Nguyễn Xuân Mẫn
HỒNG NGỌC SA PA
Quá mệt mỏi vì công việc, tôi nhảy xe buýt lên Sa Pa nghỉ hai ngày cuối tuần. Chỉ còn chừng nửa tháng nữa là đến tết nguyên đán, nhà khí tượng lại dự báo gió mùa đông bắc có thể có băng tuyết, nên Sa Pa đông nghịt người. Tôi không có nhu cầu như mấy anh bạn tận phía nam ra mong được chụp ảnh ghi hình trong tuyết trắng. Bởi vì tôi đã từng nhiều năm cùng bà con Ý Tý bên Bát Xát lội trong tuyết tìm trâu, ngựa. Tôi cũng không phải như các cô các chị ở Hà Nội, Hải Phòng tiện thể đi ngắm tuyết, tìm mua cành đào, giò phong lan ưng ý. Trước khi lên đây, tôi đã được hai anh bạn dạy học trên Ý Tý đã mang về tặng cành đào và giò phong lan đẹp nhất phố. Giữa phố xá đông người làm tôi thấy mệt nhưng chẳng lẽ lại về nhà nghỉ An Nhân tìm sự tĩnh tâm trong phòng khép kín.
Rảo bước rời phố, tôi rẽ vào đường mòn vắt trên sườn núi. Sự tĩnh lặng trong màn sương, con đường dẫn tôi đến ngôi nhà nhỏ nằm dưới tán rừng. Ngoài hè, người đàn ông chừng ngoài ba mươi tuổi, mặc quần áo Mông ngồi trên xe lăn đon đả mời tôi vào nhà. Dưới ánh sáng của bóng đèn điện, tôi ngạc nhiên thấy nhiều đồ đạc đối lập với ngôi nhà đơn sơ này. Chiếc màn hình ti vi chừng năm sáu chục in, cùng hai ba màn hình kích cỡ khác nhau, hai giàn máy vi tính để trên hai chiếc bàn, cùng hai chiếc máy laptop bên cạnh, rồi ănten loại chảo, loại kéo cần phục vụ cho thu phát sóng điện và loa hộp, loa thùng cùng nhiều đồ dùng điện khác. Xoay cho xe lăn tiến đến phía chiếc bàn uống nước để giữa nhà, người đàn ông nhanh nhẹn lấy nước phích, rót ra chén mời tôi: Nước sâm Hoàng Liên đấy! Anh uống đi cho nóng! Anh nhìn ra cửa phía hồi nhà, nói một tràng tiếng Mông với ai đó. Liền sau đó là câu trả lời cũng bằng tiếng Mông rất dịu dàng. Quay sang phía tôi, anh ta niềm nở: “ Khách lạ khách quen chưa biết nhưng gần đến tết rồi, em bảo vợ chuẩn bị thức ăn mời khách uống rượu đón tết sớm cho đúng lý người Mông!”. Người vợ bước vào nhà đon đả: “Mời bác ở lại uống rượu với chúng em. Thấy bác vào, chồng em bảo chắc là khách đi du lịch không theo tuo!” Như để chứng minh cho lời vợ, người chồng chỉ cho tôi chiếc màn hình to có tới tám chín khuôn hình khác nhau. Tôi sững sờ nhận ra có hình ảnh của mình trong đó. Thì ra từ khi tôi bước vào đường mòn, camera của họ đã ghi lại đầy đủ hình ảnh. Dù rất ái ngại vì không phải nơi quen biết nhưng họ mời thịnh tình nên tôi đành vui vẻ nhận lời. Người vợ chuẩn bị bữa ăn, tôi và người chồng ngồi trò chuyện. Nghe tôi nói nhà ở dưới phố tỉnh, anh bảo: “Ngày em chưa bị tai nạn, chúng em cũng ở dưới đấy!”Ngừng trong giây lát, người đàn ông kể:
…Xuống xe khách cùng với Chu, có người con gái hình như cũng lên xe ở phố huyện. Cô gái người nhỏ nhắn, mặc quần âu màu chàm tím, áo màu hoa hồng. Cô gái cũng có một ba lô và một bọc to sù như chăn màn thì phải. Chu hỏi: “Bạn về đâu?” Người đồng hành bẽn lẽn: “Mình vào trường nội trú tỉnh!”
Học một lớp với nhau chừng mươi ngày, Chu mới biết cô bạn cùng xuống xe hôm ấy là Sa, cũng người Mông. Sa cũng sinh năm con ngựa. Bản của Sa cũng là Bản Giàng nhưng ở xã Ngải Thầu, còn xã của Chu là Tả Suối Câu. Sa tốt nghiệp lớp chín ở trường xã, còn Chu học ở trường nội trú huyện. Sa cũng là học sinh giỏi nhưng còn thi tin học toàn quốc đoạt giải ba. Vào học được mấy buổi, cô giáo cử Chu làm cán sự môn toán còn Sa là cán sự môn tin học. Vì thế Chu và Sa nhanh chóng trở thành đôi bạn thân.
Những buổi ngồi nghe giảng trên lớp, những buổi tự học và các hoạt động ngoại khóa nhanh chóng nối nhau kéo thời gian đến kỳ nghỉ tết. Chu và Sa cùng đi xe khách về quê. Chỉ có gần bốn chục cây số mà chiếc xe vừa đi đón trả khách và giao nhận hàng, nên ba tiếng đồng hồ mới về đến phố huyện. Những cây đào phai nở hoa hồng xen giữa những nhà hàng, khách sạn làm cho phố du lịch bừng lên ấm áp trong cuối chiều vào xuân. Chu bảo Sa: Không kịp về trên Ngải Thầu đâu, ngủ nhà mình với nả mình, sáng mai đi sớm! Sa nhìn Chu lưỡng lự rồi nói: “Mình vào nhà trọ thôi. Theo Chu về, sáng mai đi, trai gái của bản lại bảo chắc Chu kéo mình về làm vợ nhưng không thành. Xấu hổ lắm!” Chu bỗng nhận ra người bạn cùng lớp bây giờ khác hẳn với ngày mới gặp. Sa đã là cô thiếu nữ xinh đẹp, lớn phổng phao, đôi má hồng như qủa đào chín, làm cho Chu bỗng dưng lúng túng. Chu chợt nhớ lúc ngồi trên xe, Sa cứ nép người vào thành xe, cố gắng để hai đứa không chạm vào người nhau, trừ lúc xe vào khúc cua quá lắc. Lưỡng lự đôi chút, rồi Chu bảo: “Không phải thế đâu, bạn bè Chu vẫn xuống trường chơi nên đều biết chúng mình chỉ là bạn học mà! Họ còn nói đừng như họ, không chịu học, bị ngắn chữ nên lấy vợ lấy chồng sớm, phải đi bán công, có lúc không nuôi đủ miệng ăn chứ chưa nói phải lo cho con đàn con lũ!” Chu khoác cả hai ba lô lên vai, Sa lững thững theo sau tủm tỉm cười.
Từ đó, mỗi lần hai đứa về nhà, lần nào Sa cũng nghỉ lại nhà Chu rồi hôm sau mới về. Lần nào cũng vậy, nả Chu đều bảo: “Hai đứa bảo nhau học kiếm lấy chữ nhiều nhiều, không có chữ thì khổ lắm! Nếu bố thằng Chu còn sống, cho nả đẻ thêm đứa con gái như cháu thì…!”
Cả hai đứa tốt nghiệp lớp mười hai, mỗi đứa thi vào một trường đại học. Những ngày chờ kết quả thi, trời mưa liên tiếp. Những giọt mưa rơi từ tít trên trời cao kéo dài sự phấp phỏng chờ đợi kết quả thi của hai đứa và kéo dài sự lo sợ lũ quét hay sạt lở đất của mọi người trong vùng.
Tai họa sạt lở đất thật sự xảy ra ở Bản Giàng của Sa. Không ai bị thương vong nhưng hơn hai chục gia đình bị mất hết nhà cửa và tài sản, trong đó có gia đình Sa. Chu tham gia đội thanh niên tình nguyện của xã đi giải quyết hậu quả sạt lở giúp xã bạn. Ôm chầm lấy Chu, Sa nức nở: “Mất hết rồi, một tý nữa mọi người trong nhà cũng bị vùi trong đất, may mà chạy thoát được cả!” Chu cũng rơm rớm nước mắt. Quần áo Sa nhem nhuốc bùn đất, gương mặt hốc hác không còn tươi rói như khi ở trường.
Chu và hai người nữa được phân công giúp gia đình Sa dựng nhà tạm ở khu vực mới. Tấm lợp được nhà nước hỗ trợ, cho ô tô chuyển lên bản. Chỉ còn chặt tre vầu ở vườn rừng, dựng làm khung là có nơi ở tạm. Vườn rừng lại ở núi bên kia suối, nhưng cầu treo đã bị lũ cuốn, đành phải lội. Từ nhỏ, Chu đã giỏi bơi lặn mò tôm bắt cá dưới suối nên Chu buộc dây chão ni lông ngang người, lội sang trước, để neo chặt dây vào bờ bên kia cho người khác lần dây sang.
Suốt buổi chiều đẵn vác, khi mặt trời đã khuất sau dãy núi phía tây, bầu trời chỉ còn những đụn mây vàng nhạt, cả bốn người mới chuyển được hết tre, vầu vượt suối thì trời đã về chiều. Nhờ cách buộc dây làm cầu mà tre vầu và ba người dễ dàng vượt qua suối, chỉ còn lại Chu là người cuối cùng. Khi Chu vừa ra khỏi bờ chừng mươi mét thì từ trên đầu suối có tiếng ào ào dữ dội và dòng nước đục cuồn cuộn đổ về. Một cành cây lớn trôi theo nước lũ, bị lũ quăng quật nhào lộn, cuốn phăng cả sợi dây chão ni lông và Chu đang bám. Sa cùng các bạn trên bờ hốt hoảng, gào thét nhưng không cứu nổi bạn. Suốt đêm ấy, gần một trăm người của đội thanh niên tình nguyện và dân quân xã lần theo suối nhưng không tìm thấy Chu đâu. Sớm hôm sau nước rút, mọi người mới thấy cơ thể Chu nhợt nhạt, nằm bất tỉnh trên bãi cát, cách bản Sa chừng năm cây số.
Không bắt được Chu làm vật hiến tế nhưng dòng thủy quái đã bắt Chu bị liệt đôi chân. Gần một năm điều trị cho Chu, ông giáo sư của bệnh viện trung ương đành ký giấy cho ra viện. Gọi Sa vào phòng, người thầy thuốc già đưa cho Sa quyển sách dầy và dặn: “Nếu không luyện tập và xoa bóp, chồng cháu sẽ bị suy yếu rồi tê liệt hệ thần kinh vận động. Thương vợ chồng cháu vất vả, bác tặng cháu cuốn sách ghi phương pháp vật lý trị liệu, là công trình của bác khi bảo vệ luận án phong hàm giáo sư, được các giáo sư nhiều nước ứng dụng trong điều trị. Làm theo hướng dẫn trong sách này may ra chồng cháu không bị liệt toàn thân!”
Chu không kéo Sa về làm vợ. Nả Chu chưa nhờ ông mối lên Ngải Thầu xin tổ tiên họ Hạng cho Sa về làm dâu. Ủy ban xã chưa làm lễ cho Chu và Sa thành đôi lứa. Thế mà những ngày ở viện ông giáo sư, các bác sĩ và nhân viên bệnh viện cứ bảo: “Sa ơi, đưa chồng đi chụp điện!”. “Chu ơi, vợ đi đâu rồi?”. Có lần Chu rơm rớm nước mắt bảo: “Sa đi đi, đi học tiếp, rồi lấy chồng đi! Mình làm khổ Sa nhiều quá!” Sa tủi thân: “Nếu nhà em không bị thiên tai thì đâu đến nỗi anh bị tai nạn. Chu đừng nói nữa. Anh đừng đuổi nữa. Nếu không???” Đêm ấy, Chu không ngủ nổi. Nếu không có Sa thì Chu sống ra sao? Nếu Chu không ở với Sa thì biết đâu đấy, hủ tục quyên sinh bằng lá ngón vẫn còn rơi rớt trong tâm trí người vùng cao mình. Biết Sa nằm bên vẫn trằn trọc, Chu lay lay: “Mình ơi, đừng bỏ tôi nhá!” Sa tỉnh hẳn người, quay lại ôm chầm lấy Chu.
Ngày ngày, Sa và mẹ Chu thay nhau giúp cho anh xoa bóp khắp cơ thể một cách bài bản như trong tập sách của giáo sư. Chu cũng tự mình vận động, tập luyện nên ngoài đôi chân bị liệt, cơ thể anh dần dần hồi phục. Dù phải ngồi trên xe lăn nhưng Chu vẫn giúp được mẹ và Sa nấu cơm, chẻ trúc đan thồ, rổ rá, tết chổi và làm được nhiều việc khác trong nhà. Tập sách của giáo sư còn dẫn Chu đến ý tưởng phải tự mình cứu lấy mình. Chu bảo Sa mua sách ngoại ngữ, khoa học, nhất là công nghệ thông tin. Vốn là học sinh giỏi tin học nên Sa hướng dẫn Chu đọc và nghiên cứu kỹ về môn này. Với nghị lực mạnh mẽ của cả hai người, lại được sự giúp đỡ của bạn cùng học, bây giờ đang công tác, Chu cùng Sa học chương trình đại học từ xa của ngành tin học. Sau mấy năm vừa học vừa làm, không chỉ được cấp bằng loại ưu mà họ còn hoàn thành mấy chương trình phần mềm quản lý kinh doanh do các khách sạn ở Sa Pa ký hợp đồng.
Một buổi sáng khi mặt trời lên khỏi khóm tre mai ngoài ngõ, có một tốp người đến nhà Chu. Nhận ra trong đó có ông giám đốc bệnh viện huyện và vị giáo sư già dưới Hà Nội, thì cả Sa và Chu đều mừng rơi nước mắt. Vị giáo sư cho biết: Được tin từ khi ra viện, Chu rất chịu khó luyện tập, lại trở thành người có công lao đóng góp cho ngành công nghệ thông tin nên ông rất mừng. Tranh thủ ngày nghỉ, đường cao tốc đi lại dễ dàng nên ông lên đây xem cụ thể.
Bài viết của giáo sư về gương vượt lên tật nguyền của Chu được đăng trên nhiều báo chí. Một công ty tin học tận Hà Nội lên Sa Pa vào thăm Chu. Sau khi kín đáo kiểm tra các phần mềm về quản lý kinh doanh mà Chu thành công, ông giám đốc nọ chìa ra bản hợp đồng nhận vợ chồng Chu làm việc lâu dài cho công ty, với điều kiện công ty sẽ trang bị toàn bộ thiết bị máy móc cho hai người làm việc, đồng thời ứng trước một năm lương là năm trăm triệu đồng.
Sau bữa cơm rượu vui vẻ đón xuân sớm, chia tay vợ chồng Chu - Sa ra về, vừa bước ra sân, tôi gặp một người đàn bà đeo chiếc thồ trên lưng. Bà nhanh nhẹn bảo: “Ở lại chơi nhiều nữa chứ! Mình mua xong hàng tết thì con dâu Sa điện mời về ăn cơm với khách, nhưng mấy người bạn trên phố cứ giữ lại hỏi thăm vợ chồng con trai. Mình muốn khách ở lại ăn cơm để mình kể những chuyện tốt về con dâu. Nếu không có nó thì con trai mình không thành người lố!” Tôi hẹn bà từ nay nếu lên Sa Pa sẽ xuống đây nghỉ coi như nhà mình, không ở khách sạn trên phố. Bà cười hể hả: “Nhớ nhá! Chúng nó bảo sang năm sẽ đẻ cho mình một đứa cháu đấy!” Chỉ vào cây đào trước sân, bà bảo: “Khách thích cành đào nào thì chặt. Mấy năm nay nhà mình trồng đào chỉ biếu khách đến chơi thôi!” Tôi cảm ơn bà và cho biết ở nhà đã có rồi. Đi chừng dăm chục bước chân, tôi ngoái lại nhìn căn nhà của họ nằm lặng lẽ dưới tán cây rừng. Tôi nghĩ khi trên kia là một Sa Pa sôi động thì ở đây có một Sa Pa lặng lẽ nhưng chan chứa tình người.
Hai bên đường mòn, những cây đào đang hé nụ, đậu những giọt sương tỏa ra màu hồng ngọc long lanh để đón một mùa xuân mới sắp về.
N.X.M