Đọc BÌNH THƠ của Vũ Quần Phương
Vũ Nho
Tập BÌNH THƠ của Vũ Quần Phương do nhà xuất bản Dân Trí xuất bản năm 2012 có 141 bài bình thơ, trong đó có 3 bài bình ca dao, một bài bình trích đoạn sử thi Đăm San, 1 bài bình bài thơ vô danh, còn lại là 136 bài thơ của các tác giả trong nước và nước ngoài. Người viết đã đụng chạm đến 2 nhà thơ Trung Quốc, 2 nhà thơ Pháp cùng với 67 tác giả Việt Nam cổ điển và hiện đại. Thơ của các nhà thơ nữ lọt vào mắt xanh của nhà phê bình chỉ có 6 người; bốn tác giả cổ điển là Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Hạ Huệ; hai nhà thơ hiện đại là Anh Thơ ( 2 bài) và Xuân Quỳnh ( 3 bài). Những nhà thơ được Vũ Quần Phương bình nhiều nhất là Nguyễn Du, Tố Hữu ( 7 bài); Hồ Chí Minh ( 6 bài); Huy Cận, Xuân Diệu ( 5 bài);Tản Đà, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa ( 4 bài).
Các bài bình thơ của Vũ Quần Phương được viết rải theo suốt chặng đường sáng tạo bền bỉ của nhà thơ. Những bài viết sớm nhất in trong tập bình thơ đầu tiên “ Đọc thơ Hương Tích” xuất bản năm 1986, các bài tiếp theo in trong “Thơ với lời bình” xuất bản năm 1990; tiếp đó là các bài viết in trong “Ba mươi tác giả văn chương” năm 2009. Quan sát ngày tháng in dưới mỗi bài viết có thể thấy năm 2008 là năm nhà thơ viết khỏe nhất : 23 bài, bình quân mỗi tháng gần 2 bài. Những bài viết cuối đưa vào tập là bài viết về thơ Vũ Từ Trang và Phạm Khải viết tháng 4 và tháng 5 năm 2012, trước khi sách Bình Thơ được in xong một tháng.
Vũ Quần Phương đã sử dụng thành thạo, biến hóa, đa dạng mà nhất quán các thao tác bình thơ ông đã tích lũy trong suốt quá trình viết 141 bài bình của tập BÌNH THƠ.
Trước hết là những “mở bài” cho các bài viết. Thật ra, khi viết hai chục bài thì vấn đề mở bài vừa dễ lại vừa “cực khó”. Viết đến năm chục bài thì cái dễ và cái khó ấy tăng lên gấp đôi. Viết đến hơn 100 bài thì chỉ có bậc cao thủ mới có thể làm được vì rất dễ “lặp lại”, dễ nhàm. Nói dễ vì người viết đã có một trải nghiệm thực tế, viết càng nhiều thì trải nghiệm và kinh nghiệm thêm dày. Nhưng cái khó cũng tăng lên nhiều lần vì người viết không thể lặp lại. Mở đề trực tiếp, gián tiếp; mở đề bằng kỉ niệm riêng, bằng câu chuyện; mở đề bằng so sánh, liên tưởng; mở đề bằng nêu hoàn cảnh sáng tác, hoàn cảnh thành thơ; mở đề bằng giới thiệu tóm tắt tiểu sử, giới thiệu tập thơ có bài thơ được bình,… Các kiểu đó Vũ Quần Phương đều đã sử dụng. Chính mẫn cảm của người bình đã mách cho nhà bình thơ chọn kiểu mở đề nào cho bài thơ nào. Thành ra người đọc luôn luôn cảm thấy tự nhiên khi theo người bình vào bài thơ. Đấy là sự thể hiện tài năng của người viết.
Tiếp theo là làm thế nào để tiếp tục lôi cuốn, hấp dẫn người đọc sau khi đã vượt qua cửa ải “mở đề”. Ở đây cũng lại là chỗ vô cùng biến hóa, linh hoạt của ngòi bút bình thơ Vũ Quần Phương. Một điều cần tuân thủ với người bình thơ là phải luôn bám sát văn bản. Với nhiều bài thơ có độ dài trung bình, cái cách thông thường nhất, dễ làm nhất và hiệu quả nhất là chia khổ để dễ bình, làm cho người đọc, người nghe dễ theo dõi. Vũ Quần Phương ưa chọn cách này. Và như vậy muốn hay không, sẽ có một công thức được hình thành một cách tự nhiên: Khổ thơ đầu,…Các khổ tiếp theo,…Khổ thơ cuối,…Nhưng người đọc không cảm thấy nhàm chán chính là nhờ ở sự phân tích tinh tế, sâu sắc và thú vị của người bình. Trần Đăng Khoa nói đúng “ ông (VQP) rất giỏi khi đi vào những tiểu tiết tinh vi của bếp núc nhà nghề” (Mấy lời mở sách). Nhưng nếu chỉ giỏi đi vào tiểu tiết thì liệu người bình có đủ sức lôi cuốn độc giả? Vũ Quần Phương ngoài việc giỏi đi vào tiểu tiết, còn giỏi nắm bắt cái hay, cái lạ, cái độc đáo của bài thơ, khổ thơ, hình tượng thơ. Nói cách khác là giỏi nắm bắt “hồn vía” bài thơ. Chọn bình một bài thơ, nhưng Vũ Quần Phương không ít lần dẫn ra những đặc điểm, ưu điểm cả tập thơ của tác giả. Ví dụ viết về bài “Tìm người”, nói ưu điểm tập “Thư mùa đông” của Hữu Thỉnh ( tr. 666); viết về bài thơ “ Những đứa trẻ chơi trước cửa đền”, nói “nét duyên riêng mới mẻ” của Thi Hoàng trong tập thơ “ Bóng ai gió tạt” ( tr.719); viết về bài “ Ngược núi Thiên Thai” của Vũ Từ Trang, Vũ Quần Phương khái quát thơ ba thời kì ở nước ta: “ Cách viết hàm súc làm mạnh ý và tạo thẩm mĩ ở đoạn thơ này là ưu điểm của thơ hôm nay. Đậm đặc hơn thơ thời bao cấp ( ham kể việc), hơn cả thơ thời Thơ Mới ( ham trữ tình à ơi).(tr. 723)
Là người bình phẩm, Vũ Quần Phương cũng như bất kì người bình thơ nào phải thuyết phục được người đọc, người nghe tại sao lại chọn bài thơ đó mà không phải bài thơ khác? Bài thơ đó hay, độc đáo ở chỗ nào về nội dung và về nghệ thuật? Bao giờ Vũ Quần Phương cũng khẳng định và thường chỉ ra đúng giá trị của bài thơ được bình. Sau khi đã phân tích xong, thì tóm lại; hoặc nói ngay từ đầu để căn cứ vào đó triển khai. Ví dụ, khen trực tiếp bài thơ hay khi bình bài “Dọc theo bến cảng” ( tr.45), bài “ Hai bài thơ hái sen của Nguyễn Hạ Huệ” ( tr. 89), bài “ Mẹ Suốt” (tr. 531), bài “ Dịu và nhẹ” ( tr.645), bài “ Đò Lèn” (tr. 648), bài “ Sang thu” ( tr.660), bài “ Đường lưng Đèo Gió” ( tr. 687)…
Ví dụ chỉ ra nét đặc sắc của bài khi viết về “ Cảnh Hương Sơn” ( tr. 177), bài “ Vịnh Hương Sơn” ( tr.188), bài “ Gửi bác Trần Nhuận Minh” ( tr. 695), bài “ Dặn con” ( tr.704),…
Nhiều khi ta thú vị được chia sẻ với Vũ Quần Phương khi nhà thơ vừa bình thơ, vừa tâm sự kinh nghiệm đọc thơ và thưởng thức thơ với bạn đọc. “Tôi nghiệm thấy chữ nghĩa bị cắt ra từng mảnh để phân tích dễ làm lạc đi cái ý toàn thể lắm. Nên phân tích trong các mối quan hệ: liên hệ giữa tác giả với xã hội, tác phẩm với tác giả, giữa câu với chữ, nghĩa đen với nghĩa bóng” ( tr. 140). Đây là kinh nghiêm mà Vũ Quần Phương đã tổng kết và đã thực hành thành công trên các bài viết. Một chỗ khác ông viết : “ Khi đọc ý ( nghĩa đen) cần đọc kĩ để thấy cái thú vị của việc đưa thực tế ( làm bánh trôi) vào thơ. Còn đọc tứ cần tinh nhạy trong liên tưởng và rộng xa trong kiến thức để phát hiện ra hàm ý, gọi nôm na là nghĩa bóng của hình tượng, mà nói chữ nghĩa là sức khái quát của hình tượng, là khâu giải mã bài thơ” ( tr.145).
Sức liên tưởng tinh nhạy của người làm thơ được huy động vào lĩnh vực phê bình; kiến thức rộng xa của một người chịu đọc, chịu nghĩ đã giúp cho người bình chỉ ra được nét đặc sắc của mỗi bài, có khi chỉ là của một câu, một hình ảnh hay một từ trong bài. Đấy cũng là một nét độc đáo làm nên sức lôi cuốn của ngòi bút bình thơ Vũ Quần Phương.
Là một nhà thơ có ý thức cao về nghề nghiệp, Vũ Quần Phương mỗi khi bình không chỉ nói toàn cái hay, cái đẹp của đối tượng. Nhà bình thơ cũng không ngại nói ra những điều bất cập hoặc còn non lép. Có điều cách nói của người bình là cách nói chân thành, không phải cao ngạo hay “bới lông tìm vết” nên dễ được đồng tình, cảm thông. Việc chỉ ra những hạn chế, những “tì vết” trên viên ngọc cũng góp phần vào nâng cao thị hiếu thẩm mĩ và năng lực thưởng thức của bạn đọc. Đây cũng là một công lao cần ghi nhận ở nhà bình thơ Vũ Quần Phương.
Bình thơ của bà huyện Thanh Quan, ông phê bình không ngại bị cho là “ngạo ngược” khi dám chê thơ tiền nhân : “ Câu sáu : Thương nhà mỏi miệng cái gia gia là một câu thơ độn. Nó tồn tại như một hình nhân làm vế đối cho câu năm, không có hồn vía gì. […] Thơ đường của bà Thanh Quan nổi tiếng là có ngôn ngữ sang trọng, đài các mà đến lúc phong trần thì cũng phong trần như ai. Tiếc thế” (tr. 149).
Với bậc đàn anh, bậc thầy Huy Cận, trong bài “ Các vị la hán chùa Tây Phương” người bình cũng thẳng thắn nhận xét : “ tài sắc câu thơ có bị nhạt đi, thậm chí có chỗ thừa”. Và mở rộng hơn, ông đánh giá: “Đây là cái bệnh thích đầy đủ và rõ ràng, bệnh của một thời không chỉ riêng ở Huy Cận. Nhà thơ thường đứng ra thuyết minh giảng giải. Mấy chục năm liền, thơ chúng ta thường dài, sức hàm súc bị giảm sút là vì cái lẽ này” ( tr.497).
Bình thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh, bên cạnh những khẳng định, biểu dương, ông cũng không bỏ qua những chỗ còn hạn chế “ Đoạn một và đoạn bảy chỉ tạo một tình thế cho lời bình luận có tính báo chí và cổ động. Kể ra với bút pháp tinh vi hơn như ở giai đoạn sau này của chính Xuân Quỳnh, “bình luận” có thể kín đáo ngay trong phần trữ tình bằng một chi tiết nào đó, chứ không nên lộ liễu phơi ra hai đoạn giáo đầu và tóm lại thật thà như thế” ( tr.553).
Nhận xét về việc kéo dài quá mức trong bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, người bình một mặt chỉ ra cần kết thúc sau câu thơ “ Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời”, mặt khác lại thông cảm vì Lưu Quang Vũ “đang phong phú thừa thãi cả hình ảnh lẫn tình ý” phải nói hết, “ Có điều cần thông cảm với tác giả là hồi ấy thơ của chúng ta thích rõ ràng và đầy đủ, cả người viết lẫn người đọc đều không ngại sự dài dòng” (tr. 628).
Có thể thấy rằng cái giọng thủ thỉ, tâm tình kết hợp với sự duyên thầm, hóm hỉnh, hài hước của Vũ Quần Phương cũng làm cho các bài bình thơ có sức hấp dẫn riêng. Không ít lần nhà bình thơ tranh luận về cách hiểu câu thơ, bài thơ với đồng nghiệp, nhưng cách tranh luận của Vũ Quần Phương không hề cao giọng, cũng không hiếu thắng. Người viết thường nhẹ nhàng, khiêm tốn nói về một cách hiểu khác, rồi lướt qua. Việc còn lại là tùy người đọc quyết định. Có khi phân tích đã khá sâu, khá thấu đáo, nhưng Vũ Quần Phương vẫn viết “ ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp của nó, nhưng dù phân tích đến đâu vẻ đẹp ấy vẫn là một điều bí ẩn” ( tr. 250). Ai đó có thể coi đó như là lời rào đón khôn ngoan, còn tôi thì tin vào sự chân thành của người viết.
Tất nhiên Vũ Quần Phương cũng có những nhược điểm như bất kì người viết nào. Chỉ kể ra đây mấy điểm để thấy không phải lúc nào nhà bình thơ cũng thành công.
Chẳng hạn bình bài thơ Sao không về vàng ơi của Trần Đăng Khoa, ông cho rằng mất của khó làm thơ. Rồi lại nhận định mất chó thì chỉ “buồn cái tay” ( Mày không bắt tay tao, tay tao buồn làm sao). Trong khi đó con chó Vàng, với chú Khoa là một người bạn, bạn khác loài nhưng vô cùng quan trọng.
Vũ Quần Phương đã hiểu không chính xác từ “dã kê”, gà đồng, tức là loại gà hoang chứ không phải là gà trong xóm. Vì vậy bình bài thơ của Phù Thúc Hoành, tác giả viết: “ giữa hiu quạnh hoang vu gặp ấm áp làng mạc : tiếng gà đồng” (tr. 87) là không thuyết phục. Cũng vì không rành tiếng Hán, nên câu thơ của Nguyễn Hạ Huệ “ Băng ki nguyên tự hương”, Nguyễn Vinh Phúc dịch: “Hương bay từ tấm thân ngà”; nhưng người bình thơ lại bình “ gió vờn tóc và gió mang hương ướp da”. Da tự tỏa hương khác xa với gió mang hương để ướp da. (Mà chữ ướp da nghe cũng không nhã vì gợi sự ướp xác!).
Có những lúc nhà thơ ham giảng giải cho người đọc chẳng khác nào một thầy giáo dạy văn “nói hết nước hết cái” ( Chữ của Vũ Quần Phương khi bình bài Về Tuyên của Xuân Diệu). Cũng có khi quá sa đà vào nhưng chi tiết đời sống ngoài tác phẩm, dẫu rằng “hay thì thật là hay” nhưng làm cho bài bình bị kéo dài, “lan man”. Và cũng có một đôi chỗ hiểu chưa trúng, bình chưa đúng.
Mấy nhược điểm và hạn chế kia, có thể là do tôi soi các bài bình một cách khe khắt quá chăng? Có thể là do tôi không muốn chỉ khen một chiều mà nêu ra chăng? Có thể là do tôi đem “con mắt hạt đậu” mà nhìn nhận chăng? Dù đánh giá thế nào, tôi vẫn cho rằng thành tựu bình thơ của Vũ Quần Phương là một thành tựu lớn, rất đáng ghi nhận. Ông là nhà bình thơ hàng đầu ở nước ta, thiết tưởng đánh giá như thế cũng không quá. Nhà thơ đã giúp cho các thầy cô giáo và các em học sinh tiếp cận những áng thơ hay một cách lí thú. Và sau hết, nhờ những bài bình cần mẫn, tài hoa, sâu sắc của Vũ Quần Phương, bạn đọc đông đảo đã có cơ hội để thưởng thức vẻ đẹp những viên ngọc trong kho tàng thơ ca đất nước.
Nhà sáng tác Nha Trang tháng 3/2013
Hà Nội, tháng 4/2013
V. N