ĐỂ ĐỨC HẠNH LÊN NGÔI
(Tặng em - người đàn bà xưa)
Bành Phương Lan
Em người đàn bà cô đơn xưa cũ
Nén chặt lòng những dang dở yêu thương
Đêm đếm tiếng Thạch sùng chạy trên tường
Đổi lấy tiếng người đàn bà đức hạnh
Lánh phố đông... cất mày ngài, môi thắm
Nghẹn lòng thương “người ấy” tìm mình
Nhường cho cô hàng xóm về dinh
Đổi lấy tiếng người đàn bà đức hạnh
Trốn giấc mơ thêm một lần hạnh phúc
Tự buộc thân chẳng cần áo nâu sồng
Giấu khao khát về một người đàn ông
Đổi lấy tiếng người đàn bà đức hạnh
Lưỡi thiên hạ như tên tẩm độc
Người đàn bà chui vào vỏ ốc
Giấu niềm yêu trong chiếc gối đơn côi
Rưng rưng đức hạnh lên ngôi…
LỜI BÌNH CỦA VŨ NHO
Chúng ta không rõ em trong bài thơ này là ai? Là góa phụ còn trẻ chăng? Là vợ liệt sĩ chăng? Là người đã từng có một cuộc tình đổ vỡ chăng? Là người mẹ đơn thân “ cả nể cho nên sự dở dang”, hay là…
Không rõ. Hoàn toàn không rõ!
Nhưng người đàn bà đó là người “đàn bà xưa”, tức là người đàn bà theo chuẩn “công dung ngôn hạnh”. Người tôn trọng đức hạnh theo tinh thần cụ Nguyễn Đình Chiểu “gái thời tiết hạnh là câu trau mình”.
Em là người sinh ra để tôn thờ đức hạnh chăng? Không! Không phải thế. Em là người nhút nhát, là người sợ hãi những thị phi, đàm tiếu của thiên hạ. Em sợ miệng lưỡi thiên hạ như “tên tẩm độc”. Chính vì thế mà em chui sâu vào vỏ ốc và vùi chôn những khát khao tình ái của mình. Em thành một người cô đơn, cô độc,…
Em nén chặt “ những dang dở yêu thương”, đêm đêm không ngủ đếm tiếng thạch sùng kêu trên tường,…
Em cất “mày ngài, môi thắm”, những vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ. Em lánh phố đông. Và “nghẹn lòng thương”, lánh mặt “người ấy”. Kết quả là cô hàng xóm đã về nhà người ấy thành đôi!
Em trốn giấc mơ Hạnh Phúc, tự trói buộc mình, dìm chết những khát khao.
Tất cả những hi sinh, mất mát to lớn trên chỉ để “Đổi lấy tiếng người đàn bà đức hạnh”. Ôi, cái tiếng ấy mới khốc liệt và tàn nhẫn làm sao!
Đức hạnh lên ngôi trong triếng khóc thầm rưng rưng của người đàn bà yếu đuối, đơn côi! Em đáng giận, đáng thương hay đáng trách?
*
Để “đức hạnh lên ngôi” có cần thiết phải hy sinh quá lớn, quá khủng khiếp như thế hay không?
Tác giả chỉ tường thuật lại để cho mọi người cùng suy ngẫm và cũng phán xét!
Bài thơ vì thế ám ảnh người đọc với câu hỏi lặng thầm mà vô cùng quyết liệt, riết róng!
Hà Nội, 2 tháng 9 năm 2023
Người gửi / điện thoại