Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...
Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.
Trong dịp đến Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình dự hội nghị Kiểm điểm một năm thực hiện nội dung Hội thảo “Từ Di cảo đến Di sản”. Đoàn Nhà văn thuộc Ban Chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam gồm nhà văn Lã Thanh Tùng, Nhà văn tiến sĩ Nguyên An, Nhà văn Cầm Sơn và ông Vũ Đình Thảo - cháu nội Thi nhân Tùng Giang Vũ Đình Trung khi đi từ huyện lị huyện Kim Bôi lên Thành phố Hòa Bình có ghé thăm khu mộ cổ Đống Thếch ở xã Vĩnh Đồng thuộc huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình. Khu mộ cổ Đống Thếch này đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử khảo cổ cấp Quốc gia xếp hạng vào năm 1996.
Khu mộ gồm hai bãi đất bằng phẳng khá rộng nằm hai bên đường diện tích trên 3ha, có nhiều gò đất cao được chôn những hòn đá cao, thấp, to, nhỏ khác nhau xung quanh gò đất, trong đó có viên được khắc những ký tự bằng chữ Hán ghi tên người dưới mộ. Theo người dân nói thì những viên đá này ở vùng núi Hòa Bình không có mà phải vận chuyển từ Thanh Hóa về. Khu mộ cách Thị trấn Kim Bôi 6km, cách tỉnh lị Hòa Bình 24km và chỉ cách đường lớn chạy từ huyện lỵ Kim Bôi lên tỉnh lỵ Hòa Bình khoảng 2km, dễ dàng cho các loại xe to, nhỏ đến tận nơi. Khi chúng tôi xuống xe thì thấy khá nhiều người dân đang tụ tập ở đây, có người đi làm nương dẫy chăm sóc cây trồng, có người đi chăn trâu, đi làm thuê cho một công ty nào đó đang xây dựng tại khu mộ. Rất may mắn cho chúng tôi gặp được một người đàn bà đang rào nương ngô có tên Đinh Thị Diện là hậu duệ tôn đời thứ 20 của cụ Đinh Công Trinh – Ngôi mộ sớm nhất tại khu mộ cổ này có niên đại vào năm 1651 nên bà khá am hiểu về lịch sử của những ngôi mộ ở đây. Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với bà Đinh Thị Diện.
Khi về đến Hội VHNT Hòa Bình thì lại được biết nhà thơ Lê Va – Chủ tịch Hội VHNT Hòa Bình đã có hẳn một tập sách nghiên cứu về khu mộ cổ này. Ông còn có hẳn một truyện thơ về cụ Đinh Công Trinh dịch từ chữ nôm sang tiếng Việt.
Tóm tắt về khu mộ cổ Đống Thếch như sau: Thời xưa, người dân tộc Mường tồn tại một thiết chế lang đạo được cai trị bởi bốn dòng họ quý tộc là: Đinh, Quách, Bạch, Hà. Dòng họ Đinh từ đời này qua đời khác cả mấy trăm năm nắm giữ chức Thổ tù cai quản Mường Động. Người có công dựng nên xứ Mường Động là Đinh Văn Cương, người vùng Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Do có công với triều đình nên ông đã được vua Lê, chúa Trịnh phong tước, đổi thành họ Đinh Công, cho cai quản xứ Mường Động, một trong những phên dậu phía Tây bảo vệ kinh thành Thăng Long. Nổi bật trong dòng họ có một vị tướng giỏi của Nhà Lê, được phong tước quận công giúp vua Lê Trung Hưng trấn an, chống giặc lập được nhiều công trạng với Triều đình là Chiêu Đống Hầu Đinh Công Kỷ. Những dòng chữ khắc trên phiến đá chôn tại mộ táng Quận công Đinh Công Kỷ, người có công giúp vua Lê xây dựng triều chính, có nội dung tạm dịch như sau: “Ông Đinh Công Kỷ, tước Uy lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1592, mất giờ sửu, ngày 13 tháng 10 năm Đinh Hợi 1647. Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc uy quận công. Đến ngày 22 tháng 2 năm Canh Dần 1650 được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa...”
Khu vực Đống Thếch là một thung lũng có địa thế về mặt phong thủy rất đẹp, được coi như một cái miệng rồng nên dòng họ Quan Lang Mường Động Đinh Công đã chọn để làm khu nghĩa địa cho dòng họ mình. Được biết ngoài hơn chục ngôi mộ nằm trong hai mảnh đất được xây rào xung quanh còn có hàng trăm ngôi mộ khác nằm rải rác ở các chân đồi núi xung quanh.
Trước đây, có nhiều câu chuyện ma mị, huyền bí được người dân truyền miệng xung quanh khu mộ này ví như chuyện đám tang của một vị quan lang ở khu mộ có hàng chục thớt voi khỏe được lệnh kéo đá từ tận xứ Thanh về để dựng mộ. Ngày lang qua đời, chôn cùng lang là 5 thớt voi và có tới 50 đồng nam, 50 trinh nữ bị chôn sống để theo hầu nhà lang ở bên kia thế giới.
Để bảo vệ kho báu của mình, 50 đồng nam và 50 trinh nữ bị chôn sống trong 100 ngày. Thời gian đó, những người bị chôn sống sẽ được tiếp lương thực và nước uống bằng những ống tre cắm sẵn. Sau 100 ngày, những chiếc lỗ bị bịt kín để mặc cho những người này chết dần trong nỗi oán hận. Chính vì thế các cụ cao niên xưa vẫn dạy con cháu không được lại gần Đống Thếch vì sợ ma bắt.
Vào những năm thập kỷ 70, tình trạng đào bới mộ cổ để tìm kiếm cổ vật diễn ra khá phức tạp. Bất chấp những lời đồn đoán ma mị, bọn cổ tặc đã rầm rộ tấn công khu mộ cổ Đống Thếch trong một thời gian dài, không thể thống kê được chúng đã lấy đi bao nhiêu cổ vật. Trước tình hình đó, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin Hà Sơn Bình (cũ) tiến hành khai quật các khu mộ Mường ở bốn vùng Mường lớn là Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn), Mường Thàng (Kỳ Sơn), Mường Động (Kim Bôi) thuộc tỉnh Hòa Bình. Trong đó, khu mộ đá Đống Thếch đã đem lại nhiều thông tin quý giá về một xã hội Mường Việt cổ, về táng thức, về quy mô, cấu trúc, cùng cách đặt hiện vật, đồ tuỳ táng trong mộ. Với số lượng hiện vật phát hiện khá phong phú, đặc biệt là các trống đồng, đồ gốm sứ gồm nhiều loại hình mang dấu ấn kỹ thuật chế tác, đặc trưng, điển hình của các triều đại Lý, Trần, Lê và có cả gốm xứ của các nước Trung Quốc, Nhật Bản...chiếm tỷ lệ không nhỏ đã tạo nên dáng vẻ toàn diện của bộ sưu tập gốm sứ quý, đa dạng với nhiều tiêu bản đặc sắc. Đặc biệt là những đồ gốm sứ được chế tác ở nước ta vào thế kỷ thứ XVII cho thấy sự phát triển khá hưng thịnh của chế độ Lang đạo thời kỳ phong kiến. Những chiếc trống đồng sông Đà được phát hiện ở khu mộ cổ càng khẳng định sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Hòa Bình trên vùng đất Vĩnh Đồng qua các thời kỳ lịch sử.
Qua khai quật khảo cổ, không hề thấy xương cốt vương vãi nên những câu chuyện đồn thổi về việc chôn sống người làm thần giữ của không còn ai tin nữa, chính vì vậy mà nạn đào trộm mởi nổi lên rầm rộ.
Tuy đã được xếp hạng, nhưng khu mộ này mới chỉ được xây bở rào bằng gạch xung quanh, ngôi nhà quản lý cũ đã bị bỏ hoang phế, nay đang xây dựng lại nhưng cũng thấy dang dở, theo những người dân thì chủ công trình còn đang nợ cả tiền công của dân, chưa biết đến bao giờ ngôi nhà này mới được xây xong.
Để bảo tồn các di chỉ Văn hóa, thiết nghĩ các cấp, các ngành ở tỉnh Hòa Bình đặc biệt là ngành Du lịch cần có những động thái, những bước đi và mở rộng cửa để khâu nối thành chuỗi từ nước nóng ở Suối khoáng, Đồi thông hai mộ ở Hùng Sơn, Mộ cổ Đống Thếch ở Vĩnh Đồng đến cảnh quan lòng hồ Sông Đà...thu hút các nhà đầu tư vào các loại hình du lịch Môi trường, du lịch tâm linh, văn hóa ẩm thực...lấy phát triển kinh tế để bảo vệ các di tích lịch sử một cách chắc chắn, bền vững.