HOẠT ĐỘNG CỦA CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
P.V.
Trao đổi thơ. Trái qua : Lan Phiến, Tú Oanh, Đào Thị Hường, Hạnh Mai, Vũ Quần Phương, Chử Thu Hăng, Hoàng Văn Năm. Ảnh do Vũ Nho chụp.
Vì dịch Covid kéo dài nặng nề, nên mọi dự định hoạt động của CLB Văn chương tại cuộc họp hồi tháng 11 năm 2021 đều dừng lại. Mãi đến cuối tháng 3 năm nay, khi mọi người đã tiêm đủ 3 mũi vac xin, khi nếu ai bị Fo cũng nhẹ và chỉ một tuần là trở lại âm tính, một nhóm Hội viên mới thực hiện chuyến tham quan và trao đổi về thơ ở Hạ Long tại khách sạn Premier Village. Nhà thơ Vũ Quần Phương và phu nhân có tiêu chuẩn ở đây 3 ngày 2 đêm. 6 thành viên khác gồm Chử Thu Hằng, Hạnh Mai, Lan Phiến, Tú Oanh, Vũ Nho, Hoàng Văn Năm được mời ở 3 ngày hai đêm và 2 bữa sáng tự chọn miễn phí. Mọi người cùng nhau góp tiền thuê phương tiện đi lại, thuê tàu đi trên vịnh, tham quan HANG SỬNG SỐT, và tiền ăn các bữa chính trong ngày.
Chuyến đi được tổ chức chu đáo. Anh chị em có điều kiện gần gữi và hiểu hoàn cảnh của nhau. Thu hoạch lớn nhất là những buổi trao đổi thơ trên ô tô, trên tàu thủy. Và có một buổi riêng góp ý cho thơ của Hạnh Mai và thơ của Tú Oanh. Hai tác giả đã chọn đọc một số bài yêu thích trong hai tập Tình yêu không tuổi của Hạnh Mai và Nắng bên khung cửa của Tú Oanh. Sau đó nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Vũ Nho, nhà thơ Chử Thu Hằng và các thành viên phát biểu nhận xét góp ý chân thành, thẳng thắn. Nhà thơ Lan Phiến cũng đọc 2 bài thơ mới viết để mọi người góp ý. Phần quan trọng là nhà thơ Vũ Quần Phương trao đổi kinh nghiệm làm thế nào để thơ gắn liền với đời sống. Dù viết về những đề tài bình thường, nhỏ bé xung quanh, nhưng cần phải có ý nghĩa khái quát, vượt ra khỏi câu chuyện cụ thể. Nhà thơ lấy các ví dụ về một số bài thơ như Chiếc diều giấy, Mùa Ve, Trong tàu điện ngầm, Vết chân Phật,… anh sắp in vào tập thơ mới để minh họa. Anh phân tích về chuyện Ve: Người bố hứa bắt cho con chú Ve. Nhưng không thực hiện. Rồi con lớn, con chơi trò chơi khác. Thế là không còn cơ hội nào để thực hiện lời hứa kia. Có một điều cứ day dứt người bố khi nghe tiếng ve kêu…
Anh cũng tự phân tích về Dấu chân của Phật. Phật xuống trần chân in lõm đá. Từ đấu chân ấy, anh liên tưởng đến dấu chân mẹ gồng gánh trên những nẻo đường vất vả, rồi đến dấu chân người gánh cực giữa đời…
Ví dụ các bài thơ, phân tích cách triển khai ý tưởng thành thơ, nhấn mạnh dụng ý nghệ thuật của người viết. Những điều trao đổi của nhà thơ Vũ Quần Phương thân gần, dễ hiểu và vô cùng bổ ích cho người sáng tác và phê bình.
Mọi người rất phấn khởi vì được chiêm nghiệm những bài học kinh nghiệm của một cây bút gạo cội.
Các thành viên chụp được nhiều ảnh đẹp, có nhiều xúc cảm trước sự giàu đẹp của Quảng Ninh phát triển. Hi vọng sẽ có những bức ảnh đẹp, những bài thơ hay sau chuyến đi.
Người gửi / điện thoại