Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...
Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.
Đi qua hai cuộc chiến tranh chống Mỹ và biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy những trận đánh quyết liệt với quân thù, mỗi khi cầm bút Đại tá Nguyễn Văn Hồng như được sống lại những năm tháng ác liệt.
Lời tòa soạn
Các nhà văn, nhà thơ quân đội là một binh chủng đặc biệt tham gia vào những cuộc chiến lịch sử của dân tộc. Nhiều người trực tiếp vừa cầm súng vừa cầm bút với nhiệt huyết sôi sục và trái tim nóng hổi. Cội nguồn văn hóa dân tộc và những trải nghiệm chân thực của các văn nghệ sĩ mặc áo lính đã hun đúc lên nhiều tác phẩm nghệ thuật kịp thời động viên tinh thần chiến sĩ, góp phần làm nên chiến thắng và giáo dục lòng yêu nước của các thế hệ sau.
VietNamNet xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết về một số nhà văn quân đội cùng câu chuyện xúc động về cuộc đời người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Hành trình xuyên Việt thăm lại đồng đội
Ngày 19/11/2024, Đại tá, nhà văn Nguyễn Văn Hồng khởi hành từ Sài Gòn bắt đầu chuyến đi xuyên Việt đầy ý nghĩa. Ông đi từ TPHCM đến Hải Phòng, vòng qua Sơn La, lên Điện Biên, Lai Châu, Mộc Châu, rồi quay về Hà Nội để dự buổi gặp mặt của trên 200 CCB Sư đoàn 309 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Đây là một hành trình thăm lại bạn bè, đồng chí, những người đã sát cánh bên ông trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt.
Đại tá Nguyễn Văn Hồng mong mỏi được gặp lại đồng đội cũ, những người cùng ông chia sẻ những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời. Tại Hải Phòng và Vinh, ông đã tham dự buổi gặp mặt với Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 309 mặt trận 479 Cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, trong đó có những người phải gần nửa thế kỷ ông mới được gặp lại.
Gặp lại những đồng đội mà ông trân trọng nhất, nhà văn đã gửi tặng họ nhiều cuốn sách ý nghĩa, trong đó có Chiến trường khốc liệt (tập 2 trong bộ sách 3 tập Nguyễn Văn Hồng tác phẩm) tái hiện lại nhiều trận đánh dữ dội và tưởng nhớ về những người lính đã hy sinh trên chiến trường.
Đi qua hai cuộc chiến tranh: 10 năm chống Mỹ (1965 - 1975) và hơn 10 năm chiến tranh biên giới Tây Nam làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy những trận đánh quyết liệt với quân thù và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mỗi khi cầm bút, Nguyễn Văn Hồng như được sống lại những năm tháng đầy cam go, ác liệt. Mỗi trang viết của ông góp phần làm phong phú và sinh động thêm kho tàng văn học của dải đất hình chữ S kiên cường.
Những món quà tinh thần quý giá cho người đã khuất
Suốt hành trình văn chương đầy trải nghiệm của mình, nhà văn Nguyễn Văn Hồng đã ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm viết về chiến tranh phi hư cấu.
Tiểu thuyết Đường 19 là tác phẩm được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2018 trong cuộc thi viết về tiểu thuyết sử thi. Tập ký Những bông hoa bất tử tái hiện những trận đánh hào hùng khi viết về 69 liệt sĩ quê hương xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cũng là món quà tinh thần quý giá mà ông trân trọng gửi đến những đồng chí của mình và thân nhân người đã khuất.
Ký ức về chiến trường Campuchia được tác giả tái hiện trong tiểu thuyết Pailin thời máu lửa (NXB Hội Nhà văn), được Giải thưởng văn học Sông Mê Kông năm 2021.
Pailin thời máu lửa kể lại sự kiện năm 1978, khi chính quyền Khmer Đỏ thực hiện chính sách thù địch chống Việt Nam và tàn sát dân Campuchia. Nhà văn Nguyễn Văn Hồng tái hiện bối cảnh một cách chân thực mà vẫn níu giữ được độc giả, dắt họ đi đến trang sách cuối cùng mà không quá ám ảnh về những gì đã diễn ra. Nói rằng, ông viết Pailin thời máu lửa để chữa lành thì cũng đúng, nhưng chưa đủ, bởi trải nghiệm thực tế của tác giả có lẽ phức tạp hơn thế. Kể lại câu chuyện là thêm một lần đau. Song phải đối mặt với những ký ức theo cách như vậy, người viết mới có thể giải phóng bản thân khỏi nỗi đau đớn.
Nhà văn Nguyễn Văn Hồng chia sẻ: “Lợi thế để viết nên cuốn sách vô cùng chân thực ở khía cạnh chính tôi là một người lính, 30 năm phục vụ trong quân đội, đã trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, được trưởng thành từ chiến sĩ trực tiếp chiến đấu ở phía trước đến các cấp chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và trước khi nghỉ hưu là Phó Tư lệnh tham mưu trưởng Quân đoàn mang hàm Đại tá. Pailin thời máu lửa được viết từ những trải nghiệm thực tế mà tôi là người trong cuộc”.
Cuối tháng 3/2023, Ukiyoto Canada cũng xuất bản tiểu thuyết này với tựa đề Pailin – Blood and Fire (Pailin thời máu lửa). Cuốn sách bản Anh ngữ do HFT (nhóm Nữ dịch giả Hà Nội) chuyển ngữ đã được phát hành toàn cầu qua kênh của NXB Ukiyoto.
Ngay sau đó, tác phẩm Cuộc chiến tranh bắt buộc dày hơn 300 trang (bản tiếng Anh) của Đại tá, nhà văn Nguyễn Văn Hồng tiếp tục ra mắt nhân dịp kỷ niệm 45 năm chế độ diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia sụp đổ (07/01/1979 – 07/01/2024). Sách do NXB Ukiyoto phát hành trên toàn thế giới. Trước đó, bản tiếng Việt của Cuộc chiến tranh bắt buộc đã được NXB Quân đội nhân dân ấn hành.
Qua cuốn sách này, tác giả mong muốn đem đến cho bạn đọc - những người yêu hòa bình - một góc nhìn về cuộc chiến tranh để có thể tự giải mã nguồn gốc và vai trò của quân đội nhân dân Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước Campuchia ngày nay, góp phần duy trì sự ổn định tình hình trong khu vực Đông Nam Á.
Trở lại với những chuyến đi xuyên Việt hàng năm thăm đồng đội và chiến trường xưa của Đại tá Nguyễn Văn Hồng, chúng ta thêm trân trọng tấm lòng và hành động thiết thực của ông.
Nhà văn luôn tái hiện những ký ức khốc liệt nhưng đầy tự hào trong tác phẩm, như một cách để tri ân và lưu giữ mãi giá trị cao đẹp đó. Đây là một hành trình quay về quá khứ, khắc sâu mối tình đồng chí bền chặt và tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Văn Hồng
Đại tá, nhà văn Nguyễn Văn Hồng sinh năm 1945, tại Hà Tĩnh. Năm 1964, ông nhập ngũ và bắt đầu sứ mệnh vẻ vang của một người lính. Ông tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ từ tháng 3/1965 đến 30/4/1975, sau đó lại tham gia cuộc chiến đấu chống Pol Pot từ tháng 6/1978 đến tháng 9/1989.
Năm 1983, ông trở thành Sư đoàn trưởng trẻ nhất mang quân hàm Đại tá. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, Đại tá Nguyễn Văn Hồng đảm nhận cương vị Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 4.
Nhà văn Nguyễn Văn Hồng đã xuất bản 12 cuốn sách về đề tài chiến tranh. Một số giải thưởng văn học: Giải Nhất do Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam trao tặng; Giải Khuyến khích của Bộ Quốc Phòng viết về "Kỷ niệm sâu sắc Việt Nam - Campuchia"; Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cuộc thi tiểu thuyết 2016 - 2020; Giải thưởng Văn học Sông Mê Kông năm 2021...