bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 24
Trong ngày: 116
Trong tuần: 1595
Lượt truy cập: 778579

CHÙM CỎ ( TIẾP THEO)

pham_cong_tru

Vẫn còn đó với những tên đất, tên làng làm nên một thứ “dư địa chí” trong ký ức một vùng quê lúa. “Quần Anh”, “Quần Phương”, Thượng Trại”, “Hạ Trại”, “Cửa Múc”, “Tang Điền”, “Thương Điền”, “Tùng trên”, “Tùng dưới”, “Tùng ngoài”, “Tùng trong”… lưu dấu cái thời “Tứ tính, Cửu tộc” không hẹn mà cùng kéo đến nơi bãi bồi khai hoang lấn biển, thau chua rửa mặt, lập xóm lập làng. Biển mênh mông, bên kia là biển mênh mông, Bên này, bên này là một dòng sông… Ông cha mình nằm gai nếm mật, chân lội sình đầu đội tay bê, để bây giờ rực sáng một vùng quê… Đoạn ca từ trữ tình trong ca khúc “rực sáng một vùng quê” của nhạc sĩ Vũ Minh Vĩ đã phần nào diễn tả được nét đặc trưng cảnh và người của mảnh đất nơi chân sóng đã một thời “đầu đội, tay bê” này.

Đất nào thì văn chương ấy.

Những “Bão biển”, “Đất mặn” của Chu Văn, nối tiếp “Xung đột” của Nguyễn Khải, cùng “Ngày lễ thánh” của Bạch Diệp… là những tiểu thuyết, bộ phim lấy cảm hứng từ lịch sử chưa xa của vùng đất công giáo ven biển Nam Định. Có hòa hợp và cũng có xung khắc, giữa con người và tự nhiên, giữa người với người. Không hoành tráng như “Tháp nghiêng”, song “Nhà thờ đổ” ở thôn Xương Điền, xã Hải Lý hiện là một điểm du lịch khá nổi tiếng. Là “nhân chứng câm” nhưng mảng chân móng cùng vài mảnh tường mong manh sót lại cũng biết kể cho khách viếng thăm câu chuyện bi hùng về sự dữ dội, tàn phá, xâm thực của biển và sự chống đỡ, thích nghi của con người xứ này. Những người du lịch thời nay đâu biết, cũng ở rẻo đất ven biển này ngoài “Thần sấm”, “Con Ma” ngang qua trút bom, thì đã từng có thời nhiều đêm phải hứng chịu các loạt đại bác từ tàu chiến Mỹ từ Hạm đội 7 của Mỹ câu vào.

Cùng chung số phận, cánh đồng muối Văn Lý đã từng góp mặt ở sách giáo khoa địa lý, nay cũng biến mất cùng với tiếng xe cút kít một thuở nhọc nhằn, chắt chiu, luẩn quẩn kiếp dã tràng“Đời ông cho chí đời cha/ Chỉ có đống cát xe ra, xe vào”. Có lẽ hai chữ “Xương Điền” cũng là biến âm của “Thương Điền”, gợi nhớ đến câu thành ngữ “thương hải tang điền” (biển xanh biến thành ruộng dâu). Khi vào Truyện Kiều thì thành ra“Trải qua một cuộc biển dâu”, để chỉ những cuộc xoay vần, rung lắc của tạo hóa, nằm ngoài “tầm với” của con người.

Biển quê hắn nằm kề các cửa sông nên thường lờ đục, chứ không xanh thẳm như biển miền Trung, nơi có núi đá ăn thông ra. Biển miền Trung thẳm xanh rì rào sóng trắng thường là biển lở, biển quê hắn lờ đục phù sa thường là biển bồi. Vậy nên dọc biển Hải Hậu đã từng mọc lên cả họ nhà cồn, như “Cồn Ấp”, “Cồn Cốc”, “Cồn Quay”, “Cồn Bẹ”, “Cồn Tròn”…Hắn cũng có “cồn”: “Ai ra Văn Lý - Chợ Cồn...”/ Câu ca dân dã bắt hồn từ đâu?/ Ngày trước đây là biển sâu/ Bao đời sóng gió bồi lâu thành cồn…”.

Đồng kết tinh ở hạt gạo thơm thảo, biển kết tinh ở hạt muối mặn mòi, trong đó có phần mặn chát mồ hôi nước mắt của thường dân, thảo dân. Hạt muối kết hợp với con tép (moi) thì thành mắm tôm, kết hợp với con cơm, con nục thì thành nước mắm. Hạt gạo tẻ xay ra bột, kéo dài thì thành bún, dát mỏng vo viên thì thành bánh đa, bánh đúc, bánh tẻ. Hạt nếp đồ xôi, còn nếu kết hợp với nhân đỗ, thịt lợn, lá dong thì thành bánh chưng, bánh nếp. Tám xoan, nếp cái hoa vàng từ lâu đã lừng danh đặc sản gạo Hải Hậu. Các phiên chợ Cầu, chợ Quán, chợ Cồn, chợ Bể… tràn đấy mùi quê, vị quê. Có cái thơm thảo của gạo, bánh bún, nem chạo ở đầu này, thì cũng có cái tanh tưởi của cua cá, lươn, ếch nắm tôm, mắm tép ở góc kia. Đựng trong thúng, bày trên mẹt, dồn trong chai, xâu trên tay, bơi trong chậu, cứ đầy ngồn ngộn, giãy đành đạch, tươi roi rói cái sự phồn thực, phong nhiêu, sống động của một “bức tranh quê” vùng duyên hải.

Biển cách nhà hắn không xa, vào những ngày biển động vọng về những tiếng ầm ì khi to khi nhỏ, người quê bảo là “biển sôi”, còn hắn thì cứ tưởng như là “biển gọi”. Vâng, “chỉ có biển không bao giờ nhàm chán”. Hắn người đồng (ruộng), không phải người bãi (biển), dù ở huyện hắn tên xã nào hiện tại cũng bắt đầu bằng chữ “Hải” viết hoa, như xã hắn là Hải Thanh. Nhà hắn bên lương (đi đời) chứ không phải là bên giáo (đi đạo), dù “đạo” hay “đời”, “lương” hay “giáo” thì cũng là con của mẹ Việt Nam “thống nhất trong sự đa dạng”, biểu hiện ở nhiều sắc tộc, đa tôn giáo.

Bằng vào chính sử nhà Nguyễn và sách “Tây Dương Gia Tô bí lục”, thì địa phận Nam Chân (nay là Hải Hậu) được ghi nhận là nơi các giáo sĩ thừa sai dòng Tên xứ Bồ Đào Nha đầu tiên theo chân các đoàn thuyền buôn phương Tây đến truyền đạo Gia-tô vào đầu thế kỷ 16 (1533), thời vua Lê Trang Tông. Là  một trong những cái “nôi công giáo”, Hải Hậu hiện có khoảng 200 nhà thờ to nhỏ các loại, còn toàn tỉnh Nam Định ước tính có hàng chục vạn giáo dân, với gần 600 nhà thờ, hàng trăm xứ đạo. Trường cấp III hắn học cũng nằm kề nhà Thánh giáo xứ  Quần Phương (còn gọi là nhà thờ Đông Biên), gần ngay đấy là nhà thờ Đông Cường, Hưng Nghĩa... Nhờ sự nhẫn nại, kể cả sự “tử vì đạo” của các vị giáo sĩ kẻ trước, người sau mà nước ta có thêm một tôn giáo có căn cước phương Tây. Cùng với Công giáo là chữ quốc Ngữ viết theo ký tự Latin mềm mại, thanh thoát thay cho những ký tự vuông khuất khúc, bí hiểm một thời. Cùng là vay mượn, cải biên song vay mượn từ phương Tây rõ ràng nó trực chỉ văn minh, mang tính khai phóng, hợp trào lưu thời đại hơn.

Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều/ Tiếng chuông nhà thờ rung/ Đời đang vui/ Đồng quê yêu dấu/ Bóng cau với con thuyền một dòng sông…”. Cứ mỗi khi bất chợt vẳng đến từ đâu đó giai điệu trữ tình mở đầu  ca khúc Làng tôi của Văn Cao, một nhạc sĩ đa tài (quê gốc Nam Định), thì tâm trí hắn lại xáo động. Tận sâu thẳm miền ký ức lập tức vang ngân tiếng chuông chiều loang trên mặt sông quê đang sẫm dần với bóng cau, bóng thuyền… bóng em.

Bóng em? Vâng, đã hơn nửa thế kỷ mà trong hắn vẫn chưa phai mờ hình bóng của em gái nhỏ nhắn xóm Đạo, tóc dài, da trắng, mà lại hay mặc áo đen tên Ch. là học trò cùng lớp, thuở cấp III trường huyện. Nàng có đôi hàng mi dài thường là cụp xuống mà mỗi khi ngước lên lại cứ vương vấn ít nhiều cái nét buồn buồn của Đức Mẹ đồng trinh, sản phẩm gia truyền của dân đạo gốc năng đi nhà thờ và ngắm nhìn ảnh Thánh. Câu cửa miệng “Jesuma lạy chúa tôi” cùng với những ngón tay nhỏ nhắn kín đáo làm dấu thánh của người gái quê ngoan đạo là nàng, đã khiến trái tim của gã trai ngoại đạo nhưng lại mộ đạo là hắn, rung lên từng đợt, nhịp với tiếng chuông giáo đường đổ hồi giờ Ngọ, lúc tan trường. Hồi chuông đã tắt từ lâu song dư âm trong trẻo, thánh thiện buổi đời đang vui đồng quê yêu dấu còn đọng mãi  trong hắn, dù sự tình chỉ dừng lại ở đôi lần bốn mắt gặp nhau để rồi cùng vội quay đi...

Không đồi núi, cũng chẳng có những đền tháp lẻ loi bí mật, quê hắn chỉ nhấp nhô những mái vòm gothic ngân nga tiếng chuông nhà thờ hôm sớm, cùng với âm u tiếng chuông thu không chậm rãi buông ra từ những mái chùa uốn cong, sẫm mầu thời gian rêu mốc. Nếu tiếng chuông nhà thờ là linh hồn của nhà Chúa, thì tiếng chuông chùa là linh hồn của nhà Phật. Chúa cứu rỗi, Phật giải thoát. Cả hai cùng gặp nhau ở sự hướng thiện, hướng thượng. Bất kể là “đời” hay “đạo”, đất và người vùng này như là một mảnh của thiên nhiên, lẫn vào đồng ruộng, hài hòa cùng trời đất, tâm hồn thuần phác, rộng mở, không lụy vào một tư duy cực đoan, thiên lệch nào. Đối mặt với ngoại cảnh, người quê  thực tế chứ không mơ mộng viển vông. Họ tìm kiếm hạnh phúc, chắt chiu cơ may ngay trong lấm lem bùn đất, theo triết lý “dĩ thực vi thiên”, “còn người còn của”. Với họ, đơn giản là đã sinh ra thì sống, sống thì phải ăn, ăn thì phải làm, “tay làm hàm nhai”, tựa vào đất mà sinh nhai, dựa vào nhau mà sống.

Người quê thực tế, bản năng, song không thô kệch, mông muội. Hoang dã, hồn nhiên như cỏ, song người quê cũng mạnh mẽ, đầy sức sống như cỏ. Nhìn đất nâu họ nghĩ đến gieo vãi, nhìn biển xanh họ nghĩ đến giương buồm. Từ hạt giống họ nhìn ra mùa màng, từ mùa màng họ xếp đặt hi vọng. Từ nước biển họ làm ra hạt muối, từ con cá, con tép họ nghĩ đến làm nước mắm, mắm tôm, ăn không hết thì đưa ra chợ. Có cầu Chúa, khấn Phật, song trực giác mác bảo họ rằng không nên mất thì giờ tìm hiểu những thứ rắc rối, siêu hình như ý nghĩa của cuộc đời là gì, nó nằm ở đâu. Mà họ tin vào “bàn tay ta làm nên tất cả”, từ đất mà dấy lên, như những câu thơ thô mộc của Hoàng thi sĩ ở một thời gian khó, chắt chiu“Hết khoai ta lại gieo vừng/ Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”. Chiến tranh giặc giã mãi rồi cũng lắng im, ấu trĩ bảo thủ mãi rồi cũng sáng dần. Đổi mới, hội nhập, giao lưu, kết nối mở ra và giọt mồ hôi của họ đã bước đầu được đền đáp, cho dù chưa hoàn toàn tương xứng.

Nếu là một nhà văn xuôi (dĩ nhiên là phải có tài), hắn sẽ tiểu thuyết hóa cái làng của hắn như một “biên niên sử” thu nhỏ. Ở đó, những phận người quần tụ với nhau quanh những ao làng, đồng làng, đình làng, chùa làng, nhà xứ, nhà họ, trong tâm thế “chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Các dòng họ trong làng vừa liên kết với nhau, vừa tranh đua với nhau, tôn vinh nhau, làm khổ nhau, với đủ những hỉ-nộ-ái-ố. Nếu là một họa sĩ, bức tranh làng của hắn sẽ đan xen gam màu xanh của cỏ cây, sắc vàng của đồng lúa và nhất định phải phất phơ dây khố màu nâu đất của chú Tễu đang ngật ngưỡng giáo trò nơi ao làng với ới a làn điệu chèo, hay á a câu hát văn, vừa bình dị dân dã, vừa óng ả tâm linh.

Còn nếu là một nhạc sĩ, thì bản giao hưởng đồng quê của hắn sẽ không giống ai. Trên nền réo rắt sáo, nhị, bầu, trống cái, trống cơm, sênh phách… nổi lên râm ran tiếng gà gáy buổi sớm, tiếng ếch nhái về đêm, tiếng cá quẫy vào trưa, tiếng chó cắn vào xâm xẩm tối... Không có cái uyên bác, cổ điển như giao hưởng số 6 - “Đồng quê” - của Bettoven bên trời Âu, hay tiếng huýt sáo điệu nghệ, ngang tàng của những “cao bồi” phóng ngựa bắn súng trên những thảo nguyên bao la miền viễn Tây nước Mỹ, song bù lại nó có cái “ăn sóng nói gió”, “ăn tục nói phét” của những “lão nông tri điền, tri biển” của xứ nhiệt đới gió mùa, lắm nắng nhiều mưa, lưa thưa dông bão.

Hỡi ôi, chỉ là một kẻ làm văn vần, lại đa phần là lục bát, cái nhịp chậm đích thị của bình dân, nên cái làng trong thơ hắn nó cũng mộc mạc, thô ráp, rơm cỏ, bèo bọt như hắn. Sinh ra từ làng, lớn lên ở quê, đã từng nhem nhuốc với bùn đất, nhầu nhĩ cùng cỏ rả, dãi dầu nơi bờ bãi, song không đi đứng “ăn nằm” trọn đời với quê thì chắc gì hắn đã hiểu làng, nói gì đến chuyện thấm được vị quê, gọi được hồn làng. Sắm vai là một ca sĩ bình dân, một kẻ hát rong “kể chuyện làng”, song do chữ nghĩa vụng về, nên cái làng của hắn chắc sẽ không tránh khỏi nhạt nhẽo, phiến diện. Biết làm sao được, trời cho thế thì thụ hưởng thế, “diễn ngôn” thế. Dù vậy, Cỏ may thi tập của hắn cũng đã được trao giải 20 năm đổi mới viết về nông thôn, nông nghiệp, do Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và Hội Nhà văn, tổ chức vào năm 2011

Trong rừng chữ nghĩa cổ-kim, đông-tây ai mà tính hết được có bao nhiêu những kẻ tha hương, cũng như bao nhiêu những tình hoài hương cùng những khúc tư hương. Đời Đường, Lý Bạch nhìn mảnh trăng pha sương mà “cúi đầu nhớ cố hương”, Thôi Hiệu thấy khói sóng trên sông nhớ quê mà “não dạ người”, Trương Hàn “thuần lư sực tỉnh” mà cáo quan về quê…Danh thần Nguyễn Trung Ngạn thời Trần đi sứ sang Giang Nam, được đãi đọa nhiều thứ ngon vật lạ song vẫn “quy hứng” (hứng về):“Dâu già lá rụng tằm vừa chín/ Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê/ Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt/ Dẫu vui đất khách, chẳng bằng về”. Về với “canh rau muống với cà dầm tương” thơm thảo, dân dã nơi quê nhà, mới thật là mình. Vậy nay có thêm một khúc tư hương muộn mằn nữa thì rừng chữ nghĩa cũng chẳng giầu có thêm bao nhiêu. Biết thế. Song trong thế giới bao la cỏ, bát ngát cỏ, phong nhiêu cỏ mà thiếu cỏ may, loại hoa không sắc, không hương, thường đứng nép nơi vệ đường quê như chờ ai, trêu ai, trách đố ai, thì nghĩ cũng buồn.

Làng cũng có phận số, cũng “đa nhân cách”. ( CÒN TIẾP)

hoa_sung_1

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)