NGUYỄN KIM RẪN
Hè năm 1993, tôi cùng Trường THPT Lê Quý Đôn đi du lịch Sầm Sơn. Lúc ở hòn Trống Mái, tôi đang đi thì có một người trung tuổi gọi giật lại và nói: “Này bác! Bác đứng lại một chút”. Tôi dừng lại. Người đó ngắm tôi và nói: “Bác thì không làm quan nhưng bác đã dạy được rất nhiều học trò làm quan có đúng không”? Tôi giật mình. Sao một người xa lạ lại có thể nói về mình như vậy. Quả là tôi chỉ là một ông giáo tỉnh lẻ nhưng học trò tôi thì đã có rất nhiều em thành đạt, làm “ông nọ, bà kia” rồi! Anh ta nói tiếp:
xem cho thôi. Bác không trả tiền cũng không sao.
Tôi đã đồng ý. Đại để anh ta đoán khá nhiều cái đúng. Đặc biệt anh ta nói về bố tôi. Anh ta bảo: Bà mẹ của bác thì hiền lành, chịu thương chịu khó nhưng nhàn nhã vì bác có một ông bố lo lắng đối nội, đối ngoại chu đáo mọi bề. Những việc ngoài xã hội bao giờ bác cũng hỏi ý kiến của ông bố. Đúng quá!
Thuở nhỏ, bố tôi có theo học chữ Nho một thầy đồ trong làng, song do hoàn cảnh gia đình mà phải nghỉ học giữa chừng. Bố tôi dược ông anh họ dạy chữ quốc ngữ và các phép tính cơ bản. Vừa lao động vừa học. Kháng chiến chống Pháp, do có biết chữ nên bố tôi được cử dạy Bình dân học vụ. Vừa dạy vừa được bổ túc thêm kiến thức Văn, Sử, Địa và khoa học. Cứ vậy, bố tôi trở thành một thầy giáo, được nhận danh hiệu CHIẾN SĨ DIỆT DỐT, được Bác Hồ gửi thư khen. Có lẽ vì hiếu học như vậy mà bố tôi đồng ý cho tôi thi vào cấp 3 trong khi nhiều gia đình trong thôn có hoàn cảnh khá hơn nhà tôi, không cho con học cấp 3. Chỉ hết cấp 2 là nghỉ ở nhà lao động kiếm sống. Nhiều công việc của gia đình đều do bố tính toán cắt đặt, đôn đốc, động viên. Việc họ, việc làng cũng vậy. Có một chuyện mà tôi không bao giờ quên đó là bố tôi đã hoạ thơ tôi.
Hè năm 1966 (cách đây 55 năm), tôi cũng là một thí sinh thi Tốt nghiệp THPT. Lúc ấy, tôi là Bí thư Chi đoàn thanh niên kiêm Lớp trưởng lớp 10C, lớp thường xuyên dẫn đầu Trường Cấp 3 Tiền Hải. Lúc làm hồ sơ đi Đại học, thầy Hiệu trưởng Đỗ Đoàn vỗ vai bảo: “Tao đề nghị cho mày đi Đức đấy!”. Song do một số người đố kỵ, lấy cớ giữ lại làm cán bộ địa phương nên tôi lại chẳng được đi đâu. Ở lại quê làm Tổng phụ trách thiếu niên, Thường vụ Xã Đoàn, Trong Ban Văn hóa xã Nam Hà, trực tiếp phụ trách đội Văn nghệ của HTX Đông Quách, dạy Bổ túc văn hòa, và thành viên của Đội sản xuất lúa giống cho Hợp tác xã, đội viên Đội Dân quân tự vệ v…v…
Trong một lần đi trồng thông ở ven biển Tiền Hải, tôi lấy về một cây, trồng ngay ở ngõ nhà mình. Song do chỗ trồng thông gần bụi tre và cây xoan, bụi chuối nên cây thông không lớn lên được. Chăm mãi vẫn còi cọc. Rồi lại sâu bệnh nữa. Vận vào mình tôi đã ghi trong sổ tay:
Thông đã được trồng bấy lâu nay,
Bón chăm kể cũng đã nhiều ngày.
Cớ sao chẳng lớn lên thế nhỉ,
Để trả ơn người hỡi thông bay?
Phải chăng đất cỗi cằn không “phát”?
Hay có xoan tre ức hiếp mày?
Nhưng sao mày cũng nên khôn khéo,
Sống cho cứng cáp hỡi thông bay!
Tôi để cuốn sổ ngay trên chiêc bàn con trong góc nhà, Tối hôm đó đi họp bình thường. Sáng hôm sau dậy đi làm thì thấy một mảnh giấy (xem ảnh dưới) ghi bài thơ bố họa lại bài của tôi như sau:
“Thày tặng con bài hoạ lại bài con tả cây thông:
Trồng thông ai chả muốn lên ngay
Chăm bón kể ra đã lâu ngày
Hằng mong mau lớn xanh tươi nhỉ
Thoả chí người trồng hỡi thông bay
Thông ơi đất tốt mà chậm phát
Bởi có sung xoan nó che mày
Dù sao thông cũng cần phải khéo
Ắt hắn có ngày thoả chí bay.”
Cuối bài có dòng vừa chữ Nôm vừa chữ Hán: “Thân phụ của con” và ký tên Nguyễn Văn Đăng. Tôi rất cảm động và càng cố gắng hơn. Lúc đó tôi hoạt động khá sôi nổi. Huyện Đoàn, phòng Văn hóa Thông tin gợi ý tôi lên huyện công tác, nhiều đơn vị bộ đội và Thanh niên xung phong cũng định lấy tôi đi dạy văn hóa trong quân đội và TNXP. Nhưng xã không nhất trí. Tuy chỉ học cách dạy từ các thầy cô của tôi, chưa qua trường Sư phạm, nhưng hè 1967, tôi đi thi giáo viên bổ túc giỏi vẫn đạt giải, được giấy khen và phần thưởng.
Tháng 10 năm 1967 thì tôi được gọi đi học tại khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Trong cuộc đời tôi, nhiều lần có việc gì quan trọng tôi lại tâm sự cùng bố và cũng nhờ Người mà tôi thêm vững bước trên đường đời của mình.
Cổ Nhuế, ngày mồng 10 tháng năm Tân Sửu
(19 tháng 6 năm 2021)
NGUYỄN KIM RẪN
Người gửi / điện thoại