Đi tìm vẻ đẹp của thơ
Vũ Nho
So với văn xuôi, cảm thụ và phân tích thơ vừa có cái dễ, vừa có cái khó hơn. Thơ thường ngắn, bài thơ dài lắm cũng chỉ độ mấy chục câu. Thơ có nhịp điệu có vần, dễ nhớ, dễ thuộc. Thơ cô đọng, có những câu như là châm ngôn. Nhưng tứ thơ không dễ nắm bắt, hồn thơ không dễ cảm nhận, cái đẹp của thơ không dễ giảng giải, phân tích. Bài thơ hay giống như là một sinh vật sống- như con cá bơi trong nước, như con bướm lượn trong vườn, như con chim hót trên cành. Sự phân tích và giảng giải thô thiển, không thích hợp của ta đôi khi biến thơ thành con cá chết, thành con bướm ép, thành con chim nhồi rơm…
Khó nhất đối với thơ ca là làm sao nắm được hồn thơ, nhận ra được vẻ đẹp lung linh rất khó nắm bắt. Từ bài thơ, tìm hiểu vẻ đẹp riêng của từng khổ, từng câu. Rồi lại từ những hiểu biết chi tiết đó, thấm nhuần một lần nữa vẻ đẹp của toàn bài. Ta sẽ hỏi bài thơ nói điều gì? Từng có bao nhiêu người đã nói? Cái mới ở đây làm cho ta thích thú là gì? Đó là ở nội dung? ở cách trình bày nội dung? Hay là ở cả hai?
Rõ hơn ở nhiều loại thể văn học, đối với thơ, nội dung và hình thức gắn bó máu thịt. Có thể nói như E. ép tu sen cô:
Hình thức chính là nội dung
Vì vậy mà cách chia khổ, chia đoạn, cấu trúc của đoạn, cấu trúc của câu, trật từ các từ trong câu, các biện pháp tu từ…có một ý nghĩa rất to lớn. Và mỗi nhà thơ có một phong cách, một lối diễn đạt riêng của mình. Ngay một nhà thơ thì mỗi bài lại nói bằng tiếng nói riêng, bằng cách riêng. Thành ra cái đẹp của thơ vô cùng đa dạng và phong phú. Toan tính vạch ra những công thức, những qui trình đi vào thơ…thì thật là ngớ ngẩn. Mọi con đường đều có thể đến với thơ. Sao ta lại dám nói chỉ có hai, ba, hay bốn năm con đường?
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa coi sáng tạo thơ ca là một điều huyền bí, ta chỉ cảm thấy, mà không phân tích, không rút đúc ra thành các qui luật, các thao tác. Bằng kinh nghiệm cảm nhận bình thơ, bằng sự tìm hiểu, nghiên cứu cách cảm thơ, thưởng thức thơ, và bình thơ của các nhà thơ, nhà phê bình, người viết muốn trao đổi một số kinh nghiệm đi vào thế giới cái hay, cái đẹp của thơ ca.
Trước hết khi đi vào thế giới của thơ ca, ta chớ nên đi với một trái tim dửng dưng, với con mắt thờ ơ, lạnh nhạt. Hãy trân trọng và nâng niu, vì đó đâu phải là câu chữ, đó là hồn người viết, là vật họ gửi làm tin cho ta. Vì vậy hãy đọc thơ như mình trò chuyện với tác giả với một tinh thần cảm thông "đồng khí, đồng thanh". Và như vậy trái tim ta mới có thể dễ dàng hoà nhịp với trái tim đang phập phồng của thi nhân trong từng câu chữ.
Đó là một lời cần thuộc trước khi thuộc những vần thơ khác. Hãy đọc đi đọc lại. Nếu cần, có thể ngâm nga để cho thơ, một lần nữa lên tiếng hát trong lòng ta. Dĩ nhiên đọc nhiều lần, không phải đọc để mà đọc. Mối lần đọc ấy là một lần cảm nhận, thưởng thức, tìm hiểu. Nhà thơ Xuân Diệu có một kinh nghiệm khi đọc thơ Hoàng Nhuận Cầm:
" Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng
Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm
Yêu chim mà chẳng lên thăm
Bởi vì điểm chốt nên nằm lặng im"
Ông viết "bây giờ tôi mới cảm thấy mình vừa mới thật hiểu bài thơ, phải đọc lần thứ mười mới xúc cảm được đến tận trái tim của bài thơ, nghĩa là của người làm thơ: còn phảng phất tuổi thiếu niên thì mới coi sự xa chim là quan trọng, chứ thật là thanh niên rồi thì phải 'Gửi em, cô thanh niên xung phong ' chứ ".( Xuân Diệu. Đọc những bài thơ viết về bộ đội. Tạp chí Tác phẩm mới, số43-44, năm 1974, tr.64,65)
Thử học tập Xuân Diệu, cũng phải đọc đến hàng chục lần khổ thơ Sang thu của Hữu Thỉnh:
Chợt nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Mới vỡ ra một điều: tại sao nhà thơ lại viết là "hình như"? Này nhé hương ổi chín - mùa Thu. Gió se- đích là gió thu. Sương lãng đãng-sương thu. Khứu giác, xúc giác, thính giác đều mách bảo sang Thu rồi. Còn điều chi nữa mà ngờ? Bấy giờ ta mới xem xét vì sao nhà thơ không reo lên, không khẳng định, mà lại viết ở dạng nghi vấn như thế. Và viết như thế có đúng tâm trạng không, có làm cho bài thơ lung linh thêm không?
Vẻ đẹp của thơ ca trong từng bài thơ thường ẩn chứa ở chỗ nào? Thật khó mà trả lời đích xác, rành rọt. Vì rằng thơ thì đúng là đẹp mỗi bài một vẻ. Có bài đẹp ở tứ, có bài đẹp ở tình, có bài đẹp ở câu, có bài đẹp ở lời, có bài đẹp tất cả, nhưng có bài lại đẹp ở giọng điệu.
Có bao nhiêu là bài thơ diễn tả cảnh chia li, kẻ ở người đi, nhưng Thu Nguyệt viết thật là độc đáo và đặc sắc:
Mặt trời nằm trong ngực
Mặt trời đừng bước ra
Để thời gian ở mức
Ngày mai em đi xa
Làm sao "mặt trời" lại nằm trong ngực cô gái, sao mặt trời lại có thể "bước ra" mà lên bầu trời để cho thời gian quá cái mức "ngày mai em đi xa"? Mức thời gian ấy là mức nào? Đo bằng cái gì? Ta chưa tìm câu trả lời ngay. Nhưng sự khao khát của cô, niềm mơ ước của cô, tâm tình của cô muốn vĩnh viễn hoá giây phút chia tay đầy xúc động, đầy tình cảm thì ta cảm được ngay, hiểu được ngay. Cái phút giây kì diệu ấy phải chăng một lần ta đã bắt gặp trong ao ước của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn:
Đừng bao giờ nữa chín thêm
Sợ tan mất giấc mơ em một thời
Và cả Xuân Diệu khi nhà thơ thốt lên:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Ai trong số chúng ta mà chả một lần ước ao, mong muốn thế?
Không phải ngẫu nhiên mà trong thơ, việc dùng từ chọn chữ, cách nói đảo ngữ, thậm xưng, trùng điệp được các nhà thơ rất chú ý khi sáng tạo. Vì chính nhờ chúng mà nhà thơ nói được rất nhiều, gợi được rất nhiều, gây ấn tượng rất mạnh và câu thơ nhanh chóng bắt rễ vào trong trí nhớ bạn đọc. Nhiều người đã phân tích rất hay về bài thơ "Có bệnh bảo mọi người" nhưng hầu như chưa có ai để ý đến trật tự của câu thơ :
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân lai bách hoa khai
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Theo lô gíc thông thường, thì Xuân phải đến, rồi Xuân mới đi, và hoa phải nở rồi hoa mới rụng. Thế mà ở đây, nhà tu hành kiêm thi sĩ lại nói chuyện mùa xuân đi, và hoa rụng trước rồi mới nói chuyện mùa xuân đến và hoa nở sau. Một sự vô tình chăng? Không phải. Vì bài thơ này nói về sự trái qui luật, sự vượt qua qui luật. Không những thế, tác giả muốn hướng tới sự sống, ca ngợi sự bất tử, bất diệt của sự sống. Vì thế mà cái đích hướng tới là xuân đến, là hoa nở, và kết thúc là một nhành mai nở muộn, bất chấp "xuân tàn". Bởi vậy nên kết cấu của bài thơ, trật tự của những câu thơ cũng góp phần vào thể hiện tư tưởng chủ đề. Tất nhiên, bài thơ càng thêm hay, thêm sâu sắc vì nó nói được triết lí của Đạo Phật, nói được triết lí của đời sống. Đạo và Đời thống nhất.
Vị trí từ ngữ trong câu cũng có vai trò hết sức to lớn. Bài thơ "Cửa biển Bạch Đằng" của Nguyễn Trãi là ví dụ tiêu biểu. Thăm lại Bạch Đằng, thăm lại chiến địa xưa, cảm hứng của nhà thơ, nhà quân sự Nguyễn Trãi thật mãnh liệt. Cảm hứng ấy đã khiến nhà thơ viết:
Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng
Đây là một cách so sánh. Nhưng nếu đảo vế câu, nó sẽ trở thành sự so sánh bình thường, không đáng nói nhiều. Còn viết như Nguyễn Trãi, chính là thể hiện sâu sắc và tài tình cách nhìn đầy cảm hứng lịch sử: nhìn thấy quân giặc dữ bị băm vằm trong dáng núi non lởm chởm, nhìn thấy giáo gươm gãy của giặc thảm bại trong bờ bãi tầng tầng…Cách nhìn ấy càng tăng thêm niềm tự hào dân tộc và xúc cảm trước chiến công hiển hách của người xưa.
Cũng có thể thấy cái hay của trật tự từ ngữ trong câu thơ ở thơ Giang Nam: cười khúc khích (Cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích)và khúc khích cười (Thẹn thùng nép sau cách cửa. Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ). Lần sau phải viết "khúc khích cười" vì cô bé đã thành thiếu nữ, đã biết ngượng thẹn. Cô giấu miệng cười, nên chỉ nghe thấy tiếng khúc khích mà biết là cô cười, chứ không vừa nhìn thấy miệng cười vừa nghe thấy tiếng cười như hồi nào cô còn hồn nhiên.
Đoạn thơ của Quang Huy:
Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ
Ngón tay đan trên những sợi dây đồng
Lúc ấy cả công trường say ngủ cạnh dòng sông
Những xe ủi xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ
Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà
Nếu viết đảo lại "ngủ say" thì cái hay không còn nữa. Chúng ta hãy thử lí giải xem tại sao lại thế.
Ca dao xưa nói rằng:
Người xinh cái bóng cũng xinh
Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn
Bài thơ hay chắc chắn là tứ hay, ý hay, cấu trúc hay, trật tự từ ngữ hay, và từ ngữ bản thân nó cũng hay. Cái hay của từ ngữ rất khó nhận ra. Không phải cứ hễ lấp láy, cứ ẩn dụ hoặc ngoa dụ là hay. Đời thường, người ta nói lời hay ý đẹp, khuyến khích nói lời hay ý đẹp. Nhưng trong thơ, thì có khi nói tục, mà lại hay.
Hồ Xuân Hương văng ra: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Tú Xương chửi: Cha mẹ thói đời ăn ở bạc.
Nhưng đó là những từ không thể thay thế được, nó vừa làm nên vẻ đẹp của lời thơ, vừa phản ánh rõ cá tính, cái riêng của người viết.
Nhưng cái gọi là "nhãn tự" (từ mắt) trong câu thơ nhiều khi nó không trồi lên, không lộ ra, mà nó lặn vào trong bài. Bao người đã đọc câu thơ Huy Cận
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
nhưng phải đợi Xuân Diệu mới tìm được mối liên hệ giữa bóng chiều sa với cánh chim nghiêng: "con chim đang xoè cánh bay, bóng chiều sa nặng đến nỗi nó phải nghiêng cánh, lệch cánh".
Với bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế thì chữ "đáo" trong "Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền" (nửa dêm, tiễng chuông tới thuyền của khách) là "nhãn tự", vì nó đã nhân hoá tiếng chuông, biến tiếng chuông thành người bạn tới thăm khách trong đêm buồn ở bến Phong Kiều…
Bài thơ "Có một ngày" của Nguyễn Khoa Điềm trong tập thơ Tình bạn tình yêu có câu thơ:
Em sẽ có cái cười
Bằng ánh sáng của cái hôn khác
…
Cái ngày đó
Anh sẽ bắt đầu
Với anh
Bằng bước chân ngày đón em
Hai từ "sẽ" chính là nhãn tự của bài, vì nó khẳng định nó thông báo rằng đây là một giả định, chứ không phải là ngày đó đã qua hay ngày đang diễn ra. Không thấy được chúng, bài thơ sẽ bị hiểu sai lệch, và giá trị của nó cũng sẽ mất mát nhiều. Cũng tương tự như thế, những từ xưng hô "mày,tao" độc đáo trong một số bài thơ của Trần Đăng Khoa như : Sao không về Vàng ơi, Nói với con gà mái, Đánh thức trầu… cũng là nhãn tự của bài thơ, làm nên không khí hồn nhiên, thân mật, thơ trẻ đặc biệt. (1)
Vấn đề đối với chúng ta, những người đọc thơ, thưởng thức thơ là làm thế nào để phát hiện được cái hay của từ ngữ trong câu thơ? Tất nhiên trực cảm sẽ giúp chúng ta một phần. Nhưng có phải ai cũng có khả năng nhận biết ngay bằng trực giác đâu. Cách thức đáng tin cậy là ta thử thay thế từ ngữ ấy bằng những từ đồng nghĩa, gần nghĩa. Và cố gắng lí giải vì sao nhà thơ lại không dùng những từ của ta. Những từ do nhà thơ viết hay hơn ở chỗ nào, hợp hơn ở chỗ nào ?
Ví dụ, với bài "Thương vợ" của Tú Xương, nhà thơ viết Quanh năm buôn bán ở mom sông. Ta thử bỏ từ "Quanh năm" và thay bằng: Suốt ngày, Ngày đêm, Ngày ngày, Tháng ngày, Bao năm, Suốt năm. Rõ ràng, những từ đó có thể nói về thời gian, mức độ lặp lại, nhưng không có từ nào như "quanh năm" vừa diễn tả được sự liên tục ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng, mùa tiếp mùa, vừa diễn tả được sự dằng dặc của thời gian vất vả, vừa diễn tả được sự lặp lại theo chu kì lớn như một cái vòng tròn định mệnh…
Ví dụ khác, những câu thơ của Nguyễn Đình Thi:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Câu thơ thứ nhất ta chú ý đến từ ngữ: chảy máu. Tại sao tác giả không viết cánh đồng quê đẫm máu, ngập máu, loang máu, đầy máu? Viết như thế, chỉ nói được máu người bị giặc giết loang trên đồng, ngập trên đồng. Nhưng viết "chảy máu" thì khái quát hơn, vừa nói được cánh đồng đẫm máu người bị giết, và sâu xa hơn, còn nói được chuyện cánh đồng cũng bị giặc giết, cánh đồng này cũng bị tàn sát. Lũ giặc giết người đã ác, nhưng chúng còn giết cả những cánh đồng, chúng còn tàn sát cả thiên nhiên, đất đai, cây cỏ.. Vì thế cách viết của nhà thơ Nguyễn Đình Thi có sử dụng nghệ thuật nhân hóa, sức gợi, sức khái quát của câu thơ lớn hơn nhiều…
Bây giờ ta thử hỏi vì sao nhà thơ lại chọn trời chiều? Vì sao không viết chẳng hạn : Dây thép gai đâm nát bình minh? Dây thép gai đâm nát trời trưa? Đây là thời gian hành quân của người chiến sĩ, tiếp sau đó là câu thơ "Những đêm dài hành quân nung nấu. Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu", bởi vậy thời gian chiều chuyển sang đêm gần gũi. Nhưng sâu xa hơn, có lẽ bình minh lên hồng chân mây hay trời trưa trong trẻo sẽ không thích hợp với không khí cánh đồng chảy máu. Trời chiều thường có ráng đỏ, thường tím tái, khi dây thép gai đâm nát, gợi một không gian ứa máu. (Trong Nhớ rừng, Thế Lữ cũng chọn thời gian và không gian chiều để diễn tả."Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng. Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt"). Cánh đồng quê chảy máu. Trời chiều bị dây thép gai đâm nát cũng ứa máu. Sự diễn tả như thế tạo ấn tượng mạnh mẽ về tội ác của kẻ thù. Và đấy là câu thơ hay với cách viết tối ưu.
Vị trí của chữ nghĩa quan trọng như vậy, cho nên các nhà thơ rất quan tâm đến dùng chữ mới, chính xác hơn là đem đến sự mới mẻ cho chữ dùng. Chữ có thể vẫn là những chữ ấy, nhưng trong một tập hợp mới, câu thơ bỗng lạ:
Trăng nằm sóng xoải trên cành liễu
Đợi gió xuân về để lả lơi
Hàn Mặc Tử - Bẽn lẽn
Nằm sóng xoải, lả lơi gắn liền với trăng. Đằng sau động tác, hành vi ấy là cả một xu thế Âu hoá, đổi mới của các cô gái tân thời" khăn nhung quần lĩnh rộn ràng. áo cài khuy bấm".
Còn có thể thấy từ sờ sẫm gối có vẻ ma quái trong thơ Hàn Mặc Tử. Thi sĩ là người đầu tiên ghép hành động sờ sẫm cho bóng trăng (Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối. Gío thu lọt cửa cọ mài chăn.- Thức khuya). Trước đây ta chỉ mới thấy trăng treo, trăng gác, trăng nhòm, trăng chênh chếch, trăng ngần, trăng lửng lơ…
Hồ Xuân Hương là người hay tìm tòi những từ ngữ độc đáo, mới mẻ. Còn nhớ những đỏ lòm lom, chín mõm mòm, hỏm hòm hom, sờ rậm rạp, mó lam nham, khua lắc cắc, vỗ phập phòm…làm cho câu thơ sống động. Tản Đà cũng là người ưa dùng những từ ngữ mới mẻ: lăm răm mắt ( Ai đang độ ấy lăm răm mắt. Tớ đã bây giờ lún phún râu); sóng rờn rờn ( Ngủ yên trong chiếc thuyền con.Gió hiu hiu thổi, sóng rờn rờn đưa); tiếng kìn kìn ( Suối đâu? Cối nước liền bên. Chày đâm vân mẫu kìn kìn tiếng đêm); bồng bỗng tếch ( Cô cất vó lên bồng bỗng tếch. Lấy chi nuôi nấng cái, con, chồng). (CÒN TIẾP)
(1) Xem thêm Đi giữa miền thơ, nhà xuất bản Văn Học,1999.
Người gửi / điện thoại