Cầm Sơn
GIỖ KHẢ - NÉT VĂN HÓA ĐẬM BẢN SẮC MƯỜNG.
Ngày 09 tháng 10 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Thành hoàng làng đối với người dân ở Mường Khả trên địa bàn xã Bắc Sơn huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình. Dân làng gọi tắt là “Giỗ Khả”.
Tương truyền: Xưa có hai anh em người Kinh không biết từ đâu trôi dạt về Mường Khả, hai anh em đã sinh sống hòa nhập cùng dân làng và hướng dẫn dân làng làm ăn thoát cảnh đói nghèo, từng bước xây dựng bản làng tươi vui, no ấm. Dưới con mắt của cánh Nhà Lang thì họ trở thành cái gai bởi họ thông minh, hiểu biết. Sợ họ sẽ trở thành thủ lĩnh lãnh đạo dân làng chống lại chính sách của tầng lớp cai trị. Nhà Lang giết chết cả hai anh em ném xuống vực sâu, đầm lầy mất xác. Dân làng thương tiếc người có công với làng với bản nên hàng năm cứ vào ngày họ mất, người dân trong làng lại làm mâm cơm cúng lễ để tưởng nhớ linh hồn họ. Lúc đầu thì lẻ tẻ từng nhà, sau lan rộng ra cả làng và cho đến ngày nay thì ngày tưởng nhớ họ đã trở thành ngày “Giỗ Khả” của tất cả các hộ dân sinh sống trên mảnh đất Mường Khả.
Để tìm hiểu thêm một nét Văn hóa đậm bản sắc dân tộc Mường này, Đoàn nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam đã lên đường đến Kim Bôi từ ngày 04/11/2019 (tức ngày 08/10 âm lịch, trước giỗ Khả một ngày). Đoàn gồm có Nhà văn Lã Thanh Tùng – Phó Trưởng Ban Văn học Chuyên đề làm trưởng đoàn, nhà văn Đăng Bẩy – Nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Văn nghệ , nhà văn Cầm Sơn – Quản trị Website Ban Văn Học Công nhân và ông Vũ Đình Thảo – Cháu nội cụ thi nhân Tùng Giang Vũ Đình Trung, tác giả cuốn tình sử “Đồi thông hai mộ”. Từ thành phố Hòa Bình, Lãnh đạo Hội VHNT tỉnh Hòa Bình cũng có mặt gồm ông Lê Quốc Khánh – Chánh Văn phòng Hội VHNT Hòa Bình, nhà văn Phan Mai Hương và Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Bùi Văn Hải.
Chiều ngày 04 tháng 11 năm 2019, Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy Ban Nhân dân xã Bắc Sơn đã có cuộc thảo luận (Seminor) với các văn nghệ sĩ về Nét Văn hóa Mường của tục lệ “Giỗ Khả” và sự liên quan với nơi phát tích tác phẩm “Đồi thông hai mộ: của cụ Tùng Giang. Dự cuộc thảo luận này, về phía lãnh đạo xã Bắc Sơn huyện Kim Bội có các ông:
- Bùi Văn Nam – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã
- Bùi Thanh Chiểu – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy
- Bùi Văn Lương – Phó Bí thư, chủ tịch UBND xã
- Bùi Văn Tứ - Phó Chủ tịch UBND xã
Cùng nhiều các cán bộ đầu ngành, Mặt trận TQ và các tổ chức Hội đoàn.
Trong cuộc thảo luận, Lãnh đạo xã đã trình bày tình hình hoạt động, những khó khăn, tồn tại, hướng khắc phục và kế hoạch phát triển Kinh tế, Chính trị, Văn hóa, xã hội của xã và đặc biệt chú ý đến tiềm năng khai thác du lịch của xã thông qua những di sản quý bằng vật thể và phi vật thể mà xã đã có. Các đại biểu của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội VHNT tỉnh Hòa Bình cũng đã có ý kiến phát biểu tại cuộc thảo luận này.
Buổi tối, với lý do tổ chức mừng ngày “Đoàn kết toàn dân” 18/11 hàng năm. Chi bộ và các đoàn thể xóm Khả đã tổ chức một buổi sinh hoạt Giao lưu văn nghệ với sự đóng góp của các tiết mục do các xóm trong thôn dàn dựng tại sân khấu ngoài trời trên sân vận động của thôn. Dân trong xã, ngoài làng đến xem tấp nập, có cả vài trăm người dồn về đông đúc, nhộn nhịp, lại có cả các quán bán hàng lưu động dịch vụ nhiều loại thực phẩm và tạp phẩm, đúng là không khí của một ngày Hội.
Sáng ngày hôm sau, 05/11/2019 tức ngày 09 tháng 10 âm lịch là ngày “Giỗ Khả”. Tại một gò đất có một cái nhà mới được dân làng tự phát góp công, góp của xây dựng lại có diện tích rộng chừng vài chục mét vuông. Phía ngoài có treo cờ Tổ Quốc, cờ Đại biểu tượng cho một cái Đình. Người dân trong làng tụ tập đến làm lễ dâng hương tưởng nhớ Thành hoàng làng trong ngày ‘Giỗ Khả”. Ngôi nhà này hiện chưa rõ là Đình, Chùa hay Miếu, chỉ biết tạm thời nay là nơi cúng giỗ Thành Hoàng làng. Theo các nhân chứng thì mảnh đất này trước đây là nền một ngôi chùa. Đoàn nhà văn còn được người dân chỉ cho xem những viên gạch, hòn đá xây kè nền chùa cũ còn sót lại. Được biết nơi tọa lạc ngôi Đình thời xưa là ở chếch phía sau chỉ cách nơi có chùa khoảng 200 mét. Sau khi làm lễ dâng hương tại ngôi nhà mới tạo dựng của dân làng, đoàn nhà văn đã được tiếp xúc, phỏng vấn, trao đổi với cụ Bùi Xuân In sinh năm 1933, người đã cung tiến chiếc mâm bồng bằng gỗ, là một trong những đồ thờ cúng của ngôi chùa trước đây còn sót lại và các nhân chứng cao tuổi khác của làng. Được biết Đình, Chùa của làng xưa kia được xây dựng bằng gạch, ngói và gỗ lim kiên cố không biết có từ đời nào nhưng cũng mới chỉ bị phá bỏ vào những năm thuộc thập kỷ 50 thế kỷ trước nên những người cao tuổi trong làng vẫn còn được nhìn thấy, biết đến các ngôi đình và chùa của làng.
Với những di chỉ, vật chứng, nhân chứng mà Mưởng Khả hiện nay đã có, hoàn toàn có thể lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để dân làng có thể vận động các nguồn lực xã hội cho phục dựng lại đình, chùa của làng đúng như hình hài ngày xưa đã có, kèm theo đấy là lễ hội cũng được phục dựng lại. Tôi nhớ trong buổi sinh hoạt văn nghệ tối hôm trước có tiết mục múa, hát bằng tiếng Mường còn giữ nguyên giai điệu của người Mường Việt cổ là một tiết mục khá độc đáo trong việc bảo tồn giá trị Văn hóa phi vật thể của người Mường rất cần được giữ gìn, duy trì và phát triển.
Trở về trong làng, càng gần đến buổi trưa thì người từ các nơi khác đổ về càng đông. Không phải để dự lễ hội gì mà là để giao lưu ẩm thực sau khi làm cơn cúng giỗ Thành hoàng làng. Nhà nào cũng đông người, xe ô tô chạy về tấp nập. Người đến chủ yếu là con cháu, người thân và bạn bè thân hữu đang ở nơi xa về quê ăn giỗ. Đoàn nhà văn được Bùi Văn Tứ - Phó chủ tịch xã kéo về nhà ông bố đẻ. Tại đây, từ thành phố Hòa Bình xuống còn có Chủ tịch Hội VHNT tình Lê Va, Nhà khảo cổ học, tiến sĩ Nguyễn Việt và một số cán bộ chuyên viên của Hội, có bà Hà -Trưởng phòng Văn hóa huyện Kim Bôi cùng nhiều chuyên viên, có khách ở xã Sơn Thủy cùng nhiều bạn bè thân thích của chủ nhà.
Tập tục của Mường Khả trong ngày “Giỗ Khả” là khách đến làng bất kể quen, lạ đều có thể vào nhà và chủ nhà sẽ mời cơm đón tiếp nồng nhiệt, vui vẻ. Quan niệm nhà nào càng đông người đến ăn thì năm ấy sẽ nhiều may mắn, được mùa, no ấm. Tập tục này giống y chang tập tục trong Lễ hội Làng Diềm – Làng Thủy tổ các điệu dân ca Quan họ ở tình Bắc Ninh. Chỉ khác là lễ hội Làng Diềm được tổ chức vào ngày 06 tháng 02 âm lịch hàng năm là Lễ hội có từ xa xưa và đã được Nhà nước công nhận nên nó đông vui và hoành tráng hơn.
Xóm Khả giữa là một làng rất trù phú, theo chủ tịch Bùi Văn Lương thì số hộ của xóm hiện nay xấp xỉ 400 hộ chiếm một nửa dân số của xã. Chắc chắn xóm này đã có từ rất lâu đời nên Văn hóa cũng có từ rất lâu. Việc có đình, có chùa và nhiều nét Văn hóa khác là chuyện có thể nói không cần bàn cãi nhiều.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cùng người dân xã Bắc Sơn hoặc nói cách khác là người dân Mường Khả rất cần phục dựng, khôi phục lại những nền tàng Văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương cùng với những giá trị văn hóa mới phát hiện như khu mộ, nơi phát tích truyện tình sử “Đồi thông hai mộ” của thi nhân Tùng Giang Vũ Đình Trung...Vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa Mường Khả, vừa để phát triển du lịch, đặc biệt đi theo hướng Du lịch Cộng đồng (homestay) góp phần phát triển kinh tế địa phương, xây dựng miền quê núi rừng Bắc Sơn giàu, mạnh, xây dựng Văn hóa Mường Khả thành một nền nếp văn hóa đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Mường.
C.S
Người gửi / điện thoại