bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NHÀ GIÁO TRẦN TRUNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PV KIM KHÁNH, PHÓNG VIÊN HTV9!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA VIDEO CLIP NÀY LÊN TRANG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 5
Trong ngày: 50
Trong tuần: 591
Lượt truy cập: 612533

MANG QUÊ RA ĐẢO

MANG QUÊ RA ĐẢO

                                                           Nguyễn Thị Mai

nh_n.t.mai_1

       NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ MAI

Thương người canh giữ biển xanh

Mang quê ra đảo cho anh gặp nhà

Để quê gần lại Trường Sa

Để ngàn dặm biển chỉ là tấc gang

 

Này là trái bưởi, trái cam

Này là hạt giống rau làng vườn quê

Cả đây gói bánh, hộp chè

Cây hoa giấy thắm để che nắng trời

 

Quê ra còn có bao người

Tiếng thương như mẹ, giọng cười như em

Gửi vào lời hát thân quen

Là bao chia sẻ đáp đền buồn vui.

 

Sinh Tồn ơi! Cô Lin ơi!

Và bao đảo giữa biển trời của ta

Mang quê ra với Trường Sa

Để anh được trở về nhà với quê.

 

Nguồn: "Mang quê ra đảo" NXB Hội Nhà văn 2015; tr 5

LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN

“ĐỂ ANH ĐƯỢC TRỞ VỀ NHÀ VỚI QUÊ”

Nhiều năm qua, đồng bào ta ở khắp mọi miền luôn hướng về biển đảo thân yêu - vùng đất phên dậu của cả nước đã và đang bị thế lực bên ngoài dã tâm chiếm đoạt. Tình yêu biển đảo đã khơi nguồn sáng tạo cho rất nhiều cây bút. Trong số đó có nhà thơ Nguyễn Thị Mai với bài "Mang quê ra đảo" rút từ tập thơ cùng tên - do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2015. Thi phẩm chiếm được cảm tình của rất đông đảo bạn đọc.

Có nhiều lý do tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ. Đây không chỉ là tiếng nói yêu nước chân tình mà còn là thái độ trân quý, đồng cảm sâu sắc với các chiến sĩ hải quân. Các anh bám biển để vừa canh giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền hải phận thiêng liêng vừa là điểm tựa vững chắc cho ngư dân – những cọc tiêu sống trên hải phận của Tổ quốc. Tư tưởng, cảm xúc ấy được thế hiện qua ngôn ngữ thơ thuần Việt dung dị, hàm súc và thế thơ lục bát sáng tạo, dễ đi vào lòng người.  Nhan đề của bài "Mang quê ra đảo" đã rất độc đáo, gây sự chú ý bất ngờ. "Mang" nghĩa là giữ cho vật dụng lúc nào cũng đi theo với mình - cái cụ thể. Còn "quê" là để chỉ nơi gia đình, dòng họ mình nhiều đời làm ăn sinh sống, có sự gắn bó tự nhiên về tình cảm - cái trừu tượng. Như vậy, nhà thơ đã cụ thể hoá cái trừu tượng trong diễn đạt, mang đến cho ngôn từ ý nghĩa mới và và điều này quả thật thú vị. Thơ hấp dẫn người đọc bởi tính hàm súc, bài này cũng vậy. Chỉ 16 câu lục bát với bốn khổ thơ nhất quán trong mạch cảm xúc: yêu nhà - yêu quê - yêu nước nhưng đã gói trọn tâm tư của tác giả. Tình cảm ấy như sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bài. Thi phẩm tồn tại hai hình tượng song hành: một bên là lính đảo - người canh giữ biển xanh - và một bên là quê nhà. Đoạn thơ mở đầu tác giả đưa người đọc đến với những người lính tháng ngày làm bạn với đảo, với sóng và nắng gió biển. Chủ thể trữ tình đã không nén nổi lòng mình, bày tỏ niềm thương mến, quý trọng với lính đảo ngay từ câu mở đầu: "Thương người canh giữ biển xanh/ Mang quê ra đảo cho anh gặp nhà/ Để quê gần lại Trường Sa/ Để ngàn dặm biển chỉ là tấc gang". Ngôn từ ở đây được tác giả tiếp thu sáng tạo từ cách diễn đạt trong thơ dân gian. Cặp đại từ nhân xưng của ca dao thường là anh và nàng, còn ở đây nữ sĩ lại viết "anh gặp nhà". Nói "nhà" là để chỉ nơi ăn ở của những người có quan hệ gia đình thân thương nhất. Nghệ thuật cường điệu và đảo ngữ ở câu  “Để ngàn dặm biển chỉ là tấc gang”  đã nhấn mạnh khát khao của chủ thể trữ tình: muốn rút ngắn khoảng không gian giữa đảo và quê nhà để các chiến sĩ vơi đi nỗi nhớ. Trong vườn nhà của hầu hết người Việt thường trồng nhiều loại rau quả phục vụ sinh hoạt. Tác giả cùng đoàn ra thăm đảo, mang theo nhiều quà – những vật dụng thiết yếu phục vụ cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ. Bằng nghệ thuật liệt kê, mở đầu mỗi câu thơ“Này là…”, tác giả kể ra khá phong phú những “quà quê” mang theo tặng lính đảo trong chuyến công tác đợt này: trái bưởi, trái cam, hạt giống rau nhiều loại đã quen trồng ở “vườn quê”. Chưa hết, quà các cô bác, chị em mang đến “Cả đây gói bánh, hộp chè/ Cây hoa giấy thắm để che nắng trời”. Nghĩa là quà tặng lính đảo đủ cả vật chất và tinh thần, sử dụng trong hiện tại và để gieo trồng phục vụ lâu dài trong tương lai. Bài thơ dùng điệp từ "quê" nhiều lần đã khắc sâu nỗi nhớ và tình yêu quê của lính đảo. Nhưng quý nhất, vui nhất là sự hiện diện của những con người từ “quê ra”, mang theo tiếng nói nhiều vùng miền khác nhau, tất cả đều ấm áp như tiếng nói của mẹ, như giọng cười của em được “Gửi vào lời hát thân quen” qua những tiết mục văn nghệ đặc sắc biểu diễn trên đảo khiến cả con người và thiên nhiên cùng lắng hồn trong tiếng hát. Đoạn thơ đầu như là linh hồn của bài thơ, dào dạt bao thương mến, đến những câu thơ khép lại toàn bài là tiếng lòng tha thiết của tác giả cùng lời nhắn gửi tới mọi người “Mang quê ra với Trường Sa/ Để anh được trở về nhà với quê”. Bài thơ nói riêng và thơ ca về chủ đề biển đảo nói chung đã và đang phát huy sức mạnh thực sự của ngôn từ, tạo nên sự cộng hưởng cảm xúc của hàng triệu trái tim Việt Nam. Với ý nghĩa đó, cùng với những bài thơ khác nữa, tập "Mang quê ra đảo" của nhà thơ Nguyễn Thị Mai rất xứng đáng với Giải Nhì – Giải thưởng Văn học về Biên giới Hải đảo do Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng năm 2020 vừa qua.

NGUYỄN THỊ THIỆN –   ĐC: Số 2 ngõ 19/20 Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa Đống Đa, Hà Nội 

tho-bien-dem

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)