Lời Ban Biên tập
ĐẤT VIỆT TRỜI NAM là bộ tiểu thuyết Lịch sử gồm 3 tập của tác giả ĐAN THÀNH đang gây chú ý cho độc giả, đặc biệt là những người yêu bộ môn Lịch sử. Nhưng không phải ai cũng có trong tay cuốn tiểu thuyết này. Để giúp đỡ bạn đọc có thể theo dõi được nội dung bộ tiểu thuyết. BBT trang Văn nghệ Công nhân online sẽ lần lượt đưa lên trang với tần suất mỗi tuần một chương. Xin trân trọng mời độc giả đón xem.
CHƯƠNG I
Trần Cương nằm mộng gặp giao long
Lý Sảm lánh nạn ra Hải ấp
Núi rừng Yên Tử còn ngủ yên trong sương sớm. Chân trời phía đông ửng lên màu hồng phơn phớt. ánh sáng ban ngày xua dần những làn hơi lạnh còn len lỏi trong các bản làng. Mấy chú gà trống gáy vang như giục mặt trời thức dậy. Bà Trần gọi con:
- Này Cương! Có đi rừng không? Mẹ nắm cơm cho rồi đấy. Bố anh chứ! Ngáy như kéo gỗ. Mẹ thấy con ngủ ngon quá nên không muốn gọi sớm. Thôi ăn bát cơm rồi đi.
Trần Cương ăn vội bát cơm, chào mẹ, đeo cung, vác giáo vào rừng nhưng đi mãi vẫn không gặp con thú nào. Đến trưa, mặt trời lên cao, xua hết mây mù và khí lạnh, chàng thấy đói trong lòng, liền ngồi tựa vào gốc cây cổ thụ lấy cơm nắm ra ăn, lấy lá rải dưới gốc cây nằm nghỉ. Trong ánh nắng cuối xuân ấm áp, chàng mơ mơ màng màng như thấy mình lạc vào một xứ sở thần tiên xa lạ, phong cảnh kì thú muôn màu. Bỗng từ trong dòng sông trước mặt, hiện ra một con giao long cực lớn, bay vút lên trời, quấn quít trong đám mây lành. Trần Cương còn chưa hết kinh ngạc, giao long đã biến thành người đàn ông, khố đỏ áo vàng, đầu đội khăn vành đính ngọc dạ quang giắt nhiều lông chim trĩ, vẻ rất oai linh, từ đám mây hạ xuống, nói với chàng rằng:
- Ta là long vương ở Bạch Đằng giang. Ba ngày nữa, nhà ngươi hãy ra bờ sông cứu con ta, sau này ắt được hưởng phúc lớn.
Nói xong, người đàn ông lại biến thành con giao long, lựa theo dòng mà ra sông lớn. Trần Cương tỉnh dậy, bàng hoàng, lấy làm lạ lùng, về nói lại với mẹ. Bà Trần là người đôn hậu khoan hoà, ngẫm nghĩ rồi bảo con:
- Giao long là giống rồng, thuộc về tượng đế vương. Vậy ba ngày nữa con cứ ra bờ sông xem sự thể ra sao. Nhà mình nghèo, lấy điều tích đức làm trọng, con chớ nên xem thường.
Ba ngày sau Trần Cương dậy sớm, ra bờ sông Cầm đi đi lại lại tìm kiếm nhưng chỉ có vi lô xạc xào heo hắt. Dưới sông, dòng nước trong xanh mải miết chảy để kịp đem nước đổ ra bể. Tuyệt nhiên không biết giao long con ở nơi nào mà cứu.
Ngày ấy ở lĩnh Đông Triều còn hoang vu lắm có người con gái tên là Tú Hồng, sắc đẹp lạ lùng. Các vị công tử con quan nhiều người đến ngỏ ý cầu hôn, nàng đều từ chối. Một hôm Tú Hồng ra sông giặt lụa, thấy con cá chép vàng giãy giụa trên cỏ. Nàng đem con cá thả xuống sông. Đêm về, Tú Hồng mơ thấy có người con trai khôi ngô đẹp đẽ, đến nói rằng:
- Cảm ơn nàng đã cứu mạng ta.
Hai người ân ái với nhau. Lúc chia tay, người con trai bảo:
- Nhờ nàng giữ gìn giọt máu của ta.
Khi tỉnh dậy, Tú Hồng thấy mình đã mang thai. Sắp đến ngày sinh nở, quan sở tại cho rằng nàng chửa hoang, bắt buộc vào chiếc bè, đem thả trôi trên sông. Tú Hồng nằm lả không biết đã mấy ngày, lênh đênh trôi không biết qua những xứ sở nào.
Bấy giờ Trần Cương quanh quẩn bên bờ sông đã lâu, bỗng thấy từ xa có chiếc bè trôi lại, bên trên có người con gái bị trói, liền vớt lên đem về nhà cho sưởi, cho ăn. Người con gái ấy chính là Tú Hồng. ít ngày sau Tú Hồng sinh ra một bé trai rất khoẻ mạnh. Hôm đó là ngày Tân Thìn, tháng Quí Thìn, năm Đinh Thìn (1027). Từ đó Tú Hồng ở lại với Trần Cương. Ngày đầy năm, bà Trần đặt tên cho đứa bé là Trần Kinh. Khi Trần Kinh lên ba tuổi, một hôm có vị đạo sĩ vân du qua nhà, nói với Trần Cương rằng:
- Đứa bé này có tướng lạ, nó là cái trứng rồng chưa nở, tổ của nó thuộc về Nam phương. Đời Đế Minh (khoảng năm 2870 t.c.n) đi tuần phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh, lấy con gái Vu Tiên, sinh ra Kinh Dương Vương, cho cai quản phương Nam. Sau Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình quân là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ. Bà Âu Cơ sinh ra cái bọc có trăm quả trứng, nở thành trăm người con trai, cho cai quản phương Nam Ngũ Lĩnh mà lập nên đất Bách Việt. Đứa bé này cũng là hậu bối của giống tiên rồng ấy. Hai trăm năm sau cõi Nam hưng vượng tất phải chờ trứng rồng nở. Ta khuyên ông nên bỏ nghề rừng mà làm nghề sông nước để rồng có cơ ra biển.
Trần Cương còn muốn hỏi thêm đôi điều nhưng vị đạo sĩ đã phất tay áo đi hút về phía núi Yên Tử. Từ hôm ấy Trần Cương không vào rừng nữa. Bà Trần già mất, Trần Cương bán cơ nghiệp, mua thuyền, sắm chài lưới, đem Trần Kinh và Tú Hồng xuống sông làm nghề đánh cá, vì vậy kiếm được nhiều tiền bạc, đóng được thuyền lớn, thuê nhiều gia nhân, xuôi dần ra cửa biển. Thời gian thấm thoắt, mấy chục năm qua, Trần Kinh trưởng thành. Chàng đánh cá giỏi và có sức khoẻ hơn người. Mấy năm sau, cha mẹ già yếu lần lượt về trời. Theo lời cha dặn, Trần Kinh xuôi ra biển rồi lần lần tìm xuống phương Nam. Một ngày nọ, chàng cho thuyền ngược một cửa sông vào đất liền. Nơi đây phong cảnh thanh bình, mặt đất bằng phẳng, nương dâu bãi mía tốt tươi, thôn ấp trù phú, dân cư đông đúc hiền hoà. Đàn bà, con gái vừa hái dâu vừa hát; những điệu ca nghe thật êm ái du dương. Trần Kinh trong lòng xao xuyến, hỏi thăm mấy người nông phu, biết đây là phủ Thiên Trường, mới quyết chí ở lại sinh kế lâu dài, làm nghề đánh cá, lập nghiệp, lấy vợ là Dương Thị, sinh ra Trần Hấp. Trần Hấp sinh ra Trần Lý. Vợ Trần Lý là nàng Tô Thị, sinh được hai người con trai là Trần Thừa, Trần Tự Khánh và một người con gái là Trần Thị Dung, về sau nuôi người cháu họ là Trần Thủ Độ làm con nuôi. Trần Thủ Độ không được học hành mà tính quyết đoán, có sức khoẻ và ý chí hơn người, tuy là em họ Trần Thị Dung nhưng khi lớn lên, hai người quyến luyến nhau lắm, những buổi chiều hè, thường ra bờ sông, chỉ tay lên vầng trăng non thề sẽ sống mãi bên nhau.
*
Khi trước, đời vua Lý Thánh Tông, niên hiệu Long Thuỵ (1054-1072) đang thời thịnh trị. Thánh Tông có một vị ái phi tên là nàng Yến, tức Nguyên phi ỷ Lan. Một hôm có ông thầy địa lí nói với Nguyên phi:
- Thiên Trường là nơi có khí tượng phát tích đế vương, nay lại thường thấy mây lành bao phủ. Nguyên phi nên tâu với hoàng thượng tìm cách mà yểm sớm đi, để khỏi lo di hoạ cho con cháu mai sau.
Nguyên phi đem lời ấy tâu với nhà vua. Thánh tông nhà Lý ghét những chuyện trù yểm khuất tất, người phán:
- Đức là ở người, mệnh là ở trời. Ngày xưa Tần Thuỷ Hoàng muốn tìm thuốc tiên để đổi mệnh trời, cuối cùng cũng chỉ là vô ích.
Nói xong, vua không cho trù yểm gì hết. Chuyện ấy về sau các quan cũng không còn ai dám nhắc lại.
*
Những ngày rét buốt của mùa đông rồi cũng tới, ánh nắng huy hoàng một thời thịnh trị dần tắt trên mái điện Thiên An. Đến đời vua Lý Cao tông (1176-1210), vua ăn chơi xa xỉ, coi thường triều chính, ngày đêm vui thú với bọn cung phi, mĩ nữ. Dân tình đói khổ, người chết đầy đường. Bốn phương trộm giặc nổi lên như cỏ dại, vua cũng không để ý. Vì thế bọn Đàm Dĩ Mông ngày càng lộng hành bóc lột trăm họ, kỉ cương đổ nát, chính sự rối ren.
Bấy giờ là năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ mười (ất Mão-1195), tháng hai sét đánh vào gác Ly Minh làm sập mái. Các quan tâu rằng:
- Trong nước dân tình đói khổ mà thánh thượng lại không chăm lo việc triều chính để lòng dân oán vọng thấu tận giời xanh nên mới xảy ra điềm ấy.
Cao Tông phán:
- Các ngươi động tý lại nói đến điềm giời, việc gì cũng bảo là giời phạt nhưng thực ra lại chẳng hiều làm sao như vậy. Trẫm nói cho mà hay, nước Đại Việt ta kể từ Ngô Vương Quyền đòi lại nền độc lập đến nay đã trên hai trăm năm mươi năm, trải qua nhà Đinh, nhà Lê rồi đến nhà Lý ta, vậy mà lâu đài cung thất vẫn tủn mà tủn mủn, lầu gác lụp xụp chẳng ra thể thống gì, làm cho bộ mặt quốc gia rất là nhếch nhác, không xứng mặt con rồng cháu tiên tý nào. Đấy! Giời giận chính là vì lẽ ấy đấy. Các khanh mau tìm phu thợ kiếm gỗ tốt, nung đủ gạch ngói. Trẫm sẽ cho dựng ngay trên nền đất ấy một cung điện cực lớn để đón trăng lên.
Lý Kính Tu tâu rằng:
- Nay muôn dân lầm than, của kho cạn kiệt mà thánh thượng xây dựng cung đài, thật không phải lúc. Xin bệ hạ mở rộng ân đức để bách tính được nhờ.
Đàm Dĩ Mông nói:
- Đế sư nói như vậy hoá ra ngày nay hoàng thượng hẹp đức lắm hay sao?
Phạm Bỉnh Di cũng nói:
- Hoàng thượng là bậc thánh quân. Lời của người là thánh ý. Bề tôi chỉ nên tận tâm mà hoàn thành sứ mệnh, chớ bàn ra tán vào. Chẳng lẽ đế sư không hiểu điều đó?
Trong triều khi ấy phần lớn là phường a dua nịnh hót, thành ra những người trung lương bị cô lập. Cao Tông giao cho Đàm Dĩ Mông lo việc đốc thúc bộ công dựng cung ấy. Tháng sáu năm sau xây xong, đặt tên là cung Ngoạn Thiềm. Dân chúng bị vơ vét đến cùng tận, kẻ ăn mày, người chết đói nhiều lắm. Tháng giêng năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ mười ba (Mậu Ngọ -1198) Đàm Dĩ Mông lại tâu rằng:
- Trước đây ai cũng coi giời là hơn cả, hoàng đế là con giời. Từ khi đạo Phật thịnh hành người ta chỉ biết đi kêu cầu cửa phật, coi nhẹ việc thờ phụng giời đất. Như thế chẳng phải là giảm lòng tôn kính với nhà vua hay sao? Vả lại phần lớn những thầy tu chẳng qua là lười biếng ngại việc nên trốn tránh ra ở chùa chứ người thành tâm hành đạo ít lắm. Xin hoàng thượng xuống chỉ đuổi họ về quê tự làm lấy mà ăn, cũng thêm ra được hàng vạn người trồng cấy.
Đế sư Lý Kính Tu tâu rằng:
- Xin hoàng thượng chớ nghe lời nói ấy. Người ta muốn sống được trước phải có đức tin làm gốc. Đạo Phật vào nước ta mấy trăm năm nay đã trở thành đức tin của dân chúng, đạt đến sự ngưỡng mộ thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần của trăm họ, nay tự dưng bắt bỏ đi, người ta không khỏi cảm thấy bơ vơ mà sinh ra tác loạn. Như thế chẳng phải nguy lắm hay sao?
Đàm Dĩ Mông bảo:
- Phật là đức tin thì giời, vua là cái gì? Chẳng lẽ giời và vua không còn đáng để cho trăm họ tin tưởng nữa hay sao? Ông là thầy vua mà toàn nói những lời phương hại đến bậc chí tôn.
Cao tông phán rằng:
- Đàm Dĩ Mông nói có lý lắm. Việc này trẫm giao cho Phan Lân, Đỗ Quảng, Đỗ Kính Tu lo liệu, nội trong hai tháng phải đuổi hết các tăng đồ về quê làm ruộng.
Đỗ Kính Tu can rằng:
- Từ khi Thái Tổ dựng nghiệp tới nay, triều ta được sự giúp rập của đạo phật đã nhiều. Việc đuổi tăng đồ thật chẳng nên làm.
Phạm Bỉnh Di nói:
- Người có đức thì giời ban thiên hạ chứ đâu phải do mấy ông thầy chùa giúp rập mà nên. Thiên tử đã truyền thánh chỉ, ông là võ quan sao không lo làm tròn chức nhiệm? Chẳng lẽ muốn kháng chỉ hay sao?
Cao Tông nói:
- ý trẫm đã quyết. Từ quan đến đến bách tính, kẻ nào trái lời phải khép vào tội khi quân.
Đỗ Kính Tu không dám nói gì nữa, đành đi ra nói với Phan Lân, Đỗ Quảng:
- Đàm Dĩ Mông ngày càng tác yêu tác quái. Nhà Lý rồi đến bại hoại về tay nó mà thôi. Việc này chúng ta không làm thì trái mệnh vua mà làm thì trái lòng dân, biết sao bây giờ?
Phan Lân nói:
- Tôi nghĩ chúng ta cứ làm nhưng làm từ từ cho dân chịu được.
Ba người đồng tình mới đem quân đi đuổi tăng chúng ở các chùa về quê nhưng có kẻ nào chống lại cũng không bắt tội. Tháng Bảy năm ấy Ngô Công Lý làm phản ở Diễn châu. Đinh Khả xưng là hậu duệ của Đinh Tiên Hoàng, làm loạn ở châu Đại Hoàng, có Bùi Đô giúp sức, thanh thế mỗi ngày một to.
Đàm Dĩ Mông tâu vua rằng:
- Bọn Đỗ Kính Tu, Phan Lân, Đỗ Quảng nhận chỉ đi làm việc mà chẳng hết lòng. Hoàng thượng nên triệu về bắt tội để làm gương cho những kẻ coi thường phép nước.
Phạm Bỉnh Di can rằng:
- Ba người ấy đều là võ quan trụ cột của triều đình. Hoàng thượng hãy sai họ đi dẹp loạn Đinh Khả ở châu Đại Hoàng, nếu thắng thì yên được nước, còn như bại vong nhân đó mà trị tội, không còn kêu vào đâu được nữa.
Cao Tông nghe theo, cho sứ đến truyền chỉ sai ba người đi đánh Đinh Khả. Ba tướng thoát được cái việc dẹp Phật đạo, mừng lắm đem quân đánh Đinh Khả. Quân của Đinh Khả vốn ô hợp, chưa đánh đã tan. Đinh Khả, Bùi Đô đều bị bắt giải về triều. Người nhà của hai tướng ấy mang lễ vật biếu Đàm Dĩ Mông rất hậu, nhờ xin với hoàng thượng cho. Do vậy hai người ấy không những không phải tội mà còn được tin dùng.
Năm sau, Thiên Tư Gia Thuỵ thứ mười bốn (Kỷ Mùi-1199), dân tình cơ khổ vì nạn lụt, mất mùa đói kém, mùa Đông lại rét to. Đàm Dĩ Mông tâu:
- Trời lạnh thế này, hoàng thượng nên vào ái châu săn voi, tránh rét thì hơn.
Nhà vua nghe theo, trên đường đi bắt dân phục dịch rất là khổ cực, người chết nhiều lắm, tiếng ta oán của bách tính lan đến tận hang cùng ngõ hẻm. Vua lại sai sứ thần sang Chiêm Thành sắc phong cho vua nước ấy. Khi trở về, sứ thần mang theo một khúc nhạc Chiêm nghe rất thê lương, ai oán. Cao Tông thích nghe khúc nhạc ấy lắm. Các quan nhiều người khuyên vua nên bỏ đi. Phạm Bỉnh Di cự lại rằng:
- ý vua là ý giời. Vua thích là giời thích, việc gì phải bỏ.
Cao Tông cho là phải, ngày nào cũng sai nhạc công tấu bản nhạc ấy vài lần, ai nghe cũng cảm thấy buồn thảm mà sa lệ. Tăng phó là Nguyễn Thường than rằng:
- Bài tựa Kinh Thi nói: “Âm thanh của nước loạn nghe như ai oán giận hờn”. Nay dân loạn nước nguy, chúa thượng dong chơi vô độ, triều chính rối ren, lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong.
Đàm Dĩ Mông lại tâu với nhà vua:
- Bản nhạc này thật là sang trọng, cần có một cung điện hợp với nó, âm thanh mới càng vang động lòng người, lên được tới giời.
Cao Tông cho là phải, liền sai dựng điện Kính Thiên để dâng nhạc lên thiên đình. Bách tính vì thế mà cùng khổ không còn lời nào tả xiết. Điện Kính Thiên làm sắp xong, có con chim khách vào làm tổ trên mái, đẻ một đàn chim con. Đỗ Kính Tu tâu rằng:
- Xưa Nguỵ Minh đế làm gác Lăng Tiêu, có con chim khách đến làm tổ, Cao Đường Long can rằng: “Thần từng nghe câu: Chim khách có tổ, chim cưu đến ở. Nay chim khách đến ở nơi cung khuyết, theo ngu kiến của thần thì gác ấy có làm xong nữa tất có người họ khác đến ở”. Xin bệ hạ xét lời của Cao Đường Long, trước cốt sửa đức, sau hãy khởi công mới phải.
Phạm Bỉnh Di nói:
- Vua là con giời. Con chim khách là loài nhỏ bé ti tiểu báo điềm giời thế nào được. Đó chỉ là chuyện huyễn hoặc. Thần cho rằng các quan phải dốc hết lòng trung giúp vua lo công việc, làm cho nhanh để chóng hoàn thành mới là đúng vậy.
Cao Tông cho lời ấy là phải, bắt các quan đốc thúc thợ thuyền đêm ngày làm gấp. Chúng dân vì việc ấy mà không còn đường sống, ly tán rất nhiều. Quan thượng phẩm phụng ngự là Đỗ Quảng nói với Đỗ Anh Triệt rằng:
- Hoàng thượng việc gì cũng nghe theo Đàm Dĩ Mông, lại được Phạm Bỉnh Di vào hùa. Tôi e vận số nhà Lý nguy đến nơi rồi.
Đỗ Anh Triệt nói:
- Bỉnh Di là một kẻ ngu trung. Người này ắt sẽ chết vì điều ấy.
Năm Trị Bình Long ứng thứ tư (Mậu Thìn-1208), vua lập hoàng tử Lý Sảm làm hoàng thái tử.
Quan coi việc quân ở Hoan, ái là Phạm Du thu nạp dân lưu tán và bọn trộm cướp, cùng nhau đánh phá các châu huyện. Người châu Quốc Oai cũng nổi lên đóng ở Tây Kết. Các quan tâu lên. Vua phán:
- Thì các khanh cử người mà dẹp chúng đi, sao việc gì cũng phải hỏi trẫm.
Quan Thượng phẩm phụng ngự Phạm Bỉnh Di xin đem quân châu Đằng đi đánh. Vua chuẩn cho đi.
Mùa xuân, tháng giêng năm Trị Bình Long ứng thứ năm (Kỉ Tỵ-1209), Phạm Bỉnh Di đem con trai là Phạm Bỉnh Phụ và bọn thuộc tướng Quách Bốc, Lê Khải đi đánh Phạm Du. Quân Phạm Du tuy đông nhưng là quân ô hợp đói khổ, chưa được rèn luyện chinh chiến bao giờ nên thua luôn mấy trận, quân tướng tan nát. Phạm Du chạy sang Hồng châu, dựa vào thế sông nước thủ hiểm. Phạm Bỉnh Di thu hết tài sản của Phạm Du chia cho dân nghèo, khuyên họ về quê cày cấy, không được làm phản. Dân chúng cảm ơn nhiều lắm. Những gì không thể chia được, sai quân lính đốt hết. Bản thân Bỉnh Di không lấy tí gì làm của riêng cho mình. Nghe tin ấy Phạm Du tức lắm, sai người mang vàng bạc vào kinh đô, đút lót cho bọn nội nhân, nhờ bọn này tâu với vua là Bỉnh Di tàn ác, giết người vô tội và bày tỏ tình cảnh của mình. Vua Cao Tông hồ đồ giận dữ, lập tức sai sứ đòi Bỉnh Di về kinh. Tháng bảy năm ấy Phạm Bỉnh Di về đến kinh thành, cho bọn Quách Bốc, Lê Khải đóng quân ở ngoài còn mình và con trai là Phạm Bỉnh Phụ vào triều. Các quan thấy vậy nói với nhau rằng:
- Phạm Bỉnh Di ngày thường a dua a tòng với Đàm Dĩ Mông, phen này chết là đáng.
- Thật ra Bỉnh Di chỉ là kẻ ngu trung nhưng được cái đức liêm chính, không tham lam, để ông ta bị tội cũng là đáng thương. Kẻ đáng ghét là Đàm Dĩ Mông kia.
Mọi người cho lời ấy là phải, sai người ra nói với Bỉnh Di rằng:
- Lời của Phạm Du đã đến tai vua trước rồi. Vua còn chưa nguôi giận1. Ông nên trốn đi thì hơn.
Bỉnh Di thản nhiên nói:
- Ta thờ vua tận trung mà bị gian tặc gièm pha ư ? Huống chi lại có lệnh vua đòi, ta còn tránh vào đâu?
Nói xong, Bỉnh Di dắt con đi thẳng vào triều. Vua Cao Tông thét võ sĩ lôi cha con Bỉnh Di ra chém. Các quan đều quỳ lạy xin tha cho, Đỗ Kính Tu nói:
- Phạm Bỉnh Di là người thân thiết của hoàng thượng. Tuy chính kiến không phải lúc nào cũng đúng nhưng có đức liêm chính, được lòng người, nếu đem giết đi thế nào cũng loạn.
Nhà vua không nghe, phẩy tay áo, quay mặt đi vào. Thương thay, cha con Phạm Bỉnh Di có công mà chịu tội chết chém, phơi thây ngoài nắng. Ai trông thấy cũng gạt nước mắt xót xa.
Người nhà Lê Khải ra ngoài, báo tin dữ và khuyên Lê Khải, Quách Bốc đem quân trốn đi. Quách Bốc bàn với Lê Khải:
- Chúng ta chinh chiến có công, đã không được thưởng lại còn phải tội. Vua chỉ biết chơi bời, nghe lời xiểm nịnh. Trốn đi sao bằng đánh thốc vào trong thành, giết béng hôn quân, lập vua mới, vừa trả thù cho Phạm tướng quân, vừa cho thiên hạ được nhờ có hơn không ?
Lê Khải bảo:
- Ông nói phải lắm !
Hai người liền chia quân đánh thành. Quân sĩ hăng hái hưởng ứng. Tiếng reo hò vang trời dậy đất. Các đội quân tứ sương, quân hổ bôn và quân thánh dực không sao ngăn lại được. Tình thế rất nguy cấp, các quan vội đỡ nhà vua ra xe, mở cửa thành phía Tây chạy lên miền Quy Hoá giang Thái tử Lý Sảm lúc ấy đang mải chơi thả diều trong vườn ngự uyển, bỗng nghe tiếng ngựa hí, quân reo, bốn mặt thành mịt mù khói bụi, biết là có biến, cuống quýt, không làm thế nào được. May sao có thị vệ lang là Tô Trung Từ vừa tới. Tô Trung Từ bảo:
- Việc gấp lắm rồi. Xin thái tử hãy đi theo thần.
Nói rồi, Tô Trung Từ cầm kiếm lăm lăm, đi trước mở đường. Mấy người lính hổ bôn theo sau phò tá. Trời gần tối, Tô Trung Từ đưa thái tử Sảm ra bờ sông, tìm được một chiếc thuyền, xuôi dòng mà đi. Thái tử nói:
- Không biết tìm hoàng thượng ở đâu?
Trung Từ bảo:
- Hiện nay quê tôi ở Thiên Trường còn đang yên ổn, hãy tạm về đấy, nghe ngóng xem hoàng thượng đến nơi nào rồi sẽ tìm.
Thái tử chẳng biết làm sao, đành nghe theo. Trung Từ cho thuyền dong buồm thẳng hướng Đông đi suốt đêm. Trăng sáng vằng vặc, thái tử vừa đói, vừa mệt, ngồi tựa vào mạn thuyền ngắm sông nước. Hai bên bờ hoa lau phơ phất như cờ trận. Tiếng gió thổi xạc xào hoà với tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền tạo ra một thứ âm thanh đơn điệu buồn buồn không khác nào tiếng hát ru của người vợ có chồng chinh chiến nơi xa. Từ trên cao, một con vạc vô tình thả vào không gian mấy tiếng vác...vác. Thái tử ngửa mặt lên trời, cảm khái nói:
- Thân ta nay bốn bể không nhà, con vạc kia còn hạnh phúc hơn nhiều lắm.
*
Trần Lý đang cùng các con đánh cá trên sông, bỗng thấy xa xa có chiếc thuyền lạ lướt tới, khi đến gần mới nhìn rõ người đeo kiếm đứng ở mũi thuyền chính là Tô Trung Từ, em vợ mình. Hai bên chào hỏi xong, Trần Lý sai các con rước thái tử về nhà ở thôn Lưu Gia, trong Hải ấp, mổ gà, giết lợn thết đãi rất nồng hậu. Trong khi uống rượu, thái tử thấy con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung nhan sắc đậm đà, vừa lòng lắm. Nhưng nghĩ mình đang gặp bước gian nan, đem thân ra ngoài, không biết mai hậu thế nào nên không dám nói gì. Hôm sau về nhà Tô Trung Từ, - cũng ở Hải ấp - thái tử đem nỗi lòng thổ lộ hết. Tô Trung Từ nói:
- Chuyện ấy nào có khó gì. Trần Lý là anh rể tôi. Việc con Dung, thái tử cứ để tôi lo liệu nhưng trước mắt phải sai người dò xem hoàng thượng ở đâu.
Thái tử khen phải, lập tức phái người đi tìm Cao Tông. Tô Trung Từ đem chuyện thái tử có tình ý với Trần Thị Dung nói cho Trần Lý biết. Trần Lý bảo:
- Cao Tông không được lòng dân nên cha con giờ phải lưu vong. Ta gả con cho thái tử chẳng phải là đưa nó vào chỗ chết ư?
Tô Trung Từ cười, nói:
- Anh rể nói sai rồi. Nhà Lý có thiên hạ hai trăm năm nay, lấy pháp độ và sự khoan hậu để cai trị nên lòng người quy thuận, nay vì Cao Tông mà loạn. Nếu bác gả con Dung cho thái tử, xin gia phong quyền tước, rồi dấy binh, mộ tướng, khôi phục triều đình, đó chính là công đầu. Ngôi công khanh nào có khó gì. Bác không làm, e rằng cơ hội ngàn năm tuột mất.
Trần Lý bảo:
- Những lời ấy của cậu nghe cũng có lý nhưng tôi chỉ là một kẻ thường dân. Trong triều còn bao nhiêu là văn quan võ tướng, chẳng lẽ không ai vì lòng ái quốc mà đứng lên bên cạnh nhà vua hay sao?
Tô Trung Từ cười ngất, nói:
- Lòng ái quốc! Lòng ái quốc! Thời buổi này mà anh rể lại nói đến cái thứ hàng đắt tiền ấy. Từ khi nhà Lý được nước tới nay trải bảy đời vua những người lương đống như Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu, Lý Đạo Thành, Đào Cam Mộc chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn những phường a tòng nịnh hót thì không sao kể xiết. Ví như Lý Du Đô dâng chim sẻ để được thăng quan, Vũ Xưng hiến ngọc châu cầu mong thoát tội, Lê Văn Thịnh hoá hổ mưu hại quân vương, Tử Khắc dâng con hươu mà được giữ binh quyền, Vũ Đới tha Anh Vũ để lưu hại cho triều đình, Đàm Dĩ Mông xui vua làm bậy mà thành tể tướng, Phạm Du làm loạn tố cáo bừa mà được trọng dụng; còn bao nhiêu kẻ bày chuyện thị phi bắt được con voi cũng dâng tấu biểu, vết mai rùa cũng cho là chữ thánh; đưa Ung Minh về nước Mên không xong, chống một mình Quách Bốc không nổi thế thì lòng ái quốc để ở chỗ nào? Cái lũ người mà bác gọi là văn quan võ tướng ấy chẳng qua là những thằng ăn mày đài các mà thôi. Chúng chỉ muốn chống đỡ cho mái điện Thiên An bằng những cọng rào.
Trần Lý bảo:
- Nếu quả thực như vậy, cậu hãy về nói với thái tử chọn ngày tốt, đem sính lễ sang. Ta cho đón cô dâu.
Trần Thị Dung là em ruột Trần Thừa và Trần Tự Khánh, là chị họ của Trần Thủ Độ, đang tuổi cập kê, mười phần xinh đẹp, đã cùng Trần Thủ Độ hẹn biển thề trăng, nay nghe cha muốn gả cho thái tử, có ý không bằng lòng, suốt ngày sùi sụt khóc thầm. Trần Thủ Độ cũng đau lòng lắm, mới bảo Trần Thị Dung:
- Thôi! Chị cứ về với thái tử đi. Đời người cũng dài, chỉ cần ta còn sống, thế nào rồi sẽ có ngày gặp nhau. Món nợ này nếu không trả được, quyết chẳng phải là thằng con trai.
Nói xong rút dao khía vào ngón tay cho máu nhỏ xuống sông. Trần Thị Dung ôm lấy Trần Thủ Độ, nói:
- Độ ơi! Hãy mau nghĩ cách cứu chị về.
Mấy hôm sau, thái tử Lý Sảm cho người mang sính lễ đến nhà Trần Lý, đón Trần Thị Dung về với mình ở nhà Tô Trung Từ. Thị Dung ngồi trong kiệu hoa, nước mắt hai hàng, chốc chốc lại ngoái đầu nhìn về phía Trần Thủ Độ. Thủ Độ đứng dưới khóm tre, răng cắn bặm môi, nhìn theo chiếc kiệu.
Thái tử Lý Sảm lấy được Trần Thị Dung thì sung sướng không sao tả xiết, liền trao cho Trần Lý tước Minh tự, phong cho Tô Trung Từ chức Điện tiền chỉ huy sứ. Vừa lúc người đi tìm tin tức vua Cao Tông cũng trở về. Thái tử liền sai Trần Lý đem các con, tập hợp hương binh dẹp loạn, đón Cao Tông. Trong khi đi đường xảy ra giao chiến, Trần Lý tử trận. Trần Thừa bảo các em:
- Hộ giá nhà vua và tang cha, hai việc đều trọng, không thể bỏ việc nào. Nay một mình ta đem xác cha về quê chịu tang là đủ, các em kíp đem quân hộ giá hoàng thượng.
Anh em ôm nhau khóc lóc, chia tay. Trần Tự Khánh hộ vệ nhà vua về kinh, dẹp được đảng Lý Thầm, Quách Bốc, vua phong là Thuận Lưu bá. Kinh thành lúc ấy tạm yên ổn nhưng các châu huyện bên ngoài giặc cướp hoành hành, đường bộ và đường thuỷ đều tắc nghẽn nên thái tử Sảm vẫn ở nhà Tô Trung Từ. Hôm ấy nhằm tiết thanh minh, tháng ba, thái tử cho mở tiệc ăn tết. Mọi người đang uống rượu vui vẻ, bỗng lính gác vào báo phía xa có một toán quân đang kéo tới, không biết là quân nào. Xin thái tử và quan điện tiền kíp cho phòng bị. Thái tử Sảm sợ hãi, mặt cắt không còn hột máu. Tô Trung Từ nói:
- Xin thái tử yên lòng, để tôi ra xem sao đã.
Thật là:
Vừa vượt được qua vùng lửa bỏng
Mới ngờ phía trước vạc dầu sôi.
Mời bạn đọc tiếp chương sau xem đạo quân đang kéo đến là quân nào.
(Còn nữa)
Người gửi / điện thoại