NGUYỄN KIM RẪN
Cuối năm học 1968 – 1969 (năm thứ hai học Đại học SP), tôi được phân công đi kiến tập ở Phù Cừ (Hải Hưng). Hết đợt kiến tập, các bạn thì về Trường còn tôi và bạn Kim Nga được khoa phân công ở lại phục vụ đám cưới thầy Dưỡng và một cô thôn nữ ở huyện ấy. Sở dĩ khoa chọn chúng tôi vì bạn Kim Nga hát rất hay, cón tôi là tốp trưởng tốp hát chèo của Khoa khóa đó, lại biết cắt dán và trang trí. Chiều hôm trước ngày cưới, tôi cắt giấy màu, bạn Kim Nga và một số thanh niên trong xóm dán và căng phông. So với hoàn cảnh nông thôn lúc ấy, công trình của chúng tôi được coi là đẹp. Phông chính có chữ Lễ Thành Hôn cắt theo kiểu hoa văn, chữ lồng tên hai người và đôi chim bồ câu đang cắn mỏ vào nhau. Bỗng một ông (ra dáng cán bộ địa phương), quát:
- Trang trí thế này thì hỏng to!
- Tại sao ạ? – Tôi giật mình, mặt nóng ran, hỏi lại.
- Thời buổi chiến tranh mà trai gái cứ mải mê hôn hít nhau, xoắn xuýt lấy nhau thế này thì mất nước à?
Tôi bị hẫng. Rất buồn, nghĩ cách giải thích cho qua chuyện:
- Không phải đâu bác ạ! Đấy là cái hôn tạm biệt trước khi chia tay, anh đi đánh giặc, em ở nhà gánh vác việc địa phương và gia đình bác ạ. Còn chữ lồng thẻ hiện: dù xa nhau vẫn luôn nhớ về nhau ạ. Có vậy mới thủy chung, mới hăng hái chứ ạ!
Một số bà cụ và thanh niên có vẻ tán đồng. Có bà còn nói: “Thầy giáo có khác, nói đâu ra đấy”! Nhưng xem chừng ông này vẫn khó chịu.
*
* *
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy đã lâu mà vẫn không thấy dọn ăn sáng. Mọi người tấp nập dọn dep và nấu ăn cho cỗ cưới vào ban trưa. Thì ra, ở đây hàng ngày nhịn ăn sáng nên không có chuẩn bị. Tôi và Kim Nga rủ nhau đi dạo. Mọi người mách gần đó có chợ. Thế là chúng tôi đi chợ, Đang đói, thấy có hàng xôi, thế là Kim Nga mua luôn một gói. Định bụng, lúc nữa về đến chỗ nào vắng thì bỏ ra ăn. Chúng tôi ra về, cùng đi trên con đê cao, dưới chân, một bên là sông Luộc, đỏ phù sa; một bên là cánh đồng lúa đang thì con gái xanh mướt. Cả hai khoan khoái, tưởng như mình đang đi giữa lưng trời. Nhìn trước, nhìn sau vắng vẻ, định bỏ xôi ra ăn. Kim Nga lục túi xách, giở xôi, bẻ cho tôi. Đang định ăn thì một tốp học sinh đạp xe tới. Vừa nhìn thấy chúng tôi từ xa đã xuống xe, đồng thanh chào to tướng:
- Chào thầy ạ!
- Chào cô ạ!
Được chúng tôi cho phép, các em mới lên xe đi tiếp. Các em đi rồi nhưng thỉnh thoảng lại có người đạp xe qua. Chả lẽ thầy, cô lại vừa đi đường vừa gặm lá chuối! Nhỡ lại gặp các em khác nữa thì ngượng chết! Chắc Kim Nga cũng nghĩ giống tôi nên cũng cất gói xôi đi.
Tôi về đến nhà thì thầy Huy (giảng dạy văn học Việt Nam, phụ trách nhóm chúng tôi).đưa cho tôi một tờ giấy và bảo:
- Cậu phổ làn điệu chèo vào đây để lát nữa hát phục vụ đám cưới nhé! Thuộc lòng, không phải cầm giấy thì càng tốt.
- Dạ!
Tôi lo quá, song không thể từ chối. Thế là lại ngồi học bài lục bát tả tình yêu của cô dâu và chú rể.
Hôm đó tôi dẫn chương trình, Kim Nga và tôi thay nhau hát. Bài hát chèo của tôi (Lời của thầy Huy) được nhiệt liệt hưởng ứng vì sát với chuyện của cô dâu, chú rể và nhiệm vụ hiện tại của thanh niên. Lại được hát lên bằng những làn điệu chèo tha thiết nữa. Tôi vừa biểu diễn (hát và múa chèo) vừa để ý, thầy thầy Huy gật gù thú vị, khiến lại càng cố gắng.
Trưa hôm đó chúng tôi ăn rất ngon miệng (phần vì đói, phần vì nhiệm vụ hoàn thành). Trong đám, mọi người đều khen cô, cậu sinh viên từ Hà Nội về khiến cho chúng tôi vô sùng sung sướng. Từ khi ra trường tới nay đã 48 năm (1970 - 2018), tôi chưa gặp lại bạn Kim Nga. Không biết bạn đang ở đâu và còn nhở chuyện nửa thế kỷ trước của chúng tôi không?
Cố Nhuế, ngày 30 tháng 01 năm 2018
Người gửi / điện thoại
NHÀ GIÁO KIM RẪN CÓ NHỮNG MẨU CHUYỆN RẤT THÚ VỊ! CÁM ƠN TÁC GIẢ ĐÃ CỘNG TÁC CÙNG TRANG CLB VĂN CHƯƠNG!
Trả lời