Hồi thứ hai
ĐÚNG ĐÚNG ĐÚNG ĐÚNG!*
Ngày hôm sau, trong lúc Cầm Thẻn dương kính lên soi từng chữ đọc tiếp cái truyện trên để xem phủ Khai Phong xử như thế nào thì Bố bản sang chơi.
- Nghe nói chú mày về, không thấy mày sang nhà tao chơi thì tao sang nhà mày
- Úi! Chào bố! Quý hóa quá. Đang mùa dịch bệnh, được khuyến cáo hạn chế đi lại, vợ chồng tôi tính lên ở trên này một thời gian tránh xa nơi chốn đông người. Vừa mới về tối qua lại đang đọc dở cái truyện hay hay nên chưa kịp sang chào bố!
- Tao có tờ báo mới cũng đăng một truyện hay hay đem sang cho mày cùng đọc đây!
Vậy là Cầm Thẻn tạm cất cuốn sách cũ của ông ngoại để lại cầm tờ báo từ tay Bố bản. Chuyện ở tờ báo kể:
Nhà trường tổ chức cho học sinh đi thực tế dã ngoại. Một buổi trường cho các lớp cắm trại bên bờ một bãi tắm trên biển. Biển ở đây đẹp, có bãi tắm cát mịn trắng tinh với hàng dương liễu xanh rì chạy dọc bờ biển rất nên thơ nhưng dưới bến tắm thì có nhiều chỗ người ta cho cắm những cột cờ đen báo hiệu là vùng nước nguy hiểm, yêu cầu du khách không được tắm gần. Tuổi học trò hiếu động nên các em quên béng lời thầy dặn và không chú ý đến lời tuyên truyền của các chú làm nhiện vụ cứu hộ vẫn thường xuyên vang lên trên cái haut-parleurs được gắn trên bờ biển.
Mải tắm tát chơi đùa vầy nước, Vũ Ái Đa không nghĩ là mình đã trôi dạt đến vùng có cắm cờ đen. Một cơn xoáy ngầm hút Vũ Ái Đa xuống đáy nước rồi chảy thẳng ra ngoài biển xa. Rất may là ca nô cứu hộ đã vớt được Ái Đa khi cậu đã uống no một bụng nước biển mặn. Sau khi đưa lên bờ làm các động tác cấp cứu cho nước ộc ra và hô hấp nhân tạo. Các chú cứu hộ bàn giao lại cho lớp tiếp tục chăm sóc Vũ Ái Đa. Cả lớp xúm vào xoa dầu, nặn bóp những mong cho Ái Đa mau chóng bình phục. Thầy giáo chủ nhiệm do bận hội ý với đoàn Hội đồng Nhà trường về công tác đảm bảo an toàn cho học sinh trong đợt đi dã ngoại kỳ này lúc bấy giờ mới tan họp và đi ra bãi tắm nơi học sinh lớp mình tập kết. Sau khi được biết học sinh Vũ Ái Đa vừa được cứu vớt từ biển lên. Thầy chủ nhiệm tập trung cả lớp:
- Cho thầy hỏi: Em nào đã dũng cảm bơi ra cứu bạn Vũ Ái Đa vừa rồi?
Một cánh tay dơ cao và một giọng nói rất chi là thánh thót cất lên:
- Dạ thưa thầy em ạ!
Cả lớp mắt tròn mắt dẹt ngó về phía người vừa giơ tay. Hóa ra là bạn Thân Ngọc Thu. Thân Ngọc Thu nổi tiếng là người mẫu mực, lúc nào cũng đoan trang chấp hành mọi nội quy của lớp, của trường một cách nghiêm túc. Thân Ngọc Thu còn nói thêm:
- Báo cáo thầy giáo, Lớp chúng em do thầy làm chủ nhiệm đã có rất nhiều thành tích trong năm học mới này, sĩ số của lớp trong các buổi học gần như là đầy đủ và ồn định. Học sinh bạn nào đi học cũng mang đầy đủ sách vở, ngồi trong lớp chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài, bài tập về nhà bạn nào cũng làm không bỏ sót, đến lớp ăn mặc quần áo đồng phục tề chỉnh, gọn gàng, đảm bảo sạch, đẹp và ngăn nắp, giờ ra chơi sau khi đi vệ sinh bạn nào cũng rửa tay bằng nước sát khuẩn......chính vì vậy mà học kỳ vừa rồi lớp đã được nhà trường khen ngợi, có rất nhiều học sinh tiên tiến...
- Thôi, thôi! nói vào việc chính đi, em đã cứu bạn như thế nào?
- Dạ! Em đứng trên bờ đã theo dõi rất kỹ, khi bạn Vũ Ái Đa trôi vào vùng có cắm cờ đen em đã hô lên cảnh báo nhưng không kịp, xoáy nước đã hút bạn ấy ném ra ngoài biển xa...
- Thế em làm thế nào mà cứu được bạn ấy?
- Dạ! Thầy thấy đấy, bạn ấy đã được đưa vào bờ, làm hô hấp nhân tạo, bây giờ đã sắp sửa bình phục rồi ạ!
Vừa lúc ấy thầy hiệu trưởng xuất hiện. Thầy vỗ vai Thân Ngọc Thu và cao giọng:
- Thật dũng cảm, thật đáng khen! Thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường tôi xin biểu dương em Thân Ngọc Thu trước toàn trường!
Vì là ở bãi biển chứ không phải ở sân hay trong Hội trường nhà trường nên mặc dù có nhiều tiếng vỗ tay tán dương theo lời thầy hiệu trưởng nhưng bị tiếng sóng biển át đi mất ít nhiều.
Sau khi thầy hiệu trưởng quay đi tiếp tục đến kiểm tra các lớp khác thì có một tiếng nói trong đám học sinh phát ra:
- Học sinh A: Đồ nhận vơ!
- Học sinh B: Mày nói ai nhận vơ?
- Bạn Thân Ngọc Thu chứ còn đứa nào nữa, các chú cứu hộ cứu chứ có phải nó đâu!
- Biết thế, nhưng nó vừa được thầy hiệu trưởng tuyên dương rồi còn gì!
- Thầy hiệu trưởng vừa mới đến chưa rõ đầu đuôi ra sao khen nó là hơi vội vàng!
- Vội vàng cái gì? Mày dám bảo thầy hiệu trưởng sai à?
- Không sai nhưng cũng chưa đúng!
- Thằng này láo, dám bảo thầy hiệu trưởng sai! Mà cả lớp vỗ tay ầm ầm hưởng ứng nữa chứ, mày định chống lại cả lớp nữa à?
- Không phải cả lớp, khối người không vỗ tay!
- Những thằng không vỗ tay như mày là thiếu ý thức, thầy hiệu trưởng đã khen rồi mà chống lại, mày ghen tị với nó chứ gì? Đồ nhỏ nhen, hẹp hòi, ích kỷ. Cứ nhỏ nhen như mày xã hội bao giờ mới tiến bộ!
- Câm mồm! Loại người thấy chưa đúng không dám nói, chỉ biết tán dương nịnh bợ như mày mới là đồ ích kỷ, cá nhân, ton hót chực miếng ăn, đồ hèn! Mày xứng đáng được nghe một câu thơ cũ như này nha:“Lũ khỉ được ăn bày lắm chuyện/ đàn chim chực miếng hót ra tuồng...”
Thầy giáo chủ nhiệm thấy có to tiếng trong đám học sinh bèn tiến lại hỏi:
- Hai em cãi nhau gì đấy?
- Dạ thưa thầy, thằng này nó dám nói thầy hiệu trưởng khen bạn Thân Ngọc Thu lúc nãy là không đúng!
- Tao chỉ nói là chưa đúng thôi!
- Chưa đúng với không đúng thì cũng thế cả!
- Khác! Không đúng là khẳng định không, còn chưa đúng có nghĩa là vẫn có ý đúng và có ý không đúng!
- Thôi, thôi! hai em đừng tranh luận nữa, các lớp khác nó đang nhìn vào kia kìa!
Lúc ấy, do hai bạn to tiếng nên thầy hiệu trưởng đã quay lại từ bao giờ không biết và thầy đã thủng ra câu chuyện. Sau khi ổn định lại trật tự, thầy nói:
- Thưa các em! Lúc ban nãy thầy có tuyên dương em Thân Ngọc Thu nhưng thầy tuyên dương là tuyên dương cái tinh thần đề cao cảnh giác, tinh thần hết lòng vì phong trào của nhà trường chứ thầy không tuyên dương cái việc em ấy nhận mình là người cứu nạn.
Nhiều học sinh lại nhao nhao:
- Dạ, thưa thầy, đúng đúng ạ! Thầy nói đúng lắm ạ!
- Học sinh A: Thằng B kia, sao bây giờ mày vẫn to mồm thế?
- Học sinh B: Thì thầy hiệu trưởng chả vừa nói đấy sao? Thầy bao giờ chả đúng!
Vậy có câu rằng:
Bề trên mà đã nói ra
Đúng đúng đúng đúng, đúng là đúng thôi!
Muốn biết bố con nhà Bố bản còn làm tiếp những trò gì, xin xem hồi sau sẽ rõ.
· (Nhân sự kiện Việt Nam không cho tàu Westerdam vào cảng nhưng Cambodia lại đồng ý cho cập cảng Sihanoukville. Trong khi đó lại có một bài thơ của một cô giáo nói sẵn sàng đón nhận được khen ngợi)