bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU, THÚ VỊ!CHÚC BÁC VUI KHỎE!TRÂN TRỌNG!VŨ NHO

 

mike fun

bài rất hay tôi có thể lấy làm bài ktra ko

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM GỌN VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÙI PHƯƠNG THẢO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN LÃ THANH TÙNG!THƯƠNG NHỚ ĐĂNG BẤY, NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG VUI TÍNH , HÒA ĐỒNG, GIẢN DỊ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 65
Trong tuần: 1121
Lượt truy cập: 724919

ĐỒNG BẠC LẤY MAY

ĐỒNG BẠC LẤY MAY
 
              Truyện ngắn của VĂN GIÁ

van-gia-vanvn2
 
 
Năm 1980. Mới thi đại học xong, tôi quanh quẩn ở nhà chờ kết quả báo về. Cữ ấy vào cuối tháng bẩy dương.
Tôi là đứa đoảng việc nhất nhà. Được tiếng là học khá, nên bố với u tôi cố gắng cho tôi ăn học lên cấp ba. Trong khi đó, chị và anh kế tôi mới học hết cấp hai đã phải bỏ học để ở nhà làm. Nhà đông con. Dưới tôi còn mấy đứa em lít nhít. Chỉ trông vào công sức lao động của bố và u tôi thì không thể…
Bồn chồn chờ điểm đại học, tôi chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Điểm đại học nếu có báo về sớm cũng phải dịp gần đến mùng 2 tháng 9. Mà ngộ nhỡ vì lý do gì, giấy báo điểm thất lạc không về tới nơi thì sao. Cứ nghĩ hết cái không may này đến cái nhỡ nhàng khác, lo héo cả người. Cả nhà biết tôi đang sốt ruột chờ điểm thi nên không ai dám nhắc đến. Thi đại học kia mà. Cả làng chỉ có tôi duy nhất.
Một hôm, bố tôi bảo, hay là con đi lên mạn ngược với bố ít hôm. Đang mùa mưa, bố lên kiếm ít măng, ít dây rừng, rồi con chở về trước, bố ở lại xem có kiếm được cây gỗ cây lạt nào không, rồi về sau? Nghe thế, tôi thích quá. Bởi tiếng là 17 tuổi đầu mà chưa khi nào đi xa, quá lắm mới chỉ xuống thị xã. Vâng, con đi với bố.
U tôi đong vào tay nải ít gạo, một bọc sắn khô phơi miếng, lại thêm một túi muối vừng cho hai bố con mang theo. Nghe thấy u tôi nói dạo này nhà không có tiền, chỉ còn mấy đồng đưa nốt cho bố tôi mang đi để mua thêm thức ăn, chứ còn tiền mua gỗ thì chưa thể có. Bố tôi bảo, tôi cứ lên đấy kiếm mấy thứ nhì nhằng. Nếu có gỗ thì đặt cọc trước đã. Bà ở nhà lo cho tôi ít tiền. Có thể dăm bữa nửa tháng tôi về lấy. Cố làm mươi cây gỗ đóng bè xuôi sông về cũng có món lãi... Nói xong, ông khoác tay nải bước đi. Tôi dắt chiếc xe đạp cà tàng đi theo. U tôi đứng bần thần giữa sân. Tôi nói to, con đi với bố khoảng nửa tháng, khi về là sắp có giấy báo đại học rồi. U ở nhà đừng lo nhé!…
***
Bố con tôi ở trọ gia đình người dân tộc Tày. Ông chủ là chỗ bố tôi quen biết đã lâu. Bố tôi hay nói lên mạn ngược. Nói thế thì biết thế chứ cụ thể là chỗ nào, cả u tôi và mấy chị em tôi không ai rành rẽ cả. Chị tôi là người hay đọc sách. Chị bảo đấy là đầu nguồn sông Thương, thuộc đất Lạng Sơn, xứ sở hoa đào. Đào Lạng Sơn đẹp, nhiều loại, hoa to, xếp nhiều lớp cánh. Thấy bảo lại có hoa đào màu trắng nữa. Đã đào lại còn trắng. Lạ nhỉ?...Tôi hình dung theo cách hơi sách vở rằng dưới rừng hoa đào bát ngát, các cô gái Tày Nùng dạo chơi, thỉnh thoảng ngồi đàn tính hát lên điệu Then tình tứ; xung quanh mấy trai bản lượn lờ hát giao duyên. Chị tôi bảo, cứ dọc con đê làng mình ngược lên là gặp con suối đầu nguồn sông Thương, người dân ở đó gọi bằng một cái tên rất đẹp: “Suối Hoa Đào”. Ừ, đầu nguồn là suối. Suối chảy về xuôi, lớn dần thành sông, rồi trôi ra biển. Trong trí tưởng non nớt của tôi, phía hạ nguồn xa tít tắp, không biết đâu là bến bờ…
Gia đình ông chủ có 5 người. Bà chủ chuyên mặc chiếc áo xanh sĩ lâm bận với váy chàm, mặt rầu rầu, ít nói. Còn lại là ba đứa con. Đứa chị đã bỏ học, có người dạm ngõ luôn. Đứa thứ hai là cái Thiềm đang học lớp 9 (lớp 11 bây giờ), trọ học ngoài thị trấn, cuối tuần mới về. Thằng út học cấp 2 trường xã.
Mỗi khi cái Thiềm về, cả nhà như có một luồng sáng mới hắt vào. Gương mặt người mẹ bớt rầu rầu. Đứa chị với cái Thiềm suốt ngày líu ríu bên nhau, không chịu rời nửa bước, kể cả đi ngủ cũng chung giường. Thằng em được thể trốn việc nhà, buổi trưa ra tắm sông ùm ụp với bọn trẻ trong xóm. Nhiều phen, Thiềm sốt ruột phải chạy ra tìm. Thì ra đây chính là con sông Thương chảy về làng tôi dưới xuôi. Tại đây, có một cái bến xây gạch từ mặt đê dốc xuống sát mép nước. Cái Thiềm bảo bến có 36 bậc. Chả biết có đúng không.
Ông chủ đan những tấm lá móc quây lại gọn một gian dưới nhà ngang cho bố con tôi ở. Mặc dù ông chủ thật thà mời chung bếp chung mâm, có gì ăn nấy nhưng bố tôi xin phép ăn riêng, lấy lý do đi làm giờ giấc thất thường, sợ ảnh hưởng tới gia đình. Thường thì sáng ra, tôi dậy sớm, nấu một nồi cơm to trộn với sắn khô để ăn luôn cả ngày. Muối vừng có sẵn. Rau thì hái ngoài rừng. Bố tôi là người thạo rừng. Mỗi lần từ rừng về thể nào cũng có một ôm đủ thứ cả rau lẫn quả. Bố tôi hướng dẫn tôi nấu. Cái nào nấu canh, cái nào xào, cái nào ăn sống được. Thỉnh thoảng bố tôi ra chợ mua tí mỡ vụn, chủ yếu về lấy mỡ ăn dần, ít khi có tiền mua thịt. Cá ở chợ cũng rẻ. Đôi khi mua được mớ tép về kho với quả sung hái ngoài vườn ông chủ, ăn cũng rất đưa cơm.
Tôi gọi chị cả của Thiềm là chị. Chả biết tuổi tác có hơn không. Chị là lao động chính trong nhà, một tay đồng áng, cơm nước, ra dáng chững chạc, tháo vát hơn người. Một hôm, giữa bữa trưa đủ mặt cả nhà, bố Thiềm gọi tôi lên nhà trên bảo, cháu là người sáng dạ, sắp đỗ đại học. Cái Thiềm thằng Thuấn nhà bác cũng đang đi học cái chữ. Chả biết có nên cơm cháo gì không. Cháu ở đây, bảo thêm chúng nó học với nhé! Tôi ậm ừ, chuyện thi đại học chưa biết thế nào, chắc gì đã đỗ, nhưng biết gì thì cháu sẽ bảo các em ạ…Từ bấy, tôi chủ động hỏi cái Thiềm, thằng Thuấn. Đầu tiên cái Thiềm ngại, xấu hổ, sau quen dần. Đôi bài tập toán, lý, hóa, kể cả môn văn, tôi cũng phải nhớ lại, ngẫm lâu mới có thể bầy được cho Thiềm. Một hôm Thiềm bảo, bây giờ em năng về nhà để anh An kèm em học với nhé! Ừ thì anh có ngại gì đâu. Chỉ tiếc là anh không ở được lâu. Chắc vài ba tuần là anh về thôi. Thiềm không nói gì. Từ bấy, cứ cách ngày, Thiềm lại đạp xe về nhà. Quãng đường từ thị trấn huyện về đây, Thiềm bảo 13 cây số, toàn đường đất, có chỗ dốc cao, mỗi khi lên xuống phải dắt bộ. Cả cái xóm này có 5 đứa theo học cấp ba, riêng con gái chỉ có Thiềm và một đứa nữa đầu xóm.
Cái Thiềm có vẻ ngưỡng mộ tôi ra mặt. Mỗi khi về tới ngõ, nó đã lảnh lót đánh tiếng. Có hôm tôi đi vào rừng cùng bố, đến chiều tối nhọ mặt người mới về đến nhà. Nó chạy ra chào hai bố con tôi, rồi tò mò hỏi từng cuộn dây xem tên gì, để làm gì…Tôi cũng chẳng biết, chỉ nhớ đây là thứ dây để buộc gỗ, kia là thứ để làm chạc trâu. Hoặc đôi hôm, bố tôi kiếm được ít dây mây. Loại dây này rất quý, chuyên dùng để làm sợi buộc những đồ đan lát như nong nia rá rổ, thúng mủng dần sàng…Dây mây chẻ sợi nhỏ, vót bỏ phần ruột, chỉ lấy phần cật, dai và dẻo, không thứ dây nào địch nổi.
Một lần cái Thiềm gánh chiếu ra bến sông giặt. Mấy cái chiếu chất trên hai đầu đòn gánh nặng thế kia làm sao gánh nổi. Tôi xung phong vác đỡ chiếu cho Thiềm. Đứng ngập bắp chân trên mặt sông, cái Thiềm lấy nắm rơm khô chải chiếu xoàn xoạt. Tôi liếc sang Thiềm. Bắp chân trắng như sứ. Nó chăm chú vào công việc, như thể chẳng có tôi bên cạnh. Tôi hỏi Thiềm sao không bỏ học ở nhà lấy chồng như chị Hân? Mặt nó xịu lại. Nó bảo, anh thích em ở nhà lấy chồng à? Tôi chống chế, thì chị Hân đấy thôi. Sao em chả bảo phần lớn con gái xóm này chỉ học hết cấp hai cốt biết chữ xong là lấy chồng đấy thôi. Tôi bâng quơ, cứ trôi dọc con sông này là tới nhà anh đấy. Nó hỏi, nhà anh có gần biển không? Tôi cười. Em có nhớ bản đồ địa lý không? Làng anh cách đây chỉ khoảng ba bốn chục cây số theo đường chim bay thôi. Còn ra biển í à, khoảng trăm cây số nữa, chứ không kém đâu…Nó giơ đòn gánh lên đập đều đều vào mặt chiếu, tiếng bồm bộp vang cả khúc sông. Thiềm không nói gì, lẳng lặng giặt chiếu xong. Nó bảo tôi mang lên bờ cho chiếu dóc bớt nước. Lúc sau, tôi vác đôi chiếu lên vai theo Thiềm gánh chiếu về nhà.
Phơi chiếu xong, Thiềm ra ngoài vườn trước sân tha thẩn. Vườn rộng, toàn những thứ cây ăn quả, na, bưởi, ổi, đu đủ, chuối…. Góc vườn có cây sấu lực lưỡng, tán rộng, lá xanh ngăn ngắt. Thiềm gọi, anh An ơi, ra đây có cái này hay lắm. Tôi chạy ra. Nó chỉ lên cành sấu cao vút có một tổ chim. Nó bảo đấy là tổ chim sáo đang có chim non, hằng ngày thấy sáo mẹ sáo bố đi kiếm thức ăn về. Ồ, không có ai ở nhà trông mấy sáo mới mở mắt nhỉ? Nó nói về sáo như là nói về người.
Sao em biết trên ấy có sáo non?
Em trèo lên mà. Từ hôm nọ cơ. Có bốn con sáo con. Chắc lớn rồi, sắp biết chuyền cành rồi.
Em trèo cơ à? Liều thật. Con gái gì mà….
Con gái thì sao? Em còn trèo cao hơn nữa. Chứ thế này đã mùi gì.
Nói xong, nó bảo tôi trèo lên xem bầy sáo thế nào. Tôi bảo, anh sợ độ cao. Lên cao quá là chóng mặt. Nó mở to mắt ngạc nhiên. Chắc lần đầu tiên nó nghe thấy thế. Nói xong, nó ngúng nguẩy, anh không dám trèo thì để em trèo vậy. Nó thoăn thoắt trèo, loáng cái đã tới. Từ trên cao nhìn xuống, Thiềm hét tướng, nó mọc lông cánh rồi. Chắc thứ bẩy tuần tới em về thì nó đã biết bay. Tôi đứng dưới gốc cây nhìn nó. Ánh nắng ban trưa làm tôi hơi chói mắt. Tôi cảm thấy hơi xấu hổ trước nó. Tôi hét, cẩn thận nhé! Nó cười. Hàm răng trắng bóng của Thiềm lấp loáng dưới tàng lá sậm.
Khi nó trụt xuống đứng dưới gốc cây, tôi liếc nhìn. Hai má nó hồng lên dưới nắng. Nó có vẻ rất kiêu hãnh trước tôi. Cặp môi nhấp nhính nụ cười như muốn giấu mà không thể. Ngực nó vồng lên nhấp nhô theo từng nhịp thở. Năm nay Thiềm tuổi mười lăm.
Khi nào anh về xuôi?
Anh cũng không biết. Khi nào bố anh kiếm được đầy một chuyến xe thì anh chở về.
Rồi anh có lên không?
Anh cũng không biết nữa.
Không biết, không biết. Cái gì anh cũng không biết!
Nó vùng vằng chạy vào trong nhà.
Sáng sớm hôm sau nó đi học như thường lệ. Buổi chiều, không thấy nó về. Tôi hỏi, chị Hân bảo chắc thứ Bẩy nó mới về. Hôm nay mới là thứ Tư…
Chẳng hiểu sao tôi rất sợ bố tôi sai tôi về sớm. Tôi mong thứ Bẩy gặp Thiềm…
***
Sáng hôm tôi về xuôi, Thiềm dậy sớm hơn thường lệ. Rình lúc tôi ra bể nước trước sân nhà rửa mặt, Thiềm làm như vô tình theo ra. Nàng dúi vào tay tôi cái túi nhỏ bằng bàn tay. Tiếng nói gấp gáp, giọng lạc hẳn:
Anh về nhà rồi mới được mở ra đấy nhé!
Ồ…Em chuẩn bị đi học à?... Em gắng học giỏi nhé. Hôm nào anh lại lên.
Lúc sau Thiềm dắt xe đi học. Thiềm nhìn tôi như chờ đợi. Tôi không biết nói gì, chỉ bảo em đi học nhé. Tôi đứng trong sân nhìn bóng Thiềm khuất hẳn sau rặng tre trước ngõ.
Tôi không thể chờ được như lời Thiềm dặn. Thiềm đi được một lúc, tôi lén ra gốc cây sấu ngoài vườn mở chiếc túi vải. Miệng túi buộc bằng một sợi dây đỏ. Mặt túi hai bên thêu điểm xuyết mấy bông hoa dây leo màu trắng. Một phong thư nhỏ. Mở ra. Trên tờ giấy học trò cắt vuông vức, vỏn vẹn một dòng chữ: “Tặng anh đồng bạc lấy may. Khi nào anh không còn giữ được nữa, tức là anh đã quên em”. Đó là đồng bạc trắng hoa xòe, một mặt có hình Nữ thần tự do, mặt kia có dòng chữ bằng tiếng Pháp. Tôi nhớ, có lần Thiềm khoe trước kia bà nội cho Thiềm. Bà cho ba chị em mỗi đứa một đồng. Bà bảo, các cháu bỏ vào cái túi nhỏ rồi cất trong túi áo, phòng cảm gió tốt lắm đấy, đi đâu chẳng phải lo gió máy gì. Ngày xưa, những gia đình miền núi khá giả, nhất là các quan lang đều tích trữ trong nhà những đồng bạc như thế. Họ bảo để phòng thân.
Thì ra, Thiềm cả nghĩ hơn tôi tưởng. Sao Thiềm thân gái nữ nhi chẳng lo cho mình mà lại lo cho tôi? Tôi lầm lũi đạp xe về xuôi. Trên con đê cao vắng vẻ, bóng Thiềm thấp thoáng theo cùng. Nàng năm nay mười lăm tuổi. Tôi thì mười bẩy. Tôi có mộng ước đi xa…
Bận ấy, tôi trúng tuyển vào đại học. Một cuộc đời mới mở ra. Thỉnh thoảng dịp hè dịp Tết tôi mới về quê. Mỗi lần đi qua con đò về làng, tâm trí tôi thoảng qua hình ảnh Thiềm đang giặt chiếu. Chẳng biết bây giờ Thiềm thế nào rồi. Còn tôi, tôi đang thênh thang đi về phía chân trời xa rộng.
Tốt nghiệp đại học xong, tôi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Công việc dạy học, viết lách, nghiên cứu, hội thảo nọ kia liên miên nuốt lấy tôi. Một lần về quê, ông chú họ tôi gặp ngang đường đưa bàn tay xù xì ra nắm, hà hển, hôm nọ ta thấy cháu trên TV, mừng lắm. Thế rồi cả làng kháo nhau. Có người hỏi, có đúng là thằng An con ông Yên không. Tao bảo chả cái mặt nó còn ai vào đây nữa...
***
Chừng 20 năm sau. Hoặc có thể hơn…
Chiều hôm ấy, tôi đang ngồi trong căn phòng làm việc riêng ở Trường, bỗng nghe có tiếng gõ cửa dè dặt. Tôi hắng giọng mời vào. Một cô sinh viên dáng người thanh mảnh, vẫn có nét học trò cấp ba, gương mặt thanh tú, bím tóc hai bên. Nó tự giới thiệu là sinh viên năm thứ nhất. Nó bảo, con chuyển bức thư của một người nhờ gửi cho Thầy. Nói xong, nó xin phép về luôn.
Mở phong thư ra nhẩn nha đọc. Nét chữ mềm, ngả đều, kiểu chữ đàn bà con gái. Giật mình. Cuối thư tô đậm hai chữ “Em Thiềm”.
“Một hôm xem trên TV, nhìn thấy anh. Biết anh bây giờ giảng dạy ở trường Đại học. Chúc mừng anh. Cô bé đưa thư chính là con gái đầu lòng của em đang theo học năm thứ nhất của trường anh đấy…”. Ôi chao…Thiềm cho biết sau khi hết cấp ba, cô đi học Cao đẳng sư phạm, ra trường về quê dạy học. Không biết địa chỉ của anh thế nào để mà thư từ.... Đi làm mấy năm rồi lấy chồng. Anh chồng là lính đóng quân gần nhà.
Tôi bật dậy. Sực nhớ đồng bạc trắng năm nào. Nó nằm ở đâu? Hay mất đâu? Hay cho ai? Hay chẳng cho ai? Trí nhớ như thể bị tẩy trắng. Ôi, cái thằng tôi…
Mà sao tôi lại không hỏi đứa bé vừa rồi số điện thoại, địa chỉ của nó cơ chứ? Tôi lật giở bức thư xem có số điện thoại của Thiềm không. Tuyệt nhiên không có. Ngay cả địa chỉ của Thiềm cũng không.
Tôi ngồi thừ người. Bất giác bàn tay tôi mở ra. Tôi nhìn chăm chăm vào nó. Bàn tay này đã từng nâng niu đồng bạc hoa xòe. Một cái túi thổ cẩm khâu tay với chiếc dây thắt miệng màu đỏ. Bên trong là một bức thư.
“Tặng anh đồng bạc lấy may. Khi nào anh không còn giữ được nữa, tức là anh đã quên em”…
Bến sông Thương thượng nguồn trưa ấy. Tiếng đập chiếu vang động mặt sông.
Sông cứ chảy vô tình. Sông ơi, có phải mấy chục năm nay mày vẫn thế?...
Giáng sinh, ngày 24/12/2021
hoa_sung_1
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)