Nguyễn Thị Mai
SÀNG KHÔN GÓP VÀO HÀNH TRANG ĐỜI THƠ
Hà Nội từ qua đến nay nóng 38 độ. Giữa trưa đi ngoài đường gần 45 độ. Nắng nhức mắt, nghẹt thở. Nam Định cũng chẳng kém cái nóng như rang lửa trên đầu. Vậy mà nghe bạn thơ từ sông Ninh mời về dự buổi giới thiệu thơ xa hơn trăm cây số, chưa biết tác giả ra mắt thơ là ai, chưa biết thơ thế nào mà lòng đã thấy như sắp đón cơn mưa mát lành, dào dạt. Háo hức nhận lời ngay.
Đoàn có 6 người, gồm hai nhạc sĩ không chuyên, 3 nhà thơ và một chàng đại tá quân đội là con trai của tác giả Lê Như Khuê – Người có tác phẩm ra mắt hôm nay. Trên xe, chàng đại tá là chủ nhà, là người mời và đưa xe đón các văn nghệ sĩ chúng tôi về Phương Định – Trực Ninh quê anh. Nghe nhà thơ Đức Nghinh giới thiệu mới biết anh là Lê Xuân Chi – Con trai trưởng của cụ Lê Như Khuê. Thấy bố bao năm làm thơ, từng lập Câu lạc bộ thơ Sông Ninh và có nhiều bài thơ được bạn bè yêu thích nhưng bố chưa từng có tập thơ nào, chàng đại tá Lê Xuân Chi quyết định tập hợp rồi in cho bố tập thơ đầu tay với nhan đề “Thiện căn ở tại lòng ta” khiến ông cụ vui lắm. Chúng tôi nghe chuyện mà cảm động, cho rằng: “Đây là món quà quý giá nhất không gì sánh nổi của con trai tặng bố. Vừa tâm lý, vừa thỏa nỗi khát khao của người bố bao năm mơ ước”.
Vui sao, cùng thời gian này, Câu lạc bộ Sông Ninh còn có hai tác giả nữa cũng vừa in thơ. Đó là tác giả Vũ Mạnh Đoan với tập thơ Miền quê yêu dấu, tác giả Vũ Văn Bằng với tập thơ Tâm tư. Thế là có buổi ra mắt 3 tập thơ giữa những ngày nóng bức khủng khiếp này.
Nhưng nóng thì nóng. Mới bảy giờ sáng, nhà văn hóa xã Phương Định đã rộn vang tiếng loa đài với rất nhiều hội viên và những người yêu thơ có mặt. Họ mặc đẹp như đi hội làng. Hội trường trang hoàng rực rỡ. Nhiều bó hoa tươi thắm đã kịp mang đến chúc mừng. Hoa của đại diện các ban ngành đoàn thể xã Phương Định, hoa của các câu lạc bộ thân gần, hoa của câu lạc bộ thơ tỉnh Nam Định, hoa của Thi đàn người cao tuổi, hoa của bạn bè tác giả, hoa của con cháu, họ hàng…Hơn trăm con người ngồi bên nhau trong căn hội trường chỉ có vài chiếc quạt trần và ngoài sân nắng như hắt lửa vào nhà. Vậy mà già trẻ gái trai, ai cũng hồ hởi, háo hức và nghiêm túc. Những phát biểu đánh giá, khen ngợi thơ cứ nối tiếp theo lời dẫn chương trình rất dí dỏm mà giọng thì hùng hồn sang sảng của Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trần Ngọc Anh khiến người nghe không chán. Rồi hát thơ, ngâm thơ, đọc thơ, chúc thơ… cứ diễn ra rộn ràng không ngớt. Người được đọc thơ nhiều, động viên nhiều, tặng hoa nhiều là ba tác giả Lê Như Khuê, Vũ Mạnh Đoan và Vũ Văn Bằng. Mệt nhưng trẻ ra. Nóng nhưng mát lòng mát dạ. Ai bảo thơ không có sức mạnh lôi cuốn? Ai bảo thơ viển vông? Nếu viển vông không ai đến đây ngồi cả 4 tiếng đồng hồ giữa ngày nóng bức để nghe thơ. Có người còn từ Thái Bình, Hải Phòng xa xôi cũng sang chỉ để đọc thơ chúc mừng bạn rồi về. Đúng vậy. Thơ của những người nông dân, người tri thức, người về hưu, người đang làm việc… họ đều đang sống trên quê hương Trực Ninh quê nhà. Thơ họ là tâm tư vui buồn trong cuộc sống của họ, là niềm tự hào được là con trên quê hương mình. Chẳng thế mà MC Trần Ngọc Anh khi dẫn chương trình đã khẳng định hùng hồn: “Thơ hay là thơ gắn liền với cuộc sống hiện thực của quê hương mình”. Còn tôi, khi đọc vội các tập thơ được tặng, nghe các bài thơ đọc trên sân khấu và xem các bài thơ dán la liệt trên tường với muôn hình vạn trạng bài trí, tôi đã phát hiện ra nhiều câu thơ không kém gì thơ của các nhà thơ có danh. Thật vậy:
Cà phê nâu nhu mì
Em múc từng muỗng nắng
Thả vào chiều vô vi (Hạ Trắng -Trần Ngọc Anh)
- Thời gian nhuộm bạc mái đầu
Mượn câu thơ nhuộm xanh màu thời gian (Thời gian - Phạm Ngọc Toàn)
Lắng trong cổ tích một trời ước mơ (Bao giờ cho đến ngày xưa – Đỗ Thu Hà)
Nhập nhoạng
Người đàn bà bán cá
Tay nhăn nheo nâng niu những vất vả
Cả chiều… vợ chồng mò mẫm trên sông (Người đàn bà bán cá – Phạm Thị Huệ).
Đó đích thực là thơ. Vì đó là nỗi niềm chân thực trong cuộc sống chân thực của những cảm xúc chân thực được thăng hoa từ tâm hồn người quê chân chất.
Tôi mới thấy thơ có quyền năng mê dụ, có khả năng chia sẻ và có sức sống trường tồn thế nào.
Thật không uổng công khi chúng tôi vượt hơn trăm cây số, đội nắng về với người thơ sông Ninh để nghe thơ, ngắm họ say mê thơ và ăn với nhau một bữa cơm quê dưới trời nóng bức ngày hè.
Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Cái sàng khôn ấy là những suy nghĩ, trải nghiệm, hiểu biết, học hỏi để chúng tôi góp vào hành trang đời thơ của mình hôm nay đấy.
Thanh Xuân, 31/5/ 2020
N.T.M