Đến thăm Cao thủ
Tập truyện thơ ”Bức tranh của bé Hằng” của Nguyễn Hoàng Sơn, Nhà xuất bản Kim Đồng
VŨ NHO
NHÀ THƠ NGUYỄN HOÀNG SƠN
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn khi in tập truyện thơ "Bức tranh của bé Hằng" đã vào tuổi ngũ thập (năm mươi). Nhưng chú hay bác Sơn đó vẫn xưng anh với các em. "Anh kể các em nghe". Chắc là quen miệng, hoặc là không muốn có khoảng cách tuổi tác, hoặc là xưng hô thế cho gần gũi, thân mật. Mà cũng có thể là muốn mãi mãi trẻ trung. Vậy, chúng ta cứ gọi tác giả là anh nhé.
Người anh vui tính, hóm hỉnh dẫn chúng ta đến thăm nhà bé Hằng:
Nhà bé Hằng to lắm
Ba tầng lầu nguy nga
Cửa sắt luôn luôn đóng
Chó béc - giê coi nhà
Chà chà! Rõ là một nhà giàu. Chắc là bé Hằng và mọi người trong nhà phải sướng như tiên. Cứ tưởng thế, nhưng hoá ra chẳng phải. Bé Hằng có phòng riêng, có nhiều quà, lắm đồ chơi, nhưng mà:
…nhà vắng tiếng cười
Lối sân rêu quạnh quẽ
Mẹ bé Hằng chừng như cũng có điều gì không vui:
Thở dài khi đọc thư
Hoặc ôm Hằng lặng lẽ
Ngắm phố chiều sang thu
Vì bố ở mãi bên Nga. Có phải vậy chăng? Có thể. Nhưng bố về, cũng vẫn chẳng vui. Thậm chí: "Nhà giờ thêm nặng nề. Luôn tiếng chì tiếng bấc".
Bé Hằng càng buồn lắm. Em vẽ tranh để nói nỗi lòng mình. Rồi bố mẹ bé Hằng xem tranh. Họ đã nghĩ lại. Bé Hằng và bức tranh của bé cứ như là phép tiên làm thay đổi tất cả. Thế là nhà Hằng bây giờ mới thật vui. Cứ như là ngày tết hay ngày hội:
Nhà hôm nay rạng rỡ
Ông súc ấm thông vòi
Bà xách làn đi chợ
Bố xắn tay thái phở
Mẹ nếm thử nước dùng
Câu chuyện kết thúc có hậu như mọi chuyện cổ tích. Một ngôi nhà giữa nắng với sự trở về của tiếng cười vui.
Câu chuyện cổ tích Cây khế quen thuộc được anh Nguyễn Hoàng Sơn kể lại bằng thơ lục bát với cái tên Túi chín gang. Vừa quen, nhưng lại cũng lạ. Nhất là chi tiết và cách diễn đạt. Túp lều, cây khế góc vườn ấn tượng hơn chỉ với ba tính từ gày, con, còng:
một túp lều gày
Mảnh vườn con với một cây khế còng.
Nhờ sự chăm sóc của người em mà cây khế còng trở thành khế quý
Đến mùa khế chín trái vàng đầy cây
Người anh tham lam được nhà thơ khắc hoạ với thái độ chê bai không giấu giếm qua hành động mò đến xem, qua tâm trạng vừa tiếc vừa ghen, qua màn diễn xạo: Cảnh tình kể lể cùng chim. Thương tâm như thể… ăn xin lành nghề. Thật là xứng đáng với anh ta khi chim khuyên đi hót của. Anh ta chẳng những tham khi "Túi ba gang nới mỗi bề chín gang", mà còn lộ rõ lòng tham khi vơ của:
Đến nơi bốc vội bốc vàng
Túi đầy nhét dọc nhét ngang quanh người
Chi tiết kết thúc thật là thú vị. Dưới đáy biển, anh chàng tham đó đã bất tử với cái túi chín gang, biểu tượng của lòng tham:
Vẫn ngồi ôm túi chín gang
Chỉ riêng trong gió tiếng tham bay về
Trong tập còn có Nói với con miu bỏ nhà đi hoang. Đó là kỉ niệm buồn vui của bạn nhỏ. Nhưng ai mà chả có ít nhiều.
Nhà thơ Đặng Hấn nhận xét rằng anh Nguyễn Hoàng Sơn thuộc "bậc cao thủ vào loại nhất trong số những nhà thơ viết cho thiếu nhi ở nước Việt" (Cây đèn thần. Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1999, tr.219). Các em hãy đọc tập thơ này và kiểm tra xem anh Sơn có bao nhiêu chưởng lực.
1/2001
Người gửi / điện thoại