bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

mike fun

bài rất hay tôi có thể lấy làm bài ktra ko

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM GỌN VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÙI PHƯƠNG THẢO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN LÃ THANH TÙNG!THƯƠNG NHỚ ĐĂNG BẤY, NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG VUI TÍNH , HÒA ĐỒNG, GIẢN DỊ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

 

VU NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN!KÍNH MỜI CÁC ANH CHỊ DỰ BUỔI TỌA ĐÀM ĐÓ XEM HÌNH ẢNH CỦA MÌNH TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 179
Trong tuần: 960
Lượt truy cập: 719214

KÍ CỦA BÙI QUANG THANH

NHỮNG ĐỨA CON
CỦA TRUNG ĐOÀN CẢNH VỆ

bui_quang_thanh
 Ghi chép     BÙI QUANG THANH


1. Nguồn cội
Tính tuổi theo “khai sinh” thì đến nay Trung đoàn
Cảnh vệ 600 đã 68 tuổi, nếu lấy ngày 20.9.1954 - ngày
Trung đoàn được thành lập và trong đội hình biên chế
của Sư đoàn 350 thuộc Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, ngược
dòng sự kiện thì Trung đoàn 600 của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ
Công an nhân dân phải lấy mốc hình thành từ năm 1941
là năm lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt biên giới từ Trung
Quốc về Cao Bằng để trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt
Nam. Hồi ấy, để chuẩn bị cho cuộc trở về an toàn, Lãnh
tụ Nguyễn Ái Quốc đã tuyển chọn những thanh niên yêu
nước của tỉnh Cao Bằng vì hoạt động cách mạng trong
nước bị bại lộ phải lánh sang Côn Minh để bắt liên lạc
với đồng chí, với Đảng. Những người này ngoài tấm lòng
yêu nước, căm thù thực dân xâm lược, họ còn khỏe mạnh,
thông thạo đường sá làng bản núi rừng, thông minh sáng
tạo… Nhóm các chiến sĩ ấy được Bác và các bậc tiền bối
cách mạng như Phùng Chí Kiên, Hoàng Sâm, Lê Quảng
Ba giáo huấn về chính trị và các kiến thức quân sự, trinh sát,

bảo mật, kỹ năng sống… trước khi được phiên chế vào đội
hình, trở về lập căn cứ địa. Những người tiền nhiệm ấy đã
tháp tùng và bảo vệ Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt biên
giới ở cột mốc 108 Cao Bằng, lấy Pắc Bó làm căn cứ, chọn
hang Cốc Bó cho Bác ở tạm rồi sau đó đưa Bác rời hang
vào dựng lán trong rừng, lo bữa ăn giấc ngủ cho Bác và
các lãnh đạo Trung ương suốt quá trình chuẩn bị Tổng
khởi nghĩa, lại suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, cả sau
chiến thắng Điện Biên - tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh
và Chính phủ từ Việt Bắc về Hà Nội… Những người đó
chính là các tiền bối của Trung đoàn 600, cũng là tiền bối
của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân bây giờ!
Là một lực lượng được sinh ra để làm sứ mệnh bảo
vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan đầu não Trung ương, bảo
vệ căn cứ địa mà đặc thù là đơn vị vũ trang trong hoạt
động nghiệp vụ, tiền thân của Trung đoàn 600 bắt đầu
từ Tiểu đội AT, AD lúc mới ra đời để bảo vệ An toàn khu
(ATK) đến lúc trưởng thành cấp Đại đội (C32) rồi cấp
Tiểu đoàn theo yêu cầu nhiệm vụ. Thật vinh dự trước lúc
thành lập Tiểu đoàn (3.1953), Bác Hồ đã đến thăm đơn
vị. Biết Tiểu đoàn có 600 cán bộ chiến sĩ, Bác đặt tên luôn
là Tiểu đoàn 600.
Những năm ấy, cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh
đạo dồn dập sự kiện: các chiến trường quân ta đang trên
đà phản công thắng lợi. Bao nhiêu việc cho chỉ đạo chiến
đấu trên mặt trận quân sự, chiến đấu trên mặt trận ngoại
giao, xây dựng hậu phương, phát triển kinh tế, mở mang
đối ngoại; bao nhiêu kế hoạch chuẩn bị cho ngày hòa
bình, kiến quốc. Rồi chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ
và Chính phủ cách mạng rời chiến khu Việt Bắc về tiếp
quản Thủ đô; Hiệp định Giơnevơ chia đôi Bắc - Nam để

một nửa dân nước phải chịu sống dưới gót sắt quân thù,
cách mạng miền Nam lại bắt đầu từ trứng nước… Tất cả
những công việc lớn lao ấy đều liên quan đến nhiệm vụ
của Tiểu đoàn 600: bảo vệ những cuộc họp, những chuyến
đi của lãnh tụ và lãnh đạo Trung ương tuyệt đối bí mật,
an toàn. Để đáp ứng nhu cầu cấp bách của sự phát triển
chung, ngày 20.9.1954, Tiểu đoàn 600 được phát triển
thành Trung đoàn và vẫn được giữ nguyên tên mà Bác
Hồ đã đặt.
Có thể nói, nhiệm vụ trọng đại và vinh quang nhất của
người chiến sĩ cảnh vệ là thường xuyên được ở gần Bác
Hồ, canh bữa ăn giấc ngủ cho Người, bám sát theo từng
bước chân dấu ngựa của Người trên non xa rừng thẳm,
qua ngọn suối nguồn khe. Được Bác ân cần dạy dỗ, động
viên khích lệ quả thật là hạnh phúc muôn năm. Chiến sĩ
Ngô Văn Núi đêm canh cho Bác làm việc, nghĩ đến hoàn
cảnh xuất thân bần cùng của mình, nay có cách mạng, có
Bác mà được ngẩng cao đầu làm người lính bảo vệ tinh
hoa đầu não Đảng và Chính phủ mà xúc động đến ngất
ngây. Trong sự lâng lâng ấy anh vô tình trượt chân rơi
xuống cái hố tránh máy bay cá nhân được đào bên lán của
Bác. Cú ngã bất ngờ làm người lính trẹo chân, báng súng
tiểu liên đập vào đầu gối vang lên tiếng động khô khốc
trong đêm tối. Anh cắn chặt răng nén đau và tìm cách
bò lên bờ để làm nhiệm vụ. Ý nghĩ nếu lúc này mà có kẻ
địch lẻn vào lán Bác, xông vào chỗ ngọn đèn đang sáng
lắt lay mà không có anh chặn lại làm anh hốt hoảng. Chợt
trong đêm khuya, một tiếng hỏi khẽ: “Chú nào ngã đấy?”.
Đúng là tiếng Bác! Anh lính chưa kịp thưa thì hai bàn tay
Bác đã luồn vào nách anh, kéo anh đứng dậy và đưa lên
khỏi miệng hầm. Giọng Bác ân cần lo lắng: “Chú ngã có
đau không?”. Người chiến sĩ cảnh vệ rưng rưng nhìn Bác.

Qua ánh đèn dầu hắt từ liếp nứa, anh chợt nhận ra Bác
không kịp khoác áo bông, hai chân đi tất mà chỉ một chân
có guốc, trời thì lạnh thế này… Rồi Bác nói như ra lệnh:
“Chú cứ ngồi xuống bóp chân đi. Để Bác gác cho!”. Đêm
núi rừng Việt Bắc lạnh căm mà lòng anh ấm áp hạnh phúc
vô cùng.
Có chiến sĩ cảnh vệ được tháp tùng Bác đi chiến dịch.
Anh em phấn khởi, chỉ mong được có dịp chăm sóc Bác
cho thỏa lòng kính yêu mong mỏi. Nhưng qua suối Bác
vẫn lội, lên dốc Bác vẫn trèo, túi dết chứa tài liệu Bác vẫn
mang theo bên mình không để ai phải nặng thêm ngoài
hành trang của họ. Dù băn khoăn day dứt nhưng học
được phẩm chất kiên cường, tự lực và lòng thương yêu
chiến sĩ của vị Cha già. Lại có chiến sĩ cận vệ (sau này lên
đến chức Thượng tướng Quân đội nhân dân) lần đầu tiên
được tháp tùng Bác sang Trung Quốc bằng đường “xuyên
sơn”. Đường dài quanh co, hai Bác cháu ăn suối ngủ rừng,
thực phẩm mang theo ngày một eo hẹp. Thương Bác tuổi
cao sức yếu, người cận vệ xin Bác vô bản, “làm công tác
dân vận” với trưởng bản được một con gà. Hí hửng phen
này có thịt gà tẩm bổ cho Bác, ai ngờ Bác biết tỏng anh
chàng vào hạch sách dân. Bác bắt vô trả lại gà, xin lỗi chủ
nhân và hứa chiều nay Bác đãi. Đúng là bữa chiều ấy Bác
đãi thật. Từ cái túi dết bất ly thân, Ông Cụ moi ra một
ống nứa được buộc chặt để tận đáy túi và cẩn trọng dốc
một ít muối có lẫn thịt xay. Sung sướng vì đã mấy ngày
đói muối, chàng cận vệ nhón tay cho ngay một nhúm
vào miệng. Nhưng chàng ta bỗng á lên một tiếng rồi nhổ
miếng muối ra tay, mặt mũi nhăn nhúm lại. Cay quá! Cay
quá! Ông Cụ bật cười: “Cũng may là chú còn biết nhổ ra
tay để ăn lại chứ nếu nhổ ra đất thì chết với Bác”…
nam hÀNH
Ký sự
186 BÙI QUANG THANH
Những câu chuyện đó, những tình cảm và việc làm đó
của Bác Hồ, chỉ những người gần gũi nhất, sát cánh nhất
mới được chúng kiến. Và những người được sống trong
môi trường người chiến sĩ Cảnh vệ thật sự là những người
hạnh phúc!


2. Thầm lặng hy sinh
Kể về họ, chắc chắn chẳng có sách bút nào viết hết
những chiến công thầm lặng, những việc làm tưởng
thường nhật nhưng rất đỗi đặc biệt của những “cấm vệ
binh”. Do đặc thù nghề nghiệp và phận sự mà cho đến
nay các hoạt động của lực lượng này vẫn trong vòng bí
mật và có lẽ đến muôn sau vẫn trong vòng bí mật. Với tôi,
trước đó gần như chưa có dịp nào tiếp cận với công việc
của lực lượng Cảnh vệ, chưa phân biệt được đơn vị nào
làm nhiệm vụ gì, đâu là vòng trong, vòng ngoài; đâu là
hoạt động công khai, những ai hoàn toàn bí mật. Họ dùng
vũ khí gì, phương tiện gì khi làm nhiệm vụ? Trang phục,
cảnh phục, binh phục của họ khác nhau ở đâu, có tác dụng
gì khi ứng chiến… Liệu có cần phải biết tỉ mỉ vậy không
và để làm gì? Nếu ai đó đặt ra câu hỏi ấy thì xin thưa
rằng: đó chính là thiệt thòi nhất của lực lượng Cảnh vệ của
chúng ta. Hầu hết các hoạt động của an ninh, vũ trang,
chính trị (kể cả hoạt động tình báo, triệt phá tội phạm các
loại…) sau khi công việc hoàn thành, có thể theo thời gian
hay giai đoạn, hay tính chất công vụ mà dần dần chiến
công của họ được đề cập; những hy sinh mất mát được
công khai, những câu chuyện, chi tiết li kỳ được chuyển
thành truyện, ký, phim ảnh… Riêng lực lượng Cảnh vệ,
tôi đoan chắc dù đã về hưu, đã chuyển ngành, đã qua
những giai đoạn thời kỳ… thì công việc “làm khiên làm
giáp” của họ cho lãnh tụ, lãnh đạo, quan khách, yếu nhân
quốc gia cũng không ai được đề cập. Ví như chuyến tháp

tùng Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn từ Hà Nội vào trực tiếp chỉ
đạo cách mạng miền Nam (1954), một tiểu đội cảnh vệ đã
lặn lội xuyên Việt bằng con đường bí mật, đưa đồng chí Lê
Duẩn vào tận nơi và trở về an toàn tuyệt đối trước những
cặp mắt tình báo Mỹ - ngụy; chuyến bảo vệ và đón đưa
Đoàn lãnh đạo Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa
miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc giữa thời kỳ cách
mạng miền Nam đang còn trứng nước; đón đưa và bảo vệ
lãnh tụ cách mạng Cu Ba sang thăm vùng giải phóng ở
Quảng Trị năm 1973… Sự kiện lớn thì cả thế giới biết, bọn
giặc thì bất ngờ tức tối; quân dân ta vui mừng cảm phục
những người đã tổ chức thành công những cuộc xuyên
vòng lửa ấy, nhưng họ là ai, đi ẩn về hiện như thế nào,
hiểm nguy vất vả ra sao thì dù biết, dù nghe cũng không
ai được nói, được kể, được viết.
Xung quanh lịch sử ngành Cảnh vệ Công an nhân
dân Việt Nam, dù chưa có một dòng sử liệu nào nói tới
ai là những người được cử làm nhiệm vụ bảo vệ Lãnh
tụ Nguyễn Ái Quốc từ những ngày cách mạng còn trứng
nước, riêng tôi được nghe một thông tin khá thú vị về
nhân vật Tạ Đình Đề. Theo nhà văn Dương Thanh Biểu
- nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối
cao, tác giả cuốn truyện ký “Tạ Đình Đề những góc khuất
cuộc đời” thì có một giai đoạn ngắn khi Lãnh tụ Nguyễn
Ái Quốc về hoạt động ở Vân Nam để tập hợp các đồng
chí của mình, tổ chức ở đây đã chọn một số thanh niên
yêu nước, giỏi võ thuật để bảo vệ Người. Cũng thời gian
này, qua mối quan hệ của Bác và các quan chức Quốc dân
đảng (Tưởng Giới Thạch), Tạ Đình Đề được tổ chức cử đi
học lớp tình báo do Mỹ - Tưởng huấn luyện rồi được quân
Đồng Minh giao nhiệm vụ “quốc tế”: về Việt Nam theo
dõi hoạt động của quân đội phát xít Nhật. Khi Cách mạng

Tháng Tám thành công, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy
Đội Biệt động quân của thành phố Hà Nội, trực tiếp chiến
đấu giữa lòng thành phố cho đến ngày giải phóng Thủ
đô… Nhà văn Dương Thanh Biểu lúc còn làm ở Vụ Kiểm
sát án an ninh quốc gia của Viện Kiểm sát nhân dân Tối
cao là người trực tiếp thụ lý điều tra vụ án Tạ Đình Đề và
những thông tin trên đây, theo ông là bản tường trình của
Tạ Đình Đề với các cơ quan chức năng. Vậy thì xa hơn
nữa, ngay cả khi Bác còn hoạt động ở nước ngoài đã manh
nha những bóng hình người cận vệ của các lãnh tụ Đảng
ta không chỉ khi về chiến khu Việt Bắc mà cả ở bên kia
biên giới Việt Trung. Có lẽ vì bí mật mà cho đến sau này,
khi con người mang đầy huyền thoại ấy đã về cõi vĩnh
hằng thì chưa một tài liệu nào, văn bản nào, bài báo thước
phim nào đề cập đến những ngày anh thanh niên Tạ Đình
Đề làm cận vệ cho Bác.
Tôi hiểu thêm về các anh khi may mắn được chứng
kiến và chụp ảnh buổi thực tập chống khủng bố, chống
ám sát, bảo vệ các nguyên thủ quốc gia. Chỉ một loáng
khi sự vụ xảy ra, những chàng trai đẹp như nam thần, ăn
mặc bảnh bao chỉn chu (com-lê cà vạt, giày đen bóng) như
quan khách trở thành những chiến binh với súng ngắn,
tiểu liên, với va li tấm chắn lăn xả vào trận chiến tiêu diệt
kẻ đột nhập, che chắn bằng mọi cách, mọi phía cho các
yếu nhân. Ngay chiếc va li gọn gàng xinh xắn các “nam
thần” không bao giờ rời trên tay, khi lâm trận chính là
tấm giáp dùng để che đạn cho đối tượng mình bảo vệ;
thậm chí khi có quả nổ rơi vào giữa đội hình, người chiến
sĩ cảnh vệ có thể dùng tấm chắn đó trùm lên quả nổ cùng
với cả tấm thân dũng sĩ - thịt xương do cha mẹ sinh thành
của mình để hạn chế tối đa hậu quả sát thương, đảm bảo
an toàn cho đối tượng mình bảo vệ.

Trong ngành Cảnh vệ có một tấm gương về lòng quả
cảm sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ yếu nhân là
khách nước ngoài, đó là Đại tá Trần Thị Ngọc Đoàn. Ngày
18.4.1966, khi Thượng úy Đoàn bảo vệ Ủy viên Trung
ương Đảng Cộng sản Venezuela - nữ đồng chí Alica
Zanizet, sang thăm và học tập kinh nghiệm chiến tranh
nhân dân của ta. Trên đường xuống Quảng Ninh, máy
bay địch oanh tạc vào đội hình đoàn công tác. Trong đêm
tối, Thượng úy Đoàn đã quả cảm lấy thân mình nằm úp
lên người nữ đồng chí ấy để che chắn cho bà khi bom nổ
sát bên mình. Khách an toàn tuyệt đối. Thượng úy Đoàn
bị thương do vật cứng rơi vào lưng phải về bệnh viện điều
trị. Tấm gương dũng cảm hy sinh vì đối tượng bảo vệ của
chiến sĩ Cảnh vệ Trần Thị Ngọc Đoàn đã làm nữ đồng chí
Alica Zanizet và đoàn khách nước bạn vô cùng cảm phục,
xúc động.
Tôi đã được chiêm ngưỡng các chiến sĩ đặc nhiệm
cảnh vệ mũ sắt áo giáp nai nịt oai phong đu dây từ nhà
cao chục tầng, “lên bằng gậy, xuống bằng tay” nhẹ nhàng
hơn cả loài nhện. Họ tập luyện lên xuống như vậy là công
việc hằng ngày, chỉ đợi những khi Tổ quốc cần là sẵn
sàng xông vào lửa đạn. Tôi đã được ngắm nghía những
đoàn mô tô hộ tống oai phong và đẹp đẽ khi có những sự
kiện trọng đại của đất nước, khi nguyên thủ quốc gia đón
khách quốc tế. Ngoài lực lượng Cảnh sát giao thông dẫn
đường thì “họ” chính là những chàng lính Cảnh vệ đang
hộ tống Đoàn. Không chỉ sang, đẹp, nghi lễ thôi đâu; đằng
sau đó là cả một thế trận bảo vệ an ninh quy mô, chặt chẽ,
khoa học và hiệu quả. Đó là các lực lượng của Trung đoàn
Đặc nhiệm 312, Trung đoàn 375, của Phòng Bảo vệ Lãnh
đạo Đảng và Nhà nước…

Chúng ta cũng ít được biết đến những việc làm và
chiến công thầm lặng của cán bộ và chiến sĩ Cảnh vệ thuộc
Phòng Kỹ thuật bảo vệ. Họ là những người làm công tác
khoa học kỹ thuật được hình thành bởi nhiệm vụ đảm
bảo an toàn sức khỏe Lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng
chí Trung ương từ những năm hòa bình lập lại ở miền
Bắc. Buổi thù trong giặc ngoài như rươi, lực lượng chúng
ta hầu hết đều non trẻ; kẻ thù thì già dơ, thâm độc, thủ
đoạn và hung hãn. Cùng với các loại hình khủng bố khác
như súng, bom, hung khí, ám sát, phục kích… chúng còn
dùng các thủ đoạn ám muội khác như đầu độc qua môi
trường, qua đồ ăn thức uống, qua nhiều cách tiếp cận cơ thể
tinh vi và thâm độc. Nhiệm vụ của họ là bằng mọi giá phải
tuyệt đối an toàn, tuyệt đối không chủ quan khinh suất.
Hồi bé, tôi được nghe một câu chuyện “Ma Việt Bắc”
khá rùng rợn. Chuyện kể có hai cán bộ đi từ vùng địch
hậu về chiến khu. Đêm ấy họ vào một quán trọ ven rừng
nghỉ lại. Khi người bạn nằm phía ngoài ngủ say, anh cán
bộ nằm phía trong đang thiu thiu chợt nghe tiếng thạch
sùng kêu đâu đó. Anh mở mắt thì thấy một cái lưỡi xanh
len lét bay lơ lửng từ phía bếp bay ra, lượn lờ trên không
gian chỗ các anh nằm. Chưa biết là vật gì thì chiếc “lưỡi”
xanh len lét ấy sà xuống liếm nhẹ vào mặt anh nằm ngoài.
Khi chiếc “lưỡi” bay đi, anh nằm trong sờ vào bạn thì bạn
đã tắt thở rồi. Biết là có kẻ ám hại và nó sẽ còn trở lại,
trong tay không có vũ khí tự vệ, anh liền đẩy bạn vào nằm
trong còn mình thì thế vào chỗ người vừa mất. Rồi cái
lưỡi lại hiện ra, xanh len lét. Một cú liếm nữa vào mặt xác
người nằm phía trong rồi bay đi. Người cán bộ thoát về cả
đêm báo cho cơ quan biết và vụ án đã được sáng tỏ ngay
sau đó khi bộ đội bất ngờ tập kích quán trọ ven rừng. Đó
là nhóm ám hại cán bộ ta do bọn Pháp cài lại.

Câu chuyện ma mị ấy chẳng biết thực hay hư nhưng
cũng nói lên được con đường hiểm nguy và bao cạm bẫy
rình mò, cả miếng ăn giấc ngủ của người chiến sĩ cách
mạng; cũng là một lời cảnh tỉnh hãy nâng cao cảnh giác.
3. Truyền thống Trung đoàn - Truyền thống cha anh
Trở lại với Trung đoàn 600 anh hùng, là đơn vị được
giao nhiệm vụ vũ trang trực tiếp bảo vệ an toàn khu vực
trụ sở làm việc của các cơ quan trọng yếu, nơi ở thường
xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; bảo
vệ các cuộc hội nghị, mít tinh do Đảng, Nhà nước tổ chức,
các đoàn khách quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt
Nam; suốt chặng dài lịch sử của đơn vị, Trung đoàn đã
được tặng những danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng
vũ trang, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Bảo
vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì,
Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Lao
động, Huân chương Chiến công… Đồng chí Trần Văn
Nhỏ - sĩ quan của Trung đoàn được tặng danh hiệu Anh
hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Truyền thống Trung đoàn được giữ vững và phát huy
ngày càng tươi thắm. Cán bộ và chiến sĩ hiểu rõ nhiệm vụ
trọng đại của chính mình, của đơn vị mình đều cố gắng
học tập và rèn luyện. Trò chuyện với anh em văn nghệ sĩ
trong chuyến tiếp xúc ở trại viết của Bộ Tự lệnh Cảnh vệ,
Trung đoàn phó Phan Cao Thanh cho biết: Thế hệ chúng
tôi nhận nhiệm vụ ở Trung đoàn khi tuổi quân của đơn
vị ngót nửa thế kỷ. Có nghĩa chúng tôi là cháu của các
thế hệ đầu tiên tháp tùng Bác, thế hệ làm nên cuộc Cách
mạng tháng Tám lịch sử và 9 năm kháng chiến chống
Pháp; chúng tôi là con của thế hệ đánh thắng giặc Mỹ,
giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thế hệ chúng

tôi đảm nhận nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ thành quả
của ông cha, đó là niềm vinh dự, tự hào nhưng đó cũng là
trách nhiệm nặng nề. Trong đơn vị chúng tôi có không ít
những đồng chí là con các liệt sĩ, thương binh đã hy sinh
xương máu cho đất nước. Và để minh chứng điều đó, nữ
Trung tá Kiều Ân - Trưởng ban Chính trị Trung đoàn cho
tôi gặp hai người lính trong số họ.
Trung tá Mai Văn Cường là con trai duy nhất của liệt
sĩ Mai Văn Sách. Ông Sách sinh năm 1948 tại xã Phú Lạc,
huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Mười tám tuổi ông Mai Văn
Sách tham gia lực lượng TNXP, vào tuyến lửa khu 4 đảm
bảo giao thông rồi được chuyển sang quân đội, vào Quân
chủng Không quân. Sau một thời gian huấn luyện trong
nước, ông được sang Liên Xô học lái máy bay chiến đấu.
Bốn năm học tập và rèn luyện, ông trở về lái các loại MiG
chiến đấu bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Khi bọn Khmer
đỏ gây hấn biên giới Tây Nam, ông cùng đơn vị chuyển
vào căn cứ không quân ở Biên Hòa và từ đây cất cánh
sang đánh giặc Pol Pot, phối hợp cùng các đơn vị mặt đất
giải phóng đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng.
Ngày 30 tháng 10 năm 1986, Trung tá Phó Trung đoàn
trưởng kiêm Phi đội trưởng Mai Văn Sách hướng dẫn một
học viên tên là Trường tập bay “chuyển đổi” trên chiếc Su
22 - loại máy bay mới nhất của chúng ta vừa tiếp nhận.
Theo Nhà văn - Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, một người
lính kì cựu của bộ đội Không quân, tác giả biên kịch bộ
phim dài nhiều tập “Cao hơn bầu trời” cho biết: Su 22
có hình dạng giống MiG 21 nhưng to lớn, kềnh càng, là
máy bay tiêm kích bom có tốc độ siêu thanh. Từ MiG 21
chuyển sang bay Su 22 là cả một quá trình khổ luyện và ta
đã phải trả nhiều giá máu xương cho những cuộc chuyển
đổi như vậy.

Cất cánh từ sân bay Sao Vàng, khi đang thực hành
những bài tập theo giáo án thì máy bay gặp sự cố kỹ thuật.
Không kịp trở về sân bay, Trung tá Sách quyết định hạ
cánh khẩn cấp xuống cánh đồng, hy vọng cứu được máy
bay nhưng thật không may, trên đường đáp xuống các
anh phát hiện một trường học trước mũi bay buộc phải
ngóc lên tránh và máy bay đã lao vào dãy núi đá trước
mặt thuộc địa phận huyện Nông Cống, cả hai phi công hy
sinh. Năm đó cậu bé Mai Văn Cường chưa đầy 9 tuổi là
con trai duy nhất của vợ chồng ông Sách. Bà Nguyễn Thị
Giản - mẹ của Cường lúc ấy mới 37 tuổi nhưng quyết tâm
ở vậy nuôi con trưởng thành.
Là con liệt sĩ, Cường được địa phương thu xếp đi học
nghề và chuẩn bị công việc cho anh nhưng “máu lính”
trong chàng trai con nhà nòi ấy cứ giục giã cậu lên đường
nhập ngũ. Gửi mẹ lại cho bà ngoại và các dì, Cường đăng
ký nghĩa vụ quân sự và được điều về Trung đoàn Cảnh
vệ 600. Tại đây con trai người liệt sĩ phi công đã phấn đấu
hoàn thành nghĩa vụ 3 năm, được đi học Trường Trung
cấp An ninh rồi tốt nghiệp Đại học An Ninh; tiếp tục tốt
nghiệp Cao cấp chính trị. Quá trình công tác và học tập
của Mai Văn Cường là một chuỗi ngày phấn đấu không
mệt mỏi. Bóng hình của người cha liệt sĩ, công lao chăm
sóc nuôi dưỡng của người mẹ góa bụa mà thủy chung đã
tạo cho anh sức mạnh vượt qua mọi khó khăn của hoàn
cảnh để phấn đấu.
Tôi hỏi Mai Văn Cường có ghi được dấu ấn gì về bố
mình không. Cường kể rằng, có một lần duy nhất mẹ đưa
Cường vào thăm bố đóng quân ở sân bay Biên Hòa. Đó
là lần Cường biết được chút gì đó về công việc của bố
và những người phi công. Bố Sách hỏi sau này con thích

làm gì? Cường bảo con thích đi bộ đội. Chính kỷ niệm và
lời hứa ấy đã thúc giục Cường vào lính và tích cực hoàn
thành nhiệm vụ. Trung tá Mai Văn Cường hiện là Phó Ban
hậu cần Trung đoàn, một công việc “bếp núc” mà vô cùng
quan trọng, chi tiết, rõ ràng, khoa học và phải có nghiệp
vụ giỏi mới quán xuyến được.
Thiếu tá Trần Thanh Quý là con trai của chiến sĩ “Cảm
tử quân” thời đánh Mỹ Trần Thanh Giáp. Khi giặc Mỹ
mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, chàng thanh
niên Trần Thanh Giáp vừa tròn hai mươi tuổi. Anh tình
nguyện nhập ngũ và đến nhận nhiệm vụ ở Tiểu đoàn 30
công binh trực thuộc Sư đoàn 341 Quân khu 4. Sau mấy
tháng đào tạo kỹ thuật công binh, đơn vị anh được giao
nhiệm vụ xây dựng các trận địa cho pháo binh bảo vệ bờ
biển dọc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Mấy năm trường
lăn lộn trong không gian phục vụ chiến đấu vô cùng khẩn
trương, gian khổ và ác liệt, anh đã cùng đơn vị mở đường
khoét núi đá cho pháo 130 li vươn nòng bắn cháy tàu chiến
giặc trên biển Đông.
Đầu năm 1968, giặc Mỹ ném bom “hạn chế” miền Bắc,
thực chất là chúng tập trung sinh lực đánh phá “eo ruột
miền Trung” từ vĩ tuyến 20 trở vào. Trần Thanh Giáp
được điều về D15 công binh. Làm nhiệm vụ đảm bảo giao
thông ở Ngã ba Đồng Lộc. Mấy tháng trời trong mưa bom
bão đạn, anh đã cùng đồng đội rà phá hàng trăm quả bom
nổ chậm, bom từ trường ở “Ngã ba bom” ấy. Rồi Tiểu
đoàn của anh được điều sang Lào mở đường tây Trường
Sơn để nối dài vươn rộng các ngả đường vào chiến trường
B, sang chiến trường C, chia lửa với các cung đường huyết
mạch đông Trường Sơn. Cuối năm 1971, khi giặc Mỹ rục
rịch đánh phá trở lại miền Bắc, Trần Thanh Giáp lại được

điều động về D25 công binh Quân khu 4. Tại đây anh
được cử đi học thêm kỹ thuật tháo gỡ bom mìn, chuẩn bị
cho những cuộc chiến đấu mới cam go hơn, ác liệt hơn.
Ngày 9.5.1972, Đế quốc Mỹ cho hàng loạt máy bay từ
Hạm đội 7 ở Biển Đông bay vào thả hàng ngàn quả thủy
lôi, bom từ trường xuống luồng cửa Hội, sông Gianh cùng
nhiều cửa sông chính thuộc các tỉnh miền Bắc. Đợt phong
tỏa này làm giao thông ra vào các cảng bị tê liệt. Tàu của
các nước Liên Xô, Ba Lan, Trung Quốc, Cu Ba... tiếp ứng
cho ta phải nằm ngoài phao số 0; hàng hóa, vũ khí, thuốc
men tiếp viện không vào được các cảng để tiếp tế cho
chiến trường. Theo thống kê, tại cửa Hội đã có trên 1.300
quả bom mìn các loại quân Mỹ rải xuống. Trước tình hình
đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 quyết định cho công binh mở
đường máu để tàu thuyền của ta ra tận phao số 0 nhận
hàng. Ngày 26 tháng 6 năm 1972, Tiểu đội Cảm tử quân
gồm 8 chiến sĩ công binh do Trần Thanh Giáp phụ trách
làm lễ tuyên thệ và truy điệu sống trong đất liền rồi dùng
xuồng cao su, (chở theo nửa tạ thuốc nổ TNT, dây dẫn và
thiết bị phát “từ trường” để kích nổ bom) ra biển. Trên
người mỗi cảm tử quân, duy nhất là chiếc quần cộc và
chiếc phao bơi tròn quấn quanh người, kẹp dưới hai nách.
Xuất phát từ bến thuyền xã Nghi Thọ, men theo luồng
lạch tàu thuyền vẫn thường vào ra, tiểu đội công binh vừa
đi vừa cho máy xung từ hoạt động để kích nổ những quả
bom xung quanh đường họ đi. Bọn Mỹ thả nhiều loại bom
mìn trôi nổi trong sóng nước, có loại chìm sâu xuống đáy
chờ tàu thuyền đi qua. Với tác động của máy phát sóng từ
trường, nhiều quả bom nổ tung, có quả nổ rất gần chiếc
xuồng, sóng nước dựng lên thành cột, mảnh bom tung
tóe, bùn nước ào ào rơi. Cả tiểu đội không nao núng, vừa

đi vừa mở rộng tầm rà phá. Ra đến chừng hai cây số, một
quả bom đã nổ ngay sát chiếc xuồng. Sau tiếng nổ xé trời
ấy, cả chiếc xuồng và các chiến sĩ tung lên không trung rồi
rơi xuống biển…
Bảy đồng đội hy sinh, riêng Trần Thanh Giáp bị nát
toàn bộ chân trái, chìm xuống đáy biển. Thật kỳ lạ, anh
kịp tỉnh dậy trong giây lát, dùng chân còn lại và hai tay
khuấy đạp ngoi lên mặt biển, chiếc phao bơi đã bị xẹp tự
khi nào. Vốn có khả năng bơi lội từ bé bởi thời thiếu niên
nhà anh vào ở thị trấn Cẩm Xuyên sát dòng sông Hội nơi
có bến thuyền đông vui, bạn bè thi nhau tập bơi lặn từ
thuở bé; phần nữa biển ở đây cũng không sâu, Trần Thanh
Giáp nén đau ngấp ngoi trên mặt biển như vậy, chân phải
và tay giữ cho người có thể trồi mặt trên nước mà thở, vừa
tìm đồng đội vừa quan sát xem tàu thuyền nào đi qua mà
gọi cấp cứu. Khá lâu sau anh được một chiếc thuyền chài
của hai cha con người đánh cá ở biển Nghi Lộc chèo đến.
Người cha đặt anh lên thuyền để cô gái xé áo của bố băng
bó cho anh, còn ông theo chỉ dẫn của anh Giáp - chèo
thuyền đi tìm những người khác. Cô gái thấy vết thương
của anh Giáp quá nặng thì giục cha cho thuyền vào bờ
ngay để kịp cứu anh. Lúc này Thê đội hai của đơn vị anh
cũng vừa tới, Trần Thanh Giáp chỉ vị trí đồng đội gặp nạn
để họ tiếp tục tìm kiếm cứu người trước khi chiếc thuyền
câu chở anh vào bờ. Tại trạm cấp cứu của Hải quân ở Cửa
Hội, sau khi sơ cứu băng bó, anh được chuyển gấp trong
đêm lên Quân y viện 4.
Tám tháng trời chết đi sống lại vì cái chân dập nát,
không biết bao nhiêu lần hoại tử phần thịt, nhiễm trùng
phần xương tủy; không biết bao nhiều lần hồi sức cấp cứu
và phẫu thuật cắt bỏ, cấy ghép... Mắt bị mờ, tai bị điếc
vì khói bom và tiếng nổ quá gần, sức khỏe sa sút, Trần

Thanh Giáp được chuyển ra Quân y viện 109 ở Vĩnh Yên
để điều trị. Dù đã được cứu chữa với tinh thần tích cực
nhất, cái chân của anh vẫn như một khối thừa bám sát cơ
thể, anh vĩnh viễn bị tàn tật.
Sự hy sinh của Tiểu đội Cảm tử quân do Trần Thanh
Giáp chỉ huy đã làm rung động bao trái tim đồng đội và
nhân dân lúc đó. Đơn vị tổ chức học tập tinh thần quả cảm
sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của họ. Nhiều nhóm Cảm tử
quân thay họ ra khơi rà phá bom mìn, giải phóng tuyến
đường biển đang bị địch bủa vây bằng bom mìn để hàng
tiếp viện từ các nước anh em vào đất liền và đi tới các
chiến trường B chiến trường C đang ở thời kỳ quyết liệt.
Anh Giáp được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Cuộc tình của Trần Thanh Giáp với chị Nguyễn Thị
Thanh - cũng có thể là một thiên tình sử. Chị Thanh cũng
là một thương binh chống Mỹ từng phục vụ chiến đấu
ở chiến trường Lào. Sau khi bị thương ở mặt trận Bô Li
Khăm Xay, chị được trở về nước điều dưỡng rồi ở luôn
Đoàn 70 công tác. Chị là người trực tiếp chăm sóc thương
binh Trần Thanh Giáp khi anh điều trị ở đây. Họ thành vợ
thành chồng.
Câu chuyện về thương binh Cảm tử quân Trần Thanh
Giáp tôi kể trên đây, chính tôi đã ngồi nghe anh Giáp kể
lại. Tôi xin được viết để đưa lên báo nhưng anh ấy chỉ
cười: “Việc qua lâu rồi, mình may mắn sống trở về, có
con có cháu yên hàn là toại nguyện lắm rồi chú ạ. Những
người hy sinh cùng nhiệm vụ hôm ấy thực ra mình chưa
kịp nhớ hết tên của họ vì tiểu đội được ghép mỗi người
một nơi mới hai ngày là đi làm nhiệm vụ”.
Vợ chồng anh Giáp có bốn người con, hai gái, hai trai.
Dù là thương binh hạng nặng đặc biệt, một chân bị dập

nát từ xương tới da thịt và 50 năm qua vẫn không chịu
trở thành “vết sẹo” mà nó theo anh, hành hạ anh bất cứ
lúc nào, Trần Thanh Giáp vẫn nén đau bằng một nụ cười
“tỏa nắng” để động viên vợ con vui sống và vượt qua mọi
gian khổ. Thương yêu bố mẹ, các con anh chị đều trưởng
thành trong cuộc sống học tập và mưu sinh. Hai cô chị và
cậu út ở gần đỡ đần ông bà khi ốm đau bệnh tật. Riêng
Trần Thanh Quý - cậu con trai lớn của họ hiện là Thiếu tá
ở Trung đoàn Cảnh vệ 600 Anh hùng. Quý cũng là lính
nghĩa vụ. Sau 3 năm phục vụ trong Trung đoàn 600, Quý
được giữ lại đi học Đại học An ninh rồi được điều về làm
Đại đội phó Đại đội 6. Anh chàng tuổi Giáp Tý, thân hình
vạm vỡ với nước da ngăm ngăm và nụ cười tươi bởi chiếc
răng khểnh, rất vui khi bất ngờ gặp tôi - bạn của bố Giáp
- ngay tại Trung đoàn đơn vị nhưng lại ý tứ lảng tránh trả
lời khi được hỏi về công việc của mình.
- Vậy câu chuyện bố cháu bị thương trong lúc đi cảm
tử, cháu biết không?
- Bọn cháu biết chứ ạ. Bố mẹ vẫn thường kể lại những
thời ác liệt và gian khó của đất nước và của gia đình. Và
đó cũng là niềm tự hào động viên cho cháu để làm tốt hơn
phận sự người lính cảnh vệ của mình!.
Hà Nội, 10.2022

tay-bac7

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)