bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NHÀ GIÁO TRẦN TRUNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PV KIM KHÁNH, PHÓNG VIÊN HTV9!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA VIDEO CLIP NÀY LÊN TRANG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 222
Trong tuần: 709
Lượt truy cập: 612933

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (4)

Đan Thành

Nguyên Bá đau bệnh tiến cử Ma Lôi
Trần Thừa xót con công nhận Bà Liệt
 
   Đang nói lúc ấy bọn Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng nuôi quân rèn tướng, tích thảo dồn lương đã được hơn năm năm. Hai nhà lại liên kết với nhau tạo ra thế phên giậu rất vững chắc.
   Chiều ngày rằm tháng chạp, Nguyễn Nộn đang cùng các tướng uống rượu vui vẻ, nghe tin Trần Thủ Độ đã phế vua nhà Lý, liền  trợn mắt, nghiến răng ken két, nói:
   - Thằng thuyền chài này to gan thật. Ta thề phải moi gan nó ra mới nghe. Anh em ai có kế gì phá được họ Trần, sẽ thưởng công đầu.
   Các tướng bàn định, mỗi người dâng một kế sách nhưng xem ra đều bất khả thi cả. Đỗ Nguyên Bá vẫn ngồi uống rượu, chẳng nói chẳng rằng. Nguyễn Nộn thấy thế hỏi:
   - Đỗ quân sư mọi khi rất hăng hái tranh đàm, sao hôm nay ngồi yên thế?
   Nguyên Bá vẫn không nói gì, cứ ngật ngà ngật ngưỡng uống hết chén này đến chén khác. Nguyễn Nộn cáu tiết quát:
   - Đỗ quân sư sao hôm nay lại gở đời ra thế này?
   Nguyên Bá lúc ấy mới ngẩng lên, nói:
   - Xin đại vương tha tội. Tôi đang nghĩ kế cho đại vương nên không để ý. Nay trong đầu tôi đã có kế hay rồi đây.
   Nguyễn Nộn bảo:
   - Quân sư đã có kế hay sao không nói cho mọi người cùng nghe?
   Nguyên Bá cười tươi tỉnh, nói:
   - Quân cơ bất cáo chúng. Đã gọi là kế hay mà lại nói cho mọi người cùng nghe thì còn gì là kế nữa.
   Trương Thái cười ầm lên, nói:
   - Quân sư nói đúng lắm, đúng lắm. Việc ấy để quân sư bàn với đại vương. Anh em ta cứ chén đã.
   Mọi người ai nấy lại uống, say tuý luý cả. Nguyễn Nộn kéo Nguyên Bá vào một căn mật thất, chỗ này là nơi Nguyễn Nộn chỉ khi nào bàn việc cơ mật hoặc giao trọng sự cho ai đó mới dùng đến, nói:
   - ở đây quân sư đã cho ta nghe kế sách được chưa?
   Nguyên Bá hỏi:
   - Có phải đại vương muốn đánh phương Đông?
   Nguyễn Nộn hỏi lại:
   - Sao quân sư biết ?
   Nguyên Bá nói:
   - Xưa nay đại vương là người dùng binh cẩn trọng, lẽ đâu lại bàn việc đại sự hớ hênh như thế nên tôi biết đại vương không có ý đánh họ Trần. Mà muốn đánh phía Đông?
   Nguyễn Nộn nói:
   - Quả quân sư xét việc rất tài, đến Tư Mã Trọng Đạt cũng chẳng hơn gì. Đúng là ta muốn đánh xong phía Đông, gồm thâu binh lực, sau đó mới tính đến họ Trần. ý quân sư thế nào?
   Nguyên Bá nói:
   - Xin đại vương đừng làm vậy. Sở dĩ anh hùng hào kiệt đất Bắc theo về với đại vương là vì ngài biết giữ tín nghĩa. Lâu nay hai nhà Nguyễn, Đoàn liên thủ tạo ra thế phên giậu vì thế họ Trần không làm gì được. Bây giờ đại vương đánh Hồng châu, một khi chiến sự nổ ra, nếu quyết đánh cho kì được thì hao binh tổn tướng mà chắc gì ta đã thủ thắng, lúc ấy không còn liên kết nữa hai bên đều yếu đi, họ Trần sẽ nhân cơ hội đó mà thôn tính từng nhà. Như thế có phải tự nhiên tạo ra cái thế trai cò đấu nhau, lão ông đắc lợi không? Còn không đánh cho kì thắng thì chẳng được gì mà lại gây thù chuốc oán, khác nào tự chặt tay mình. Vả lại Đoàn vương cũng không có lỗi gì với bên ta mà cất quân đến đánh là không chính danh, đã không chính danh tất mang tiếng bất nghĩa, thiên hạ sẽ nghĩ thế nào về đại vương đây?
   Nguyễn Nộn hỏi:
   - Theo quân sư, nên đánh họ Trần ư ?
   Nguyên Bá nói:
   - Đúng vậy.
   Nguyễn Nộn bảo:
   - Ta sợ Thủ Độ là bậc anh hùng thời nay, khó mà đánh được.
   Nguyên Bá nói:
   - Trần Thủ Độ, thực ra y chỉ là một kẻ cơ hội, vũ dũng vô mưu, may mắn nắm được nhà vua, sai khiến thiên hạ chứ đâu có thực tài.
   Nguyễn Nộn hỏi:
   - Muốn đánh họ Trần phải làm thế nào?
   Nguyên Bá nói:
   - Muốn đánh họ Trần trước hết có bốn việc cần làm: Một là cần cử người sang hẹn với Đoàn vương để cùng tiến binh, bảo Đoàn vương vượt sông đánh vào phía Đông Nam, khoá chặt phía Nam thành Đại La rồi phá luỹ, đánh vào Hồng Mai, Kẻ Mơ. Hai là cho người mang vàng bạc đến giúp người man ở Quảng Oai, bảo họ đem quân quấy nhiễu phía Tây để Thủ Độ phải chia bớt quân ra chống đỡ. Ba là ta trương ngọn cờ phù Lý diệt Trần để chiêu mộ thêm binh lính, huấn luyện một đội quân cảm tử. Vì  La thành và Đại La thành Đều có luỹ tre gai dày bao bọc nên tôi sẽ huấn luyện một đạo hoả công binh, dùng vào việc đốt phá luỹ. Bốn là đại vương phải thân đốc thúc việc thu góp thuyền bè để vượt sông.
   Nguyễn Nộn theo kế của Nguyên Bá, lập tức cho quân thi hành. Nguyên Bá chọn trong đám du binh những người tinh tráng khoẻ mạnh, thành lập đạo hoả công binh đưa ra giữa cánh đồng đắp luỹ giả luyện tập. Khi ấy đang là tháng giêng, trời mưa phùn và rét lắm. Nguyên Bá ngày nào cũng đem quân đi tập nên bị cảm lạnh, lúc đầu chỉ ho húng hắng nhưng sau bệnh tăng lên, phát sốt, phải giao việc luyện quân cho viên tuỳ tướng là Phan Ma Lôi. Ma Lôi nguyên  người Chiêm Thành sang buôn bán ở Ai Lao rồi đến Đại Việt, nhân gặp lúc Nguyễn Nộn chiêu binh mới tới ra mắt. Nguyễn Nộn vốn tính hiếu kì, thấy Ma Lôi nói tiếng Việt không sõi, nghe là lạ, nhận vào làm nô. Đỗ Nguyên Bá thấy Ma Lôi thông minh sắc sảo lại chăm chỉ mới xin Nguyễn Nộn cho mình, làm tuỳ tướng. Những công việc Nguyên Bá giao, Ma Lôi đều làm rất chu đáo. Vì vậy Nguyên Bá mới dạy Ma Lôi học chữ và cách dùng binh. Ma Lôi học đến đâu nhớ đến đấy, được Nguyên Bá khen là người cơ trí. Qua rằm tháng giêng, Nguyên Bá ốm càng nặng, Nguyễn Nộn đến thăm. Nguyên Bá hỏi:
   - Mọi việc đai vương đã chuẩn bị đến đâu rồi?
   Nguyễn Nộn bảo:
   - Xong cả rồi, chỉ chờ quân sư khoẻ là khởi binh thôi.
   Nguyên Bá nói:
   - Nhỡ tôi không khỏi thì sao? Mai là ngày Hoàng Đạo, đại vương nên cất quân đi ngay thôi, để chậm lại, mấy tháng nữa nước sông lên to lúc ấy có muốn tiến cũng không được.
   Nguyễn Nộn bảo:
   - Nhưng quân sư ốm thế này nhỡ ra có bề gì thì ta không đành lòng, ba quân biết trông cậy vào ai.
   Nguyên Bá nói:
   - Mạng tôi là ở giời, cần gì phải lo cho lắm. Nhỡ tôi có làm sao cũng sẽ có người khác giúp đại vương.
   Nguyễn Nộn nghe theo, về lệnh cho các tướng hôm sau lên đường, lại sai người đem gấm che cho xe của Nguyên Bá. Hai ngày sau, hậu quân do Nguyễn Sĩ Vinh chỉ huy sang hết bờ hữu ngạn sông Thiên Đức, đội tiền quân do Trương Thái làm tiên phong đã đến bến Bồ Đề. Nguyễn Nộn giữ đạo trung quân, có Vương Thiện Luân và Quách Thanh làm tả hữu đội. Ma Lôi cầm cây phủ đi hộ vệ xe quân sư Đỗ Nguyên Bá ở ngay chính giữa. Nguyễn Sĩ Hiển cùng Võ Hàn chỉ huy đại đội binh thuyền. Buổi chiều lập xong trại trên bến Bồ Đề làm căn cứ vượt Nhị hà. Lúc đó Đỗ Nguyên Bá thấy trong mình khoan khoái, mới bảo Ma Lôi đưa mình đi xem doanh trại rồi cùng Nguyễn Nộn lên đê ngắm dòng sông Nhị cuồn cuộn chảy. Từng xoáy nước cồn lên ngụp xuống, màu phù sa nhuốm trong ánh nắng chiều, đỏ như pha máu. Trên bờ, doanh trại kéo dài dọc theo triền sông liên tiếp mấy dặm, các trại đều có bốn cửa, ra vào thuận tiện che chắn cho nhau. Dưới sông thuyền bè san sát, chia làm ba đội, tiến lui rất nhịp nhàng, các đội có thể thay nhau chở quân sang rồi  quay về thuận tiện. Hàng vạn tay cung sẵn sàng giội những trận mưa tên về phía quân địch. Những giàn lệ chi pháo  nghễu nghện trên các thuyền lớn, chĩa sang bên hữu ngạn. Cờ xí tung bay, chiêng trống vang lừng. Đỗ Nguyên Bá nói với Nguyễn Nộn:
   - Ráng chiều đỏ thế này, sáng mai chắc gió Đông Bắc thổi mạnh. Đêm nay đại vương cho quân canh tư nấu cơm ăn, canh năm bắt đầu sang sông. Trời sáng, đạo tiền quân phải sang hết bờ bên kia, dọn đường cho đại quân ta kéo sang. Gió càng  mạnh càng thuận lợi cho ta. Quân Trần ở bờ Tây Nam là mất lợi thế rồi.
   Nguyễn Nộn vui vẻ nói:
   - Không ngờ hành quân vất vả thế, quân sư lại khoẻ lên. Thật là trời giúp ta. Thủ Độ, lần này xem ngươi có còn tác yêu tác quái được nữa không?
   Nguyễn Nộn nói xong cười ha hả, dẫn mọi người về trại. Nửa đêm Đỗ Nguyên Bá đau lắm, thổ ra nhiều máu tươi, gọi Ma Lôi lại bên giường, đưa cho cuốn sách, dặn:
   - Ngươi theo ta mấy năm nay, ít nhiều đã học được chút binh pháp. Đây là cuốn Bát thập nhất kì mưu, ta đã dày công đúc kết trong nhiều năm, áp dụng chưa bao giờ sai sót, nay trao lại cho ngươi. Ta xem trong người không thể sống thêm được nữa. Sau khi ta đi rồi, ngươi phải hết lòng phò tá đại vương. Mong ngươi chớ phụ lòng ta.
   Ma Lôi khóc lạy, nhận sách rồi cho người đi báo với Nguyễn Nộn. Lúc Nguyễn Nộn tới, Nguyên Bá đã yếu lắm. Nộn cầm tay Bá, khóc nói:
   - Quân sư ơi! Chẳng lẽ lại bỏ ta mà đi trong lúc này ư?
   Nguyên Bá nói rất khẽ:
   - Tôi từ khi theo đại vương, ngoài là nghiã quân thần mà thực ra bên trong đại vương coi tôi như bè bạn, nói thì nghe, kế thì dùng. Ơn ấy sâu nặng lắm, tiếc rằng kiếp này chưa thể báo đền. Nay tôi không theo hầu đại vương được nữa, xin đại vương chớ đau buồn. Ma Lôi là người có thể thay tôi, xin trả lại đại vương để đại vương sai khiến. Đại vương nhận một lạy! Tôi đi!
   Quân sư Đỗ Nguyên Bá nói xong thì tắt thở, năm ấy mới hai mươi tám tuổi. Nguyễn Nộn thương khóc không biết nhường nào. Trời đang khô tạnh bỗng mưa gió ào ào một lúc. Người ta nói đó là trời đất khóc Đỗ Nguyên Bá. Khi còn sống, Nguyên Bá có công nhưng không kiêu ngạo, tuổi trẻ ở ngôi cao mà vẫn chan hoà với mọi người, lại thường khuyên Nguyễn Nộn giữ điều tín nghĩa với kẻ sĩ, làm phúc cho bách tính. Nghe tin Nguyên Bá mất, từ quan đến dân xứ Bắc ai ai cũng thương khóc như mất người thân trong nhà. Sau trong dân có bài thơ than Nguyên Bá rằng:
               Quân sư Đỗ Nguyên Bá
               Tuổi trẻ tài cao
               Kiên trung trời đã tỏ
               Nhân nghĩa đất cũng hay
               Mưu cơ một khối óc
               Sức lực hai bàn tay
               Giữa đường sao đứt gánh
               Thương thay thương thay!
   Đỗ Nguyên Bá chết, Nguyễn Nộn không dám tiến binh, cho người phi báo với Đoàn Thượng để Thượng kịp dừng lại. Trong khi đó bên Hữu ngạn Nhị hà, quân Trần ra sức củng cố phòng tuyến. Hai tướng Lê Khâm và Vương Lê đóng bản doanh ở bến Triều Đông thủ thế. Dùng dằng sang tháng hai vẫn chưa bên nào dám vượt sông, trời mưa dầm gió bấc, quân lính khổ cực không biết nhường nào. Phùng Tá Chu tâu rằng:
   - Nay vẫn còn gió Bắc, đánh nhau trên sông tất quân ta thất lợi. Chi bằng hoàng thượng cứ phong  vương cho hai nhà Nguyễn, Đoàn để họ bãi binh. Đợi sang Hè ấm áp hẵng liệu sau.
   Lúc ấy nhà vua còn ít tuổi chưa quyết định được. Thái sư Trần Thủ Độ nói:
   - Lời bàn của Phùng thái phó rất phải.
   Nhà vua mới cử sứ giả mang chiếu sang phong cho Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo vương, chia cho đất Bắc Giang thượng, Bắc Giang hạ và Đông Ngạn. Nguyễn Nộn quỳ lạy xưng thần rồi lệnh cho rút quân về Bắc. Phan Ma Lôi can:
   - Nay quân ta đang lợi thế. Họ Trần vì sợ mới phải đem mồi ra nhử. Đại vương nhân đây đánh ngay tất được, sao lại lui binh.
   Nguyễn Nộn nói.
   - Điều đó phải đâu ta không biết. Không phong vương ta vẫn là vương. Chia đất hay không đất ấy vẫn là của ta. Chúng đem cái của ta mà cho ta mới thật nực cười. Nhưng quân sư vừa mất, trong lòng ta trăm sự rối bời, quân tình nao núng, tiến binh chắc không lợi. Vả lại việc binh cốt thần tốc bất ngờ, điều cốt yếu ấy lỡ mất rồi. Quân Trần đã phòng bị chu đáo, ta làm sao mà thủ thắng được đây.
   Ma Lôi nói:
   - Đại vương đã có ý như vậy, việc rút quân phải cẩn trọng. Lê Khâm và Vương Lê là những tay rất giỏi thuỷ chiến, nếu thấy quân ta rút thế nào cũng đem quân chặn ngả về Thiên Đức giang thì quân ta khốn ngay.
   Nguyễn Nộn nói:
   - Ngươi nói phải lắm. Vậy làm sao?
   Ma Lôi nói:
   - Đêm nay trời mưa bụi, cách xa trăm bước không nhìn thấy nhau, ta cho một đội thuyền nhẹ đánh trống hò reo, giả vờ tấn công, còn đại đội binh thuyền của Nguyễn Sĩ Hiển mau chóng rút ngay về sông Thiên Đức để đưa bộ binh sang sông. Trên bờ nên giữ nguyên cờ  quạt, lều trại để nghi binh.
   Nguyễn Nộn nghe theo, sai người đi thực hiện.
   Bên hữu ngạn, Vương Lâm là con trai của Vương Lê nói với bố:
   - Con nghĩ Nguyễn Nộn đã thụ phong, chắc lơi lỏng phòng bị. Đêm nay ta cho quân tập kích, thế nào cũng thắng.
   Vương Lê nói:
   - Nguyễn Nộn là tay dùng binh lão luyện, chớ khinh thường mà mắc mưu hắn.
   Vừa trống canh một, thấy bên tả ngạn trống đánh vang lừng, đèn đuốc sáng trưng. Trong ánh đuốc sáng mờ mờ, bóng tinh kì phấp phới suốt một dải dài đến mười mấy dặm. Mấy lớp thuyền địch xông sang, tên bay, pháo nổ vang cả mặt sông. Lúc ấy Lê Khâm về thành bàn việc với Trần Thừa. Vương Lê không biết quân địch nhiều hay ít nên chỉ ra lệnh các đạo binh thuyền phải giữ vững cửa trận không được ra đánh, lại cử mấy tốp lính bơi thuyền nhẹ đi thám thính. Quá canh ba thấy thuyền địch không ham đánh nữa mà kéo dần về phía thượng lưu. Quân thám thính cũng về báo quân địch chỉ có chưa đến năm mươi chiếc thuyền nhỏ do Võ Hàn chỉ huy nghi binh thế thôi, còn đại đội binh thuyền của Nguyễn Sĩ Hiển đã rút cả về phía sông Thiên Đức rồi. Vương Lê liền cho thuyền chiến đuổi theo nhưng đoàn thuyền của Võ Hàn đã đi xa.
   Đoàn Thượng thấy Nguyễn Nộn nhận phong lui binh, cũng rút quân về Hồng châu.

   Mùa hạ, tháng năm, Văn hoàng đế Trần Cảnh phong em là Trần Nhật Hiệu lúc ấy mới hai tuổi làm Khâm Thiên đại vương, phong phẩm hàm cho các quan văn võ, lấy ngày sinh mười sáu tháng sáu làm tiết Càn Ninh. Mùa đông tháng mười tôn phụ quốc thái uý Trần Thừa làm thượng hoàng.  
   Thượng hoàng Trần Thừa lúc còn ở nhà, vẫn thường đánh cá ngoài sông. Vào năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ Ba (1204), đời Lý Cao Tông, Trần Thừa đã hai mốt tuổi, một hôm quăng chài nhưng mãi đến chiều vẫn không được con cá nào, cứ xuôi dòng đi mãi xuống hạ lưu, không ngờ gần tối trời nổi cơn dông hất tung thuyền lên bãi ngô bên bờ. Có người con gái họ Mai đi hái bắp về, trông thấy Thừa nằm sóng soài trên cát mới lấy áo tơi che cho rồi đưa về nhà ở thôn Bà Liệt. Nhà Mai Thị rất nghèo, chỉ có hai mẹ con mà Trần Thừa lại ốm sốt. Bà mẹ Mai Thị đem con gà mái đang ấp ra chợ bán lấy tiền mua thuốc cho Thừa. Còn những quả trứng sắp nở phải ủ trong trấu ấm, ít hôm sau nở ra một lũ gà con không mẹ, không cha. Trần Thừa ở đó mấy ngày, thấy Mai Thị xinh đẹp mà nghèo quá, có ý thương. Mai Thị thấy Thừa khoẻ mạnh cũng mến lắm. Hai người tình ý với nhau. Đến khi Mai Thị có mang, Trần Thừa bảo:
   - Tôi ở đây đã lâu, sợ cha mẹ mong đợi. Vả lại tôi phải về nói với cha mẹ đem cơi trầu đến cưới hỏi để cô khỏi mang tiếng là người lang chạ.
   Mai Thị cầm tay Thừa, khóc nói:
   - Anh về quê, tôi ở đây đợi anh, một ngày dài tựa một năm. Mong anh mau quay lại.
   Thừa bảo:
   - Cô tưởng tôi sung sướng lắm hay sao? Phải xa nhau, đẩy mỗi mái chèo là đứt từng khúc ruột, nhớ nhung khổ lắm chứ. Cứ yên lòng, chỉ độ mươi mười lăm ngày là tôi quay lại thôi mà.
   Mai Thị bảo:
   - Mong anh nhớ lấy lời.
   Trần Thừa nói:
   - Tôi có là vua là chúa gì mà quên lời cho được.
   Hai người gạt nước mắt chia tay, kể bao tình lưu luyến. Nhà chỉ còn một đấu gạo, Mai mẫu thổi cơm nắm cho Trần Thừa mang đi ăn đường, còn hai mẹ con nấu cám với ngô non ăn trừ bữa.
   Trần Thừa đi thấm thoắt đã được mươi ngày. Mai Thị tựa cửa trông chờ, cầu trời khấn phật cho người đi mỗi bước sông nước là mỗi bước may mắn. Mười lăm ngày rồi một tháng, hai tháng Trần Thừa không trở lại, hai mẹ con Mai Thị chỉ biết sùi sụt khóc thầm. Đến lúc năm tháng, Mai Thị không thể giấu cái bụng được nữa. Lý trưởng làng Bà Liệt sai trương tuần mang đinh tráng đến bắt Mai Thị ra đình cho làng phạt ăn khoán nhưng nhà Mai Thị không có thứ gì có thể bán đi để làng ăn. Lý trưởng bắt nọc Mai Thị ra giữa sân đình, đánh đến rách cả da thịt, truy hỏi xem kẻ nào là cha của cái thai để báo lên cho quan huyện Tây Chân bắt vạ. Mai Thị nhất quyết không khai. Mai mẫu thương con, đành điểm chỉ vào tờ văn tự bán mảnh đất đang ở lấy tiền nộp cho lý trưởng, hai mẹ con dắt díu nhau đi tha phương cầu thực.
   Mai mẫu phần vì thương con, phần vì già yếu không chịu được đói rét. Một chiều đông mưa gió, hai mẹ con nhịn đã mấy ngày, Mai mẫu mệt lả trong quán chợ, thều thào dặn Mai Thị:
   - Mẹ không sống được nữa, thế nào con cũng phải tìm cho được anh Thừa, xem ra có điều uẩn khúc gì đây. Mẹ quyết không tin anh ấy là người phụ bạc.
   Mai mẫu nói xong, tắt thở. Mai Thị khóc đến khản cả tiếng, thân gái quê người không biết làm cách nào chôn cất cho mẹ. Mãi chiều hôm sau có người người đàn ông cầm cái tròng bắt lợn đi qua, thấy tình cảnh như vậy, bảo:
   - Này nhà cô kia, có muốn tôi chôn cất mẹ cô không?
   Mai thị vừa khóc vừa lạy người đàn ông:
   - Con cắn rơm cắn cỏ lạy ông. Ông làm ơn làm phúc chôn cất cho mẹ con, con thề làm trâu làm ngựa đền ơn ông.
   Gã hoạn lợn cười hề hề, nói:
   - Tôi không cần cô làm trâu làm ngựa, chỉ cần cô làm vợ là được.
   Mai thị nói:
   - Trăm lạy ông, ngàn lạy ông, con là gái đã có chồng lại bụng mang dạ chửa, mong ông thương cho.
   Gã hoạn lợn nói:
   - Có chồng à? Sao không bảo cái thằng chồng cô nó chôn mẹ cho. Tôi cũng chỉ cần cô làm vợ một đêm là được... Bụng chửa à? Bụng chửa càng sướng chứ sao! Tôi vừa thiến mấy con lợn cho nhà cụ chánh có tiền đây. Nếu cô ưng lòng, tôi thuê người đào huyệt ngay, còn không cứ để mẹ cô nằm đấy đến có bọ ra cũng chẳng ai chôn đâu. Bây giờ đói kém, người chết đầy ra kia kìa.
   Mai thị rùng mình ghê sợ nhưng quá thương mẹ, đành nhắm mắt nói:
   - Vâng! Con xin vâng theo ý ông.
   ở nhà gã hoạn lợn ra, Mai Thị như người mất hồn, tuy không được học hành nhưng cô cũng hiểu chữ trinh đáng giả ngàn vàng, chỉ có thể dành cho người mình yêu. Vâỵ mà bây giờ chữ trinh ấy đã bị gã hoạn lợn bôi nhọ lên rồi. Tủi thân, cô đứng khóc bên bờ sông, mặc cho gió lạnh luồn qua manh aó rách bỡn cợt cái thân xác tả tơi khốn khổ của mình. Cô biết đi đâu về đâu giữa nơi đất khách. Trời cao đất dày nào có hiểu thấu nỗi thống khổ của cô, chỉ có dưới kia dòng sông đỏ quạch phù sa chảy cồn cào như khuyến khích cô về với nó. Mai Thị đã toan gửi thân vào dòng nước nhưng cô cảm thấy đứa bé trong bụng đang cựa quậy. Cô không có quyền cướp đi mạng sống của nó. Nó không chỉ thuộc riêng cô. Nó là con anh ấy. Cô chết đi nghĩa là cô giết hại nó, tội đó dẫu có xuống đến mười tám tầng địa ngục cũng không sao chuộc hết. Cô phải sống vì nó, vì anh ấy. Nghĩ vậy, Mai Thị thất thểu bước đi, bóng cô dật dờ giữa khoảng đồng không, dưới bầu trời đầy mây đen và gió lạnh. Đến một ngã ba đường, cô gục xuống bãi cỏ. Trong bóng tối huyền hoặc của trạng thái nửa mê nửa tỉnh, cô nghe tiếng ai đang hú hồn gọi cô về. Tiếng hú sao mà thê lương thảm thiết quá, nó như xiết vào không gian, hút trong từng cơn gió lạnh, làm cô thấy toàn thân nổi da gà, rùng mình mở mắt. Có tiếng người cười nói:
   - A! Tỉnh rồi đây.
   - Không chết được đâu. Hôm trước có mấy người cũng lả đi thế này, cho húp vài miếng cháo là tỉnh ngay thôi mà.
   - Mấy người hẵng dãn ra một tí. Người đói lả thì có gì lạ mà cũng xúm lại xem, bỏ cái váy này ra được rồi đấy.
   Người cứu Mai Thị là bà lão bán bánh đa nướng. Hôm ấy bà đi chợ về, thấy Mai Thị nằm bên vệ cỏ nhưng chưa chết, cái thai trong bụng có lẽ sắp đến ngày sinh. Bà liền nhờ người khiêng về nhà cứu chữa. Có người nói:
   - Sinh dữ, tử lành. Bà mang người sắp đẻ về nhà làm gì?
   Bà lão bảo:
   - Ôi dào! Tôi ngần này tuổi đầu rồi còn sợ gì lành mới chả dữ. Phật dạy cứu một người phúc đẳng hà sa. Các bác cứ mang cô ấy về cho tôi. Lành dữ đâu tôi chịu.
   Hôm sau, Mai Thị khoẻ hẳn, sợ làm phiền bà lão nên có ý muốn đi. Bà lão bảo:
   - Nếu con không có nơi nào nương tựa, cứ ở đây với già. Đời già cũng nhiều cay đắng lắm. Bây giờ chỉ có một mình, có con bầu bạn cũng tốt. Mẹ con ta giúp nhau khi tắt lửa tối đèn.
   Từ hôm ấy Mai Thị ở lại nhà bà lão, ngày ngày say bột, tráng bánh cho bà mang đi chợ bán. Được hơn một tháng, Mai Thị sinh ra đứa con trai khôi ngô, khoẻ mạnh. Bà lão bán bánh đa bảo:
   - Đặt tên là Bà Liệt để ngày sau nó biết lối mà tìm về quê.
   Năm sau bà lão bán bánh đa ốm mất. Mai Thị nối nghiệp, vẫn làm bánh đa đem ra chợ bán nuôi con. Bánh đa Mai Thị làm ngon, lại dày dặn nên bán được giá mà đắt khách, vì thế sung túc dần lên. Một hôm Mai Thị ra chợ bán bánh, thấy Trần Thừa đang mặc cả mua tấm lưới, liền chạy lại ôm lấy Thừa, khóc nói:
   - Ôi anh Thừa ơi! Thế là tôi đã tìm được anh. Con anh hai tuổi rồi đây.
   Nói xong, Mai Thị chỉ đứa bé ngồi bên sọt bánh đa. Cô sung sướng trào nước mắt, nghĩ thế nào Thừa cũng chạy lại ôm con nhưng Trần Thừa nói:
   - Ô! Cô này nói gì lạ vậy, tôi làm sao có con với cô được.
   Nói xong Trần Thừa bỏ đi, mặc cho Mai Thị đứng khóc ngay giữa chợ. Có người biết nhà ông Trần Lý ở Lưu Gia, mách đường cho Mai Thị tìm đến nhưng Trần Thừa nhất định không nhận Bà Liệt là con mình. Ông Trần Lý không biết làm thế  nào, đành cho đứa bé một số tiền,  bảo mẹ con bế nhau về.  Mai Thị không nhận tiền, nói:
   - Anh Thừa đã có con với tôi, nay dù anh quên lời nói cũ mà không nhận con, tôi cũng không biết làm thế nào nhưng trước sau gì thằng bé này cũng vẫn là con của anh. Từ nay dù anh có đi đến đâu, tôi cũng mang nó đi theo. Tôi không cần anh  nuôi nó, chỉ cần đừng để nó không có bố là được.
   Sau này Trần Thừa lấy vợ họ Lê, có con, có công hộ giá được phong làm nội thị phán thủ, mang gia quyến lên kinh thành ở. Mai Thị cũng đem Bà Liệt lên thành Đại La, hai mẹ con vẫn sinh sống bằng nghề bán bánh đa. Bà Liệt càng lớn càng khoẻ mạnh, vạm vỡ, thường cùng bạn bè rủ nhau đi học võ, đánh vật, bắn cung môn nào cũng tỏ ra xuất sắc. Khi Trần Tự Khánh chết, Trần Thừa được phong làm phụ quốc thái uý, tiếng tăm lừng lẫy. Thừa cho tuyển trong dân những trai tráng có sức khoẻ, giỏi võ nghệ, lập một đội võ vật. Bà Liệt về nói với mẹ xin được đi tòng quân.
   Mai Thị nói:
   -  Con muốn đầu quân, mẹ không giữ nhưng phải gắng sức lập công đừng để mang tiếng xấu cho cha đấy nhé.
   Bà Liệt nói với viên hiệu uý, xin vào đội võ vật. Viên hiệu uý thấy Bà Liệt rất giống Trần Thừa, buột miệng hỏi:
   - Nhà ngươi có họ hàng gì với quan thái uý hay không?
   Bà Liệt nói:
   - Thái uý là cha tôi.
   Viên hiệu uý đem lời ấy về bẩm lại với Trần Thừa. Thừa bảo:
   - Chỉ nói tào lao. Chẳng lẽ thằng Liễu nhà ta lại xin vào đội võ vật.
   Viên hiệu uý bẩm:
   - Bẩm thái uý! Không phải là công tử Liễu đâu ạ. Người này nói tên là Bà Liệt, quê ở Hải ấp lại rất giống thái uý nên hạ chức mới dám vào bẩm ạ.
   Trần Thừa biết đích xác là con mình đã đến nhưng mẹ Bà Liệt chỉ là một hạ dân làm nghề quạt bánh đa hèn mọn nên quyết không nhận, nói:
   - Sao ngươi nói lẩn thẩn mãi thế? Ta làm gì có con nào như vậy nhưng nó muốn vào đội thì cứ cho nó vào, cấm không được nói năng quàng bậy, ăn đòn đấy.
   Hôm sau, viên hiệu uý nói với Bà Liệt:
   - Mẹ ngươi là người quạt bánh đa, sao ngươi là con của thái uý được.
   Sau buổi tập hôm ấy, đám tân binh nhao nhao chế giễu Bà Liệt:
   - Ê cái đồ thấy người sang bắt quàng làm họ kìa. Mẹ quạt bánh đa mà đòi là con thái uý.
   - Anh em xem thằng nhận vơ xấu chưa kìa.
   - Tớ cứ tưởng đằng ấy vào phủ thái uý ở rồi cơ đấy.
   Bà Liệt tủi thân nhưng không dám nói gì, chỉ lủi thủi tìm chỗ ngồi một mình. Viên hiệu uý là người đã đứng tuổi, tính điềm đạm, có ý thương, hỏi:
   - Ngươi nói là con thái uý, có gì làm bằng không?
   Bà Liệt mới đem hết chuyện nhà tâm sự với viên hiệu uý. Viên hiệu uý hiểu rõ sự tình càng thương Bà Liệt, an ủi:
   - Thôi cháu ạ! Ta chưa rõ chuyện của cháu thực giả đến đâu nhưng cuộc đời lắm nỗi éo le, không biết thế nào mà lường. Cháu cứ chịu khó tập tành, sau này có dịp lập công chẳng sợ gì không giầu sang phú quí.
   Bị cha ruồng bỏ như vậy nhưng Bà Liệt vẫn giữ lòng trung trinh, gắng công rèn tập, võ nghệ làu thông, không hề tỏ ra một lời trách oán. Một hôm Trần Thừa dẫn lính đi săn trong rừng bỗng có một con hổ vằn xông ra định vồ. Con ngựa sợ hãi chồm lên, hất Trần Thừa xuống đất. Các tướng ai cũng hoảng cả lên. Bà Liệt cầm cây roi sắt tiến đến vụt con hổ một nhát thật mạnh, làm nó đau quá rống lên chạy biến vào rừng. Bà Liệt vội đỡ Trần Thừa dậy. Lúc về thành, Trần Thừa cũng chỉ thưởng cho Bà Liệt một chiếc áo. Hôm sau được nghỉ, Bà Liệt về khoe với mẹ. Mai Thị bảo:
   - Con cứu được cha, thật không phụ công mẹ nuôi con bấy nay.
   Đến khi Trần Thừa được tôn làm Thượng hoàng, càng ra sức luyện tập quân lính, chú trọng việc võ bị. Một hôm đội lính vật đá cầu. Bà Liệt mải tranh quả cầu với người trong đội, hai bên xô xát. Người kia khoẻ hơn, vật ngã Bà Liệt, bóp cổ Liệt suýt nghẹt thở. Thượng hoàng Trần Thừa lúc ấy đang xem, quên mất phải giữ danh giá của đấng thượng hoàng chí tôn chí kính, ngài thét lên:
   - Con ta đấy !
   Người lính vừa vật ngã Bà Liệt sợ hãi lạy tạ. Còn Bà Liệt đứng ngây ra. Trước đây bị hắt hủi ruồng bỏ, chưa bao giờ chàng khóc. Hôm nay nghe câu nói đó phát ra một cách tự nhiên từ miệng thượng hoàng, chàng thấy như tim mình thắt lại. Niềm sung sướng hạnh phúc tột đỉnh hoà với nỗi tủi cực ê chề làm những giọt nước mắt trào ra lăn dài trên hai gò má của chàng.
   Ngay hôm sau, thượng hoàng sai mang kiệu, cùng với Bà Liệt đến đón Mai Thị vào cung để phong làm hoàng phi. Mai Thị nói:
   - Tôi có bao giờ mong được làm hoàng phi đâu. Với tôi, ông cũng chả là thượng hoàng gì cả. Tôi phải lòng là phải lòng anh Trần Thừa đánh cá năm xưa. Trải bao năm tháng sóng gió dập vùi, tôi không còn trong sạch để thờ ông; đó là lỗi ở tôi. Tôi còn sống đến ngày hôm nay là mong có lúc trả lại đứa con của ông cho ông. Giờ ông đã nhận nó rồi, con tôi đã có cha rồi, tôi không còn gì phải ân hận nữa, cũng không mong muốn gì nữa. Tôi giao nó lại cho ông từ đây đấy.
   Nói xong, Mai Thị bỏ vào nhà trong, lúc lâu cũng chẳng thấy ra. Trần Thừa cho thị nữ vào mời. Người thị nữ chạy ra kêu lên:
   - Hoàng phi treo cổ tự vẫn rồi.
   Bà Liệt thét lên:
   - Mẹ ơi! Mẹ chết rồi, con sống làm gì nữa đây.
   Nói xong, rút gươm ra tự sát.
   Thế mới là:
 
                  Nhận cha chưa kịp vui sum họp
                  Mất mẹ đã mang hận chia lìa
 
   Mời bạn đọc tiếp chương sau xem tính mạng Bà Liệt ra sao.

                                                                                                Đ.T

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)