KHÓI HƯƠNG THƠM ĐẾN LẠNH NGƯỜI
(Nhận đọc tập thơ Mật ong vàng lũng núi của Bùi Quang Thanh )
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Bùi Quang Thanh từng là người lính của thời chống Mỹ. Lính sư đoàn 10 Quân giải phóng Tây Nguyên. Nói theo cách nói dân dã là hạt gạo trên sàng được may mắn sống sót qua thời đạn bom khốc liệt và đói rét triền miên. Đồng đội anh đã biết bao người ngã xuống nơi chiến trường gần, chiến trường xa. Chiến tranh vẫn là nỗi ám ảnh đối với những cựu binh đã từng lăn lóc trận mạc như anh. Hơn thế, anh là nhà thơ thì những hồi ức trận mạc thấm đẫm máu và mồ hôi càng thẳm sâu nhức buốt.
Có mùa thu hòa bình đầy hụt hẫng trong anh, khi trước mắt hiện lên hình ảnh “Sừng sững tượng đài chiến thắng - đìu hiu dáng mẹ lưng cong”. Đấy cũng là nỗi buồn chiến tranh không thể khỏa lấp được. Cái cao lớn hùng vĩ của tượng đài chiến thắng “đối lập” với cái thấp bé hiu hắt cuả dáng mẹ lưng còng mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Và, câu thơ buồn như lời hương khói cất lên từ nước mắt của thời hậu chiến : “Cuối vườn thu vơi bay từng sợi nắng, rứt gì lòng mẹ thu ơi! Khói hương thơm đến lạnh người. Ngọn khói : tóc mây, chân hương: nguồn cội/ Kẽo kẹt từ vồng tre ấm bụi – tre già măng mọc – mà thương” ( Lời hương khói )
Trong mọi cuộc chiến, không ai chịu đựng gian nan, mất mát nhiều hơn những người mẹ, người vợ. Đất nước Việt Nam này, sau các cuộc chiến tranh dằng dặc có bao người mẹ, người vợ có con, có chồng không trở về. Bởi thế, lời khói hương cũng là lời xót xa của mẹ : “Sao con là ráng mây hun hút cuối tầm, là ngọn buốt thổi phơ thêm mái tóc” ( Lời hương khói). Bùi Quang Thanh có cái nhìn sâu và đau vào chiến tranh, cái nhìn ít hào quang rạng rỡ mà nhiều hơn là những âm u xoáy xiết: “Đồng đội ơi! Sau giòn giã tiểu liên, trầm hùng đại bác, lộc xuân xanh chồi có khuất nẻo mòn xưa? Và Bình Minh- khi nhịp cầu nối lại, gương mặt Người sẽ rực rỡ nhường bao, đừng dồn hết hào quang soi mắt Mẹ, sau rạng ngời là diệu vợi niềm đau”( Lời hương khói )
Hoài niệm chiến trường là một phần quan trọng trong của thơ anh. Với hình tượng người lính hi sinh là trung tâm, thơ Bùi Quang Thanh đóng góp cho dòng thơ chiến tranh một số tác phẩm khá chân thực và xúc đông. Ngoài : Lời hương khói” được tặng giải thưởng Văn nghệ Quân đội còn có “Lời ru đồng đội”, “Hà ơi”, “Tình thư’”, “À ơi tiếng mẹ”, “Đêm A Lưới”, “Đêm pháo hoa sông Son”, “Trước màu mua tím” “Đêm Thạch Hãn”....vv
Có lẽ, chỉ có những người lính trận sau chiến tranh trở lại những cánh rừng xưa từng tơi bời bom đạn, sặc mùi chết chóc mới ru đồng đội như thế này
“Rễ cây thay tóc trên đầu
Bạn đau mối đốt, mình rầu cỏ ăn
Hai thằng hai nửa tấm tăng
Vội vàng đồng đội đặt nằm cạnh nhau
Chiến trường chuyển hướng về đâu
Đêm dài dằng dặc rừng sâu hai mồ
Khói hương hun hút đợi chờ
Lá rơi lấp lối sương mờ chốn mong
Nhặt thưa tiếng súng xa dần
Nín câm đợi tiếng bước chân bạn bè…”
Trích ( Lời ru đồng đội)
Đấy là những câu thơ không nghĩ ra được mà nó được bật ra từ tâm thức, tâm linh thăm thẳm của con người. Đấy là thơ của xúc động, của tâm trạng, của sự từng trải cuộc sống, câu thơ được đổi bằng máu, nước mắt của đồng đội và của chính mình
Hình như có một sự liên thông nào đó giữa người chết và người sống. Thơ của Bùi Quang Thanh viết về các liệt sĩ gần với lời gọi hồn da diết, nó là những thi khúc buồn đẫm chất bi thương. Có cảm nhận như anh đang chuyện trò với người đã khuất:
“Tiểu đội dàn hàng hai ngoảnh mặt xuống đường
Hố bom Mỹ chắn ngang sâu xoáy ruột
Chị Tần thương em không cho em đứng trước
Lúc hy sinh- Hà ơi có nguyên lành?
Chẳng hiểu sao mỗi lần anh đến thăm
Hoa cỏ may níu dày hơn một chút
Những hạt ngâu màu buồn không chịu được
Cứ rưng rưng như muốn nói điều gì”
( Hà ơi)
Khi viết về liệt sĩ Võ Thị Tần, Bùi Quang Thanh lại khai thác ở một góc độ khác: tình yêu. Từ bức thư tình của cô Thanh niên xung phong Đồng Lộc, anh khái quát thành thông điệp thiêng liêng của cuộc sống. Tình yêu lứa đôi cũng là tình yêu con người, nó sẽ tồn tại vĩnh hằng như quy luật muôn đời, không tàn bạo nào triệt tiêu được:
“Chị ngã xuống rồi lời tin lời yêu
Chẳng thành trầu cau- thành hòn máu đỏ
Để tình thư gói thương gói nhớ
Lặn lội đi tìm địa chỉ người yêu
Chị xa lắm rồi những lớp đất nâu
Cỏ và Hoa đan đầy mộ chí
Chỗ Ngày Xưa bom vùi Mười Chị
Hậu thế xòe hoa những tượng đài
Chỗ Ngày Xưa chị run nét bút
Thư thành địa chỉ của Hôm Nay”
( Tình thư)
Trong tâm tưởng nhà thơ còn đó một cuộc chiến tranh đầm đìa máu nóng. Khi ở trên mặt đất anh thấy nó đã đành đến khi bay ở giữa bao la mây trời, cái cuộc chiến tranh hy sinh nhiều mất mát đấy vẫn hiện lên mồn một :
“Trông vời trắng lóa nghĩa trang
Bao nhiêu đồng đội xếp hàng vô danh
Trường Sơn hai mái xanh xanh
Trăm ngàn vết sẹo ngỡ lành - lại đau”
( Viết giữa lưng chừng )
Bùi Quang Thanh không hề viết cường điệu hóa sự hi sinh mất mát trong những cuộc chiến tranh giải phóng đất nước vừa qua. Từ Bắc vào Nam, ở đâu cũng có nghĩa trang liệt sỹ, hàng chục nghìn nấm mộ nằm bên nhau bạt ngàn trắng lóa. Vết thương chiến tranh dẫu đã lành sẹo vẫn còn nhức buốt đau đớn. Nỗi đau ấy chưa tan trong lòng những người đàn bà có chồng con ra trận không về và có cả trong những linh hồn bất tử:
“Ngày ra đi con là măng là sữa
Giờ con về con là đất là đai
Hạt máu mẹ thấm vào rừng biên giới
Trong quế thơm, hoa trẩu trắng lưng trời
Sấp ngửa đồng tiền. Âm dương hòa hợp
Con nằm đây. Con đợi mẹ lâu rồi
Bọc đất nâu như hài nhi khát sữa
Riết vào lòng bật tiếng nấc: À ơi...”
(Đêm A Lưới)
Sau chiến tranh vẫn có một dòng văn học chiến tranh âm thầm chảy. Nó tiếp tục dòng chảy của văn học kháng chiến nhưng theo tôi đã được mở ra ở biên độ rộng hơn, chân thật hơn. Sự hi sinh mất mát to lớn, những góc khuất tâm hồn những hé lộ tâm linh, những bi kịch cuộc đời, cả những lỗi lầm thất bại được miêu tả, phản ánh rõ nét. Bùi Quang Thanh là một trong những người cầm bút đau đáu với đề tài chiến tranh và anh đã có những bài thơ xúc động. Theo tôi, Bùi Quang Thanh đã ít nhiều thành công ở mảng thơ viết về chiến tranh. Trong tập ‘ Mật ong vàng lũng núi’ tôi thấy phần thơ chiến tranh vẫn nặng hơn cả. Cảm xúc và chuyện trong thơ anh là cảm xúc thật và chuyện thật, cái tình - cái sự được chắt ra từ cuộc sống, nó là một phần của dĩ vãng bi tráng mà anh đã nếm trải với tư cách là một người lính trận mạc. Thắp lên từ những hoài niệm chiến tranh, thơ Bùi Quang Thanh là những nén hương dâng lên đồng đội đã hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Niềm tự hào nhiều lúc bị chìm khuất sau nỗi đau chưa vơi cạn của những người mẹ, người vợ anh hùng và những người lính sống sót sau cuộc chiến nên tránh được sự ngậm ngùi ‘khói hương thơm đến lạnh người’
Nhà số 4, giữa tháng 4 năm 2007
NHQ