CÔNG PHU CỦA MỘT NGƯỜI
VIẾT NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH
(Về tập sách “Nội lực của một cây viết nữ” của Đỗ Ngọc Yên, Nhà xuất bản Hội nhà Văn, 2024)
Vũ Nho
Khi cầm trên tay cuốn sách của Nhà Lý luận- Phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên, không hiểu sao, tôi lại nhớ đến lời nhận xét của một người bạn viết nghiên cứu phê bình, TS. Chu Văn Sơn của khoa Văn, trường ĐHSP Hà Nội. “Viết phê bình, người ta hay hướng tới những giá trị lớn, những trường hợp nổi danh. Làm thế, kẻ phê bình dễ bề xoay xở, và dễ thơm lây. Âu cũng là lẽ thường tình” (1) Tôi hồi hộp xem anh bạn họ Đỗ viết về cây viết nữ nào trong số những tên tuổi nổi trội trên văn đàn. Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Thị Mây, Đoàn Thị Lam Luyến, Lâm Thị Mĩ Dạ, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban… chăng? Thật bất ngờ, cây viết nữ ấy là Thương Hà!
Đỗ Ngọc Yên nổi danh thì cũng đã nổi rồi, “thơm lây” thì cũng đã… rồi. Vì anh đã từng có những tập sách rất… hướng tới những giá trị lớn. Chỉ kể ra đây ba cuốn thôi: “Nhà văn giải thưởng Hồ Chí Minh”, quyển I (chân dung nhà văn và tác phẩm, Nxb Quân Đội Nhân dân, 2017); “Nhà văn giải thưởng Hồ Chí Minh”, quyển II (chân dung nhà văn và tác phẩm, Nxb Quân Đội Nhân dân, 2017) “Nhà văn giải thưởng nhà nước”, quyển I, (Chân dung nhà văn và tác phẩm, Nxb Quân Đội Nhân dân, 2017).
Cuốn chuyên luận này anh dành riêng nghiên cứu về một cây bút nữ Thương Hà. Liệu có phải tác giả đã không muốn “hướng tới những giá trị lớn, những trường hợp nổi danh”? Có lẽ về giá trị lớn thì còn phải đợi thời gian và người đọc đánh giá. Nhưng về sự nổi danh thì nhà văn Thương Hà tuy trẻ tuổi, song thật sự là một hiện tượng, một người viết nổi danh. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Yên, trong vòng 5 năm, từ 2020 đến 2024, anh đã đọc 10 cuốn tiểu thuyết của Thương Hà. Mỗi cuốn từ 400 đến 600 trang in. Đây là đánh giá tổng thể của Đỗ Ngọc Yên:
“ Có thể nói Thương Hà là nhà văn nữ có nội lực dồi dào, am tường khá nhiều lĩnh vực của thể tài tiểu thuyết, cuốn nào cũng ngồn ngộn chất liệu cuộc sống. Thể tài tiểu thuyết của Thương Hà khá đa dạng và phong phú: từ tâm lí xã hội đến văn hóa, tâm linh; từ đời thường đến những vụ án hình sự; từ đổi tình lấy điểm, thậm chí đổi tình lấy mạng và ngược lại; từ ám ảnh di chứng chiến tranh đến đại dịch covid 19,… ở đâu chị cũng tả xung hữu đột, như một người lính chiến thực thụ trong lĩnh vực văn chương, tiểu thuyết”…
“Và điều bất ngờ cuối cùng là nữ nhà văn Thương Hà chưa từng trải qua bất kì một tường đào tạo văn chương chính thống, cơ bản và dài hạn nào như Trường viết văn Nguyễn Du, khoa Văn của các trường đại học và cao đẳng Tổng hợp hay Sư phạm… nhưng kiến văn của chị không chỉ dồi dào và phong phú, những trang sách chị viết ra còn có văn hơn không ít những cây bút được đào tạo cơ bản và viết văn chuyên nghiệp”. (Lời đầu sách).
Với lời đầu sách đánh giá cao về cây bút nữ Thương Hà như thế, tôi nghĩ ai cũng tò mò muốn đọc nội dung và nghệ thuật những cuốn sách của Thương Hà qua 7 bài tiểu luận về bảy cuốn tiểu thuyết khác nhau của nữ tác giả. Trong số những người tò mò đó, có tôi, một đồng nghiệp của nhà văn Đỗ Ngọc Yên, vì cũng may mắn đọc một cuốn của Thương Hà là cuốn “Vùng biên không yên tĩnh”. Tôi sẽ có cơ hội kiểm nghiệm những ấn tượng và đánh giá của riêng mình khi đọc bài “Số phận không minh định” gồm 8 phần của đồng nghiệp Đỗ Ngọc Yên viết về tác phẩm nêu trên.
Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực và công phu của nhà văn Đỗ Ngọc Yên. Đọc mỗi cuốn tiểu thuyết dày 400 hoặc 500 trang in đó hai ba lần. Rồi viết bài bình luận, đánh giá về từng cuốn một. Rồi sửa chữa và đưa in. Nếu không có nhiệt tâm, không có thói quen đọc- viết, không có tiềm lực kinh tế thì chắc chắn là không thể làm được.
Bảy tiểu luận về 7 cuốn sách của Thương Hà gồm: 1. Lái súng (tạm gọi như thế vì nhà văn không đề tên). 2. Người PTSD; 3. Nalis xô dạt bờ định mệnh; 4. Phiêu dạt; 5. Vùng biên không yên tĩnh; 6. Bóng đêm của Diệu; 7. Trả giá. Với bảy cái tên bài viết khêu gợi theo thứ tự:
Toàn bộ cuốn sách, nhà Lý luận- phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên tập trung nêu bật những điểm sau:
Thứ nhất: Thương Hà là một nhà văn nữ giàu nội lực. Đề tài tiểu thuyết của nhà văn phong phú. Những cuốn tiểu thuyết đó độc đáo ở chỗ “Tác giả thường viết về những vấn đề gai góc và nóng bỏng của xã hội hiện đại, thậm chí có những đề tài mà không một nhà văn nào dám đụng đến khi hiện tượng đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu” (trang 7. Lời đầu sách).
Xin dẫn ra những khẳng định của nhà nghiên cứu phê bình:
“Theo chỗ tôi biết, đây có thể là cuốn tiểu thuyết đầu tiên đề cập đến mảng đề tài hóc búa này- buôn lậu vũ khí nóng mà tôi được đọc không chỉ của nữ nhà văn Thương Hà. Trong khi đó nền văn chương nước nhà mấy chục năm qua chưa ai dám đề cập đến” (tr.12). Tất nhiên, không phải cứ viết đề tài gai góc là có thể thành công hay được chú ý. Sở dĩ nhà văn Thương Hà thành công là bởi “nhà văn đã khắc họa diễn biến tâm lí nhân vật hết sức phức tạp ở nhiều khía cạnh và cấp độ khác nhau như: tâm lí lứa tuổi, tâm lí tình yêu và tình dục, tâm lí nghề nghiệp, tâm lí tội phạm thông qua các mối quan hệ chằng chịt, chồng chéo lẫn nhau”. Bên cạnh đó là nghệ thuật tự sự “Bằng lối kể chuyện cuốn hút với nhiều pha rượt đuổi thật sự ngoạn mục như phim hành động của Mỹ” (tr. 46).
Về tiểu thuyết “Người PTSD” thì “là một trong số hiếm hoi những cuốn sách viết về đề tài chiến tranh và người lính theo một góc nhìn khác, trong khoảng 30 năm trở lại đây” (tr.49). Thương Hà thành công vì “chọn đề tài khá hợp lí và khôn ngoan”. “Nhà văn đã khai thác khá thành công chủ đề “hội chứng sang chấn tâm lí sau chiến tranh” và những người mắc phải căn bệnh “Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương- PTSD” nằm trong một đề tài rộng lớn hơn là “Chiến tranh và người lính”. Viết về người lính Mỹ bên kia chiến tuyến “Đây vừa là cơ hội lớn, vừa là thách thức không nhỏ đối với Thương Hà khi dám xông vào một mảnh đất chưa có mấy ai khai thác. Nhưng đáng mừng là Thương Hà đã vượt qua thử thách một cách ngoạn mục” (tr.81)
Về tiểu thuyết “Vùng biên không yên tĩnh”, nhà nghiên cứu khẳng định: “Vùng biên không yên tĩnh của nữ nhà văn Thương Hà có một cách tiếp cận khá mới về đề tài “Chiến tranh và người lính” theo mảng chủ đề di chứng thời hậu chiến. Tuy cách tiếp cận này không phải là mới đối với văn chương hiện đại thế giới, nhưng lại khá hiếm hoi đối với văn chương đương đại Việt Nam” (tr.148)
Thứ hai: Tiểu thuyết của Thương Hà, hấp dẫn, cuốn hút bạn đọc vì nhà văn có kiến thức sâu rộng, có khả năng phân tích tâm lí tinh tế, có sức tưởng tượng mạnh, có lối viết hiện đại. Hầu như tác phẩm nào cũng ngồn ngộn chất liệu đời sống. Không chỉ nhân vật là anh bộ đội cụ Hồ, người dân Việt Nam mà còn có cả những nhân vật người nước ngoài như Robet và Raymond (Lái súng), ông Vương, người lính quân giải phóng Trung Quốc, Mohamed Awad người lính trong quân đội Palestine, Donsefski người lính của quân đội Ucraina (Phiêu dạt); Thần Rắn, Tên đại diện cho Polpot (Vùng biên không yên tĩnh).
Về cuốn tiểu thuyết “Bóng đêm của Diệu”, Đỗ Ngọc Yên khen: “Đây là cuốn tiểu thuyết không có nhiều nhân vật, nhưng có quá nhiều tình tiết rắc rối, bí ẩn đã được tác giả giấu rất kín, mà phải đọc đến chương cuối người ta mới tỏ được ngọn ngành”; và “Nghệ thuật gói chi tiết và cốt truyện của nhà văn Thương Hà đã làm cho người đọc bất ngờ thú vị” (tr. 215- 216).
Thứ ba: Nhà văn Thương Hà không tham gia bất cứ cuộc chiến
tranh nào. Tất cả những hiểu biết về chiến tranh của nhà văn đều là gián tiếp từ sách báo, phim ảnh. Thế nhưng lại viết về chiến tranh rất thành công. Có đến bốn tiểu thuyết liên quan đến chiến tranh mà nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Yên phân tích. Nhà nghiên cứu đánh giá cao thành công của Thương Hà:
“Cái nhìn và những luận giải của nhà văn Thương Hà là khá mới mẻ và có ý nghĩa nhân văn so với nhiều cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh trước đây là rất đáng ghi nhận” (tr. 166)
“Tuy không phải là người từng sinh ra, lớn lên và tham dự bất cứ cuộc chiến tranh nào, nhưng nữ nhà văn Thương Hà đã có một cái nhìn đa chiều và cởi mở về chiến tranh, thậm chí có những cái tác giả đã mạnh dạn đặt lại những vấn đề về chiến tranh. Những vấn đề mà tuồng như đã được đóng đinh vào lịch sử trong nhận thức của bao người và bao thế hệ” (tr. 183).
Để trình bày về vốn kiến thức sâu rộng của nhà văn Thương Hà, nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Yên đã dẫn chứng về các loại tâm lí (tâm lí lứa tuổi, tâm lí tình yêu và tình dục, tâm lí nghề nghiệp, tâm lí tội phạm – chuyên ngành học của Thương Hà là Luật và Tâm lí), các hiểu biết về vi rút gây đại dịch, cập nhật thông tin về các cuộc chiến tranh… Chỉ một ví dụ về cái chết của Bùi Yên, nhà văn đã dẫn Đại Việt Sử kí toàn thư về “kế ve sầu thoát xác” so sánh với tiền nhân (chương 22) ( tr.35- 38).
Nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Yên trong khi phân tích các tác phẩm của nhà văn Thương Hà, đã trích dẫn C. Mác, F. Engel, rồi Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu, so sánh một khía cạnh với tác phẩm của Hữu Loan, Bảo Ninh, Dương Hướng, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Huy Thiệp, Việt Phương… Điều này để tăng sức thuyết phục.
Vì viết tiểu luận để in sách, không bị hạn chế số trang nên Đỗ Ngọc Yên rất thích trích các đoạn văn trong tiểu thuyết. Có nhiều khi trích đến từ 2 đến 4 trang in như ở trang 34 đến trang 38, trang 105 đến trang 109. Trang 237 đến trang 239. Trích một trang đến hơn một trang thì không đếm xuể. Có thể nói các đoạn trích phù hợp đã cho thấy nội dung mà nhà văn Thương Hà nhắm tới bạn đọc. Và người đọc phần nào hình dung được văn phong nhà văn.
(Cũng có nửa trang trích ở trang 226 lại trích lại ở trang 242).
Có thể thấy một nhược điểm khác là đôi chỗ nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Yên say sưa thành… lan man. Chẳng hạn từ trang 22 đến trang 27 về kinh tế Việt Nam và ASEAN, từ trang 93 đến 96 về dịch Covid, từ trang 98 đến trang 102 về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, (dù anh biện minh rằng vì “không ít bạn đọc Việt Nam dường như còn ít quan tâm tìm hiểu”). Đây là theo “con mắt hạt đậu” của tôi. Biết đâu bạn đọc lại thấy thích thú và khâm phục về sự sâu rộng của người viết đối với đời sống, kinh tế, chính trị và văn chương của Việt Nam, khu vực và thế giới!
Đây là cuốn sách đầu tiên nghiên cứu về tác phẩm của nhà văn Thương Hà, thiết tưởng cũng cần có một bảng kê 10 tiểu thuyết với nhan đề, nhà xuất bản, năm xuất bản. Lí tưởng hơn nữa là thống kê các báo, tạp chí đã đề cập đến tác giả Thương Hà và tác phẩm của nhà văn.
Dù sao, cuốn sách như một công trình này của Đỗ Ngọc Yên là một công trình nghiên cứu công phu về một nữ tác giả xứng đáng được bạn đọc quan tâm. Thương Hà thuộc thế hệ 8x. Nhà văn có triển vọng thành một tác giả lớn về tiểu thuyết của chúng ta!
Hà Nội, 23/3/2025
Người gửi / điện thoại