BÌNH BÀI THƠ “CÓ MỘT CHIỀU THÁNG NĂM” CỦA ĐỖ TRUNG QUÂN
CÓ MỘT CHIỀU THÁNG NĂM
“Thầy còn nhớ con không…?”
Tôi giật mình nhận ra
Người đàn ông áo quần nhếch nhác
Người đàn ông gầy gò
Ngồi sau tủ thuốc ven đường.
“Thầy còn nhớ con không…?”
Câu lặp lại rụt rè rơi vào im lặng.
Hoa phượng tháng năm rơi đầy vỉa hè
Rụng xuống vai người thầy học cũ
“Không…xin lỗi…ông lầm…
tôi chưa từng dạy học
Xin thối lại ông tiền thuốc…cám ơn…”
Cuộc sống cho ta nhiều quên, nhớ, vui, buồn
Thầy học cũ mười năm không lầm được
Thầy học cũ ngồi kia giấu mình sau tủ thuốc
Giấu mình trong hoa phượng rụng buồn tênh.
Con biết nói gì hơn
Đứa học trò tâm sự
Người thầy cũ lại chối từ kỉ niệm
Chối từ những bài giảng
dạy con người đứng thẳng
Biết yêu anh em-đất nước-xóm giềng
Đứa học trò vào đời với trăm nghìn giông bão
Bài học ngày xưa vẫn nhớ mãi không quên.
Và hôm nay…
Bên hè phố im lìm
Vành nón sụp che mắt nhìn mỏi mệt
Câu phủ nhận phải vì manh áo rách
Trước đứa học trò quần áo bảnh bao?
Tôi ngẩn ngơ giữa phố xá ồn ào
Những đứa trẻ tan trường đuổi nhau trên phố
Mười năm nữa đứa nào trong số đó
Sẽ gặp thầy mình như tôi gặp hôm nay?
(Trích “Vùng phấn bay” Nxb Văn học-Trung tâm VHNN Đông Tây năm 20011)
Lời bình của Thanh Ứng
Tác giả là một học trò hiếu nghĩa đã nhận ra “Người đàn ông áo quần nhếch nhác,…gày gò, ngồi sau tủ thuốc ven đường” là thầy giáo cũ của mình và anh đã chào thầy: “Thầy còn nhớ con không…?”. Lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, câu hỏi rơi vào im lặng và chỉ có “Hoa phượng tháng năm rơi đầy vỉa hè / Rụng xuống trên vai người thầy học cũ.” Hình ảnh “hoa phượng”-lòai hoa của thời đi học, của mái trường “rụng xuống trên vai thầy học cũ” của tháng năm hè về thật gợi và chứa bao suy ngẫm, sa xót, đắng cay. Tác giả nhắc lại nguyên văn lời người thầy học cũ trong hai dòng thơ: “Không…xin lỗi…ông lầm…tôi chưa từng dạy học…/ Xin thối lại ông tiền thuốc…cám ơn…” Và khẳng định: “Thầy học cũ mười năm không lầm được / Thầy học cũ ngồi kia giấu mình sau tủ thuốc / Giấu mình trong hoa phượng rụng buồn tênh.”. Hai hình ảnh “hoa phượng”: ở trên là “rơi đầy vỉa hè”, dưới là “hoa phượng rụng buồn tênh” nỗi buồn tăng lên đầy tâm trạng mông lung, gợi một nỗi đau của người học trò.
Tác giả cũng không thể nào giải thích nổi tại sao người thầy cũ lại không nhận mình đã có những năm tháng dạy hoc. Thầy đã chối từ kỉ niệm, chối từ những bài giảng “dạy con người đứng thẳng / Biết yêu anh em-đất nước-xóm giềng”. Biểu tượng cụ thể nhất hiển hiện trước mặt thầy là một người học trò dẫu bao nhiêu năm xa cách vẫn nhớ người thầy, giữa phố phường náo nhiệt vẫn chào thầy và tha thiết hỏi: “Thầy còn nhớ con không?”. Người học trò hiếu nghĩa đó dù có phải trải qua bao thăng trầm của cuộc đời vẫn không quên những điều thầy đã răn dạy: Đó là những gì thật tốt đẹp mà thầy đã trao cho các thế hệ học trò làm hành trang để sống và vươn lên, trong đó có anh. Thế mà sao hôm nay “Bên hè phố im lìm / Vành nón sụp che mắt mình mỏi mệt”. Và tác giả như nhận ra “Câu phủ nhận phải vì manh áo rách / Trước đứa học trò quần áo bảnh bao.” À ra thế, giữa thầy giáo cũ và người học trò đã có một khoảng cách: sang trọng và nghèo nàn. Chính khoảng cách đó đã là rào cản để người thầy, vốn là người có lòng tự trọng đã không dám nhận mình là thầy học cũ của người học trò sang trọng kia. Người thầy cũng vì muốn hình ảnh của thầy giáo mãi mãi là hình ảnh đẹp đẽ trong lòng các thế hệ học trò mà không dám nhận mình đã từng là thầy giáo. Không ai có lỗi trong thực trạng này nhưng giá cuộc sống công bằng hơn, những người thầy học đáng kính của chúng ta không “nhếc nhác”, “gày gò”, không phải “ngồi sau tủ thuốc ven đường”!…
Tôi đoán bài thơ này nhà thơ Đỗ Trung Quân viết vào những năm đất nước ta gặp những khó khăn về kinh tế. Đời sống của đa số người dân trong đó có đội ngũ các thầy cô giáo gặp nhiều khó khăn. Ngoài những giờ lên lớp nhiều thầy, cô giáo phải làm các nghề khác để góp thêm vào đồng lương ít ỏi của mình để bảo đảm cuộc sống bản thân và gia đình. Thầy giáo cũ của nhà thơ là một trong những trường hợp đó. Thầy phải bán thuốc ở ven đường trong bộ dạng tiều tụy. Với học trò thì dù trong hoàn cảnh nào, thầy giáo vẫn là người đáng trọng. Điều đó càng có ý nghĩa đối với những người thầy giáo cũ đã từng dạy dỗ, giúp đỡ mình nên người.
Một cuộc gặp gỡ tình cờ, ngẫu nhiên mà lại tạo ra một trạng huống trớ trêu làm tác giả-một người học trò hiếu nghĩã phải dằn vặt, day dứt. Anh nhìn những đứa trẻ đùa nhau trên phố và nhắn gửi: “Mười năm nữa đứa nào trong số đó / Sẽ gặp thầy như tôi gặp hôm nay?”. Một câu hỏi ám ảnh người đọc…và cả bài thơ cũng là một sự ám ảnh lớn với chúng ta.
Tuy nhiên, mỗi bài thơ của mỗi tác giả thơ lại có một tư tưởng khác, một cấu tứ khác, chú thể trữ tình của bài thơ: Ông Thầy có thể có một tâm thế khác, một cách ứng xử khác, và đó là sự phong phú, đa dạng của thơ cũng là của cuộc đời.
Thanh Ứng
Địa chỉ:
Nhà số 8, ngõ 10, khu Hà Trì 5, phường Hà Cầu
Quận Hà Đông, Hà Nội
ĐT 0915473468
Người gửi / điện thoại