“KẺ NĂM NGƯỜI NGỒI” VÀ THẾ GIỚI CÁC NHÀ VĂN
Vũ Nho
Đọc tiểu thuyết “ Kẻ năm người ngồi” của Nguyễn Thế Hùng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2021
Tiểu thuyết “ Kẻ năm người ngồi” là một tiểu thuyết hiếm hoi viết về thế giới các nhà văn tỉnh lẻ. Nhưng không chỉ có ở tỉnh lẻ. Chuyện ấy, ít nhiều đều bắt gặp đâu đó trong giới cầm bút của nước ta những tháng năm qua.
Nói là thế giới các nhà văn tỉnh lẻ là nói trên tinh thần chủ yếu. Thực ra nhà văn Nguyễn Thế Hùng không bó hẹp ở chuyện những người cầm bút.
Người đọc còn thấy hình ảnh cán bộ xã, người nắm quyền sinh quyền sát ở địa phương qua hình ảnh anh Thực Lễ cò kè việc đóng dấu cho Mận. Anh ta công khai nói với cô gái trẻ đến xin dấu:
“ Em đứng lại đi Mận, tôi hứa tôi sẽ đóng…dấu cho em, giờ em cho tôi được đóng dấu đi. Em thấy đấy, trước đây đất đai của cải còn nhiều, mấy thằng quan trước ăn hết rồi, đến lượt tôi làm quan, tôi chỉ còn có mỗi con dấu để ăn thôi. Em cho tôi đi, tôi đóng dấu để trừ nợ” (tr. 74). Chuyện anh Thực Lễ vồ hụt Mận là chuyền cười ra nước mắt. Không chỉ có thế, khi Mận được “nổi danh” thì Thực Lễ nghĩ đến việc kiếm ăn bằng cách tổ chức đón rước linh đình. Anh ta nói : “ Thỉnh thoảng không tạo ra một cái cớ tổ chức một cái lễ, cái hội, cái đón, cái rước gì đó thì lấy…ấy mà ăn à”. Và Mận phải nghe theo Lễ. “Mận biết rồi đến ngày Mận lên đường để hắn lại làm một buổi tiễn đưa linh đình không kém hôm nay và ba con trâu nữa lại vào cả túi hắn và ban bệ trong xã…Nhưng biết làm sao được. Nó đã thế, thành lệ lâu rồi. Mận biết và ai cũng biết thế, những tên quan tham như Thực Lễ là những con sâu đục thân, đang ngày đêm thi nhau đục khoét đến mục ruỗng, hổng chân. Những con sâu tham lam đã ăn hết phần của dân, ăn không chừa một thứ gì” (tr. 106 -107).
Cũng có thể thấy việc gian lận trong thi cử của một thầy giáo mở lò luyện thi, dặn dò sĩ tử phải đánh dấu bài thế nào để thầy nhận ra khi chấm qua việc Mận bị trượt do không đánh dấu bằng cách gạch hai gạch. Ông giáo Lê Vinh bị kỉ luật về vùng quê dạy dỗ, nhưng luôn tự hào là trí thức nổi tiếng. Nhờ đãi nhà phê bình Vũ Lãi một cái vé xe, được ông ta trả ơn viết một bài bốc thơm thơ văn của mình, liền bám vào đó khoe khoang Trung tâm luyện thi. Vũ Lãi đã “bóc mẽ” Lê Vinh trước cô học trò Đào Thị Mận:
“Thơ với thẩn gì nó, mấy bài vè. Khổ cho các em suốt ngày tiếp xúc với vè, lên lớp học vè, về nhà nghe vè, cuối cùng cứ tưởng vè là thơ” ( trang 80).
Về thế giới các nhà văn.
Tác giả đã miêu tả Hội nghị văn chương của tỉnh với giọng giễu nhại và châm biếm. Cô Mận được nhà phê bình Vũ Lãi nhận làm đệ tử, đưa đến Hội nghị để khoe. Nhưng mải gặp gỡ bạn bè, quên cả đệ tử. Cô Mận vô cùng ngạc nhiên khi đối thoại với “bác bảo vệ”:
“ Mận lò dò tiến sát lại chỗ cồng hỏi bác bảo vệ:
Bác bảo vệ trả lời bằng một câu hỏi:
Và đúng là một cái chợ khi các nhà phê bình “danh giá” nhất đều trịnh trọng, đều thao thao những điều sáo rỗng, đều bị la ó đuổi xuống, thậm chí ném cả giầy. Đó là các vị Dao Pha, Búa Sắt, Dao Vàng, Kéo Bạc, Roi Cá Đuối, Cối Chày Vàng,…
Có thể nói đây là màn hoạt kê của các nhà phê bình toàn Dao, Búa, Kéo, Roi,…
Chân dung của các nhà văn còn được miêu tả kĩ hơn với nhà phê bình Vũ Lãi tiền hậu bất nhất. Trả lời phỏng vấn thì nói rằng không dẫn ông ốp, ông ép , tự mình đánh giá theo chính kiến riêng. Nhưng lại dẫn ông ốp ông ép làm căn cứ để thuyết phục cô bé Mận. Và khuyến khích cô viết theo hướng gợi dục, càng cụ thể, chi tiết càng tốt!
Các nhà văn trong tờ tạp chí của tỉnh thì Tổng đã đạo tác phẩm của Thuận làm của mình. Luôn luôn nhớ món nợ. Và cũng luôn luôn tạo ra các mâu thuẫn giữa ba người có thể kế nhiệm mình là Thuận, Tâm và Lợi. Câu nói cửa miệng của Tổng là : “Anh thì cũng sắp về rồi,…” để khích lệ người đối thoại. Nhưng thâm tâm Tổng cố ý dựng Tâm lên để lấy cớ Tâm còn non, Tổng sẽ phải ở lại dìu dắt. Rồi Tâm lên, thì cái ghế trống đó dành cho Lâm Oanh tức Mận ( trong khi Mận dùng “điệp khúc” mặc cả với Chủ, Chủ đã nói huỵch toẹt : “ Cái ghế của Tâm anh bán cho nó mười nghìn (đô) đấy” (trang 246).
Lợi là người làm phê bình bất tài. Với Thuận, một đồng nghiệp thì Lợi là nhà phê bình điếm đường “Lợi chả khác gì một con điếm đường, về cơ bản là hành nghề vì tiền, chỉ cần có khách làng chơi cho tiền và thọc vào là rú lên, rú lên như một phản xạ có điều kiện chứ không hề có cảm xúc gì, hay nói đúng hơn là cảm xúc đã chai lì sau bao nhiêu năm làm điếm đường” ( trang 135).
Trong con mắt của Tâm thì : “Cái bọn phê bình nhãi nhép như Lợi thường vốn rỗi việc, ngồi nghe hơi nỗi chõ rồi viết, rồi phán […] Chúng nó đã không có tài, rỗi việc, cứ ngồi chực bọn sáng tác hở ra miếng gì là vồ ngay và tẩn cho tới số. Đôi khi chúng nó cứ nói vung tí mẹt lên thế và bản thân chúng nó cũng không hiểu là mình đang nói gì.” (trang 124 -125). Tuy vậy Lợi vấn có sự kiêu ngạo ngầm, kiêu ngạo ghê gớm : “Hãy chờ đấy các con ạ. Bố mày là bố mày đang chờ các con hoàn thành cho xong sự nghiệp của các con đi đã rồi bố mày mới viết nhá. Bố mày mà ra đòn thì các con tịt hết. Tác phẩm của bố mày sẽ như một cơn lốc xoáy, thổi vèo một cái là mấy cái chòi tranh tre nứa lá, thúng mủng dần sàng, cua cáy ao hồ của các con là coi như san phẳng, là về mo hết nhé” (trang 122- 123).
Tâm, một nhà văn nữ chân dài không đi lên bằng đôi chân của mình. Tâm chấp nhận làm người bạn giường chiếu của Thuận để có tên tuổi, có vị trí trong tờ tạp chí.
Còn Thuận, là người có năng lực sáng tác và thẩm định. Thuận không màng chức tước. Nhưng Thuận lại qúa say mê chuyện đực cái. Tổng đánh giá Thuận : “Trông anh cao ngạo vậy thôi, nhưng anh cũng như tôi và như bao người khác chẳng vì báo, chẳng vì nền văn học tỉnh nhà gì sất, cứ có cuộc thi là gái ùn ùn kéo đến, gái mặc váy dài thì in bài ngắn, gái mặc váy ngắn thì in truyện dài, gái vào không mặc váy thì phơi tông luôn” ( trang 160 -161).Thuận có dũng khí của người viết, dám đốt những thứ sản phẩm không đạt của mình, dám làm lại từ đầu.
Đó là những chân dung hí họa, biếm họa về các nhà văn “kẻ nằm người ngồi” trong cơ quan tạp chí.
Nhân vật mà tác giả dành cho nhiều tâm huyết là cô bé Đào Thị Mận, trượt tốt nghiệp phổ thông nhưng có khát vọng vươn ra khỏi lũy tre làng, khát vọng nổi tiếng. Mận đã học chữ Hán để mong có thể đọc được tác phẩm truyện của tổ tiên để lại. Rồi khăn gói ra tỉnh, làm đệ tử cho Vũ Lãi, mong được mở rộng tầm mắt. Lỡ chuyến đi Tây vì giở võ phòng bị với Bốp Bi, Mận đã định tự tử. Nhưng rồi không chết được, Mận quyết đi học đại học. Có bằng, về thực tập ở tờ Văn nghệ tỉnh, Mận đã làm đệ tử trung thành của Thuận, cả học thuật lẫn giường chiếu. Rồi Mận trở nên nổi tiếng như cồn sau khi chiếm giải cuộc thi nhờ Thuận viết hộ. Rồi Mận được tiến cử đi viết hồi kí cho Chủ. “Lâm Oanh ( Mận) sẽ ôm vốn văn chương của Thuận cùng vốn tự có của mình đi vào chợ đời để mua mua, bán bán, đổi dổi, chác chác, bạc bạc, tiền tiền, lồ lồ, cạc cạc…” ( trang 210). Mận thành “điếu cày ủy ban”, giăng mắc với Thuận, Lợi, Tổng và cả Chủ. Mận đã sai Lợi “làm việc tình” với Tâm và ghi lại. Thế là có bằng chứng để hạ gục hai tay ngấp nghển ghế của Tổng. Mận ép Tổng để được thay Tâm và rồi lâu dài sẽ thay Tổng. Nhưng người tính không bằng trời tính. Phần vĩ thanh tác giả hé lộ kết cục của Mận ( Lâm Oanh) trở thành Xuân Hoa, một cao thủ đã từng là nhà văn nổi như cồn bị gài bẫy, bị phạt đền và đang sống cùng mẹ. Hai mẹ con làm đầu mối buôn chè tươi, chổi đót và cam.
Có thể nói các nhân vật nhà văn trong tác phẩm này đều không thánh thiện đẹp đẽ như người đọc kì vọng. Chẳng lẽ nhà văn toàn là người như thế ư? Có khác gì với những chân dung nhà văn mà tác giả Xuân Sách vẽ bằng thơ một cách méo mó? Nhà văn như thế thì mong gì có tác phẩm để đời, mong gì có tác phẩm đỉnh cao, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam?
Xin thưa rằng, đây là bức tranh về những nhà văn chưa đẹp, các nhà văn mang danh nhà văn. Họ là những kẻ thích đăng đàn diễn thuyết, đao to búa lớn, chém gió chém bão vù vù. Họ là những người thích chức vụ, thích quyền lực. Còn những nhà văn thật sự có tâm, có tầm, có tài, họ thường xa lánh chỗ ồn ào, lặng lẽ viết, lặng lẽ công bố. Tác giả không hề có dụng ý bóp méo hay bôi đen cái chợ văn chương vốn không đơn giản, càng không đơn giản khi chịu ảnh hưởng của cơ chể thị trường.
Những bức tranh hí họa này cho bạn đọc thấy được thế giới nhà văn cũng phức tạp, cũng vàng thau lẫn lộn chứ không hề phẳng lặng, giản đơn.
Theo ngày tháng ghi ở cuối tác phẩm thì tác phẩm được khởi thảo từ 16 tháng 1 năm 1973 và hoàn thành vào 16 tháng 1 năm năm 2016. Một thời gian dài khoảng hơn 40 năm. Rõ ràng, tác giả không vội vàng công bố, mà viết chậm, sửa kĩ. Có rất nhiều câu tục ngữ, ca dao, hát đối đáp nam nữ được đưa vào tác phẩm. Lại có cả một số câu thơ của các nhà thơ hiện đại.Không ngạc nhiên khi một số nhà phê bình nhận định tác phẩm này đậm chất dân gian.
Nhìn chung, giọng văn giễu nhại được sử dụng nhất quán, thành công. Một góc đời sống sinh hoạt văn chương của tỉnh lẻ. Nhưng ai dám bảo đó chỉ là ở tỉnh lẻ mà thôi. Các nhân vật được tác giả dựng lên khá sắc nét, liên quan, hợp tác, tranh đua, không ngần ngại bóc mẽ nhau cho thấy sân khấu văn chương cũng không hiếm chuyện bi hài. Đó cũng là một thành công đáng ghi nhận của tác giả khi không ngần ngại, mạnh dạn, dũng cảm viết về giới mình, nghề mình với tất cả sự trăn trở, băn khoăn, lo lắng và yêu mến.
Hà Nội, tháng 6 năm 2022
Người gửi / điện thoại