bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 31
Trong tuần: 1047
Lượt truy cập: 630941

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (6)

Đan Thành

Thái sư giết tôn tộc nhà Lý ở thái đường Hoa  Lâm
Hoàng thượng hỏi đạo đời Phù Vân trong thảo am Yên Tử
 
   Hãy nói Nguyễn Nộn từ khi đánh tan Đoàn Thượng, nghĩ mình là vô địch trong thiên hạ, tự xưng là Đại Thắng vương, bắt nhiều con gái đẹp của đất Hồng châu về hầu hạ, đã bị bệnh tâm thần hoảng loạn lại quá ham mê tửu sắc, sức lực mỗi ngày một giảm, hơn nữa lúc nào cũng bị lời thề của Đoàn Thượng ám ảnh nên trong lòng luôn không được yên. Nộn sợ Trần Thủ Độ biết, mới cho quân nói phao lên rằng quân số của mình ngày nay đã lên tới mười lăm vạn, chỉ qua tết nguyên đán là tiến sang bờ Nam, bao vây kinh thành. Tin ấy bay về Thăng Long, nhà Trần lo lắm. Trần Thủ Độ xin cử Phạm Kính Ân đem quân sang sông tuần thám còn mình tự điều vát quân sĩ sẵn sàng đánh giặc. Lê Khâm tâu:
   - Trong phép thủ thắng không đánh mà giặc tự tan là thượng sách, cùng bất đắc dĩ phải giao chiến thì giữ cho ít tốn xương máu là trung sách, thắng mà hao binh tổn tướng là hạ sách. Cứ như  ý tôi, thái sư không nên cất quân vội, cần có bước chuẩn bị kĩ trước đã.
   Trần Thái Tông lúc ấy mới chín tuổi, ngồi thiết triều, hỏi:
   - Khanh bảo chuẩn bị thế nào?
   Lê Khâm tâu:
   - Binh thư nói biết mình biết người trăm đánh trăm thắng. Muốn biết được người tất phải dụng gián, dụng thám. Việc cho Phạm Kính Ân sang sông là cần thiết nhưng như vậy cũng mới chỉ biết được bên ngoài của quân địch, muốn biết nội tình, cần có người vào tận hang ổ của chúng.
   Thái Tông nhìn Thủ Độ, hỏi:
   - Thượng phụ bảo thế có đúng không?
   Thủ Độ tâu:
   - Khuông quốc thượng tướng quân1 nói rất có lí, nhưng ai sẽ là người vào được hang ổ của chúng bây giờ.
   Phùng Tá Chu nói:
   - Thần nghĩ việc này cũng không khó, nhưng cần có người dám liều thân cho xã tắc.
   Thái Tông bảo:
   - Liều thân thì liều thân, các khanh cứ bàn đi, nhanh nhanh lên trẫm còn đi đào dế đây.
   Phùng Tá Chu tiếp:
   - Nguyễn Nộn là kẻ tham của, hám danh mà háo sắc. Nay nhân việc y vừa đánh thắng Đoàn Thượng, nhà vua nên gia phong cho hắn lại đem con gái hoàng tộc gả cho để dò tin tức từ trong, như vậy lo gì không biết được nội tình của chúng.
   Thái tông nghe theo kế ấy, liền sai sứ sang phong cho Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương. Thượng hoàng phong cho cháu vợ là Ngoạn Thiềm làm công chúa gả cho Nộn.
   Nguyễn Nộn được gia phong tước lộc, lại lấy được công chúa Ngoạn Thiềm, mãn nguyện lắm, tự thấy mình đau ốm, quân lực cũng không bằng họ Trần mới sai sứ về kinh tạ ơn, xưng thần và hẹn đến tháng mười vào chầu. Ma Lôi và các tướng thấy Nộn suốt ngày quấn quýt bên công chúa Ngoạn Thiềm và bọn cung nữ, không còn tưởng gì đến việc binh nhung, mới cùng nhau đến thưa:
   - Đại vương nay bệnh tình chưa khỏi, tửu sắc là cái họa chết người, vả lại họ Trần kết thân với ta chưa chắc đã có ý tốt. Chuyện nàng Tây Thi ngày trước còn như tấm gương, xin đại vương minh xét.
   Nguyễn Nộn tỉnh ra, liền sai lập cung riêng cho công chúa Ngoạn Thiềm ở. Công chúa Ngoạn Thiềm phái người báo tin cho Trần Thủ Độ biết Nguyễn Nộn đang ốm, bệnh tình ngày càng trầm trọng. Thủ Độ tâu với vua Trần. Thái Tông bảo:
   - Vua không thích đánh nhau. Thượng phụ muốn làm thế nào thì làm, sao cứ phải hỏi?
   Các tướng đều xin nhân cơ hội này phát binh đi đánh. Thủ Độ nói:
   - Việc đánh bây giờ thật không khó gì nhưng nhà vua không muốn trăm họ phải đau thương. Ta cũng thấy xương máu đổ nhiều rồi, chẳng lẽ nồi da xáo thịt mãi sao? Cứ như trong thư của Ngoạn Thiềm thì Nguyễn Nộn chẳng còn sống được bao lâu, nếu có người sang bên ấy lấy lời phải trái khuyên bảo các tướng lĩnh, quân sĩ về với triều đình há chả hơn sao?
   Thái tông nói:
   - Thượng phụ nói hay đấy. Ai dám đi sứ, ta thưởng cho con dế to nhất. Thêm hai con bọ ngựa.
   Lê Khâm bước ra tâu:
   - Thần xin đi nhưng không dám nhận phần thưởng của hoàng thượng đâu ạ.
   Trăm quan bấm bụng không dám cười.
*
   Lại nói Nguyễn Nộn ngày càng ốm nặng, đau đầu hoa mắt, nóng sốt li bì, ăn không tiêu, mới vài tháng mà người gầy rộc, tóc rụng mấy phần, thân hình tiều tuỵ, đi không vững. Hôm ấy nghe báo có sứ của triều đình đến, Nộn gượng dậy tiếp, ăn cơm rồi sai quân lấy ngựa cưỡi, phi thẳng lên đồi nhưng mới được vài trăm bước, choáng váng mặt mày ngã nhào xuống đất, mê man bất tỉnh. Quân lính vội vàng xúm lại cứu về. Thầy thuốc xem mạch xong, lắc đầu nói:
   - Mạch trầm mà sác, không có lực, đây là tử mạch. Bệnh ở lý2 rồi không còn cách chữa.
   Chừng nửa canh giờ sau, Nguyễn Nộn thổ ra mấy đấu máu, miệng nói lảm nhảm:
   - Thằng thầy chùa bất tín kia. Ta là Đoàn Thượng đây. Ta đã kiện mày đến tận diêm la địa phủ rồi. Bây giờ Diêm vương bắt mày xuống đây xem mày có đắc chí được nữa không?
   Đến đêm Nguyễn Nộn chết ở cung Thưởng Nguyệt. Tính từ khi Nộn đánh giết được Đoàn Thượng đến lúc ấy chưa đầy ba tháng. Quân sĩ phần bỏ đi, phần nghe lời khuyên của Lê Khâm theo về với triều đình. Ma Lôi thấy quân tình không thể cứu vãn được, đang đêm cùng với người nhà lẻn trốn đi. Thiên hạ từ đấy thu về một mối. 
   Nhà Trần gồm thâu được thiên hạ, ra sức xây dựng kỉ cương, chỉnh đốn triều chính, chăm lo nông tang, qua mấy năm dân giàu nước thịnh nhưng Trần Thủ Độ vẫn canh cánh bên lòng về sự lưu luyến của trăm họ đối với nhà Lý. Theo ý ông ta, những người thuộc tôn tộc nhà Lý luôn là mối đe doạ đối với nền thống nhất của đất nước. Một hôm Thủ Độ có việc ra ngoại thành phía Tây, xa xa thấy năm sáu người vai mang cung tên, tay cầm giáo dài phi ngựa như bay băng qua mấy cánh rừng thưa đuổi săn muông thú. Người đi đầu mặc võ phục, bên ngoài khoác một tấm da beo, ngồi trên lưng con ngựa ô chuy trông rất kiêu dũng, khi đến gần hoá ra là Hoài Đức vương Trần Bà Liệt.Thủ Độ nói:
   - Hoài Đức vương kiêu dũng thế này, thật đáng là trang nam tử.
   Chiều hôm ấy, Trần Thủ Độ cho người mời Bà Liệt đến phủ bàn việc. Thủ Độ nói:
   - Cháu thân mang tước vương, đó là ân sủng lớn của hoàng thượng, sao không nghĩ cách báo đền mà suốt ngày chỉ đi săn bắn vậy?
   Bà Liệt khoanh tay, cúi đầu nói:
   - Trình quốc công! Cháu từ khi được ơn thượng hoàng không bỏ, lại được hoàng thượng gia phong, cũng chỉ muốn có dịp báo đáp ân dày nhưng chưa biết làm thế nào, sợ tháng ngày nhàn rỗi sinh lười biếng mới lấy việc đi săn để rèn luyện và làm vui. Quốc công có việc gì cần, xin cứ sai bảo. Cháu nguyện hết lòng, dù gian nguy cũng chẳng dám từ nan.
   Thủ Độ nói:
   - Nhà Trần ta vừa mới thống nhất giang sơn được vài năm, tuy muôn dân đã thoát được vòng binh lửa, không còn cảnh chết đói đầy đường như trước nữa nhưng cũng còn nhiều người luyến tiếc nhà Lý. Người họ Lý cũng oán hận họ Trần ta lắm, nếu có người nổi dậy làm phản e rằng trăm họ khó tránh khỏi một cuộc chiến xương thịt tương tàn. Hoài Đức vương có cách gì ngăn chặn được việc đó không?
   Bà Liệt nói:
   - Việc đó có khó gì, cứ diệt hết mầm mống nhà Lý đi, dẫu có người muốn làm phản cũng không thể dựa vào đâu mà nổi lên được.
   Thủ Độ bảo:
   - Người nhà Lý thì nhiều, làm sao mà diệt hết cho được.
   Bà Liệt hăng hái nói:
   - Thượng công cứ bắt hết giam lại, bố cáo là họ mưu phản, đem chém đi là xong.
   Thủ độ xua tay, nói:
   - Không được, làm như vậy sẽ loạn ngay. Ta có một kế này nếu cháu chịu giúp chắc hẳn sẽ thành công.
   Bà Liệt nói:
   - Xin thượng công cứ dạy. Vì cơ nghiệp họ Trần, cháu thề muôn chết không từ.
   Thủ Độ cười, nói:
   - Tốt! Nhưng không ai cần cháu chết. Việc là như vầy...như vầy...cháu cứ thế mà làm.
   Bà Liệt  nhận  kế, lui ra tìm cách nhanh chóng thi hành, hôm ấy đang dẫn quân lính đến đất Đường Hào để tìm thợ giỏi, bỗng thấy một thanh niên khôi ngô cùng một gia nhân từ xa tiến lại. Trong quân có người trước kia là lính của Nguyễn Nộn, biết thanh niên đó, nói:
   - Người kia chính là Phạm Hữu, quản binh hiệu uý của Nguyễn Nộn ngày xưa. Xin đại vương bắt lấy.
   Bọn lính liền xúm lại bắt Phạm Hữu. Tên gia nhân may mắn chạy thoát. Bà Liệt sai người giải Phạm Hữu về nộp cho Trần Thủ Độ. Thủ Độ hỏi:
   - Nhà ngươi là một quản binh hiệu uý, chức tuy nhỏ nhưng việc lại trọng. Triều đình đã thống nhất giang sơn được mấy năm rồi, cớ sao không ra trình diện mà lại trốn tránh.
   Phạm Hữu nói:
   - Trình thái sư! Tôi vốn con nhà lương dân, không thích sự binh đao, không màng danh lợi, chỉ mong sao được sống yên nơi thôn dã, đem chút tài mọn cứu giúp dân lành, tích âm đức cho con cháu là mãn nguyện rồi. Trước đây tôi tòng chinh cũng chỉ là chuyện bất đắc dĩ thôi, ba năm nay may gặp được ân sư chỉ bày phương lược dụng dược cứu người, mải mê học tập nên không biết Nguyễn Nộn đã chết, xin thái sư lượng thứ.
   Thủ Độ xét hỏi một lúc, biết Phạm Hữu là học trò của Chử Nhiệm Khai, có ý nể trọng, hỏi:
   - Nay non sông đã thu về một mối, trăm họ thoát cảnh đói nghèo, thiên hạ đang lúc thái bình nhưng không thể không lo binh bị phòng khi hữu sự. Ta muốn phong ngươi làm quân dược hiệu uý, cho làm việc ở quân dược ty, chăm lo sức khoẻ cho  quân đội. Ngươi nghĩ thế nào?
   Phạm Hữu nói:
   - Cảm ơn thái sư đã có lòng bao dung nhưng xin cho tôi một tháng về lo việc nhà rồi đến để thái sư sai khiến.
   Tướng Vương Lâm đang đứng hộ vệ bên cạnh Thủ Độ, thấy Phạm Hữu nói vậy liền quát.
   - Ngươi thật to gan, không biết có trời cao đất dày chi hết, đã được thái sư tha tội, không biết tạ ân lại còn mặc cả đòi về một tháng. Việc quân đâu có trì độn như thế được. Hẳn là ngươi muốn chết.
   Phạm Hữu nói:
   - Tướng quân nhầm. Bởi tôi sợ chết mới phải nhận quay lại. Mấy lời vừa rồi của tướng quân làm cho cái ý sợ chết của tôi nó bay đi mất. Tướng quân muốn giết, xin cứ việc ra tay.
   Thủ Độ nói:
   - Phạm Hữu mải học đến nỗi không biết cả những sự thay đổi như sấm sét ở bên ngoài, vậy cũng là người có trí. Người ta ai chả có cha mẹ quê hương, Phạm Hữu xin về một tháng là muốn làm tròn đạo hiếu, giữ trọn nghĩa thày trò, đó là điều chính đáng. Vậy ta cho ngươi ba tháng lo liệu việc nhà, mùa xuân sang năm phải tới nhận việc.
   Phạm Hữu lạy tạ, lui ra. Thủ Độ bảo bọn Vương Lâm:
   - Phạm Hữu là người có học. Đối với hạng người này phải lấy ân đức mà thu phục, không thể dùng quyền uy và sự sống chết dọa nạt họ được đâu. Hơn nữa đang lúc ta cần nhân tài, thêm được một người là quý một người, chớ nên bỏ lỡ.
   Phạm Kính Ân nói:
   - Ngày thường thái sư tự coi mình là người ít học, nhưng chỉ xem trong việc này cũng đủ biết ngài hành sự mẫn tuệ như bậc trí giả rồi.
   Thủ Độ nói:
   - Ta học hành lỗ mỗ, hành sự theo cảm tính, có đâu dám coi là trí giả. Các ngươi chớ khen như vậy mà làm ta hư.
   Phạm Kính Ân nói.
   - Thái sư không cần đọc sách mà làm được như trong sách, há chẳng phải là bậc trí giả sao?
   Thủ Độ hỏi:
   - Ngươi nói đến sách nào vậy?
   Kính Ân nói:
   - Bẩm thái sư! Trong sách Tam Lược của Hoàng Thạch công3, có viết như sau: “Vốn đạo trị nứơc cậy ở người hiền và nhân tâm...Trọng lễ thì chí sĩ quy tụ, trọng lộc thì nghĩa sĩ coi thường cái chết”. Quyển hạ lại nói rằng: “Ban ân xuống tới đâu thì người hiền theo về, ban ân xuống tới đâu thì thánh nhân theo về”. Việc thái sư ban ân cho Phạm Hữu chẳng nằm trong sách cả đó sao?
*
   Trần Bà Liệt đem quân đến Hoa Lâm ở huyện Đông Ngàn, xây thái đường cho họ Lý, tập trung mấy nghìn binh lính và thợ giỏi làm ròng rã hết mùa hè, qua mùa thu sang mùa đông mới xong, cho người về báo với Trần Thủ Độ. Thủ độ nói:
   - Nhà Lý trị vì trên hai trăm năm, công đức tưới nhuần thiên hạ, mở mang văn trị, có nhiều đời vua sáng, Bắc đánh tan quân Tống, Nam chinh phục Chiêm Thành, võ công thật hiển hách. Chỉ vì Cao tông vô đạo, Huệ tông ươn hèn đến nỗi muôn dân phải chịu lầm than. Ta dựng thái đường ở quê hương nhà Lý để người họ Lý có chỗ phụng thờ tổ tông mà kéo dài hương hoả dòng dõi mãi mãi về sau.
   Thủ độ nói rồi cho người mời tôn tộc nhà Lý đến Hoa Lâm tế tổ. Chỉ có Lý Bảo Long là cháu nội Lý Du Đô4 nói là không lễ ở thái đường do họ Trần làm, trốn đi mất. Hôm ấy mấy trăm người trong tôn tộc nhà Lý kéo đến thái đường khóc lóc làm lễ. Từ sáng, Thủ Độ lệnh cho Vương Lâm và Phạm Kính Ân mang giáp binh bảo vệ, không cho thường dân quấy nhiễu. Đến trưa họ Lý ăn cỗ uống rượu, già trẻ lớn bé say cả. Thủ Độ gọi Bà Liệt đến bảo:
   - Cho chúng đi gặp tổ tiên được rồi đấy.
   Bà Liệt nhận lệnh đi ra. Lát sau nghe một tiếng ầm long trời lở đất. Cả ngôi thái đường đồ sộ đổ sụp xuống hầm sâu5. Trong đám khói bụi cuồn cuộn bốc lên có tiếng kêu la gào khóc của mấy trăm người, cả những đứa bé mới sinh được vài ngày cũng chung số phận. Bà Liệt sai lính đào đất lấp hầm chôn sống tất cả. Những ai định leo lên liền bị lính của Vương Lâm chém chết đẩy xuống. Mấy hôm sau Vương Lâm hỏi Thủ Độ:
   - Thái sư sợ mất lòng thiên hạ, phải nhường một anh học trò như Phạm Hữu mà lại có thể giết cả tôn tộc họ Lý là sao?
   Thủ Độ nói:
   - Sự quyền biến của việc trị nước phải như vậy, khi không cần giết thì một người cũng không giết; khi cần giết, mấy trăm người cũng phải giết có gì là lạ. Vả lại Phạm Hữu tuy có cái ương ngạnh của kẻ sĩ nhưng xem ra lời nói chân thành, đó là người có cái tâm tốt, có thể dùng được.
*
   Trời ấm dần lên, ánh nắng buổi sớm mùa xuân làm cho cây cỏ cùng muôn loài hồi sinh sau những ngày đông tái tê rét buốt. Nền trời lộ ra những mảng màu xanh trong vắt. Vầng thái dương gắng sức đẩy khối mây đen về phía cuối trời. Nơi tiếp biên giữa ánh sáng và mây đen hừng lên một đường viền đỏ như máu.  
   Hoàng hậu Chiêu Thánh không nói năng gì. Nàng ngồi thu mình trong góc phòng. Dường như mùa đông nghiệt ngã vẫn chưa buông tha nàng. Từ khi Hoàng thái tử Trịnh, đứa con mà nàng đặt bao niềm hy vọng không còn sống, Chiêu Thánh như người vừa điên vừa lãnh cảm. Bốn năm qua rồi mà nàng không sao cải thiện được tình trạng ấy, tự giam mình trong phòng kín nơi cung cấm, chỉ ngày rằm, mùng một mới cùng thị nữ đến chùa Bảo Quang thắp hương trong bảo tháp, nơi cất giữ di hài cha nàng. Những khi mẹ đến thăm, nàng càng cảm thấy buồn. Những lời khuyên giải, những câu chuyện mẹ nói, sao nó nhạt nhẽo quá chừng, không thể nào nhớ được. Gần đây nàng chỉ mơ hồ nhận thấy hình như mẹ nàng và ông chồng bà ta vị thái sư thống quốc đang có mưu đồ toan tính gì ghê gớm lắm nhưng nàng cũng không hỏi. Thực tình họ làm gì nàng cũng đâu có để ý. Nhà vua lâu lắm không bước tới căn phòng này, ngài đã mười chín tuổi, một thanh niên thực thụ, khoẻ mạnh với bao công việc và mĩ nữ vây quanh. Làm sao nhà vua còn thì giờ đến căn phòng của người vợ lãnh cảm như nàng. Hôm qua mẹ nàng nói chuyện gì đó về chị Thuận Thiên, không biết bây giờ chị ấy thế nào? Hiển hoàng Trần Liễu chồng chị ấy sau vụ cưỡng dâm cung phi cũ của nhà Lý ở cung Lệ Thiên đã bị giáng xuống làm Hoài vương; chắc chị ấy buồn lắm. Từ nhỏ mình đã không thích cuộc sống cung đình, lớn lên càng thấy chán ghét, nó bẩn thỉu nhơ nhớp độc địa quá, toàn thủ đoạn mưu mô và những trò dâm loạn. Buồn thay, người đầu têu ra những trò dâm bôn loạn luân ấy lại chính mẹ mình cùng ông chồng và là em họ bà ta. Rồi đến mình và chị Thuận Thiên cũng không thoát khỏi cái xoáy nước đục ngầu tanh tưởi ấy. Ôi! Hoàng cung vàng son lộng lẫy nhớp nhúa ê chề. Trời ơi! Sao lại bắt tôi sinh ra ở một nơi như vậy? Muôn kiếp trước có thế không và muôn đời sau liệu có còn như vậy?
   Chiêu Thánh đang miên man với những dòng suy nghĩ thì Thiên Cực công chúa mẹ nàng đến. Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung ngồi xuống bên con, ôn tồn nói:
   - Hôm nay con thấy trong người thế nào?
   Chiêu Thánh miễn cưỡng trả lời:
   - Dạ! Con khoẻ ạ!
   - Những lời mẹ nói với con hôm qua, con đã nghĩ kĩ chưa?
   - Dạ! Hôm qua mẹ nói gì ạ?
   Thiên Cực công chúa nhìn con, thở dài nói:
   - Thế ra con chả để ý gì đến lời của mẹ cả. Hoàng thượng nay đã lớn tuổi rồi mà con không sinh đẻ. Cậu và mẹ định đón chị Thuận Thiên về bên này để cùng con hầu hạ đức vua cho có chị có em.
   Chiêu Thánh choáng váng nhìn mẹ, kinh hãi nói:
   - Hả?! Mẹ nói cái gì? Đón chị Thuận Thiên về bên này hầu hạ đức vua? Còn Hoài vương? Chị ấy đang mang thai của Hoài vương cơ mà?
   - Chính vì đang có thai nên cậu con và mẹ mới muốn đón nó về bên này không sợ mai sau ngôi vua rơi vào tay ngoại tộc.
   Chiêu Thánh lắc đầu, nói:
   - à ra thế! Để bảo vệ cái ngai vàng của nhà các người, không còn điều nhơ bẩn nào mà các người không làm. Các người còn hỏi tôi làm gì nữa. Ngôi vua! Ngôi vua! Tôi nhổ toẹt vào cái ngôi vua ấy từ lâu rồi.
 
*
 
   Thái sư thống quốc Trần Thủ Độ ngồi trầm ngâm một mình, mọi công việc do vợ chồng ông sắp đặt diễn ra một cách trôi chảy. Đám gia binh của Hoài vương Liễu đã giải tán về quê cả, công chúa Thuận Thiên cũng đón vào cung rồi, thế mà hoàng thượng lại biến mất. Ông cho người đi tìm từ chiều qua đến giờ vẫn không thấy đâu. Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung thấy chồng suy tư nung nấu như vậy, không dám lại gần. Bà biết những thời khắc trầm mặc của ông, đó là lúc ông vật vã để đi đến một quyết định nhằm giành lấy sự thành công. Bỗng thái sư vỗ mạnh vào đùi, nói:
   - Thôi đúng rồi! Nhất định là như vậy.
   Trần Thị Dung vội đến bên chồng, hỏi:
   - Sao? Ông biết hoàng thượng ở đâu rồi à!
   - Đúng vậy. Thằng này gớm thật. Mình khổ sở để lo cho nó mà nó cứ giở chứng ra. Nói không nghe, ông lột xác ra.
   Nói rồi thái sư cho mời tướng quân Trần Khuê Kình đến, dặn:
   - Nhà ngươi đem theo năm người đến chỗ quốc sư Phù Vân ở Yên Tử. Ta chắc hoàng thượng ở đấy. Nếu đúng như vậy, cử người về báo gấp cho ta.
   Trần Khuê Kình nhận lệnh đi ngay, hai hôm sau cho người phi ngựa hoả tốc về báo quả là nhà vua đang ở Yên Tử. Thủ Độ cho mời các tướng Phùng Tá Chu, Phạm Kính Ân, Vương Lâm đến dặn dò công việc, lại mời lão tướng Lê Khâm đến bảo:
   - Việc phòng thủ kinh thành nhờ lão tướng đảm nhiệm cho.
   Nói rồi cùng đoàn tuỳ tùng lập tức đem trăm quan đến núi Yên Tử.
*
   Thái tông Trần Cảnh là người khoan nhân hiếu hữu, lúc ấy đã mười chín tuổi mà chưa có con trai. Vợ chồng thái sư Trần Thủ Độ mưu việc cướp công chúa Thuận Thiên đang có chửa của Hoài vương Liễu về làm hoàng hậu. Thái tông nhất định không nghe nhưng vì Thủ Độ chuyên quyền o ép quá, ngài liền bỏ hoàng cung, mang Trần Thiêm trốn lên Yên Tử với quốc sư Phù Vân, quyết không cướp vợ của anh. Quốc sư Phù Vân là người xuất gia từ nhỏ, khi xưa ở kinh thành thường được Thái tông mời giảng kinh vì vậy hai người gặp nhau mừng lắm. Phù Vân biết được lí do Thái tông lên núi lại càng kính trọng nhà vua hơn, nhưng ông cũng khuyên nhà vua nên quay về nắm giữ triều chính để trăm họ được yên định. Thái tông nói:
   - Tôi lên đến đây là đã quyết vất bỏ ngai vàng, dứt đời phàm tục rồi, cũng không còn là vua nữa, xin quốc sư nhận làm đồ đệ mà chỉ bảo cho tôi thoát ra khỏi chỗ tối tăm.
   Phù Vân nói:
   - Chẳng lẽ hoàng thượng cho triều đình là nơi tối tăm ư? Nhưng người đã quyết như vậy cứ tạm ở lại đây, ta cùng nói chuyện việc đạo việc đời cũng không có hại gì.
   Đêm ấy tụng kinh xong, hai người ngồi trong am cỏ nói chuyện. Bấy giờ đang là mùa xuân, mưa rừng rơi tí tách, thỉnh thoảng vọng một tiếng beo gầm vang trong khe núi; lại có tiếng con nai tác lên, chạy ràn rạt rất gần. Gió thổi vi vút qua rừng thông như muốn liên kết các âm thanh rời rạc thành một xâu chuỗi trong cái vũ trụ thâm u riêng biệt của rừng già. Phù Vân hỏi:
   - Hoàng thượng nghĩ gì vậy? Người có nhớ kinh thành không?
   Thái tông nói:
   - Thưa sư phụ! Tôi đang nghĩ về việc đạo. Như nước Đại Việt ta từ lâu đã có ba giáo phái truyền từ Trung Nguyên và Thiên Trúc tới. Phật, Lão, Nho ai có lí của người ấy, vậy đâu là chính đạo đây?
   - Thưa hoàng thượng! Chính không ở đạo mà ở người tu. Chính không ở người tu mà ở người hành đạo.
   - Thưa sư phụ! Sao lại mơ hồ như vậy?
   - Đạo nào cũng mưu cầu hạnh phúc cho con người nhưng người tu mượn nó để truyền điều lành đạo sẽ chính, truyền điều ác đạo sẽ tà. Người được truyền điều lành làm điều lành càng chính nữa, được truyền điều ác làm điều ác càng tà nữa, được truyền điều ác mà vẫn làm điều lành chính thêm một bậc, được truyền điều lành mà làm điều ác tà thêm một bậc.
   - Thưa sư phụ! Vậy khi áp dụng vào việc đời nghĩa là kẻ được nuôi dạy tử tế mà không nên người thì có tội nặng hơn kẻ không được nuôi dạy phải không?
   - Hoàng thượng thật thánh minh. Người đã nắm được cái điều cốt lõi rồi đấy.
   - Thưa sư phụ! Ngày nay có người cho rằng tam giáo đồng nguyên, điều đó là đúng hay sai?
   - Tâu hoàng thượng! Đúng mà cũng sai.
   - Xin sư phụ giảng cho.
   Quốc sư Phù Vân im lặng một lúc mới nói:
   - Tam giáo có nhiều chỗ không thống nhất được với nhau đến nỗi khác đạo không thể cùng bàn nên những người trung dung mới đưa ra thuyết tam giáo đồng nguyên nói rằng: Già Diệp bồ tát giáng sinh làm Lão tử, Tĩnh Quang bồ tát giáng sinh làm Khổng tử, Hộ Minh bồ tát giáng sinh làm Thích Ca Mầu Ni phật. Thực ra thuyết ấy cũng chỉ nhằm mê hoặc người đời mà thôi. Hoàng thượng có nghe những tiếng động ngoài rừng kia không? Chúng cùng là những âm thanh nhưng tiếng gió mưa khác xa tiếng beo gầm và càng khác với tiếng tác của con nai. Tam giáo tuy cùng có cái nguồn chung là lòng nhân, muốn dẫn con người đến thế giới toàn gồm những sự tốt lành nhưng mỗi giáo phái có cách nhìn về sự tốt lành khác nhau nên đường tu không giống nhau. Đạo Phật hướng con người đến một chữ thiện. Mọi người cùng hành thiện lo gì không có thế giới tốt đẹp. Lão tử hướng con người đến một chữ phác. Phác nghĩa là giản dị thực thà thuần khiết. Mọi người đều giản dị thực thà thuần khiết cả, không có ai mưu mô lừa dối, tội lỗi cũng không có chỗ để sinh ra, thế giới không có tội lỗi chẳng phải là thiên đường sao? Đạo Khổng hướng người ta đến chữ dụng, có nghĩa là khuyến khích mọi người học tập để làm việc và biết làm việc có ích nhất. Khi mọi người đều làm việc và trở thành hữu dụng cả lo gì không giầu có sung sướng. Nhưng nói cho cùng ba đạo đều nhầm lẫn cả.
   Thái tông kinh ngạc kêu lên:
   - à ra vậy! Xin sư phụ chỉ cho những điều nhầm lẫn ấy.
   Quốc sư Phù Vân sôi nổi hẳn lên, dường như ông không còn là một nhà tu hành, nói:
   - Tâu hoàng thượng! Thiện ác, phác phức, hữu dụng vô dụng bao giờ cũng cùng tồn tại như lưỡng nghi âm dương. Con nai con thỏ thiện quá tất bị con beo làm hại. Nếu chỉ cần thiện mà không cần ác, nhà chùa đắp tượng các vị kim cương hộ pháp làm gì. Còn phác ư ? Nếu chỉ phác để cho con người được vô vi sống theo bản năng tự nhiên, loài người chẳng giống như cầm thú hay sao!? Hữu dụng ư ? Ai ai cũng cố rèn cho mình ngày càng trở nên tinh xảo để mong hữu dụng, đấu tranh với nhau mà nhoi mãi lên đó chính là khởi nguồn của sự ghét ghen đố kị, mầm loạn lạc tội lỗi ở đấy mà ra chứ đâu.
   - Thưa sư phụ! Như vậy bỏ hết đạo đi chăng.
   - Tâu hoàng thượng! Làm như vậy lại càng không thể được.
   - Vậy xin sư phụ chỉ cho cần phải làm sao?
   - Không phải bỏ đi mà cần kết hợp, điều hoà sao cho âm dương có sự cân bằng.
   - Thưa sư phụ! Như vậy là tuỳ hoàn cảnh mà hành đạo cho hợp lẽ có phải không ạ?
   Quốc sư Phù Vân vui vẻ nói:
   - Hoàng thượng lại nắm được một điều cốt lõi nữa rồi đấy.
   Thái tông ngẫm nghĩ một lúc, đột nhiên hỏi:
   - Thưa sư phụ! Thường ngày các vị tiên thánh ở đâu? Thế giới tiên phật có khác gì với thế giới con người?
   Phù Vân nói:
   - Tiên phật làm gì có thế giới riêng đâu. Các vị ấy vốn cũng là người, khi chết đi cũng nát tan cùng cây cỏ. Phật tiên, ma quỷ thực sự  tồn tại trong mỗi con người chúng ta. Khi ta cứu kẻ hoạn nạn, giúp người đói khổ, nâng đỡ người yếu ớt tức là phật đã hiện ra trong cử chỉ của ta. Khi hồn ta thư thái, thân ta an định sau những công việc mới làm xong, trên gương mặt thoáng một nét cười tươi tức là tiên thánh đã hiện ra trong nụ cười ấy rồi đấy. Người đời tốn công vô ích đi cầu cúng nơi chùa nọ miếu kia mà không biết rằng cầu đạo hành thiện ngay chính trong tâm mình mới là điều căn bản nhất, mau chóng gặp tiên gặp phật nhất ở ngay chính nơi ta. Thứ nhất là tu tại gia chính là như vậy. Còn như ta manh tâm làm điều ác, hại người khác vì vọng lợi cho riêng mình thì ma quỉ cũng hiện ra trong mỗi hành động của ta vậy.
   Thái tông cúi đầu nghe và lẩm bẩm trong miệng:
   - Đúng vậy! Đơn giản thế  mà sao lâu nay ta chẳng nghĩ ra.
*
   Ánh nắng sớm mùa xuân vàng như lụa làm cho phong cảnh núi rừng Yên Tử đẹp như bức tranh thuỷ mặc. Những giọt mưa đêm còn treo trên ngọn lá, phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh như muôn ngàn châu ngọc. Hơi ấm quét dần màn mây, để lộ ra lớp lớp núi non xanh mướt trải dài mãi về phía biển Đông.
   Trần Khuê Kình dẫn thái sư cùng các quan đến thảo am diện kiến nhà vua. Thái tông nói:
   - Vì trẫm non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mệnh nặng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, không dám giữ ngôi vua mà nhục xã tắc6.
   Thủ Độ cùng trăm quan nài nỉ mãi, vua cũng không chịu xuống núi. Con trai của Lê Khâm là Lê Tần tuy còn trẻ tuổi nhưng văn võ kiêm toàn đang đứng hầu bên cạnh, ghé sát vào tai Thủ Độ nói nhỏ mấy câu. Thủ Độ gật đầu. Lê Tần liền xin phép lui ra. Lúc sau nghe trong rừng vang lên tiếng chặt cây, đục đá ầm ầm. Có chú tiểu đồng vào báo quân lính triều đình đang phá rừng làm tổn hại đến cảnh quan nơi đất phật. Vua hỏi thái sư sao lại như vậy? Thủ Độ nói:
   - Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó6. Nhà vua không chịu về kinh đô, thần xin phá rừng để xây cung điện ở đây vậy. Trước hết cất ngay điện Thiên An cùng Đoan Minh các để vua thiết triều và nghỉ ngơi ở chỗ cắm lều kia. Thần đã cho người xuống núi ngày mai sẽ đưa thêm dân phu và thợ thuyền lên.
   Quốc sư Phù Vân thấy tình thế không thể chần chừ, nói:
   - Bệ hạ nên gấp quay xa giá trở về, chớ để làm hại núi rừng của đệ tử6.
   Nhà vua cầm tay Phù Vân lưu luyến mãi chẳng muốn rời. Quốc sư Phù Vân  nói:
   - Nhà vua nên mau trở về kinh. Bần đạo không thể tiễn xa. Chỉ xin nhà vua nhớ cho phàm người làm vua, nên lấy điều muốn của thiên hạ làm điều muốn của mình, lấy lòng của thiên hạ làm lòng mình. Đó chính là bí quyết của sự vững bền vậy.
   Trên đường đi Phạm ứng Thần bảo Thủ Độ:
   - Riêng thỉnh được hoàng thượng về triều cũng đủ biết thái sư lo việc thật không ai bì kịp.
   Thủ Độ bảo:
   - Tôi có làm được gì đâu. Đó là mưu của tướng quân Lê Tần đấy chứ. Người ấy mai sau hẳn là cây cột của triều đình7.
 
 
   Trời đang tạnh ráo bỗng nổi cơn dông, mây kéo mịt mù, gió thổi vun vút, xoáy từ vương phủ xoáy ra nhưng không tổn hại gì đến dinh thự lầu gác, chỉ làm đổ mấy khóm chuối và hất tung những mái tranh của các nhà nông phu. Đám tá điền sợ hãi trước những tia chớp sét loằng nhoằng, chui rúc trong các đống rơm rạ tránh cơn thịnh nộ của thiên đình. Nhưng cơn mưa gió diễn ra không lâu, chốc lát bầu trời đã sáng trong trở lại.
   Hoài vương Trần Liễu ngồi trong vương thất nóng lòng chờ công chúa Thuận Thiên, lẩm bẩm nói:
   - Lạ thật! Đang là tiết xuân mà giời nổi cơn dông. Thiên Cực công chúa cho đón Thuận Thiên  vào triều để thăm Chiêu Thánh mà sao đã năm hôm không thấy trở về?
   Ngoài cổng có tiếng xôn xao, một tên gia nhân vào báo người của công chúa Thuận Thiên đã về. Hoài vương hỏi dồn:
   - Người của công chúa đã về à? Thế công chúa đâu? Có chuyện gì vậy? Đưa nó vào đây.
   Tên gia nhân đưa người thị nữ vào. Người thị nữ run run quỳ nói:
   - Trình đức ông! Con đã về.
   Hoài vương hỏi:
   - Công chúa đâu? Đã xảy ra chuyện gì rồi?
   - Trình đức ông! Công chúa không trở về được nữa ạ.
   - Sao lại như vậy? Hả?
   - Trình đức ông! Thực ra Thiên Cực người cho gọi công chúa vào triều không phải để thăm Chiêu Thánh đâu ạ. Mà theo lệnh của thái sư để thay Chiêu Thánh hầu hạ hoàng thượng.
   Hoài vương Liễu đấm mạnh xuống mặt bàn thất bảo làm bộ ấm trà run lên bần bật, nói như gầm lên:
   - Hả? Ngươi nói cái gì? Thay Chiêu Thánh hầu hạ hoàng thượng? Mẹ kiếp không còn ra cái giống người nữa rồi! Chó má thật! Chó má thật! Ngươi làm thế nào mà về được đây?
   - Dạ! Trình đức ông! Hoàng thượng cũng không đồng ý việc ấy nhưng thái sư ép buộc quá nên người đã trốn đi đâu không biết. Hiện nay thái sư cùng các quan đang đi tìm chưa thấy về. Con trốn ra được về báo để đức ông biết.
   Hình như Hoài vương vừa nắm bắt được điều gì, ông ngẩng lên với đôi mắt sáng rực, gọi:
   - Bay đâu! Mời cho ta Thôi Thạch lang và Mã Thiết đến đây ngay.
   Khi Thôi Thạch lang và Mã Thiết đến, Hoài vương Liễu nói:
   - Nay nhà vua ươn hèn nhu nhược, thái sư chuyên quyền làm nhiều điều xằng bậy quá lắm. Vợ ta đang có chửa, là chị dâu nhà vua mà thái sư cũng bắt về ép nhà vua làm trò thương luân bại lý, còn chuyện gì mà ông ấy không làm? Hoàng thượng vì thế phải bỏ đi. Nay thái sư và các quan đi tìm nhà vua cả, ta muốn họp binh chiếm lấy kinh thành, giành lại ngai vàng về cho dòng trưởng đích, mong các ông hết lòng phò giúp. Ta thề chẳng quên công.
   Thôi Thạch lang là người Tống, vốn tên là Vương Uyên, võ nghệ cao cường, làu thông binh pháp lại có sức địch muôn người, được Hoài vương Liễu mời về dạy dỗ các con. Một hôm Hoài vương muốn chuyển một tấm đá ra chỗ khác để làm sân tập nhưng bốn năm người không khiêng nổi. Vương Uyên thấy vậy liền lấy chão buộc tấm đá lại, cõng lên nhẹ nhàng như người cõng con trẻ mà đi. Ai trông thấy cũng rùng mình bái phục. Hoài vương liền đặt cho biệt danh là Thôi Thạch lang.
   Mã Thiết là người Trại8 rất giỏi côn quyền, đặc biệt là cưỡi ngựa, bắn cung. Có lần người lái buôn Hồi Hột biếu Hoài vương một con tuấn mã rất đẹp nhưng ai cưỡi lên cũng bị nó hất ngã. Riêng một mình chàng trai người Trại chinh phục được nó. Hoài vương liền tặng con ngựa cho chàng và đặt tên chàng là Mã Thiết.
   Thôi Thạch lang và Mã Thiết cùng thưa:
   - Chúng tôi xin dốc hết sức để đền ơn tri ngộ của đại vương.
   Hoài vương cho hai người mang tay chân xuống các ấp tập trung đám thân binh mới bị Trần Thủ Độ giải tán, trong năm hôm đã có được hơn vạn người và mấy chục chiến thuyền. Hoài vương sắp xếp đội ngũ, phát hịch chia hai đường thuỷ bộ xuất quân, mấy hôm sau cả hai cánh quân đã hội nhau trên bến Triều Đông. Mã Thiết nói:
   - Sĩ khí đang hăng, ta nên tấn công ngay.
   Thôi Thạch lang bàn:
   - Quân ta đi đường dài mấy ngày rất mệt, tấn công ngay e không có lợi. Hiện nay trong thành bỏ trống, chẳng nên vội gì cứ để quân sĩ nghỉ một đêm mai vào thành khí thế mới hùng dũng có hơn không?
   Hoài vương nghe theo, để quân nghỉ ngơi ngoài bãi, canh ba bỗng thấy nổi lên một tiếng pháo lệnh rồi trống thúc liên hồi. Quân triều đình bốn mặt kéo đến bủa vây chém giết tơi bời. Quân Hoài vương hoảng loạn bỏ chạy, trốn mất quá nửa. Thôi Thạch lang xông ra đốc chiến, bị quân của Vương Lâm vây chặt, đành xuống ngựa đầu hàng. Mã Thiết ra sức đánh đỡ, bảo vệ Hoài vương xuống thuyền, rút quân về ngả Thiên Đức, chẳng ngờ Lê Khâm biết trước, cứ để Hoài vương tiến binh rồi chiếm các cửa sông chặn đường về. Hoài vương đành quay lại sông Cái, bị binh thuyền của Phạm Kính Ân xông vào đánh cho một trận tan nát. Mã Thiết chỉ còn năm trăm quân và mấy chiếc thuyền, hộ vệ Hoài vương định xuôi xuống miền Đông nhưng đến bãi Cửu Liên thấy cơ man thuyền chiến chặn mất lối, trên chiếc lâu thuyền đi đầu phấp phới lá cờ hiệu của thái sư Trần Thủ Độ. Thì ra thái sư và bách quan đã đón nhà vua về kinh từ hai hôm trước rồi. Mã Thiết liền đưa Hoài vương cùng quân sĩ trốn vào bãi lau, được mấy hôm hết lương thực rất khổ sở.
   Thái tông nghe tin Hoài vương Liễu thua trận cùng quẫn lắm, sợ Thủ Độ giết mất anh, liền đi thuyền long phụng ra sông, bảo thị vệ treo cao cờ lên cốt để Hoài vương trông thấy. Mã Thiết thấy vậy bảo:
   - Bây giờ chỉ còn một cách, đức ông sang hàng nhà vua mới toàn được mạng. Tôi chắc hòang thượng không xử  tệ với đức ông.
   Hoài vương nói:
   - Vẫn biết hoàng thượng không nỡ hại ta nhưng còn thái sư thì sao?
   - Đức ông đừng lo, tôi xin liều chết đem quân chặn thuyền của thái sư để đức ông đi thoát. Cứ lên được thuyền nhà vua là sống rồi.
   Nói xong, Mã Thiết quay lại đám quân sĩ thân tín , nói:
   - Anh em ta theo Hoài vương mưu việc lớn. Nay việc không thành là do lòng giời. Tình thế đến nước này, đành phải quyết một trận báo đền ơn chủ. Hoài vương thoát được sẽ không bạc đãi cha mẹ, vợ con chúng ta. Ai muốn theo, cùng ta ra sông. Ai không muốn theo tự tìm đường trốn đi, chớ để quân lính triều đình bắt được.
   Mọi người tuy đã rã rời nhưng đều xin theo cả. Mã Thiết cải trang cho Hoài vương thành người thuyền chài, chọn một chiếc thuyền nhỏ cùng hai lực sĩ đưa Hoài vương đi còn mình dẫn mọi người đem thuyền chặn ở giữa sông. Quân của Trần Thủ Độ vào báo. Thủ Độ lệnh cho Phạm Kính Ân vây đánh. Mã Thiết cùng mấy trăm thuỷ thủ không chống nổi, bị bắt cả. Thủ Độ không thấy Hoài vương, xa xa lại có chiếc thuyền nhỏ chèo hối hả về phía thuyền vua, biết đích thị là Hoài vương Liễu, liền cho thuyền nhẹ đuổi gấp, hô to lên:
   - Bắt lấy thằng giặc Liễu đem bêu đầu cho ta.
   Quân sĩ cùng đồng thanh hô vang mặt sông. Hoài vương giục chèo cuống quýt nhưng thuyền của thái sư cũng đuổi theo bén gót.
   Thật là:
   Mất vợ còn đang cơn hậm hực
   Ra quân lại mắc tội bêu đầu
   
   Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Hoài vương Liễu có trốn thoát được không.
 
----------------------------------
 
1 Khuông quốc thượng tướng quân: Là tước vị của Lê Khâm, Trần Thủ Độ xưng hô như vậy để tỏ ý tôn trọng ông ta.
2 Trong bát cương - Hàn nhiệt, biểu lý, âm dương, hư thực. Bệnh ở lý tức là đã nhập sâu đến nội tạng rất khó chữa.
3 Hoàng Thạch công: Người nước Hàn, sống vào cuối thời Chiến Quốc đầu thời Tần. Ông là một trong những lãnh tụ của phái chống Tần. Truyền thuyết cho rằng ông là thầy của Tương Lương thời Hán.
4 Lý Du Đô: Thái sư dưới thời Lý Anh tông.
5 Sự việc này vẫn còn được coi là một nghi án.
6 Theo ĐVsktt.
7 Sau này Lê Tần trở thành một trong những tướng lính chủ chốt của cuộc kháng chiến chống quân Mông Thát lần thứ nhất.
 
8 Trại: Còn gọi là dân tộc Sán Dìu, sống nhiều trong vùng núi Chí Linh- Hải Dương và Đông Triều, Quảng Ninh ngày nay.
 
 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)