VƯƠNG TRỌNG
Tưởng nhớ Mẹ
Đã có lần Con khóc giữa chiêm bao
Khi hình Mẹ hiện về năm khốn khó
Đồng sau lụt, bờ đê sụt lở
Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn.
Con lang thang vất vưởng giữa đời thường
Đâu cũng sống, không đâu thành quê được
Còn quê Mẹ cuối chân trời tít tắp
Con ít về từ ngày Mẹ ra đi.
Đêm tha phương Con tìm lại những gì
Với đời thực chẳng bao giờ gặp nữa
Mong hình Mẹ lại hiện về giấc ngủ
Dù thêm lần Con khóc giữa chiêm bao!
Anh em con chịu đói suốt ngày tròn
Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa
Có gì nấu đâu mà nhóm lửa
Ngô hay khoai còn ở phía Mẹ về.
Chiêm bao tan nước mắt dầm dề
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng
Dù biết lời con chẳng thể nào vang vọng
Tới vuông đất Mẹ nằm lưng núi quê hương.
Nhà thơ Vương Trọng, sinh năm 1943 tại Đô Lương, Nghệ An, có hơn 40 năm sáng tác với rất nhiều bài thơ hay. Trong đó, tôi đặc biệt xúc động khi đọc bài "Khóc giữa chiêm bao”. Qua bài thơ, tác giả tái hiện hình tượng người mẹ nghèo tần tảo cùng đàn con giữa những năm tháng khốn khó ở thập niên 80 - 90 của thế kỉ trước với tình thương và lòng biết ơn mẹ vô hạn.
Cảm hứng thơ đến với tác giả từ những giọt nước mắt trong một đêm ngủ đã mơ về mẹ. Một điều kỳ lạ là chiêm bao nào ông cũng mơ về những tháng năm thiếu đói của gia đình. Khi ấy cuộc sống của cả gia đình đặt lên đôi vai gầy nặng gánh gồng của mẹ. Ông thường gặp mẹ trong mơ và bao giờ cũng khóc. Bài thơ mở đầu bằng những lời tự sự đầy nước mắt: "Đã có lần Con khóc giữa chiêm bao / Khi hình Mẹ hiện về năm khốn khó / Đồng sau lụt, bờ đê sụt lở / Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn". Nông thôn những năm tháng thuở ấy nhà nào cũng đói. Phải năm úng lụt, vỡ đê "nhất thuỷ nhì hoả" lại càng đói kém hơn. Tác giả dùng hình ảnh thật thơ thật gợi cảm và độc đáo vô cùng "Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn". Chỉ trong một câu thơ mà có liên tiếp ba từ láy phụ âm. Đặc biệt đắt giá nhất là từ "xộc xệch", từ láy này gợi tả sự lỏng lẻo không gọn gàng, ngay ngắn. Điều ấy càng nói lên người mẹ lam lũ, với đôi quang gánh trên vai tất tả trong bóng chiều chạng vạng sau cả ngày làm đồng vất vả mà thời tiết miền Trung rất khắc nghiệt. Đó không chỉ là hình ảnh riêng mẹ của tác giả mà còn là biểu trưng của bao bà mẹ Việt Nam khác nữa. Những năm tháng ấy, nước mình còn nhiều khó khăn, ăn sắn khoai thay cơm là chuyện thường ngày của hầu hết mọi nhà. Khổ thơ sau quả đã chạm tới trái tim của rất nhiều bạn đọc bởi sự chân thật đầy ám ảnh: “Anh em con chịu đói suốt ngày tròn / Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa / Có gì nấu đâu mà nhóm lửa / Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về”. Hình ảnh mấy người con chịu đói suốt ngày dài, trời tối còn "ngồi co ro bậu cửa" đợi mẹ về khiến lòng ta thổn thức và càng khiến hình tượng người mẹ lớn lao, kỳ vĩ hơn. Mẹ không chỉ là suối nguồn yêu thương, mẹ còn là niềm tin, là hy vọng, là lẽ sống, là hạnh phúc của anh, của em, của cả đời người con. Giờ mẹ đã đi xa về cõi vĩnh hằng, chủ thể trữ tình thương xót mẹ đến trong mơ cũng khóc: "Chiêm bao tan nước mắt dầm dề / Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng/Dù biết lời con chẳng thể nào vang vọng / Tới vuông đất Mẹ nằm lưng núi quê hương". Những câu thơ lai láng xúc cảm, tưởng như nước mắt cùng tiếng nấc còn nghẹn giữa dòng thơ. Từ khi mẹ đi xa rồi, "Con lang thang vất vưởng giữa đời thường / Đâu cũng sống, không đâu thành quê được". Bao lo toan của cuộc sống thường nhật khiến "Con ít về từ ngày Mẹ ra đi". Nhưng trong lòng con không bao giờ nguôi thương nhớ mẹ. Lúc nào cũng vẫn mong gặp lại dáng mẹ thân thương: "Mong hình Mẹ lại hiện về giấc ngủ / Dù thêm lần Con khóc giữa chiêm bao!". Trong bài từ “Mẹ” và “Con” đều viết hoa, vừa để tôn kính mẹ, vừa thể hiện nét riêng cá tính của chủ thể trữ tình.
Bài thơ khép lại rồi nhưng hình bóng mẹ và tấm lòng thương cảm tri ân mẹ sâu lắng ở tác giả đã và vẫn còn lan toả mãi trong lòng người đọc.
Người gửi / điện thoại