TRUNG TƯỚNG SO PHAN
Tôi chỉ biết ông là trung tướng Bộ đội Biên phòng
Campuchia, Trung tướng So Phan. Biển ngực ông
đeo ghi như sau: Gen:UK SOPHAN 004736. Dáng vóc
cao lớn vạm vỡ, màu da đồng hun và khuôn mặt hao
hao người xứ Tây Á, nụ cười hiền lành, thân thiện làm cả
khối người đồ sộ với bộ đồng phục cấp tướng trắng tinh,
những lon, những viền… trên ve áo, trên ngực, trên vai,
trên mũ kêpi… chợt như gần gũi. Ông ra tận cửa khẩu
Mục Bài đón đoàn chúng tôi bằng những cú bắt tay thật
chặt và nhanh. Sau đó rút máy bộ đàm cầm tay gọi cho
ai đó bằng tiếng Việt Nam đề nghị giúp đỡ ông đưa đoàn
từ thiện Việt Nam sang đất Campuchia bởi trong đoàn
có tới 14/36 người không có hộ chiếu. Nhờ ông, chỉ một
giờ ở biên giới làm thủ tục xuất cảnh, chúng tôi lại lên xe
đi sâu vào đất Campuchia với 1 xe khách 50 chỗ ngồi, 2
xe tải chở hàng cứu trợ, 1 xe cứu thương chở cán bộ y tế,
thuốc men. Đoàn gồm nhiều thành phần, tôn giáo khác
nhau nhưng cùng một mục đích: phát tâm từ thiện. Trung
tướng So Phan và vợ ông, một phụ nữ xinh đẹp người
Khmer làm hướng dẫn viên cho đoàn.
Để có chuyến đi này, Đại đức Thích Truyền Tứ và các
đệ tử của Phật Thích Ca chùa Lá (quận Nhà Bè, Thành phố
Hồ Chí Minh) đã tổ chức quyên góp từ tấm lòng muôn
nơi. Tết âm lịch tới nay, chỉ vỏn vẹn có 2 tháng, dù liên
tục đi phát quà, xây nhà tình nghĩa, công đức chùa chiền,
xây trường học, nuôi trẻ mồ côi suốt trong nam, ngoài bắc,
vậy mà hôm nay đoàn đã gom được số hàng, quà lên đến
trên 1.000 suất để đưa sang cho đồng bào Campuchia. Tôi
được một người bạn, tôn Sư thầy Thích Truyền Tứ làm sư
phụ mời cùng đi để “biết thêm” tấm lòng vì Đời của các
phật tử chùa Lá.
Chỉ cách nhau mấy chục cây số đường thôi nhưng
phía đất bạn sao mà xác xơ, cằn cỗi. Những cánh đồng
hoang hun hút nắng gió, gần như không một bóng cây
ngoài lưa thưa những tán thốt nốt mờ xa bởi bụi lốc. Vài
con bò bàng bạc trắng, như nắng đã nung nhạt hết màu
lông, mệt nhọc, uể oải gặm cỏ hay rơm rạ khô trên đồng.
Thi thoảng có vài nóc nhà chơ vơ giữa đồng hoang nắng.
Cả vùng biên ải ngày xưa, thời đánh Mỹ cánh lính chúng
tôi đi hàng ngày đường ánh nắng không lọt nổi xuống đất
bởi trùng điệp lá rừng; da lính thằng nào cũng lợt xanh,
tai tái bởi thiếu nắng, vậy mà bây giờ khô khốc, hoang vu.
Có cảm giác khát. Khát từ cổ họng, khát từ mắt nhìn bởi
cơn khát nước, khát mưa, khát cây cỏ… và, vì ngoài môi
trường đang bốc lửa sau cửa kính ô tô.
Phum Svay Ta Duyên, huyện Kampong Rou, tỉnh Svay
Rieng là đích đến đầu tiên trong chuyến viện trợ nhân
đạo này. Qua cái cổng chào cao nghệu là cột cờ đang phần
phật tung bay hai lá quốc kỳ Việt Nam và Campuchia.
Hàng trăm người dân áo quần đủ màu, đủ kiểu; hàng
trăm em học sinh trong đồng phục áo trắng quần (váy)
xanh màu mực háo hức đón chờ. Những cụ già tóc bạc da
nheo, đen đúa và vất vả; những em bé mắt đen, to tròn
vừa ngập ngừng e ấp, vừa vui mừng nôn nao. Tóc em nào
cũng cháy đỏ, quăn vàng, như bốc mùi khét nắng. Cách
đám đông tụ họp không xa, một ngôi đền Khmer mọc
lên lẻ loi, cũng khô nghèo như cảnh vật chung quanh. Tôi
nhớ, Hòa thượng Thích Truyền Tứ đã giới thiệu cho mình:
cứ nhìn chùa người Khmer là biết kinh tế vùng đó thế nào.
Chùa càng khang trang, bề thế thì dân cư càng đông vui,
giàu có, sầm uất, và ngược lại. Đây là vùng biên viễn miền
đông - bắc Campuchia, cư dân thưa thớt và nghèo kém.
Càng xuôi về tây - nam, cuộc sống càng phong phú dần.
Có lẽ cũng vì vậy mà Đại đức Hòa thượng Thích Truyền
Tứ chọn phát quà ở đây chăng?
Trung tướng So Phan, sau khi bắt tay, giới thiệu một
lượt các thành viên bên địa phương và bên đoàn úy lạo
Việt Nam, yêu cầu mọi người nhanh chóng chuyển hàng
hóa vào hội trường để phát cho bà con về kẻo nắng. Hàng
nhiều trăm người chật ních căn nhà dài ngoằng của xã,
chủ yếu người lớn và đại biểu. Các em học sinh ngồi hành
lang phía có bóng mái nhà, nhiều em ngồi giữa nắng trưa
mà vẫn hấp háy vui mừng. Không hiểu chúng mừng vì
sắp được quà hay vì cuộc hội ngộ đông đúc nữa. Những
chiếc cặp sách, những chiếc ba lô học đường thật đẹp trong
từng gói quà chắc cũng làm ánh mắt con trẻ nôn nao.
Giúp việc cho Ban tổ chức là rất nhiều tình nguyện
viên của đoàn từ thiện, các thanh niên người bản xứ và cả
bộ đội (hay cảnh sát, dân phòng gì đó), một số người mặc
sắc phục xanh lá cây của lính, đầu đội mũ nồi đen rất hắc.
Một số khác mặc quân phục màu trắng sữa. Tôi không
tiện hỏi vì ai cũng tất bật với hàng hóa. Đám từ thiện y tế
có vẻ quy củ hơn, người khám bệnh, kẻ phát thuốc, có cả
những nồi cháo to tướng được khênh ra ngay tại sân trạm
xá phục vụ bữa trưa cho người đến nhận quà. Tất cả đều
được đem từ Thành phố Hồ Chí Minh sang.
Ông So Phan nổi bật giữa đám đông đúc, ồn ào ấy.
Ông như con thoi từ nơi nọ sang nơi kia, vỗ vai già này,
hỏi thăm bé kia, tiếp đỡ những phần quà chưa đến tay
người nhận. Nhìn vẻ ân cần, thân thiện, quen biết ấy, tôi
cứ nghĩ ông ấy là người làng này, hoặc chí ít cũng từng
đóng quân ở đây, gắn bó với mảnh đất, người dân lâu
lắm rồi.
Khoảng 13 giờ chiều, đoàn chúng tôi ai cũng mệt vì
đói, vì nắng. Người nhận quà vẫn rất đông nhưng tự
nhiên không khí trầm lắng lại. Một chị trong nhóm lãnh
đạo đoàn từ thiện bảo nhỏ tôi: “Dở dang rồi anh ơi. Có
sự nhầm lẫn tai hại rồi.” Tôi lo lắng: “Sao vậy chị?”. “Sư
thầy điện sang cho Trung tướng báo trên một ngàn suất
quà, sẽ phát tại đây năm trăm suất, còn lại sẽ phát cho học
sinh Việt kiều ở Phnôm Pênh và Siêm Riệp. Nhưng Trung
tướng nghe nhầm là sẽ phát một ngàn suất quà ở đây nên
giờ bà con còn ngồi chờ đông lắm”. “Giờ xử lý thế nào,
chị?”. “Cả Sư thầy và Trung tướng đang lúng túng đây.
Trên kia người ta cũng đang đợi quà, chẳng thể không
có, mà ở đây đồng bào cực quá. Thật là thương”. “Vậy
mỗi suất quà là bao nhiêu tiền?”. “Bốn trăm ngàn tiền
Việt anh à”.
Tôi đi ra phía Đại sư Thích Truyền Tứ và Trung tướng
So Phan đang đứng bàn luận. Vợ Trung tướng sau khi đếm
số đồng bào còn chờ quà quay ra bảo mọi người còn hơn
hai trăm người nữa. Chợt tôi thấy So Phan mặt mày xám
lại, ông vuốt tay lên trán đang vã mồ hôi, một tay đặt nhẹ
lên ngực trái. Chị vợ hoảng hốt nói một tràng tiếng Khmer
rồi ra hiệu cho một người lính gần đó đỡ, dìu Trung tướng
đi về phòng khám bệnh của các bác sĩ Việt Nam. Sư thầy
Thích Truyền Tứ đi theo, đỡ ông ngồi rồi gọi bác sĩ đo
huyết áp, lấy khăn lau cho ông. Một tình nguyện viên đưa
ly nước chanh rồi cầm tập giấy quạt cho Trung tướng.
Huyết áp của ông lên đến 185/120. Do nắng, đói mệt hay
do cơn sốc vì thiếu quà mà ông tự nhiên tăng áp huyết?
Đại sư Thích Truyền Tứ an ủi ông: “Tôi đã quyết rồi, sẽ để
lại đây thêm một trăm suất quà nữa để anh phát nốt cho
bà con. Số thiếu ở Phnôm Pênh và Siêm Riệp đoàn chúng
tôi sẽ khắc phục để ai cũng có quà. Trung tướng yên tâm
đi”. So Phan cầm tay Sư thầy rất chặt, miệng cám ơn đoàn
và Đại sư. Ông phân trần bằng tiếng Việt: “Chẳng hiểu
sao mà mình lại nhầm lẫn tai hại thế. Để bà con đến mà về
tay không thì không đành lòng được. Mình sẽ xin lỗi bà
con còn thiếu quà và sẽ bù lại ngày gần nhất”.
Chia tay Trung tướng So Phan và phu nhân cùng bà
con Phum Svay Ta Duyên trong lưu luyến, đoàn từ thiện
đi về phía thủ đô Phnôm Pênh. Ngoái lại vẫn thấy bóng
hình viên tướng cao lớn, quân phục trắng, cân đai viền
vàng oai phong mà bình dị đứng giữa đám dân làng vẫy
tay thân thiết. Đại đức Thích Truyền Tứ gỡ chiếc mũ lá
rộng vành trên cái đầu trơn bóng xuống, cầm micro từ tay
chú hướng dẫn viên du lịch, cất giọng trầm trầm: “Thưa
quý vị! Quý vị có thấy điều gì đặc biệt ở chuyến đi này
không?”. Chưa ai đáp lời thì Sư thầy tiếp: “Một vị tướng
quân, một quan chức cấp cao của một quốc gia rất ít dân
mà gần gũi, yêu thương dân như thế thật là quý hóa, phải
không quý vị?”. Rồi ông tâm sự: “Không biết mình nói
nhầm hay Trung tướng So Phan nhầm thông tin một ngàn
gói quà trao phát ở đây, thực sự nếu chủ động thì trao ở
đâu cũng là vì dân nghèo cả. Nhưng đoàn đã có kế hoạch
nơi khác nữa, được ở đây thì ở trường Tiểu học Khmer - Việt Nam Tân - Tiến sẽ chưa có, nhưng thấy sự nhiệt
tâm của Trung tướng So Phan, thầy đã quyết trích thêm
phần quà lại đây cho bà con kẻo Trung tướng khó xử mà
không kịp xin ý kiến chung. Bây giờ đoàn ta lại thiếu mất
hơn một trăm suất quà, khoảng hơn năm chục triệu đồng
nữa. Thầy đề nghị quý vị chung tay cùng nhà chùa được
bao nhiêu cũng tốt. Mong mở lòng từ bi”. Chỉ một loáng
sau lời Đại sư, cả xe 36 người đã gom được hơn chục triệu
đồng. Sư thầy cầm micro đứng lên cám ơn mọi người rồi
điện thoại cho So Phan báo tin đã giải quyết cơ bản tình
huống khó khăn đột xuất ấy.
Đoàn xe chúng tôi lao nhanh về thủ đô Phnôm Pênh
khi trời đã xế chiều.
Phnôm Pênh, 24.3 - Hà Nội, 02.4.2014
Người gửi / điện thoại