bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 191
Trong tuần: 1121
Lượt truy cập: 795408

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (2)

Đan Thành

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (Chương 2)
                           
Đàm Thái Hậu hờn ghen muốn giết nàng dâu
Đại cư sĩ tham lòng mưu đồ vương nghiệp
 
    Hãy tạm gác chuyện thái tử Sảm. Xin lược lại việc Quách Bốc, Lê Khải làm loạn năm trước. Sau khi vua Cao Tông bỏ chạy, bọn Quách Bốc vào thành, thu nhặt thi hài cha con Phạm Bỉnh Di đưa vào bệ đá ở chỗ mát, lấy chiếu của vua để bọc thây, lấy xe của vua để chở xác, mang đi mai táng. Bỉnh Di tuy là kẻ ngu trung nhưng đối với dân cũng không tàn ác tham lam nên dân chúng trong thành thương xót, theo đi đưa đám đông chật mặt đường. Xong việc, bọn Quách Bốc, Lê Khải lập Lý Thầm (em ruột Cao Tông) lên làm vua. Bọn Đàm Dĩ Mông, Nguyễn Chích Lại đều ra nhận chức. Khi anh em Trần Tự Khánh hộ giá Cao Tông trở về, Lê Khải chết trận, Lý Thầm, Quách Bốc bị bắt.
    Mấy hôm sau, vua Cao Tông thiết triều, các quan đều đến sụp lạy, Đàm Dĩ Mông cũng có trong đó. Đỗ Anh Triệt nhổ vào mặt Đàm Dĩ Mông mà mắng :
    - Ngươi thân làm đại thần mà ôm lòng vô quân, nhận tước phong của giặc, nay lại đứng ngang hàng với ta. Ta tuy bất tài nhưng cũng không thể nhìn mặt ngươi.
    Đàm Dĩ Mông vừa sợ vừa thẹn, lui ra ngoài.
    Mùa xuân, tháng ba năm Trị Bình Long ứng thứ sáu (Canh Ngọ-1210), vua sai Thượng phẩm phụng ngự là Đỗ Quảng đem quân đến nhà Tô Trung Từ đón thái tử. Lúc ấy Tô Trung Từ nghe báo, vội ra xem, xe của Đỗ Quảng đã vào tới cổng. Ngay hôm sau thái tử theo Đỗ Quảng về Thăng Long, lưu Trần Thị Dung ở lại nhà họ Trần với mẹ và anh là Trần Thừa đang chịu tang cha.
    Vua Cao Tông từ khi đi chạy nạn Quách Bốc, ở nơi lam sơn chướng khí nên mắc bệnh kiết lị, thường đi ngoài ra nhiều máu tươi. Quan thái y bốc thuốc, bệnh đã gần khỏi nhưng nhà vua quá ham mê tình ái vì vậy bệnh phát nặng, năm ấy mới ba mươi tám tuổi mà thân hình suy kiệt như người ngoại lục tuần. Mùa đông, tháng mười vua mệt lắm, truyền gọi Đỗ Kính Tu vào cung. Vua cầm tay Đỗ Kính Tu, nói:
     - Ta xem trong mình không còn bao hơi sức, chắc không sống được mấy ngày nữa. Những lời khanh nói trước đây, ngẫm kĩ thật chẳng sai câu nào. Tiếc rằng ta đã không coi làm trọng; rường mối bại hoại cả. Nay ta sắp về cõi Phật. Thái tử hãy còn trẻ tuổi, chưa trải việc đời, mong ngươi hết lòng giúp rập, may ra khôi phục được triều chính thì ta ở nơi chín suối cũng ngậm cười.
    Đỗ Kính Tu khóc lạy, nhận lời kí thác. Ngày hai mươi tám tháng mười, vua băng tại cung Thánh Thọ, ở ngôi ba mươi nhăm năm, hưởng thọ ba mươi tám tuổi, táng ở Thọ lăng1.
    Thái tử Lý Sảm lên ngôi, mới mười sáu tuổi, tôn mẹ là Đàm Thị làm Hoàng thái hậu, cùng dự việc triều chính, sai sứ sang cáo phó với nhà Tống. Nhà Tống cử sứ giả sang viếng tang.
    Mùa xuân, tháng giêng năm Tân Mùi (1211), đổi niên hiệu là Kiến Gia năm thứ nhất. Sang tháng hai vua sai quan phụng ngự là Phạm Bố đi đón Trần Thị Dung vào cung, phong làm nguyên phi, phong cho Thuận Lưu bá Trần Tự Khánh tước Chương Thành hầu, phong điện tiền chỉ huy sứ Tô Trung Từ làm thái uý phụ chính. Lúc bấy giờ dân tình đói khổ đã lâu, giặc cướp hoành hành, không ngăn cấm được. Vua lại dùng Đàm Dĩ Mông làm thái uý, giao cho giữ việc nước. Đàm Dĩ Mông là kẻ ít học không có mưu lược, chỉ chuyên về xảo thuật và kĩ nghệ, mà tham lam nhu nhược, chẳng dám quyết đoán việc gì nên chính sự ngày thêm đổ nát1.
    Trần Thị Dung từ khi vào cung được phong làm nguyên phi nhưng trong lòng buồn bực ủ rũ, vì trước kia đã cùng Thủ Độ sớm bước vào đường tình ái nên rất tinh tường trong chuyện gối chăn, được nhà vua vừa lòng lắm. Có điều Huệ Tông không khoẻ mạnh như Thủ Độ, do vậy chỉ khi nào Trần Thủ Độ lén lút vào thăm mới tươi tỉnh lên được. Đàm thái hậu biết chuyện, nói với Huệ Tông. Nhà vua bảo:
    - Chị em thăm nhau có gì là lạ.
    Đàm thái hậu nói:
    - Ai gia chỉ sợ có chuyện nàng Văn Khương2 nước Tề ngày trước mà thôi.
    Việc này có người nói lại với nguyên phi, thành ra mẹ chồng nàng dâu sinh nhiều điều xích mích. Lại thêm anh em họ Trần ngày càng được tin dùng, mà người họ Đàm bị khinh bạc, khiến Hoàng thái hậu càng ghét Trần nguyên phi nhiều lắm, thường mắng nhiếc nguyên phi là con gã thuyền chài, xuất thân hèn hạ. Vào dịp tết nguyên đán năm Kiến Gia thứ ba (Quý Dậu-1213), thái hậu cho đủ tam cung lục viện treo đèn kết hoa nhưng không cấp cho cung nguyên phi. Nhà vua thấy vậy hỏi, thái hậu bảo:
    - Con nhà thuyền chài thì cần gì phải trưng bày cho lắm.
    Nhân việc ấy, Trần Thủ Độ nói với Trần Tự Khánh:
    - Nhà Lý nhờ họ Trần ta mà giữ được giang sơn, nay lại khinh thường chúng ta quá vậy.
    Trần Tự Khánh bảo:
    - Đã thế, ta vào cung đón nguyên phi rồi bỏ quan, cùng về quê tất triều đình thành cái thuyền không lái xem sao.
    Trần Thủ Độ nói:
    - Xin anh chớ làm như vậy, việc nước sẽ hỏng hết, mà công lao nhà ta vất vả bấy nay cũng thành ra uổng phí cả. Thái hậu tuy ghét chúng ta nhưng thế chưa thể làm gì được. Tốt nhất ta nên tạm nhẫn nhịn thì hơn. Khi đại bàng đủ lông đủ cánh, lo gì không bay vút lên chín tầng mây.
    Trần Tự Khánh bảo:
    - Chú nói rất phải nhưng để cho nguyên phi khổ sở với thái hậu thì ta chẳng cam lòng.
     Trần Thủ Độ nói:
     - Việc đó em chẳng đau lòng bằng anh sao? Hay là ngày mai em mở cửa cung. Anh dẫn quân vào, vờ đón nguyên phi đi, may ra vì thế nhà vua phải ra mặt bênh vực, thái hậu mới nhụt bớt đi được.
    Sớm hôm sau, Trần Tự Khánh đem quân xông vào cửa cung, nói là đón xa giá nhà vua. Lính canh ngăn lại, hai bên xô xát kịch liệt. Nhà vua phải cùng thái hậu và nguyên phi lánh ra ngoài, hiệu triệu quân các lộ đến hộ giá và đi bắt Tự Khánh. Thái hậu nói:
    - Việc đến nước này mà hoàng nhi còn muốn dựa vào họ Trần mãi ư? Sao không mau cách chức anh em nhà nó đi cho rồi.
    Nhà vua cực chẳng đã, xuống chiếu giáng nguyên phi làm ngự nữ. Mùa xuân năm sau, quân các lộ đóng trại bên bờ Nhị hà. Quân Trần Tự Khánh đóng trên bến Triều Đông3. Trần Tự Khánh nói với các tướng:
    - Ta thật chẳng có ý làm nhọc sức nhà vua, chỉ vì thái hậu làm khổ nguyên phi quá nên mới bất đắc dĩ phạm vào cửa khuyết, ngờ đâu sự thể lại đến nỗi này. Các ngươi coi giữ doanh trại, để ta sang tạ tội với hoàng thượng.
    Tự Khánh nói xong, một mình, một ngựa, không mang binh khí, không mặc áo giáp, tiến thẳng vào quân doanh của nhà vua. Hai tướng Đinh Khả và Bùi Đô nghe báo, tưởng Trần Tự Khánh có mưu kế gì, vội cho thúc trống báo động liên hồi. Quân sĩ bất ngờ, hoảng loạn, xô va vào nhau mà tự tan vỡ. Nhà vua hốt hoảng, cùng thái hậu và ngự nữ chạy ngược về Trĩ sơn ở châu Lạng.
    Trần Tự Khánh thấy tình hình thay đổi theo hướng bất ngờ như vậy, bứt tóc giậm chân, than rằng:
    - Không ngờ ta ngày càng đắc tội thế này. Xa giá long đong mãi mà ngự nữ ngày càng thêm khổ.
    Nói xong, Tự Khánh một mặt phái sứ giả đến nói với nhà vua thiện ý của mình và xin đón xa giá về cung, mặt khác cho quân nhổ trại, ngày đêm hành quân để theo cho kịp nhà vua. Huệ Tông thấy thế lại càng nghi ngờ, vội đem thái hậu và ngự nữ chạy sang huyện Binh Hợp. Mùa hè năm ấy Tự Khánh đang đem quân kíp theo nhà vua, đi đến cánh đồng thuộc châu Đại Hoàng4, trời vừa tối, liền cho quân dừng lại nấu ăn, cắm trại nghỉ qua đêm. Canh ba bỗng thấy lửa sáng rực trời, tiếng trống, tù và vang lên inh ỏi, quân bốn mặt không biết từ đâu đến, tràn vào trại. Trần Tự Khánh vội vã lên ngựa ra xem, quân sĩ đã hoảng loạn cả lên. Trong ánh lửa, Tự Khánh huơ ngọn giáo nói to  với quân sĩ:
    - Các ngươi chớ sợ. Hãy ra xem ta giết giặc đây.
    Nói xong, Tự Khánh xông ra cửa trại. Vừa lúc một tướng bên kia cưỡi ngựa lướt tới. Tự Khánh chẳng nói chẳng rằng, đâm một giáo. Tướng kia ngã lăn xuống đất. Đám quân theo sau tướng ấy cũng bị Tự Khánh đánh dạt ra. Quân sĩ của Tự Khánh thấy vậy, nhất tề xông lên đánh lui quân giặc. Khi trời  sáng mới biết viên tướng bị Tự Khánh giết lúc đêm chẳng phải ai xa lạ mà chính là Bùi Đô. Hoá ra Huệ Tông trên đường bỏ chạy, dặn Đinh Khả và Bùi Đô đem quân ngăn Tự Khánh. Hai tướng vâng mệnh, phục quân nhằm tiêu diệt cánh quân của Khánh, chẳng ngờ Tự Khánh quá kiêu dũng nên Bùi Đô bị giết, còn Đinh Khả quân sĩ tan tác, vội vã rút đi. Tự Khánh lệnh cho lính nhổ trại, hành quân. Tướng Vương Lê can:
    - Quân kia tuy đã chạy nhưng Đinh Khả là tay vũ dũng, quân lính vẫn còn đông. Tôi nghĩ thế nào chúng cũng quay lại. Nếu chúng ta đang đi mà bị chặn đánh thì nguy lắm. Chi bằng tướng quân cho một nửa quân sĩ nhằm các bụi rậm mai phục, một nửa nấu cơm phân phát cho mọi người. Quân kia quay lại, ta đổ phục binh ra đánh, chắc thế nào cũng được.
    Tự Khánh nghe theo kế ấy, cho Vương Lê và Nguyễn Chi mang quân đi mai phục, lại dặn khi nào thấy lá cờ đỏ ở giữa trại hạ xuống thì đổ quân ra mà đánh, còn mình tự đốc thúc quân lính canh phòng, giữ trại. Quả nhiên đến gần trưa thấy một đạo quân kéo đến. Tướng đi đầu chính là Đinh Khả. Theo sau là bọn Đỗ Kì Hưng, Đàm Bính, Đinh Lâm, ào ạt kéo tới. Trần Tự Khánh đem quân ra ngoài trại bày trận, đợi Đinh Khả tới. Tự Khánh cầm ngược ngọn giáo, cúi đầu chào, nói:
    - Tôi thật có lòng phò tá hoàng thượng mà bị nghi oan, nay đem quân đến đây cũng chỉ muốn cùng tướng quân đón xa giá về triều để xã tắc yên định mà thôi. Xin tướng quân hợp binh cùng tôi đi đón nhà vua cho trăm họ được nhờ.
    Đinh Khả cầm cái dùi sắt chỉ vào mặt Tự Khánh, mắng:
    - Thằng thuyền chài kia, sao dám nói những điều càn rỡ như vậy. Các ngươi ai ra bắt nó cho ta.
    Đàm Bính, cháu Đàm thái hậu, vốn ghét anh em họ Trần, múa cây đại đao xông vào. Tự Khánh đưa ngọn giáo đón đỡ. Hai tướng đang đánh nhau quyết liệt. Bỗng thấy phía sau quân của Tự Khánh bỏ hàng ngũ rút dần về trại. Tự Khánh cũng vừa đánh vừa lui vào trong, sai quân đóng chặt cửa trại lại. Lúc ấy đang là tháng năm, trời nắng như lửa cháy. Quân của Tự Khánh ở trong trại râm mát no đủ. Quân của Đinh Khả ở ngoài trời phơi nắng mệt mỏi. Cuối giờ Ngọ là lúc ánh nắng gay gắt nhất. Quân Đinh  Khả nhiều người tản đi tìm nước uống. Tự Khánh ra lệnh hạ cây cờ đỏ ở giữa trại xuống. Đinh Khả bảo các tướng:
    - Bọn này chắc muốn tháo chạy đây. Các ngươi bắt sống Trần Tự Khánh cho ta.
    Nói rồi Khả cứ việc thúc quân đánh trại, không để ý đến xung quanh. Đàm Bính thấy Tự Khánh không hơn gì mình, hung hăng xông vào cửa trại. Vừa lúc Tự Khánh kéo ra, quát to lên rằng:
    - Chúng bay không biết mắc mưu ta hay sao? Sắp về chầu ông bà, ông vải cả mà còn hí hửng thế ư ?  
*
   Đinh Khả ngớ người ra, đã thấy quân phục của Tự Khánh rầm rập kéo đến. Đàm Bính luống cuống, bị Tự Khánh đâm một giáo, ngã ngựa, chết. Vương Lê, Nguyễn Chi xua quân xông vào chém giết quân Khả ngổn ngang đầy đồng. Đinh Lâm thấy Nguyễn Chi là tay lợi hại, mới bắn một phát tên, trúng ngay giữa ngực, Nguyễn Chi ngã nhào xuống ngựa, quân sĩ vội đến cứu về trại. Đỗ Kì Hưng đánh nhau với Vương Lê, bị Lê vụt một roi, vỡ đầu chết. Đinh Lâm Thu nhặt tàn quân bảo vệ Đinh Khả chạy trốn.
    Tự Khánh thu quân về trại mới biết Nguyễn Chi bị thương, vội vã vào thăm. Nguyễn Chi nói với Tự Khánh:
    - Tôi không thể theo hầu tướng quân được nữa, có lời này xin tướng quân minh xét. Tướng quân cứ theo xa giá mãi; nhà vua lại càng nghi, chi bằng rút quân về Triều Đông, giao kết với các tướng lĩnh quanh vùng để làm phên giậu, rồi sai sứ mang biểu đến tâu với nhà vua thì việc mới có thể xong được.
     Đêm ấy, Nguyễn Chi vì vết thương quá nặng, máu ra nhiều, chết trong trại, mới có hai mươi sáu tuổi. Tự Khánh thương Chi là người trẻ tuổi mà anh dũng, khóc mãi không thôi. Hôm sau tự Khánh theo kế của Nguyễn Chi, đem quân về đóng bên bờ Nhị hà, cho người đến giao kết với tướng quân Lê Mịch ở Yên Duyên và tướng lĩnh các vùng lân cận, một mặt viết biểu sai người đến chỗ Huệ Tông, kể rõ sự tình. 
    Thái hậu cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, thường chỉ tay vào mặt ngự nữ Trần Thị Dung mà nói là bè đảng của giặc,  bảo vua đuổi đi, lại sai người bắt ngự nữ phải tự sát1. Ngự nữ nói với vua rằng:
   - Thiếp ơn nhờ được hoàng thượng yêu dấu, dẫu thịt nát, xương mòn cũng chưa báo được ân tri ngộ. Nay vì anh thiếp mà hoàng thượng gặp bước gian nan. Thái hậu muốn giết, thiếp xin đành chịu không oán thán gì. Chỉ thương nỗi trong mình thiếp đang mang giọt máu của hoàng thượng. Nó có tội tình gì mà cũng phải chết oan.
    Huệ Tông lúc ấy mới biết ngự nữ có thai, liền phong làm Thuận Trinh phu nhân. Thái hậu nghe nói Thuận Trinh phu nhân đang mang thai, càng muốn giết lắm, sai người bỏ thuốc độc vào thức ăn của phu nhân nhưng nhà vua phát hiện ra. Mỗi bữa nhà vua sẻ nửa phần ăn của mình, cho phu nhân ngồi cùng ăn và giữ luôn phu nhân bên cạnh5. Từ đấy phu nhân dẫu không yêu nhà vua nhưng cũng cảm kích vì sự bao dung che chở đó.
    Đầu tháng sáu năm Kiến Gia thứ sáu (Bính Tí-1216), phu nhân sắp sinh, thái hậu sai người đem chén thuốc độc đến, bắt phu nhân phải chết. Vua lại ngăn không cho, đêm ấy cùng phu nhân trốn theo quân của Trần Tự Khánh1. Đi suốt đêm nên phu nhân mệt, lại bụng mang dạ chửa, đến sáng không thể đi tiếp được nữa, hỏi dân mới biết đất ấy là huyện Yên Duyên. Vua gọi người đưa đường đến nhà tướng quân Lê Mịch xin ở nhờ. Tướng quân Lê Mịch nói:
    - Thần không biết xa giá hoàng thượng tới, chậm đón tiếp, mong hoàng thượng xá tội.
    Huệ Tông bảo:
    - Khanh có tội gì đâu mà xá, cho trẫm ở nhờ đây là tốt lắm rồi.
    Lê Mịch nói:
    -  Thần là con dân của hoàng thượng. Sao hoàng thượng lại nói là ở nhờ ? Thần thật đắc tội.
   Nói rồi Lê Mịch sai gia nhân giết dê, mổ lợn thết đãi nhà vua và những người tuỳ tòng, đồng thời phái người đến trại quân của Trần Tự Khánh thông báo. Trần Tự Khánh liền cử tướng Vương Lê đem binh thuyền đi đón. Nhà vua từ giã tướng quân Lê Mịch, đem phu nhân lên thuyền Vương Lê mà đi. Thuyền đi đến bãi Cửu Liên thì phu nhân kêu đau bụng dữ dội. Hoá ra phu nhân vì chạy trốn vất vả nên trở dạ đẻ. Vua liền hạ chỉ cho đỗ thuyền ở bến Cửu Liên, sai người đi tìm bà đỡ và truyền cho Trần Tự Khánh đến chầu. Đêm ấy phu nhân sinh trưởng nữ, sau này phong là công chúa Thuận Thiên.
   Trần Tự Khánh cùng anh là Trần Thừa hộ giá nhà vua về kinh đô. Tháng mười hai năm ấy vua phong Thuận Trinh phu nhân làm hoàng hậu, phong Trần Tự Khánh làm thái uý phụ chính, phong Trần Thừa làm nội thị phán thủ. Trần Thủ Độ giữ chức điện tiền chỉ huy sứ. Trần Tự Khánh cùng với thượng tướng quân Phan Lân, xếp đặt quân ngũ, chế tạo khí giới, rèn luyện binh lính. Dần dần thế quân phấn chấn lên nhiều.
    Trước đây Trần Thừa lấy vợ là Lê Thị, sinh con trai, đặt tên là Trần Liễu (1210). Lúc đón được vua và phu nhân, anh em họ Trần hộ giá về kinh, được phong quan tước, Trần Thừa cho người về quê đón mẹ và vợ con lên kinh đô để gia đình đoàn tụ. Mùa hạ năm Kiến Gia thứ  Tám (Mậu Dần-1218), Lê Thị - vợ Trần Thừa - sinh con trai thứ hai, đặt tên là Trần Cảnh. Trần Cảnh mắt sáng, mặt vuông, tai dài, khi mới sinh, có đám trẻ tụ tập trước cổng hát rằng:
                        
Cành liễu leo cột phía Đông
Mận tàn hạt lép còn mong nỗi gì
 
    Câu hát ấy sau này ứng vào điềm Trần Cảnh lên ngôi vua, nhà Trần thay nhà Lý - Chữ Trần (       ) gồm chữ liễu (     )  bám sát một nét sổ (    ), bên cạnh là chữ Đông (     ). Chữ Đông còn có ý nói họ Trần dấy nghiệp từ phía Đông. Mận chỉ chữ Lý (     ), họ Lý. Mận tàn hạt lép chỉ nhà Lý đã suy tàn, vua không có con trai. Năm Trần Cảnh lên ba tuổi, có ông lão ăn mày đi qua, trông thấy Cảnh đang chơi ở sân, liền nói:
   - Cậu bé này có tướng cực quí, hẳn trứng rồng đã nở rồi đây.         
   Cha Cảnh thấy lạ, cho người ra mời nhưng ông lão đã đi đằng nào rồi.
*
   Việc phong Thuận Trinh phu nhân lên ngôi hoàng hậu và anh em họ Trần nắm giữ quyền bính khiến mâu thuẫn giữa thái hậu và hoàng hậu càng thêm gay gắt. Nhà vua buồn rầu, cùng bọn cung nữ ra chơi vườn ngự uyển. Lúc ấy đang là mùa đông, tháng chạp, gió lạnh thổi hun hút. Vì nhà vua ham chuyện ân ái nên cơ thể gầy yếu, không chịu được lạnh, ôm ngực ho một hồi dài. Bọn thị nữ vội đỡ nhà vua về cung, truyền thái y đến khám thì người vua đã nóng ran, vật vã, khát nước, đổ mồ hôi, mê sảng liên hồi. Thái y xem mạch, bốc thuốc nhưng bệnh không chuyển. Qua tết nguyên đán, bệnh tình của nhà vua ngày càng trầm trọng. Sang tháng Ba vua dần dần phát điên, có khi tự xưng là thiên tướng giáng trần, tay cầm giáo và khiên, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sớm đến chiều mới nghỉ, đòi uống rượu, ngủ li bì đến hôm sau, quyền hành chính sự giao cả cho Trần Tự Khánh.
    Tháng ba năm sau, Kiến Gia thứ tám (Mậu Dần-1218), thành Thăng Long bỗng dưng rung chuyển, vệt động đất lan dài theo hướng Đông Bắc, đến tận châu Cổ Pháp, làm núi Tiên sạt mất một góc. ít ngày sau lại có sao chổi mọc ở hướng Tây Nam. Quan chiêm tinh cho là điềm xấu, làm bản tấu dâng lên, nói:
   
   ...   Cổ Pháp là quê hương nhà Lý, Tiên sơn là nơi đức Thái Tổ hoài thai6, Thăng Long là đất đế đô do Thái Tổ khổ công khởi dựng. Nay bỗng dưng ba nơi ấy đều rung chuyển, đến nỗi Tiên sơn sạt lở, lại có sao chổi mọc ở hướng Đông Nam. Thật là điềm chẳng lành cho xã tắc. Thần lấy làm lo sợ, quỳ tâu, xin hoàng thượng kíp lập đàn tràng, dâng lễ cầu đảo, để nhà Lý được lâu dài, thịnh trị ... ”.
   
   Trần Tự Khánh thay vua xem tấu, nói:
    - Nếu đã là ý trời thì cầu đảo cũng chẳng thể làm gì được.
   Các quan nghe thế rất bất bình nhưng không ai dám nói gì. Tháng chín hoàng hậu sinh thứ nữ, sau phong là công chúa Chiêu Thánh.
*   
    Người thượng ở Quảng Oai vì quá đói khổ, nổi lên làm loạn. Trần Tự Khánh thân cầm quân đem theo bọn Vương Lê, Phùng Tá Chu đi đánh. Lúc ấy đang là cuối thu, trời khô hanh, se se lạnh. Quân sĩ nhằm hướng Tây mà đi, dọc đường chỉ thấy ruộng đồng hoang hoá, làng xóm tiêu điều, dân lưu tán hành khất phiêu dạt khắp nơi, có cả người chết đói. Binh lính nhiều kẻ gặp người nhà đi ăn xin, ôm nhau khóc, cảnh tượng thật thương tâm.
     Mấy ngày sau quân vào đến đất Quảng Oai, trước mặt là rừng núi hoang vu, tuyệt nhiên không thấy bóng thổ dân đâu cả. Tự Khánh cho quân tìm nơi thoáng đãng, có nguồn nước, cắm trại, đề phòng bị đánh úp, cử thám tử đi dò xét quân man. Thám tử về báo không thấy tên phiến quân nào. Tự Khánh cho nhổ trại, tiến sâu vào rừng, các xe lương thảo cũng lục cục theo sau. Đến một thung lũng nhỏ, thấy có đội quân người thượng mặt mũi tô vẽ hung tợn, cởi trần, đóng khố sui, khố đằng7, tay cầm dao quắm, vai đeo tên nỏ, từ đâu hiện ra, Tự Khánh xua quân đuổi bắt. Chỉ nghe một tiếng hú dài kinh người, đội quân người thượng chạy vào con đường rừng. Tự Khánh cho quân đuồi gấp. Phùng Tá Chu nói:
   - Nơi này hết sức hiểm trở. Thái uý nên cẩn trọng kẻo mắc mưu gian của giặc.
   Tự Khánh bảo:
   - Trời ơi! Không đuổi mau đi, có vài tên người man què, lấy đâu ra mà mưu với chả mẹo.
   Nói xong, vẫy ngọn giáo cho quân cứ việc ào ạt xông lên, bỗng trước mặt hiện ra một vách  núi  dựng  đứng  chắn mất lối đi,  hai bên rừng dây leo chằng chịt. Quân thượng biến đâu hết cả. Vương Lê quay lại nói với Tự Khánh:
   - Đây là nơi tuyệt lộ. Ta bị quân man lừa mất rồi. Xin thái uý cho lui binh.
   Lệnh lui quân chưa kịp phát ra thì thấy trên sườn núi nổi lên một hồi tù và dài, rồi gỗ đá, chuỳ chông ào ào lăn tới. Quân sĩ sợ hãi, nhốn nháo tháo lui, lại bị dây rừng quấn quýt vướng vào chân, không sao chạy thoát được. Nhiều người bị gỗ đá, chuỳ chông đè chết hoặc bị thương. Tiếng kêu khóc vang cả núi rừng. Khi ra khỏi tầm lăn của gỗ đá, tưởng là thoát nạn, ai ngờ lại một tiếng hú vang lên rồi tên nỏ không biết từ đâu bắn ra như mưa mà chẳng ai nhìn thấy một tên quân người thượng nào. Quân Tự Khánh chết hại rất nhiều, giẵm đạp lên nhau chạy tháo thân. Vương Lê cầm mộc che cho Tự Khánh, chạy ra đến cửa rừng mới biết là thoát, trên mình Vương Lê đã bị găm bốn mũi tên. Lúc ấy quân người thượng ở đâu xông ra đuổi bắt. May có Phùng Tá Chu đi sau liều chết đánh cản chúng lại, Tự Khánh và Vương Lê cắm cổ chạy. Quân lương bị người man cướp mất cả. Đêm ấy trong trại tiếng khóc than như mưa như gió. Trần Tự Khánh bảo Phùng Tá Chu:
   - Ta không nghe lời ông mới có trận thua này. Bây giờ đã mất hết lương thảo, lòng quân rối loạn. Chi bằng ngày mai hãy rút quân về.
   Phùng Tá Chu nói:
   - Vậy ngày mai thái uý cứ từ từ rút đi. Tôi xin đoạn hậu.
   Vương Lê bị bốn mũi tên, vết thương không sâu vì Lê mặc giáp cứng lại dày, nhưng các mũi tên đều tẩm thuốc độc nên khắp mình sưng tấy rất đau đớn. Đến đêm Vương Lê mê sảng không biết gì. Tự Khánh thương lắm, sai quân dược điều trị, hôm sau bảo quân lính lấy một chiếc xe, lót thật êm cho Vương Lê nằm chở đi, tự mình cầm giáo đi bên cạnh bảo vệ. Tướng sĩ thấy vậy, ai cũng bảo Tự Khánh là người có lòng yêu kẻ dưới.
    *
   Mùa đông năm sau, bệnh tình của Huệ Tông có thuyên giảm. Trần Tự Khánh tâu xin tha tội cho Nguyễn Nộn, sai đi đánh người man ở Quảng Oai.
   Nguyễn Nộn vốn là hậu duệ của Nguyễn Bặc thời vua Đinh Tiên Hoàng, tu hành ở chùa Phù Đổng, sức vóc cường tráng, thường luyện tập võ nghệ, dùng một cây thiết côn dài múa tít, tung lên cao mấy trượng, rồi nhào người theo bắt lấy, kiêu dũng mà mềm mại như một con báo. Năm trước những người đào ao cho nhà chùa, bắt được một cái hòm bằng đá. Nguyễn Nộn cậy ra, bên trong đựng toàn vàng ngọc. Bọn ấy đòi chia phần. Nguyễn Nộn bảo:
   - Để ta đem dâng lên triều đình, thế nào các ngươi cũng được thưởng, nếu tự tiện chia nhau, quan trên biết được, phải tội chặt đầu chứ chả chơi.
   Tuy nói vậy nhưng Nguyễn Nộn lại đem giấu đi làm của riêng. Trong bọn người đào ao có một đứa tên là Hồ Miêu, rất tinh khôn, thấy mãi chả có ai được thưởng gì, mới nghi Nguyễn Nộn đã biển thủ hòm của báu. Hồ Miêu bàn với bọn người đào ao, cùng nhau đến hỏi. Nguyễn Nộn nói:
   - Ta nghĩ lại rồi. Chúng bay không biết câu dân gian, quan tham hay sao? Dẫu ta có đem dâng lên cũng chưa chắc đã đến được triều đình, có khi còn bị họ giết người diệt khẩu, hoá ra chẳng mang vạ cả lũ ư.
   Hồ Miêu nói:
   - Thế thì đem chia quách cho mỗi người một ít là xong. Anh em ta đây không ai nói ra, quan trên làm sao mà biết được.
   Nguyễn Nộn nhất quyết không chia. Bọn người đào ao tức giận đến báo với quan tư xã
đem tuần đinh đến khám, bị Nguyễn Nộn lấy danh nghĩa bảo vệ chùa, đánh cho một trận, chạy tháo thân, phải báo lên quan phủ. Quan phủ mang lính về vây chùa, khám xét tìm thấy hòm vàng ngọc, liền bắt Nguyễn Nộn cùng hòm tang vật, làm sớ tâu lên triều đình. Triều đình giao cho bộ hình bắt Nguyễn Nộn giam vào đại lao tra xét. Trần Tự Khánh thấy Nộn có sức khoẻ lại giỏi võ nghệ, mà vụ án cũng đã rõ ràng, mới xin tha cho và sai đi đánh người thượng.
   Nguyễn Nộn vâng mệnh, điểm binh ra khỏi thành, nhằm hướng Tây đi về đất Quảng Oai. Trong đám thuộc tướng của Nguyễn Nộn, có Đỗ Nguyên Bá là cháu của thượng phẩm phụng ngự Đỗ Quảng. Sau Đỗ Quảng làm phản, bị Tô Trung Từ đánh bại. Đỗ Nguyên Bá muốn trả thù cho chú, đêm ấy vào trướng hỏi Nguyễn Nộn rằng:
   - Năm trước, tướng quân có một mình mà dám chống lại cả quan phủ, nay có binh, có tướng, sao lại phải quỳ mọp dưới chân người ta vậy ?
   Nguyễn Nộn Quắc mắt, hỏi:
   - Ngươi nói thế là có ý gì ?
   Nguyên Bá nói:
   - Việc bắt hay thả tướng quân đều do một tay anh em họ Trần cả. Nay tướng quân coi Tự Khánh như ân nhân, chẳng phải mua cười cho thiên hạ sao? Anh em họ Trần, tuy tiếng là tướng của nhà Lý nhưng thực ra chỉ muốn nuốt chửng nhà Lý mà thôi. Chúng làm nhiều điều xằng quấy, khiến lòng người không phục. Nếu tướng quân khởi binh chống lại họ Trần, tôi chắc thiên hạ về với tướng quân cả.
   Nguyễn Nộn trợn mắt thét:
   - Ta vâng lệnh thái uý, đi tiễu trừ quân giặc. Sao ngươi dám nói càn như vậy. Võ sĩ đâu! Lôi tên này ra chém cho ta.
   Võ sĩ xông vào kéo Nguyên Bá đi. Bá, mặt không đổi sắc, chỉ cười mủm mỉm. Lúc sắp hành hình, Bá vẫn tươi tỉnh như không, lại còn hát mấy câu:
   -                    Trời xanh xanh... hề
                         Đất xanh xanh
                         Đất trời nghiêng ngửa... hề
                         Đâu kẻ hùng anh?
   Nguyễn Nộn thấy thế, hỏi :
   - Nhà ngươi chết đến nơi mà còn vui vẻ thế ư ?
   Nguyên Bá nói:
   - Tôi biết mình không chết, lại gặp người tri kỉ, sao không vui vẻ ?
   Nguyễn Nộn liền sai cởi trói, mời Nguyên Bá vào trướng, hỏi:
   - Sao ngươi biết ta không giết ngươi ?
   Đỗ Nguyên Bá nói:
   - Lời nói phải, lại đúng chỗ, gây nên cái chết thế nào được ?
   Nguyễn Nộn vái Nguyên Bá một vái, nói:
   - Ông thật hiểu hết gan ruột của tôi. Vậy có điều gì mong ông hết lòng chỉ giáo cho. Hiềm một nỗi tôi chưa có công trạng gì, e quân lính không phục.
   Đỗ Nguyên Bá nói:
   - Đánh xong quân man, ắt thành công trạng chứ gì nữa.
   Từ bữa ấy Nguyễn Nộn luôn giữ Đỗ Nguyên Bá bên mình để bàn việc. Mấy hôm sau đi đến đất Quảng Oai, Nguyễn Nộn cho quân sĩ đốt rừng, tiến đánh. Nguyên Bá can:
   - Quân man nổi loạn, chẳng qua do đói khổ làm càn. Tướng quân cho đốt rừng, đánh giết, tất họ chống lại hoặc sợ tản đi. Như thế phỏng có ích gì ?
   Nguyễn Nộn nói:
   - Vậy phải làm sao bây giờ ?
   Nguyên Bá Nói:
   - Tôi chắc quân man thế nào cũng cho người dò xét chúng ta. Tướng quân cứ đem cơm gạo treo lên các cành cây quanh trại, nếu ngày mai không còn, khắc sẽ có kế hay.               
   Nguyễn Nộn nghe theo, cho quân nấu cơm, gói làm nhiều gói, treo lên cành cây trong cánh rừng gần đấy. Sáng hôm sau thấy mất cả. Nguyễn Nộn hỏi, Nguyên Bá nói:
   - Kế này chắc sẽ thành công. Đêm nay tướng quân lại cho treo cơm nhiều hơn hôm qua, ngày mai tôi xin nói rõ đầu đuôi.
   Qua một đêm nữa, số cơm đem treo cũng mất hết. Nguyên Bá mới nghé sát vào tai Nguyễn Nộn nói:
   - Mưu kế của tôi là... thế này... này!
   Nguyễn Nộn cười phá lên bảo:
   - Mẹo của ông, dẫu Lý Thường Kiệt, Dương Đình Nghệ tái sinh cũng không đoán ra được.
   Về phía người thượng, thấy quân lính triều đình kéo tới thì trốn cả vào rừng sâu nhưng vẫn cử một toán bí mật theo dõi, đêm ấy thấy quân triều đình treo nhiều gói trên cây, bảo nhau hạ xuống, thấy toàn là cơm trắng, đang đói sẵn, ăn thử không có độc. Quân người thượng liền lấy hết các gói cơm mang về động, báo với tù trưởng, chia cho mọi người. Đêm thứ hai, tù trưởng sai quân đi, lại lấy được nhiều cơm hơn mà chẳng ai việc gì. Đêm thứ ba, tù trưởng tự cầm đại quân đi lấy cơm, xem xét tình hình. Nửa đêm đến cánh rừng cạnh trại lính triều đình, thấy trong trại đèn đuốc sáng choang, quân lính canh phòng nghiêm mật. Trên cây trong rừng chỗ nào cũng treo lủng liểng vô số những gói cơm, tù trưởng cho quân leo lên tháo xuống, chẳng ai còn để ý đến việc đánh nhau nữa. Vừa lúc ấy một tiếng pháo nổ vang trời, rồi đèn đuốc bốn bên cháy lên, sáng như ban ngày, vây quân người thượng vào giữa. Quân thượng hoảng hốt, toan tìm đường tháo chạy nhưng không thể nào ra khỏi trùng vây. Viên tù trưởng đang luống cuống chưa biết chạy vào đâu, bị một chiếc lưới chụp lên đầu, không sao chui ra được, quân triều đình trói nghiến đưa về trại. Số quân thượng còn lại cũng lần lượt bị bắt hết cả.
   Hoá ra Đỗ Nguyên Bá thấy người thượng trốn vào sâu trong rừng, mới dùng kế mồi ngon câu cá đói, nhử ra mà bắt. Sáng hôm sau Nguyễn Nộn cho dựng pháp trường, đào một cái hố thật to. Lệnh cho quân sĩ điệu bọn người thượng ra đấy để chém hết, đẩy xuống, lấp đất đi.  Khi sắp hành hình, Đỗ Nguyên Bá đem quân đi tuần núi về, liền bảo bọn đao phủ hãy khoan, đợi lệnh, rồi vào nói với Nguyễn Nộn:
   - Tướng quân không nên giết bọn người man mới là đắc sách.
   Nguyễn Nộn bảo:
   - Ta muốn giết sạch chúng đi để trừ hậu hoạ.
   Nguyên Bá nói:
   - Chính giết chúng, tướng quân mới gặp ba điều hoạ, tướng quân sẽ mang tiếng là người ác, dân chúng sợ hãi không theo. Dân chúng đã không theo lấy ai mà sai khiến. Đó là điều hoạ thứ nhất. Tướng quân muốn tranh hùng với họ Trần, tất phải mang quân lên phía Bắc. Phía Tây yên định, họ Trần không lo gì nữa, rảnh tay đối phó với tướng quân. Đó là điều hoạ thứ hai. Giả như muốn về với triều đình, mà bốn bề sóng yên gió lặng cả, tướng quân không biết câu Điểu tận cung tàng  hay sao. Đó là điều hoạ thứ ba.
   Nguyễn Nộn bảo:
   - Chả lẽ bây giờ thả chúng ra à?
   Nguyên Bá nói:
   - Không những phải thả chúng, mà còn cần thết đãi chúng thật đàng hoàng nữa. Người man là giống thật thà, khi chúng đã chịu ơn, tướng quân bảo làm gì mà chúng chả nghe. Kế này gọi là nuôi khỉ dạy làm trò đó.
   Nguyên Bá còn ghé vào tai Nguyễn Nộn, nói nhỏ vài câu, rồi đi ra. Nguyễn Nộn bảo quân lính đưa bọn người thượng trở lại, tự tay cởi trói cho tù trưởng, sai lính thả hết quân thượng ra, cho làm tiệc rượu thết đãi rất trọng thể, lại chia cho một nửa lương thực và cấp cho nhiều vàng lụa, dặn:
   - Các ngươi ở nơi heo hút, đói rét khổ sở muôn phần. Ta không nỡ giết. Từ nay hãy lo trồng cấy, chăn nuôi lấy cái ăn, cái mặc. Không được làm loạn nữa. Sau này có việc gì, cử người lên phía Bắc gặp ta.
   Người thượng lâu rồi không được hưởng ân huệ của triều đình, nay thấy như vậy răm rắp dạ theo, coi Nguyễn Nộn như thiên thần giáng thế, như cha mẹ tái sinh. Mấy hôm sau Nguyễn Nộn kéo quân đi. Dân thượng khóc lóc đưa tiễn, Quân lính của Nộn cũng cho rằng chủ tướng của mình là người nghĩa hiệp. Nguyễn Nộn theo kế của Đỗ Nguyên Bá, một mặt viết sớ tâu về triều đình báo tin đã bình xong Quảng Oai, đang kéo quân về triều. Một mặt cho người chuẩn bị thuyền bè để đưa quân về vùng Thiên Đức. Khi về đến hương Phù Đổng, Nguyễn Nộn cho lính tìm bắt được Hồ Miêu, kẻ trước kia đã phát giác Nguyễn Nộn biển thủ hòm vàng ngọc. Nộn thét quân nọc Hồ Miêu ra đánh. Nguyên Bá thấy vậy chỉ cười. Nguyễn Nộn hỏi vì sao tướng quân lại cười. Nguyên Bá Nói:
   - Chẳng lẽ thượng công không biết trước kia Hàn Tín8 không chỉ báo ân phiếu mẫu mà còn hậu đãi cả gã bán thịt hay sao? Vả lại nếu không có Hồ Miêu tố giác, thượng công đâu có ngày nay.
   Nguyễn Nộn sực tỉnh liền mời Hồ Miêu ngồi cùng uống rượu. Chuyện đó đồn đi, ai nấy đều cho Nguyễn Nộn là người rộng rãi, không chấp kẻ dưới nên nhiều người tìm đến xin theo.
    
*
 
   ở làng Cao Duệ9, huyện Trường Tân thuộc Hồng châu có hai chàng trai là Nguyễn Bằng và Phạm Hữu rất thân với nhau. Cả hai người đều theo học một ông thầy ở làng Đạo Phái10. Hôm ấy hai người đi học về qua cánh đồng, thấy đám trẻ chăn trâu đùa vui, dừng lại xem. Một đứa trong đám trẻ nói:
   - Con trâu nhà tao cày mỗi ngày được năm sào ruộng.
   Một đứa khác bảo :
   - Trâu nhà mày khoẻ thế nào bằng trâu nhà tao được!
   Đứa kia nói:
   - Trâu nhà tao húc mỗi nhát, trâu nhà mày đi đời.
   Đứa này sừng sộ:
   - Thật chứ ? Mày có dám cho trâu đánh nhau không ?
   Đứa kia:
   - Dám chứ sao không. Chết đừng có trách.
   Thế là hai con trâu đang thủng thỉnh ăn cỏ được kéo ra giữa bãi. Hai đứa trẻ thúc cho chúng tiến lại gần nhau nhưng cả hai con đều ngoảnh đi, tiếp tục hì hục gặm cỏ, dường như chúng chẳng để ý gì đến nhau. Hai đứa trẻ quất cho chúng xáp lại gần . Cuối cùng hai con trâu cũng hiểu ra chủ chúng muốn gì. Chúng nhìn nhau bằng con mắt hằn học rồi xông vào kịch chiến. Trận đấu ngày càng dữ dội. Cuối cùng một con dồn được con kia đến bờ khe sâu. Con đuối sức lăn xuống khe, làm lở một mảng đất lớn vì thế con thắng cuộc cũng lao theo. Nguyễn Bằng, Phạm Hữu cùng mấy đứa trẻ chạy lại, hai con trâu đã nằm thở dốc dưới lòng khe, bốn mắt đăm đăm nhìn lũ trẻ như van lơn cầu cứu. Nguyễn Bằng bảo Phạm Hữu:
   - Hai con trâu thật là dại dột, đang yên đang lành lại đánh nhau.
   Phạm Hữu bảo:
   - Hai con trâu có muốn đánh nhau đâu. Muốn đánh nhau là lũ trẻ kia đấy chứ !
   Mấy đứa trẻ reo lên sung sướng.
   - A! Chúng mày ơi! Hôm nay nhất định có thịt trâu ăn rồi!
   Hai chàng trai về đến đầu làng, thấy quan quân đi lại rầm rập, hỏi ra mới biết Đoàn Thượng đang về bắt đinh tráng vào lính. Phạm Hữu bàn với Nguyễn Bằng:
   - Chúng ta đều đã có tên trong sổ đăng lính cả rồi, trốn cũng chẳng được, mà bây giờ thiên hạ đang loạn, đất nước chia năm xẻ bảy. Ta theo Đoàn Thượng, nhỡ Nguyễn Nộn thắng, tất anh em mình không khỏi mang hoạ, chi bằng ta làm như Quản Trọng và Bão Thúc Nha ngày trước, anh cứ về đăng lính, tôi trốn sang Kinh Bắc với Nguyễn Nộn. Sau này ai có lợi thế thì tiến cử người kia. Đó mới là kế vạn toàn. Đợi khi thiên hạ thái bình, ta lại cùng nhau đi học.
   Nói rồi cả hai nhỏ nước mắt chia tay, Nguyễn Bằng đi theo Đoàn Thượng, còn Phạm Hữu sang Kinh Bắc với Nguyễn Nộn. Gặp lúc Nguyễn Nộn đang chiêu binh mãi mã, Phạm Hữu vào xin ra mắt. Nộn thấy Hữu mặt mũi sáng sủa, có chữ nghĩa học hành, lại ăn nói khoát đạt thì quý trọng, liền cho làm chức quản binh hiệu uý, giúp việc ghi chép sổ sách quân lính, lương thảo cho quân sư Đỗ Nguyên Bá.
   Chẳng bao lâu, Nộn thấy quân tình đã mạnh, muốn về Thăng Long, đánh anh em họ Trần, mời quân sư  Đỗ Nguyên Bá đến bàn. Nguyên Bá nói:
   - Cứ như ý tôi, chưa nên xuất quân vội. Ngày nay đã hình thành cái thế thiên hạ chia ba. Anh em họ Trần chiếm được kinh đô, khống chế vua Lý, có thể mượn tiếng triều đình mà sai khiến các lộ. Nhà Lý tuy suy tàn nhưng lòng người chưa dứt. Họ Trần dựa vào đó mà chiếm thế thượng phong, xem như được thiên thời. Đoàn Thượng ở phía Đông cũng ra sức bành trướng thế lực, dựa vào vùng đất rộng, dân giầu, lại có nhiều sông lạch che chắn để thủ hiểm, xem như được địa lợi. Nếu ta mang quân sang sông, nhất định họ Đoàn sẽ đánh vào sau lưng ta, chả nguy lắm sao. Thượng công ở phía Bắc, lực lượng mới xây dựng, hãy nắm lấy nhân hoà.
   Nguyễn Nộn hỏi:
   - Muốn được nhân hoà phải làm thế nào ?
   Nguyên Bá nói:
   - Thượng công mới gây nghiệp. Lòng người chưa yên định. Nay thượng công hãy ra sức thi ân, cứu giúp người nghèo, nâng đỡ kẻ khó, chiêu hiền, đãi sĩ, khuyến khích nông tang, giảm bớt tô thuế. Như vậy lo chi không có được nhân hoà. Khi thế và lực đã đủ mạnh, muốn đánh đâu mà chả được. Đây là kế nhà cao cần móng chắc vậy.
   Nguyễn Nộn nghe theo kế ấy, chiếm giữ hương Phù Đổng, tự xưng là Hoài Đạo Vương, nuôi quân, rèn sức, gọi anh em họ Trần là giặc, xin nhà vua cho được dẹp loạn để chuộc tội.
   Trần Tự Khánh muốn đi đánh Nguyễn Nộn. Thượng tướng Phan Lân can:
   - Ngày nay thế lực của Nguyễn Nộn đã mạnh, không thể đánh thắng ngay được. Đoàn Thượng ở Hồng châu cũng tác oai, tác quái. Ta đem quân đi đánh, tất họ sẽ liên kết với nhau, việc chinh chiến không biết bao giờ mới dứt, trăm họ thêm điêu linh. Chi bằng cứ phong vương cho Nguyễn Nộn để Đoàn Thượng ghen tức mà đánh lẫn nhau. Bên nào thua cũng bớt cho ta một mối hoạ. Trong khi đó thái uý có thể ung dung mà lo việc triều chính có hơn không?
   Hôm ấy Trần Tự Khánh về phủ, cho mời quan điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ đến bàn việc. Trần Thủ Độ nói:
   - Lời bàn của thượng tướng Phan Lân rất phải. Bọn Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng dẫu có hung hăng cũng chưa thể làm gì ta nổi, mà lực lượng của ta cũng chưa thể đánh bại bọn chúng nhanh chóng được, chi bằng cứ củng cố triều chính, bồi dưỡng quân lực rồi sau sẽ liệu.
   Vì thế Trần Tự Khánh không đi đánh Nguyễn Nộn nữa mà tâu lên Huệ Tông, xin nhà vua cứ  hứa  phong vương cho Nộn. Vua tuy chưa phong vương cho Nguyễn Nộn nhưng cũng cử người mang sắc thư đến tuyên dụ. Từ đấy Nguyễn Nộn càng ra sức chiêu mộ quân lính, phát triển địa bàn về phía Bắc, ráo riết chuẩn bị tiến đánh họ Trần. Tin ấy bay về kinh đô khiến Trần Tự Khánh mất ăn, mất ngủ.
 
   Thế mới rõ là:                  
 
Những tưởng xua ưng đi bắt thỏ
 Nào ngờ thả cọp chốn rừng xanh
 
   Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Trần Tự Khánh, Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng tranh giành thiên hạ thế nào.
 --------------------------------       
1- Theo ĐVsktt.
2- Nàng Văn Khương khi còn ở nước Tề thường tư thông với anh trai mình là thế tử Chư Nhi, sau được gả cho vua nước Lỗ. Đến khi Chư Nhi làm vua nước Tề, thường tìm cách cho Văn Khương về nước để anh em được ân ái với nhau.
3- Triều Đông: Bến sông ở phía Đông thành Thăng Long, giáp với Nhị hà (ĐVsktt)
4- Đại Hoàng: Nay thuộc huyện Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình (ĐVsktt).
5- Theo ĐVsktt
6- ĐVsktt chép: Lý Công Uẩn người châu Cổ Pháp-Bắc Giang,  mẹ họ Phạm đi chơi chùa Tiên sơn cùng người thần giao hợp có chửa sinh ra vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất.
7- Khố làm bằng vải chế từ vỏ cây và dây rừng.
8- Hàn Tín nghèo khổ,  bị gã hàng thịt bắt chui qua háng.  Bà phiếu mẫu giặt vải bến sông, thương Tín đói, thường cho ăn cơm. Sau này Tín làm đại tướng của Lưu Bang, được phong tước Tề vương, đem nghìn lạng vàng trả ơn phiếu mẫu, lại trọng đãi cả gã hàng thịt.
9- Cao Duệ: Thường gọi là làng Rồng, thuộc huyện Trường Tân, Hồng châu-nay là làng Cao Duệ, xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc, Hải Dương.
10- Đạo Phái: Nay thuộc huyện Thanh Miện, Hải Dương.

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)