hay đồi núi nhấp nhô như xứ Bắc, xứ Đoài, song trời lại cho biển (hay bể) bù lại. Biển dưới cái nhìn hôm nay còn được xem là “không gian sinh tồn của người Việt”. Những cánh đồng lúa nối tiếp nhau trải dài ngút tầm mắt, cùng những dòng sông uốn lượn, ôm lấy những bờ đê, rặng tre, bụi chuối, khóm dâu là đặc trưng của vùng đất này. Ngoài đê là biển. Biển nuôi người, biển cũng thách thức người, cuốn trôi làng mạc cùng những công trình trên đó. Biển rút người quai đê lấn biển, rửa mặn thau chua. Biển lở, người đắp đê chắn sóng, kè bờ giữ đất. Lở chỗ này thì bồi chỗ kia, lở nay bồi mai, có mất đi đâu mà thiệt. Đã có “Tiền Hải”  bên Thái Bình, thì cũng có “hậu hải” là Hải Hậu, Nam Định quê hắn. ( CÒN TIẾP)

tay-bac7

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)