LẮNG TRONG TIẾNG NGỖNG TRỜI KÊU XA XỨ
( Về tập thơ của Vũ Quần Phương-Nxb Hội nhà văn,2023).
Trần Trung
Trên tay tôi là tập thơ mới đây của nhà thơ Vũ Quần Phương,
mang một cái tên là lạ Ngỗng trời kêu xa xứ. Thế là, sau cuốn
Thơ, Tuyển tập-NXB Hội nhà văn-2012, đây lại là cuốn sách mà
nhà thơ gửi tặng tôi, trực tiếp.
Với bảy chục bài thơ mang dung lượng vừa phải, Vũ Quần
Phương tiếp tục một mặt vừa định vị, nhất quán diện mạo
thuộc phong cách thơ mình với giọng thơ ngỡ như thong dong,
bình thản mà lại chất chứa thật nhiều, thật tinh những cảm xúc,
suy ngẫm về con người và cuộc đời; một mặt riêng nữa, ở tập
thơ mới này, tôi lại bắt gặp một nét biến thể mới, ấy là độ lắng,
thiên về suy ngẫm của nhà thơ trước những đổi thay, biến động
từ cuộc sống… để rồi, phổ vào đó cách nhìn cuộc sống, con
người; Cũng là những gửi gắm, chiêm nghiệm, cảm suy… của
một Thi nhân kinh lịch, từng trải.
NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG
Bình thản mà không hề vô tâm trước tiếng ngỗng trời di trú,
từ đó, nhà thơ như chợt bắt ra tiếng hồn xa xứ trong một trạng
thái tâm tư từ chính lòng mình- đa chiều, đa dạng… khó mà
tường minh, rành rẽ-một chiều:
Xào xạc cánh, tiếng hồn xưa xa lắc
Nghe hay là tưởng nghe
Thì cũng lẫn vào trời xanh mê hoặc
Bay
Hay tưởng tượng đang bay
…Tiếng ngỗng vang trong màu mây năm trước
Hay tiếng vọng
Nơi lòng ta đã xa
Bài thơ Ngỗng trời mở đầu tập thơ như mang nỗi niềm thơ
giăng mắc tâm trạng của nhà thơ đi suốt trong toàn tập thơ với
những điều trải nghiệm- một phần, từ đó đánh thức cảm thức,
suy tư với tâm trạng đa chiều của thi nhân. Có chút gì ngùi ngùi
mà không hề hiu hắt ; vẫn gợi cảm giác bâng khuâng xen hòa
tươi tắn-lạ đấy, mà không phô trương, ồn ã.
Nhà thơ mở rộng hồn mình, tình mình để đón nhận với biết
bao xúc cảm, suy tư từ thế giới ngoại cảnh-Đón nhận thật tinh,
không vồ vập, như từ ngọn Gió xuân cao nguyên đá:
Đêm qua gió xuân về
Đánh thức đá, gọi chồi non mở mắt
Sáng nay khói lả trên bếp
Xem chừng bịn rịn hương đêm…
Từ tại một sáng cao nguyên, nhà thơ cảm nhận được sự đánh
thức trong lặng im của đời người với nhiều xôn xao, suy tưởng:
Tôi reo với núi Hoàng Liên/ Lặng êm với đá rêu mềm như
nhung. Thế nên, trước vẻ kì vĩ và thơ mộng của thiên nhiên, nhà
thơ như muốn choàng mở hồn mình, tình mình mà ấp ôm lấy
Thiên-Nhiên-Xuân với những lời thơ đượm sắc mầu Tình-Ái : Ao
chuôm nở giữa cao nguyên đá/thì đá thành hoa súng hoa
sen/đồng tam giác mạch ôm vai núi/thành giải khăn choàng
trên áo em.
Có lẽ, điều tâm đắc, đằm sâu khi hướng tới ngoại cảnh, dắt
cảm xúc đi về trong hiện tại giao hòa cùng quá khứ, được nhà
thơ quan tâm và rung động, lại là những hình ảnh nhỏ bé, thân
thương của quê nhà, nơi thôn hương-Một thuở nào, như xa lại
như gần thật khó quên( từ Ngôi sao dậy sớm; Những mái nhà;
Lại tới cảm giác dậy hương quê với Mùa hoa bưởi; cho tới
những âm thanh ngỡ lạ mà thật thân quen của Tiếng gà tre
trong phố, của bao nhiêu là những điều ngỡ tưởng như vụn vặt,
xa xôi… từ đó như xao động, đánh thức những kỉ niêm khó
quên của một thời ấu thơ, non trẻ, với Vườn trưa căng gió; với
Ngõ hoàng lan; cả những âm thanh rộn rã náo nức, dậy lên từ
tâm hồn con trẻ với Trống ếch đến cả những dấu tích như hiện
hình lên thứ đồ chơi con trẻ của ngày xa xưa- Nặn tò he…)
Có điều,trong thơ Vũ Quần Phương( không chỉ có ở tập thơ
này), ấy là nhà thơ không sa vào cái cụ thể; không dừng lại ở
những hiện thực trực tiếp quan sát. Nhà thơ, rất khéo và cũng
tự nhiên lồng kết vào những điều suy tư, khái quát. Có lẽ, đấy
cũng là một cách triết lý nhẹ mà sâu, mà thấm thía trong thơ Vũ
Quần Phương.
Có gì đấy như đan hòa giữa quá khứ và hiện tại; giữa hương vị
của ngày xưa với hôm nay, từ hai mái đầu già- trẻ khiến câu chữ
trong thơ Lặng im mà dư ba, thật lạ :
Ngõ nhỏ hương hoàng lan/thời gian và bão gió/bạc đầu hai
đứa nhỏ/nghe gì trong lặng im ( Ngõ hoàng lan)
Có gì đấy, ngùi ngậm trong thương nhớ quê hương với bóng
hình người mẹ, mà mặc cả, mà Thương lượng với lòng mình,
tình mình trong nỗi lòng im bặt giữa chừng câu :
Nửa chừng mê bấm đốt ngón tay
Thương lượng với tiếng mưa đêm tí tách
….Thương lượng với tàu cau
Ngả bóng xuống cơi trầu vắng mẹ
Thương lượng với cơn đùa im bặt giữa chừng câu
( Mùa gió cọ trung du)
Trước những biến đổi, biến động của xã hội và con người xứ
mình hôm nay, nhà thơ không bộc lộ thái độ,tình cảm một cách
thô trực hay cực đoan thô ráp mà cứ nhẹ nhàng, thấm thía và,
như cũng để người đọc tự suy ngẫm, đánh giá thêm:
Hoa giả như hoa thật
Lại bền hơn
Thì lấy bền hơn mà phân thật giả
Thành tích lớn không ngờ
Thì lấy không ngờ mà ngờ thành tích
Cái điều ai cũng biết
Là điều không nói ra
( Không đề)
Những dòng thơ Không đề trên như chạm vào suy nghĩ không
có điểm dừng lại của người đọc, cho người đọc về cuộc sống và
nhân tình thế thái của hôm qua, hôm nay và,có lẽ của cả mai
sau nữa ! Để rồi, tìm ra cách hành xử sao cho Đẹp-Đạo, Đẹp-Đời
!?
Trong Ngỗng trời kêu xa xứ, nhà thơ họ Vũ còn như muốn gửi
gắm cách nhìn xoáy sâu vào suy tư của người đời một thời chưa
xa để đánh thức (hoặc tham góp chăng!?) cách nhìn nhận chân
thành, thực chất về thế giới tâm tư khi nghiêng về Cõi-Tâm
–Linh. Nghĩ về một Cõi-Xa để nghĩ thêm về Cõi-Nay:
Mà nghĩ cũng thương các đại thần ơi/thân vinh hiển chầu
vua…thành đá cả/đá gương mặt,đá tấm lòng, nếp cờ bay cũng
đá/một lần chầu kiếp kiếp phải khom lung
Đứng cạnh các ngài, tôi vững gót làm dân
Đồng lộng gió, lúa đang vào vụ gặt…
Những xúc cảm và suy tư ấy, dường như đâu chỉ hướng về
quá khứ mà, đồng hiện, Đi-Về… cả nỗi xưa và niềm nay !
Tôi tâm đắc và thú vị bởi những câu thơ thực lòng, táo bạo mà
chân tình trên của nhà thơ Vũ Quần Phương ! Có lẽ cũng bởi
thế, người thơ như hạ giọng trong cách nhìn dung hòa, bao
dung trong Tam Đảo, Ngũ Hồ khi cảm nhận về Người xưa:
Người xưa
Hay đấy ta tiền kiếp
Chưa gặp
Hay đã nằm chung một giấc mơ
Có lẽ ,tính chân thực, chân thành và sâu sắc của nhà thơ khi
hướng tới đời sống tinh thần, tình cảm của Người xưa được thể
hiện rành rẽ và minh chiết trong một loạt bài thơ tinh, sâu và
cũng thật hóm khi chợt nhìn đời ( cũng là Nỗi-Đời !) hay nhìn
Người ( mà, cũng là phận Người- kiếp Người !) : Dãy tường đá
trước lăng vua Khải Đinh; Hoa mơ Hương Tích; Dấu bàn chân
Phật; Phật về đâu; Đọc lại truyện cổ; Rạp tuồng…
Tất thảy, Người-Thơ như muốn Đọc người xưa để hiểu, để
cảm thương với xưa, từ đó hiểu nay và ,càng thấm thía với xưa-
nay:
Cỏ nói lời xanh, cây nói tươi
chữ đau, giấy nát đã xong rồi
thương ngôi sao lẻ bên trời biếc
cứ mãi long lanh giọt lệ người
( Đọc người xưa)
Viết đến Ngỗng trời kêu xa xứ (NXb Hội nhà văn-2023), thơ Vũ
Quần Phương đã xải bước một chặng đường dài. Nhà thơ họ Vũ
đã nếm trải, đã gửi gắm, đã chiêm nghiệm bao điều từ cuộc
sống và con người…từ cuối những năm sáu mươi của thế kỉ
trước cho đến nay (năm 2023-2024…), để từ sáng tạo nghệ
thuật thơ, với trên một chục tập mà hình thành cho mình một
tiếng nói, một diện mạo riêng mang giọng điệu của chính mình-
thư thái, bình thản mà lắng sâu với sắc độ tinh tế; một cách
triết lí nhẹ mà sâu, gợi nghĩ nhiều chiều mà không hề phô
phang, áp đặt !...
Khi đến với tập thơ này, Vũ Quần Phương đã bước qua tuổi
80- ( Vũ, sinh năm 1940). Thế nên, Vũ Công muốn trao đổi-Tâm
tình như những lời bàn giao, gửi lại cho đời, cho Người thân
thiết, cũng là điều dễ hiểu, dễ thấy. Ngay từ năm 1997, ta đã
bắt gặp những lời thổ lộ thực lòng và có lẽ, cũng thấp thoáng
chút mềm lòng thành thực :
Ngày trôi mau, mùa trôi mau
Sao vết thời gian cứ nhói đau…
Lòng cứ mềm dần theo tuổi tác
Tiếng còi xa lắc phía sân ga.
( Nhật ký-20-4-1997)
Cho đến những ngày này, thời gian đã vắt sang xuân Giáp Thìn
(2024), nhà thơ họ Vũ đã vào tuổi xuân 85, làm sao mà không
lắng lại để ngẫm ngợi, để chiêm nghiêm về đời, về hành trình
đến với nghệ thuật-Thơ của mình, những mong gửi gắm lại cho
hậu thế những điều trải nghiệm giản dị mà thấm thía …
Có lẽ, những lời thơ này là thứ Tâm tình-Hóa thân chăng:
Đứng đã đứng
Ngồi đã ngồi
Bao dặm đường xuôi ngược
Nẻo ấy về
Xa xôi
Biết đã biết
Rồi đã rồi
Thì nghĩ gì cứ nghĩ
Định viết gì viết ngay
Con chuồn chuồn đang ngủ
Chớ ồn ào
Nó bay…
( Con chuồn chuồn đang ngủ)
Nhà thơ tuổi 80 đang nói với, nói cùng Con chuồn chuồn đang
ngủ hay tự thổ lộ với lòng mình? Từ hai chiều cảm xúc và suy tư
đó, dường như nhập làm một trong trong Ngỗng trời kêu xa xứ
và cả trong thơ Vũ Quần Phương-chung lại !...
( Hà Nội, những ngày cuối tháng ba-21/3/ 2024)
Người gửi / điện thoại