bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 218
Trong tuần: 882
Lượt truy cập: 626451

ĐÌNH HAY ĐỀN

Đinh Quang Tú
 
ĐÌNH TRIỆU PHÚ HAY ĐỀN LÀNG TRẸO
 
          Tôi rất vinh dự khi được PGS-TS Cao Văn, nguyên Hiệu Trưởng trường ĐHHV, Phó GĐ Trung tâm NC & phát triển Văn hoá Hùng Vương chi nhánh tỉnh Phú Thọ, gọi điện mời đi điền dã với nhóm Nghiên cứu lịch sử vào ngày 15/5 âm lịch, năm Nhâm Dần, đến Làng Trẹo, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, với chủ đề: “Về với Cội nguồn” để tìm hiểu thêm về ngôi Đình làng mới được xây dựng cách đây hơn 10 năm. Trong nhóm nghiên cứu còn có Nhà giáo Ưu tú, Vũ Văn Viết, Hiệu trưởng Trường THPT Vũ Thê Lang, GĐ Trung tâm NC & phát triển Văn hoá Hùng Vương chi nhánh tỉnh Phú Thọ; Thạc sỹ, Nguyễn Tiến Khôi, Chủ tịch Hội KH Lịch Sử Tỉnh Phú Thọ, Phó GĐ Trung tâm NC & phát triển Văn hoá Hùng Vương chi nhánh tỉnh Phú Thọ, nguyên GĐ Khu di tích lịch sử Đền Hùng và cô giáo Nguyễn Thị Hằng, nguyên Giảng viên Trường ĐH Hùng Vương.
 
          Tôi là người trong nhóm sau khi nghỉ công tác, lần đầu tiên được đến thăm, thắp hương tại một ngôi Đình Triệu Phú ở làng Trẹo. Hôm đó, đúng vào ngày rằm, tôi thấy rất nhiều người từ những tỉnh xa đến dâng hương, hoa, trà quả, thậm chí có cả lễ mặn: mâm xôi, con gà với tâm trạng cung kính cầu phúc an lành. Sau khi nhóm chúng tôi đặt mâm lễ hoa quả tươi lên trước bàn thờ tại hậu cung, dâng hương lễ bái các Vua Hùng, chúng tôi xin phép ông Thủ Từ chụp ảnh nội thất và đi vòng quanh ngôi Đình chụp ảnh để ghi lại dấu tích ngôi Đình. Khi ngắm kỹ ngôi Đình từ bên trong và bên ngoài, tôi hết sức bất ngờ tự hỏi, tại sao ngôi Đình ở đây lại trông y hệt như ngôi Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh. Sự giống nhau như thế có đúng thật hay không? Đây một câu hỏi bí ẩn mà tôi sốt ruột đi tìm lời giải.
 
     Theo lời kể của các cụ cao tuổi ở Làng Trẹo thì trước khi có Đình là ngôi Miếu thờ các Vua Hùng của làng từ hàng nghìn năm trước, về sau mới xây dựng Đình của làng. Làng Triệu Phú xưa có tên cổ là làng Trẹo. Qua cuốn lịch sử của làng Trẹo có ghi: Không hiểu làng có từ bao giờ, chỉ biết rằng cuối thời Hồng Bàng (đầu thiên niên kỷ 3) đã có làng, có tên. Dân số thời Hồng Bàng làng Trẹo có khoảng 1.000 người. Đến cuối thời Trần là 2000 người, Thời hậu Lê còn 200 người (do cuộc thảm sát của giặc Minh). Làng Trẹo xưa vinh dự được đón Vua Hùng Vương thứ 18 (tức Hùng Duệ Vương) về làng ăn tết từ 25 tháng chạp đến mùng 8 tháng giêng, Ngài mới trở về kinh Đô. Để ghi nhớ công đức các Vua Hùng, về sau nhân dân làng Trẹo đã góp công sức xây dựng ngôi Miếu đầu tiên trên Núi Nghĩa lĩnh để thờ tự các Vua Hùng và gọi là Hùng Vương Tổ Miếu (tức Đền Trung ngày nay). Còn các ngôi Đền khác trên Núi Nghĩa Lĩnh như Đền Thượng, Đền Hạ, Đền Giếng về sau mới được xây dựng. Kể từ đó, nhân dân làng Trẹo được giao nhiệm vụ con trưởng tạo lệ hương hoả phụng thờ ngôi Hùng Vương Tổ Miếu (Đền Trung) trên núi Nghĩa Lĩnh, các đời Vua sau này đã ra sắc lệnh miễn thuế cho dân làng để con trưởng tạo lệ có điều kiện hương hoả phụng thờ.
 
denlangtreo
 
          Trao đổi với Thạc sỹ Nguyễn Tiến Khôi, Chủ tịch Hội KH Lịch Sử Tỉnh Phú Thọ, Phó GĐ Trung tâm NC & phát triển Văn hoá Hùng Vương chi nhánh tỉnh Phú Thọ, nguyên GĐ Khu di tích lịch sử Đền Hùng thắc mắc của tôi về ngôi Đình Triệu Phú ở làng Trẹo tại sao trông hệt như ngôi Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh. Ông Khôi cho biết: Năm 2005, ông được UBND tỉnh bổ nhiệm làm GĐ Khu di tích lịch sử Đền Hùng, nâng cấp từ BQL trực thuộc Sở VH TT-DL để trực thuộc UBND tỉnh. Năm 2007, tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 48/TTG ngày 30/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt, quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Bộ Văn hoá thông tin và UBND Tỉnh đã đồng ý cho Khu di tích lịch sử Đền Hùng tu bổ, tôn tạo các ngôi Đền trên núi Nghĩa lĩnh. Một bài toán đặt ra lúc đó là khi hạ giải các ngôi Đền để tu bổ tôn tạo, thì toàn bộ vật liệu sau hạ giải không thể để chất đống cho mục nát mà cần phải chuyển cho một số địa phương để bổ sung tu bổ di tích ở những nơi di tích lịch sử văn hóa đã bị xuống cấp. Sau khi được UBND tỉnh đồng ý, vật tư công trình kiến trúc Đền Thượng đã chuyển cho Làng Trẹo - làng cổ Thị Trấn Hùng Sơn để tôn tạo đình Trẹo, hiện tại được đặt tên là Đình Triệu Phú. Còn các Đền khác sau này khi hạ giải cũng được chuyển cho một số xã như xã Phượng Lâu (Việt Trì), Sơn Dương (Lâm Thao)… để tu bổ, tôn tạo các ngôi Đền thờ Vua Hùng của địa phương đã xuống cấp.
 
          Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi tại phòng đón khách gần Đình, Ông Thủ từ Đào Ngọc Thắng (năm 2007 đã làm Bí thư Đảng uỷ Thị Trấn Hùng Sơn, Huyện Lâm Thao) cho biết: Sau khi tiếp nhận nguyên vật liệu ở Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh hạ giải chuyển về, làng đã vận động các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí, nguyên vật liệu để tu sửa, tôn tạo lại ngôi Đền trên nền đất Đình cũ thờ các Vua Hùng. Lúc đó, Nghệ nhân Nhân Dân Trần Độ ở Bát Tràng đã tự nguyện cung tiến toàn bộ số gạch xây Đền, gạch lát nền Đền, Nghi Môn. Đồng thời, một số nhà hảo tâm khác cũng phát tâm xin đóng góp kinh phí và công thợ. Sau một thời gian, ngôi Đình Triệu Phú đã được tu bổ, tôn tạo bảo tồn di tích này trông hình thức y hệt như phiên bản của Đền Thượng ngày trước trên núi Nghĩa lĩnh. Toàn bộ cột Đình bây giờ được đổ bằng bê tông cốt thép, gạch xây Đình là gạch nung chín, xây bằng vữa xi măng, gạch lát nền Đình là loại gạch có hoa văn giống thời xưa, khác hẳn với cột xây bằng vôi vữa, tường xây bằng đá ong trước đây. Khi việc tu bổ, xây dựng để bảo tồn di tích ngôi Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh sắp hoàn thành, nhân dân trong làng Trẹo tiếp tục đề nghị với các cơ quan chức năng và UBND Tỉnh xin được tiếp nhận toàn bộ nội thất ngôi Đền Thượng cũ gồm có các Ban thờ, Hoành phi, Câu đối... về thờ phụng. Riêng 3 chiếc ngai thờ trong hậu cung cũng được làm giống hệt 3 chiếc ngai trong hậu cung Đền Thượng tại Đền Hùng bây giờ.
 
      Công việc tu bổ, xây dựng để bảo tồn di tích lịch sử văn hoá ngôi Đình Triệu Phú ở Làng Trẹo đã hoàn tất, đại diện Lãnh đạo địa phương cùng với Thạc sỹ Nguyễn Tiến Khôi đang là GĐ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã về Hà Nội để gặp trực tiếp GS Vũ Khiêu, anh hùng Lao động xin ý kiến về tên định đặt cho ngôi Đình này và được GS Vũ Khiêu đặt tên là Hùng Vương Cơ Miếu. Ông nói: “đây là Cơ nghiệp họ Hùng, nên chữ: Hùng Vương Cơ Miếu còn được hiểu là Miếu thờ cơ nghiệp Hùng Vương, lấy tên như vậy để đặt cho Đình Triệu Phú ở Làng Trẹo này (bảo tồn) di tích thời Hùng Vương là chính xác”.
 
          Ngôi Đình được tu bổ, xây dựng xong trông rất khang trang, bề thế, vững chãi, nhân dân trong làng rất phấn khởi. Hàng năm, Thị Trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao có thông báo rộng rãi cho nhân dân trong và ngoài tỉnh về dự ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch tại ngôi Đình làng Trẹo. Ở nơi đây, ngoài ngày giỗ chính Vua Hùng, theo tục lệ hàng năm còn có 2 ngày kỳ trại vào mùa xuân từ ngày 25 tháng chạp đến mùng 8 tháng giêng dân làng mở hội tưởng nhớ Vua Hùng. Đồng thời còn diễn lại các tích xưa như: Lễ hội rước Chúa Gái về núi Tản Sông Đà. Còn vào mùa thu tháng tám trong các ngày mùng một và mùng hai âm lịch làng mở tiệc ăn mừng chiến thắng của Tản Viên chống Thục. Trong năm, dân làng Trẹo còn tổ chức ăn tết cơm mới vào hai dịp: mùng năm tháng năm và ngày mùng mười tháng mười âm lịch. Ngoài ra hàng năm vào ngày mùng hai tháng chạp làng tổ chức giỗ Tổ làng.
 
          Tôi được biết sau khi Đền được tu bổ, tôn tạo xong, Lãnh đạo địa phương nhiều lần làm đơn đề nghị Sở VH TT-DL báo cáo với UBND tỉnh để công nhận di tích Đình Hùng Vương Cơ Miếu là di tích LSVH cấp tỉnh. Tuy nhiên trên 10 năm qua, do chưa có sự thống nhất giữa cơ sở và cơ quan quản lý di tích lịch sử văn hoá cấp Tỉnh về tên gọi Đền hay Đình cho đúng. Như vậy cuộc tranh luận tên Đình và Đền cứ tiếp tục mãi, cuối cùng Làng Trẹo đã phải thống nhất theo hướng dẫn lập hồ sơ di tích lịch sử văn hoá cấp Tỉnh của Sở VH TT-DL để trình UBND tỉnh, lý lẽ rất đơn giản là vì xây dựng trên đất nền của Đình Triệu Phú cũ thì phải là Đình Triệu Phú chứ không phải là Đền Triệu Phú hay Đền Hùng Vương Cơ miếu. Năm 2020, trên cơ sở tờ trình của Sở VH TT-DL, ngày 11 tháng 01 năm 2021, Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng thay mặt UBND tỉnh Phú Thọ đã ký quyết định công nhận Đình Triệu Phú tại làng Trẹo là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
 
          Như vậy, vấn đề mà chúng tôi đề cập là tại sao không công nhận tên gọi Hùng Vương cơ Miếu - di tích (bảo tồn) Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh thờ các Vua Hùng ở Làng Trẹo là Đền Trẹo- di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh mà lại công nhận với tên Đình Triệu Phú là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh?.
 
          Ở đây chúng ta cần hiểu rõ các khái niệm: “Đền”, “Đình”, “Miếu” là hoàn toàn khác nhau. Đền là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị Thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các Đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng theo truyền thuyết dân gian. Đình là nơi thờ Thành hoàng của làng, đồng thời là nơi hội họp, bàn việc của dân làng. Đình được coi là trung tâm sinh hoạt văn hoá gắn bó với một cộng đồng dân cư và mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam. Còn Miếu nhỏ hơn nhiều so với Đình và Đền. Miếu là một dạng di tích văn hoá trong tín ngưỡng dân gian Việt nam. Đối tượng được thờ ở Miếu rất đa dạng, thờ Thần mây, mưa, sấm, sét, thờ Thần rừng, Mẫu Thoải, Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ công đồng…
 
          Hiện tại nội thất ngôi Đền Thượng được chuyển về thờ tự tại Đình Triệu Phú ở làng Trẹo bố trí như sau: Tiền môn (phía ngoài nhìn vào có hai tượng chấn phong, chấn thuỷ và tên đình). Gian đầu tiên là Tiền tế khoảng 30m2, nơi đây để trống chiêng, các bức đại tự, y môn, bức chắn giữ mặt tiền và kiệu thần. Gian giữa là Đại bái có nhang án thờ hội đồng các quan, Lạc Hầu, Lạc Tướng, có bộ bát bửu, chấp kích, ngựa bạch, ngựa hồng, có hai bức lệnh chỉ sắc phong cao 1,4m, dài1,6m; và các hoành phi câu đối. Gian trong cùng là Hậu Cung được sắp xếp 4 cỗ long ngai (trong đó có ba bài vị ở giữa thờ Đột ngột Cao Sơn và 18 đời Hùng Vương. Ở ngoài nhìn vào bên phải là thờ Ất Sơn, bên trái là thờ Viễn Sơn). Ban tây cỗ long ngai không bài vị thờ hai công chúa: Tiên Dung và Ngọc Hoa. Bên trong cỗ long ngai vẽ bức tranh rồng vàng cao 2m, dài 2,4m. Bên phải nhìn vào thờ long mã, bên trái thờ Phụng hoàng. Các ban thờ trong ngôi Đền đều sắp đặt có đầy đủ bộ đồ thờ thất sự (bát hương, cây nến, ống hương, bình hoa, đài đẩu). Như vậy không gian hiện tại của ngôi Đền rất hẹp, bầy toàn đồ chỉ để tế lễ, không có không gian rộng để dân làng ngồi hội họp, bàn việc thì sao gọi là Đình được.
 
          Chúng ta đều biết toàn bộ nguyên vật liệu di tích hạ giải ở Đền Thượng chuyển cho Làng Trẹo để tôn tạo bảo tồn di tích thời Hùng Vương trên đất nền Đình Triệu Phú lại vẫn lấy tên là Đình Triệu phú là không đúng. Đây không phải là Đình mà là Đền thờ tự các Vua Hùng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh xã Hy Cương được đưa về làng cổ để bảo tồn. Với sự lý giải như trên, chúng tôi đề nghị Tỉnh nên đổi tên lại cho một di tích lịch sử văn hoá thời Hùng Vương Đình Triệu Phú ở làng Trẹo là Hùng Vương Cơ Miếu hoặc là Đền Trẹo thì mới hợp lý.
 
          Nhân đây ngoài vấn đề lớn về tên gọi di tích  văn hoá lịch sử bảo tồn thời Hùng Vương ở Làng Trẹo là Hùng Vương Cơ Miếu, hay Đền Trẹo mà đang đặt tên là ĐìnhTriệu Phú, chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở VH TT-DL và xã cần nghiên cứu, xem xét nên có quy hoạch về khu tích lịch sử văn hoá Đền Trẹo quan trọng này (hiện tại Đền có diện tích là 1.500m2, trong tương lai nên mở rộng ra khoảng trên vài ngàn m2) để có mặt bằng rộng rãi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về một khu di tích lịch sử văn hoá tầm cỡ Quốc gia (sau này địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hoá TT& DL quyết định công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia). Đồng thời, làm tốt công tác quảng bá tuyên truyền cho người dân các địa phương trong cả nước biết về lịch sử của ngôi Đền thờ các Vua Hùng của làng Trẹo. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân địa phương trong và ngoài tỉnh đến thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, góp phần bảo tồn gìn giữ di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại./.
 
                                                                                Đ.Q.T
                                                                                  
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)