HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG THIÊN ĐƯỜNG MỘNG ẢO (TIẾP)

Nguyễn Đức Tùng:
Lúc đó anh có nhận ra là có một sự khác nhau nào đó giữa anh và những người cũng lên rừng đi kháng chiến như anh? Ví dụ như tỉnh đội trưởng mà anh nhắc đến chẳng hạn?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Không thể có khác biệt sâu xa được. Khi đã ở với nhau lâu rồi thì người ta sẽ dần dần trở nên giống nhau, cũng như nhiều anh em khác, tôi phải nén cái riêng tư của mình lại. Mà những người đi kháng chiến đa số là từ nông thôn nên họ suy nghĩ giản dị lắm. Một số người có thù sâu nên có dịp là họ trả thù.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Như vậy trong chiến tranh chuyện trả thù trả oán cá nhân là có thật?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Dĩ nhiên là có thật.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Anh lên rừng từ năm 1966, nhưng đến năm 1987 anh mới được chính thức kết nạp vào đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy là vì anh xin vào mà không được hay vì anh chưa muốn vào?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi xin vào mà không được. Lúc mới gia nhập cách mạng, tôi thuộc về Quảng Trị, ở đó tôi cũng bị theo dõi. Rồi khi vào Huế, tôi phụ trách tờ báo Cờ Giải Phóng, có một ông bí thư luôn luôn đố kỵ tôi. Tôi làm đơn vào Đảng lúc nào cũng bị bác vì nói là chưa đủ điều kiện.
Trong thực tế lúc ở trên rừng, tôi chẳng nói điều gì khác biệt với mọi người cả, mà chính tôi cũng phải nói hùa theo những người khác, và cho vụ Mậu Thân là một chiến thắng, không có thất bại. Tiến sĩ Lê Văn Hảo, hiện nay làm ở viện bảo tàng Louvre ở Pháp, có biết rõ giai đoạn này của tôi.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Như vậy việc anh không được vào đảng Cộng sản là do những đố kỵ cá nhân chứ không phải là vì những khác biệt lớn hơn, ví dụ về quan điểm chính trị.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Rất khó phân biệt giữa Đảng và cá nhân, vì đảng cũng là đảng viên.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Có phải chính anh là người đã viết và đọc lời hiệu triệu nhân dân nổi dậy trong vụ Mậu Thân? Ngày nay nếu lặp lại anh có thay đổi lời hiệu triệu đó không, hay vẫn giữ nguyên?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Vẫn giữ nguyên. Tôi viết và đọc lời hiệu triệu đó thay mặt Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình, họ thu băng rồi phát lại ở Huế. Nếu viết lại tôi sẽ không thay đổi gì cả, vì trong đó tôi nhớ là chỉ kêu gọi đánh đuổi Mỹ và xây dựng một đất nước hòa bình, dân chủ.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi để ý vài điều. Anh làm thơ ít, nhưng bài nào cũng thể hiện một tâm trạng rõ rệt. Những bài thành công thường dùng ngôn ngữ cổ điển, bút pháp cổ điển, mà vẫn lay động lòng người. Đó là nhờ cái tình. Nhưng nói đến tài năng của anh, thì phải nói đến những trang văn xuôi trác tuyệt trong thể loại bút ký và tùy bút. Đó thực sự là một trong những thành tựu của văn học Việt Nam. Người ta thấy rằng các chất liệu văn học của anh đều lấy từ thời kỳ gian khổ trong rừng, nhiều hơn là những ngày thanh bình ở thành phố. Nhìn lại đó là thời kỳ vui nhiều hay buồn nhiều?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Vui buồn lẫn lộn. Trên rừng, có những sự việc tôi được chứng kiến tận mắt, nhưng hầu hết là nghe kể lại. Nhiều người nghĩ lầm rằng trong thể ký hay phóng sự, người viết đều chứng kiến cả. Thật ra mình đâu có thể thấy được tất cả. Đó cũng là những ngày mình còn trẻ, xông xáo, đi nhiều, có nhiều ấn tượng sâu đậm. Sau này khi hòa bình, mình viết các tùy bút ngắn, đặt tên là nhàn đàm.Trong bút ký, các sự kiện có thật xuất hiện nhiều hơn.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi nhớ một chi tiết văn học được anh kể lại. Trong bài “Bản di chúc của cỏ lau”, anh tả một buổi sinh hoạt của du kích cách mạng với những người dân đi rừng. Cuối buổi sinh hoạt là mục đọc những bức thư đầu tiên của anh em binh sĩ trong quân đội Cộng hòa gởi cho cách mạng, nói về nguyện vọng của bản thân họ mong được tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử để tránh khỏi một cuộc chiến tranh mà họ sẽ phải đổ máu. Sau đoạn văn đó anh lại viết rõ ra, thực ra thì toàn là thư bịa ra, do nhân vật Hoàng cặm cụi ngồi viết ở trại Cây Thị.
Những phương pháp hay thủ đoạn tuyên truyền như thế là điều có thể hiểu được trong chiến tranh, từ cả hai phía. Tuy nhiên tôi tự hỏi, một nền văn học có sứ mệnh tuyên truyền sẽ phải trả giá như thế nào để chuộc lại sự thật mà nó đã trao đi trong thời buổi ban đầu, để đổi lấy chiến thắng sau cùng bằng mọi giá?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Văn học phải đi sát với cuộc sống. Nhà văn trung thực là kẻ nói lên những điều anh ta cảm nhận về cuộc đời trong hiện tại, trong ngày hôm nay. Không điều gì có thể chuộc lại sự thật đã mất, không một thời gian nào có thể thay thế được ngày hôm nay. Có thể không phải bao giờ nhà văn cũng đúng, nhưng khi anh ta sai thì sai một cách chân thành.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Trong những bài viết thời kỳ chiến tranh ý thức hệ, anh có những nhận định rất quyết liệt và rõ ràng, như vấn đề ta – địch. Về nghệ thuật, những trang mô tả của anh về miền Nam thời đó rất hay, mặc dù người ta có thể tranh cãi tính xác thực của chúng.
Những nhận định và mô tả ấy cũng không hẳn là phù hợp với những suy nghĩ về hòa giải dân tộc sau này của anh đâu. Hình như có một so le nào đó. Phải chăng có một sự phát triển hay biến đổi trong tư tưởng đối với các vấn đề chiến tranh và dân tộc?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đúng là tôi có thay đổi. Nhưng ai mà không thay đổi? Chúng ta học mỗi ngày, học mãi. Sau những ngày nhiệt huyết, mình dần dần nhận ra thực tế có những cái cần điều chỉnh. Nếu có một điều gì không thay đổi ở tôi, thì đó là cái tính không thích sự giết người, ghét tội ác.
Trong cuộc đời đi làm cách mạng của tôi, tôi chỉ bắn một phát súng duy nhất. Tôi bắn rụng một chiếc lá trong một cuộc bắn thi. Đó là phát súng duy nhất và là phát súng cuối cùng của tôi.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Tại sao anh gọi đó là phát súng cuối cùng?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Vì tôi chủ trương không bắn ai. Và thực tế là như thế.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Chủ trương của anh là không muốn giết người, cá tính của anh cũng như thế, nhưng con đường mà anh đi là con đường cách mạng bạo lực. Những người cộng sản bao giờ cũng khẳng định nguyên lý đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng. Như vậy có mâu thuẫn không?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
(Trầm ngâm) Tôi hiểu rằng trong chiến tranh thì các bên tham gia không thể không nổ súng, nhưng cá nhân tôi thì vẫn không thay đổi cá tính của mình được. Tôi đã và sẽ không bắn ai cả.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Năm 1966, điều gì dẫn anh đến với Mặt trận Giải phóng miền Nam? Đó là tình yêu nước, muốn đánh đuổi ngoại xâm, tương tự như ngày xưa những người đi kháng chiến chống Pháp năm 1945, hay là niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới? Niềm tin vào chủ nghĩa Marx?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Chủ nghĩa Marx. Niềm tin vào chủ nghĩa Marx.
Là một thanh niên mới lớn, đứng trước những bất công xã hội thời đó, tôi không hài lòng với những biện pháp tạm thời mà tin vào cách giải quyết triệt để hơn. Điều đó tôi tìm thấy ở học thuyết cộng sản.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Ngày nay nhìn lại anh nhận xét như thế nào về niềm tin thời trẻ?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đến nay thì đã rõ chẳng ai làm được gì trên toàn thế giới. Cải thiện đời sống vật chất là do những tiến bộ về khoa học kỹ thuật mà thôi; còn làm cho tốt đẹp hơn về tinh thần, về tâm hồn, thì chưa ai làm được nhiều. Chỉ có Mỹ.
Theo tôi, Mỹ nó đã làm được một phần.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Ở Canada, tôi nhận thấy một điều đặc biệt, có vẻ khó hiểu, là những người thầy giỏi nhất của tôi ở trường đại học Y khoa, không phải là tất cả, nhưng một phần lớn, đều thiên tả và khá ngây thơ về các vấn đề ngoài y khoa. Họ quá nặng về lý thuyết và đến nay, sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, vẫn còn đi trên mây. Nhiều người vẫn còn tin rằng sống ở Cuba thì cũng tương tự như sống ở Canada. Trong khi cổ vũ cho các khái niệm có tính nhân loại, như bình đẳng, tự do, thì họ lại tin rằng người dân Trung Hoa đang có đủ thứ quyền như họ. Vì vậy tôi hiểu được phần nào tình cảm và suy nghĩ của thế hệ anh những năm sáu mươi ở miền Nam tự do, một thế hệ trí thức đẹp, nhưng có nhiều người không tưởng, viễn mơ.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi có một bài thơ, trong đó có câu
Vẽ tôi một nửa mặt người
Nửa kia mê muội của thời hoang sơ
Vẽ tôi một nét môi cười
Một dòng nước mắt một đời phù du
 
Nguyễn Đức Tùng:
Anh sinh ra trước 1954, nhưng lớn lên, đi học và đi dạy ở miền Nam. Ở Huế thời ấy anh có một vị trí tốt đẹp, được kính mến. Như thế người dân và chính quyền Huế có lẽ đối với anh đã có một thái độ ít nhất là không đến nỗi tệ lắm. Nhưng về phía anh thì anh nghĩ sao vế chế độ Việt Nam Cộng hòa? Anh có căm ghét nó không? Anh có những kinh nghiệm tốt hay xấu nào đối với miền Nam tự do?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Về mặt lý trí, tôi nhìn chế độ Việt Nam Cộng hòa qua hình ảnh người bạn thân của tôi là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Lê Hữu Bôi bị giết trong vụ Mậu Thân (4).
Vì hắn là chủ tịch sinh viên nên tôi phải tìm cách để đánh đổ hắn. Nhưng về mặt tình cảm, thì cá nhân tôi không có chi ghét hắn. Hắn là người đi tu.
Trong chế độ Đệ nhị Cộng hòa thì tôi không bị ai bắt cả mặc dù tôi hoạt động trong phong trào sinh viên.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Anh chưa từng bị bắt?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Có một lần. Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm, tôi bị bắt trong kế hoạch Nước Lũ, của ông Ngô Đình Nhu, tháng 8 năm 1963. Một người bạn của tôi dạy ở đại học Y khoa Huế, trước đó có dạy ở đại học Minh Đức, phải bán một phần tài sản đi để chuộc cho tôi ra.
Những người cực đoan, đòi chống cộng tới cùng, thường đồng hóa tôi với cộng sản. Nhưng tôi không phải như thế.
Không nên buộc tội tôi như vậy.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Anh được mọi người biết đến vì nhiều lý do, nhưng trước hết vì anh là một nhà thơ và một nhà văn viết bút ký tài ba. Anh cũng là nhà báo, đã từng chủ trương tờ Cửa Việt, đóng góp rất nhiều cho tờ Sông Hương. Anh nghĩ sao về nền văn học Việt Nam hiện nay?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Trước khi chúng ta trở lại nói chuyện về văn học nghệ thuật, tôi nhờ anh tóm tắt lại cho tôi ba điều với những độc giả sau này đọc bài nói chuyện của chúng ta hôm nay.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Thưa anh, đó là ba điều gì?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Thứ nhất là tôi không liên quan gì đến vụ Mậu Thân. Thứ hai, tôi rất mong muốn có một chính phủ hòa giải dân tộc. Trước đây tôi đã nghĩ như thế mà bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế. Chính phủ hiện nay không phải là chính phủ hòa giải dân tộc, mà là chính phủ của thể chế cộng sản. Thứ ba, tôi không liên quan gì đến đảng Cộng sản hiện nay cả. Họ không làm được những điều mà tôi mong ước ở họ. Họ không làm được những gì cho dân tộc như thời trẻ lúc đi kháng chiến chống Mỹ tôi đã từng kỳ vọng ở họ.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Đó là những kỳ vọng nào?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Có hai vấn nạn, một là vấn đề dân chủ, hai là vấn đề tham nhũng. Họ chưa làm được việc nào trong hai việc đó.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Chủ nghĩa Marx không thừa nhận khái niệm dân chủ như nhiều người hiện nay đang nghĩ, và tôi tuyệt nhiên không nhìn ra được cách nào để một nhà nước xã hội chủ nghĩa có thể chia sẻ quyền lực cho những thành phần đối lập, và cho những giai cấp khác, mà không vi phạm nguyên tắc căn bản của chính họ, đó là chuyên chính vô sản.
Dĩ nhiên là chúng ta đang nói về lý thuyết.
Nhưng còn tham nhũng thì sao? Chính phủ hiện nay hình như đang rất có quyết tâm chống tham nhũng? Anh có tin rằng với thời gian mọi việc sẽ khá lên không?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đảng không thể diệt được tham nhũng. Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này sâu xa, và kết luận rằng đảng không thể diệt được tham nhũng trong khi nó đang cầm quyền.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Anh thường nhắc đến khái niệm hòa hợp, hòa giải dân tộc. Ngày nay khái niệm này có còn giá trị nữa không?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Từ khi rời thành phố đi theo cách mạng, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến nay, lúc nào tôi cũng chủ trương như vậy. Khái niệm đó không những vẫn còn giá trị mà mỗi ngày mỗi trở nên cần thiết hơn. Ngày trước nhờ có chính sách này mà đảng Cộng sản đã đoàn kết được dân tộc.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Theo anh muốn hòa giải hòa hợp thực sự thì phải làm thế nào? Nhiều người nay không còn tin vào chuyện ấy nữa đâu.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đánh giá lại lịch sử, quên đi quá khứ đắng cay thù hận, cần thực sự tôn trọng và thương yêu nhau.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi nghĩ rằng đối với vấn đề hòa hợp dân tộc, tinh thần căn bản là tha thứ. Ở Huế, khắp ngã đường có chùa, mỗi cánh cổng một lời kinh, đó là chìa khóa vàng của khái niệm hòa hợp. Nhưng tha thứ không có nghĩa là quên lãng. Trái lại, đó là hiểu biết, tức là nhận ra sự thật từ hai phía, là không bôi xóa lịch sử.
Mỗi người cần suy nghiệm về sự thật, lầm lỗi, về quá khứ riêng chung, đánh giá đi đánh giá lại mỗi ngày, đặt mình vào vị trí của người khác trong “hai mươi năm nội chiến từng ngày”, cần nắm được sự thật trong tay trước khi có đủ tư cách để tha thứ cho người khác hay tự tha thứ cho mình.
Một dân tộc phải có trình độ văn hoá rất cao mới đủ khả năng làm điều này.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi lúc nào cũng thực tâm nghĩ đến việc những người ở các phe phái khác nhau cùng ngồi lại. Trong thời kì chiến tranh, có những xung đột, hận thù thì cũng nên bỏ qua, không nên tiếp tục buộc tội lẫn nhau.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Đã từng là người chủ trương tờ báo Cửa Việt, sau đó bị đóng cửa, anh nghĩ sao về tình hình báo chí ở Việt Nam hiện nay?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tờ Cửa Việt bị đóng cửa vì có người cho rằng nó quá cởi mở và đi chệch hướng, tờ Sông Hương cũng bị chấn chỉnh. Thời đó, cùng với tờ Văn Nghệ ở trung ương, đó là hai tờ báo địa phương đã góp phần tạo nên văn chương đổi mới. Việc đóng cửa tờ Cửa Việt là biểu hiện không tốt về nền tự do báo chí chưa trưởng thành. Tôi nghĩ là chúng ta cần thông cảm hơn với các nhà văn và nhà báo hiện nay. Họ viết rất khổ sở. Kẻ nào cho rằng họ không chịu một sức ép nào cả là không đúng đâu.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Trong văn xuôi, tôi chú ý nhiều hơn đến những bài nhàn đàm có tính chất tiểu luận của anh, viết sau này. Khác với nhiều người, tôi tin là khi hoàn cảnh lịch sử của chúng ta thay đổi, chúng sẽ ở lại lâu dài trong lòng người đọc hơn những bài bút ký về chiến tranh của anh. Anh có một hoặc hai bài rất hay viết về quẻ Dịch, tôi đọc đã lâu nên không nhớ rõ lắm. Đó là bài nói về hai quẻ cuối cùng của Kinh Dịch, Thủy Hỏa Ký Tế và Hỏa Thủy Vị Tế. Tế là vượt qua sông. Ký Tế là đã vượt qua, việc đã thành tựu. Vị Tế là chưa qua sông, chưa thành. Có phải năm 1975, cách mạng và chiến tranh Việt Nam mà anh là một thành phần tích cực trong đó, đã vượt qua sông, đã ký tế?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Qua sông rồi mà vẫn chưa xong. Đó là bài học lớn của Kinh Dịch nói về lẽ trời đất sinh sinh hóa hóa. Vận mệnh thịnh suy, đường thế gập ghềnh, người đi tới cuối cuộc lữ hành, rồi thở phào nhẹ nhõm ở quẻ Ký Tế. Tưởng rằng việc đã xong, nợ đời đã trả, chỉ còn một bước nữa thôi là hoàn tất. Ngờ đâu sau cái bước ấy lại là quẻ Vị Tế, lại phải khởi đầu. Một dòng sông khác lại hiện ra trước mặt.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi nghĩ rằng “một dòng sông khác lại hiện ra trước mặt” thật ra đã có sẵn từ lúc khởi đầu của cuộc hành trình. Trong bài viết ấy, anh có ý nói về cá nhân hay nói về việc chung?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi muốn nói về cả hai.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Anh chính thức gia nhập đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1987. Hiện nay anh có phải là đảng viên không?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi đã thôi sinh hoạt đảng ba năm sau đó.
 
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Nhưng anh ấy cũng không có giấy tờ gì chính thức.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Chị Lâm Thị Mỹ Dạ vừa mới kể với tôi rằng lúc đó có người bạn của anh than phiền trong lúc người ta tìm cách xin ra khỏi đảng thì anh lại tìm cách xin vào.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi muốn chứng minh rằng tôi trung thành với niềm tin thời tuổi trẻ, và với lý tưởng cộng sản của tôi.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Trong bài thơ tặng Irina Zisman, anh viết:
Đùa thôi nhé, thiên đường mộng ảo
Thế giới vỡ tan ngoài chân mây
Anh muốn nói số phận của chính mình?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi vừa nói về lý tưởng của tôi thời trẻ tuổi, lý tưởng mà chủ nghĩa Marx đã mang lại, nhưng tôi cũng muốn nói về giấc mơ chung của con người. Ai mà không có ước mơ của mình, khi về già như tôi đây thì thấy bao nhiêu điều không phải như mình nghĩ, mà lúc còn trẻ thì cứ khẳng định một trăm phần trăm là đúng, mới nghiệm ra rằng cuộc đời nửa hư nửa thực.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi vừa được đọc trọn vẹn tuyển tập bốn cuốn của anh do nhà xuất bản Trẻ (2002) in rất đẹp, đóng bìa cứng. Tập 1 là tùy bút và tiểu luận mà anh gọi là nhàn đàm, tập 2 và tập 3 là bút ký, tập 4 là thơ. Nhiều trang viết đẹp như mơ nhưng cũng có nhiều chi tiết trong bút ký mà tôi cảm thấy nghi ngờ và rất mong được gặp tác giả tận mặt để trao đổi lại sau này.
 
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Tuyển tập ấy nhờ có anh Trần Thức là người rất hăng hái tuyển chọn, tập hợp bài vở, vận động mới được.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi cũng rất mong có dịp trao đổi với độc giả và với các nhà phê bình như anh Nguyễn Đức Tùng. Văn học chúng ta ít có cơ hội để tác giả được dịp thảo luận trực tiếp với nhà phê bình như thế này, về những vấn đề xã hội và văn chương mà tôi đoán rằng mọi người đều quan tâm.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong vài người viết bút ký và tùy bút hay nhất nước, có thể đặt tên anh bên cạnh Nguyễn Tuân, Võ Phiến, Vũ Bằng, Phan Nhật Nam không chút do dự. Nhưng viết bút ký là một trò chơi có phần nguy hiểm: Nó chính là sự thật hay chỉ là hư cấu của tác giả? Bao nhiêu phần trăm là sự thật, bao nhiêu là tưởng tượng? Trách nhiệm làm chứng của nhà văn là ở đâu?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Nhiều người cũng cho rằng ký chỉ là hình thức phóng sự, ghi chép, nhưng tôi cho rằng ký có thể trở thành một loại hình văn học có tính sáng tạo, cũng như truyện ngắn, tiểu thuyết. Vì vậy tôi đã dành nhiều thời gian cho ký và may mắn được nhiều anh em lấy làm thích và khuyến khích. Nếu ký là văn học thì phải nhìn nó như một tác phẩm sáng tạo văn học.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Nghĩa là các sự kiện trong đó không thể tin cậy như các tài liệu lịch sử?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Rất khó trả lời câu hỏi của anh. Nhưng tôi cho rằng đọc văn chương, không thể hoàn toàn như đọc các tài liệu khoa học được, vì ký cũng là một thể loại văn học.
Nguyễn Đức Tùng:
Về thời gian, anh chỉ viết nhiều trong khoảng từ 1975 đến 1990.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Anh nói đúng. Đó là thời kỳ tôi dành nhiều thời gian hơn cả cho việc viết. Trước đó thì bận nhiều công việc, cũng chưa đủ thời gian tích lũy.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Xa Huế, xa nhà, anh có nhớ bạn bè, học sinh, nhớ Tuyệt tình cốc, nhớ ngôi trường Quốc học hay mối tình nào đó của anh không?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
(Cười) Nhớ chứ. Nhưng tôi là người hoạt động nên cũng phải nén lòng mình xuống.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Trong cuốn sách Trịnh Công Sơn Và Cây Đàn Lya Của Hoàng Tử Bé anh mới viết gần đây (2004), anh có kể rằng anh và Trịnh Công Sơn cùng học một lớp ở trường tiểu học, sau đó hai người vẫn còn gặp nhau nhiều lần nữa như hai người bạn. Thời kỳ anh ở thành phố, chưa vào bưng, thời kỳ Trịnh Công Sơn đệm đàn cho Khánh Ly hát trên sân trường đại học miền Nam, có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi, và cả thời kỳ sau 1975.
Tình bạn của anh và tác giả Ru Ta Ngậm Ngùi, có cay đắng, có thăng trầm lắm không?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi lúc nào cũng coi Trịnh Công Sơn là người bạn thân. Mỗi người quyết định đi một con đường riêng, có lúc tưởng không bao giờ gặp nhau được nữa, nhưng rồi cũng lại gặp nhau. Quá khứ là tài sản quý báu của một đời người, cái còn lại sau cùng không bao giờ thay đổi.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Cũng trong cuốn sách ấy, anh có viết rằng một nền nghệ thuật đánh rơi mất nỗi cô đơn của phận người chưa phải là một nền nghệ thuật hoàn hảo.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đó là tôi viết về âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng suy nghĩ ấy cũng có tính cách tổng quát đối với cả nền văn học nước ta, nhất là dòng văn học cách mạng.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Thời gian đi vào rừng, anh cho là đẹp. Còn thời gian trước đó, lúc anh đi học và đi dạy ở miền Nam thuộc Việt Nam Cộng Hòa, có phải cũng là một trong những thời kỳ đẹp nhất của anh không?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đối với tôi, đó là thời kỳ rất đẹp, đáng nhớ, đáng quý.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Khi trở về A Sao, anh viết:
Chợt giật mình những tháng năm lơ đãng
Anh biết đâu em khóc em cười
Trở về chiến khu nơi anh sống những ngày hào hùng, lòng anh có vui không, trong khi thơ anh lại có vẻ buồn?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đúng là nửa vui nửa buồn. Mất mát của chiến tranh. Mất mát một phần đời mình cho nó. Cái được cũng bằng cái mất. Trong ký tôi cũng có viết về mảnh đất A Sao.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Trong thể ký và tùy bút, anh quan tâm đến nhiều vấn đề, thay đổi rất nhiều văn phong, ví dụ viết về Huế thì nồng nàn sâu lắng, viết về bóng đá thì triết lý, viết về công nương Diana bạc mệnh thì thanh khiết. Anh lấy đâu ra những kiến thức như thế? Anh có lời khuyên nào đối với các nhà văn mới viết?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi là người mê đọc sách từ nhỏ. Chương trình đại học Sư phạm và đại học Văn khoa của miền Nam trước đây dạy tôi nhiều điều, rồi sau này vừa đi vừa đọc vừa tìm hiểu. Những nhà văn trẻ hiện nay có nhiều người cũng đọc, nhưng đa số hình như ít đọc hơn thời trước. Đó là điều đáng tiếc.

( CÒN TIẾP 1 KÌ NỮA)

tay-bac7

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung