ĐOÀN THỊ LAM LUYẾN
(Đăng tuần san Đời sống gia đình số 33 ngày 15/8/2019)
Hai mươi năm chiến trận đã qua rồi
Tổ quốc lại trao Huân chương Anh hùng cho mẹ
Nỗi đau cũ nguôi ngoai, vinh quang này mới mẻ
Mẹ đã già từ những tháng năm xưa
Ai thay thế được con để mẹ ấm lạnh tuổi già?
Ai thay thế được con để mẹ nhìn thấy mặt?
Ai thay thế được con để mẹ thêm một lần bế ẵm?
Ai thay thế được con để trong sân ríu rít tiếng bà?
Hai mươi năm mẹ vẫn trông chờ
Con sẽ trở về một đêm khuya vắng
Đòi mẹ làm bánh khoai, nấu nồi canh mướp đắng
Thuở chấy rận qua rồi mẹ chỉ ngồi vuốt tóc ngắm con
Hai mươi năm!
Nước mắt khiến mẹ lòa Lưng mẹ còng hơn!
Đêm đêm chỉ gió về gọi cửa
Chiêm bao có cả màu khói lửa
Sao không về báo mộng ở đâu con!
Giá có cửa nhà để mẹ được thăm nom
Ngày báo tử, đâu phải ngày giỗ mất!
Mẹ vẫn thắp hương trên bàn thờ Tổ quốc
Cầu tổ tiên mình che chở đứa con xa!
Làng xóm đã thay con dựng cho mẹ căn nhà
Đã có bể nước trong, đã có cong gạo trắng
Mẹ vẫn trồng vạt khoai môn, ươm một giàn mướp đắng
Rằm tháng bảy năm nào cũng gói bánh chờ con.
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
Đoàn Thị Lam Luyến là một trong những gương mặt thơ nữ xuất sắc của nền thơ ca Việt Nam đã được nhận Giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1989 - 1990 và Tặng thưởng thơ của Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 1995 (tập thơ Châm khói). Thơ chị bộc lộ nhiều nỗi niềm, cảm xúc với các đề tài đa dạng. Trong số đó, tôi rất thích bài “Mẹ vẫn chờ”. Bài thơ không viết về người mẹ ruột thân sinh ra tác giả như nhiều thi sỹ khác, cũng không viết về người mẹ chồng “Mẹ sinh anh để bây giờ cho em” như Xuân Quỳnh mà viết về một người mẹ liệt sỹ, người mẹ được phong tặng Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Mẹ tuy đã nhận giấy báo tử con hai mươi năm nhưng vẫn da diết nhớ thương và đau đáu đợi chờ con.
Bài thơ gồm hai mươi sáu câu thơ tự do, vừa phóng khoáng vừa ám ảnh trước nỗi lòng của người mẹ có con hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Mở đầu là những câu thơ thiên về tự sự: “Hai mươi năm chiến trận đã qua rồi / Tổ quốc lại trao Huân chương Anh hùng cho mẹ / Nỗi đau cũ nguôi ngoai, vinh quang này mới mẻ / Mẹ đã già từ những tháng năm xưa”. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước ta được thống nhất, niềm vui sum họp đến với rất nhiều mái ấm, bên cạnh đó còn không ít nỗi buồn đến với những gia đình có chồng, con, hoặc anh, chị, em không trở về bởi đã ngã xuống cho đất nước ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Ghi nhận công lao và tri ân những người mẹ đã dâng hiến cho Tổ quốc những đứa con - tài sản vô giá lớn nhất của cuộc đời các mẹ, từ năm 1994, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước đã ký Quyết định đợt đầu tiên phong tặng và truy tặng 19.879 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước. Vinh dự này quả là mới mẻ nhưng không vì thế mà khỏa lấp được nỗi đau khôn cùng và khoảng trống không gì bù đắp nổi trong lòng mẹ. Hàng loạt câu thơ điệp cú pháp và những điệp ngữ “Ai thay thế được con” cứ lặp đi lặp lại đầy xa xót như cứa vào trái tim đến ứa máu: “Ai thay thế được con để mẹ ấm lạnh tuổi già? / Ai thay thế được con để mẹ nhìn thấy mặt? / Ai thay thế được con để mẹ thêm một lần bế ẵm?/ Ai thay thế được con để trong sân ríu rít tiếng bà?”. Chỉ có thể cùng là giới nữ và đã từng làm mẹ, từng dồn biết bao yêu thương và tâm huyết cho con, tác giả mới đồng cảm và thấu hiểu được đến thế nỗi lòng cùng với khát khao của người mẹ mong được “nhìn thấy mặt” con? Giá như con vẫn còn, hẳn giờ đây đã lập gia đình và mẹ có cháu để ẵm bồng.
Điều giản dị ấy giờ trở nên xa vời, hỏi sao không đau xót cho được? Tuy vậy mẹ vẫn không thôi hy vọng “Hai mươi năm mẹ vẫn trông chờ”, mẹ vẫn tin vào một phép màu nào đó “Con sẽ trở về một đêm khuya vắng”. Điệp ngữ “Hai mươi năm” lặp lại tới ba lần, khắc sâu nỗi mong đợi con của mẹ đến thắt lòng. Phần thơ sau của bài nói về hoàn cảnh của mẹ “Nước mắt khiến mẹ lòa / Lưng mẹ còng hơn! Đêm đêm chỉ gió về gọi cửa / Chiêm bao có cả màu khói lửa / Sao không về báo mộng ở đâu con! / Giá có cửa nhà để mẹ được thăm nom”. Thời gian là liều thuốc có thể làm dịu vết thương của rất nhiều người nhưng nỗi đau trong tâm can của mẹ vẫn không sao lành được bởi mẹ chưa tìm thấy mộ - “ngôi nhà nhỏ” để vong linh con trú ngụ không có, đến ngày mất cũng chẳng biết hôm nào, mẹ đành lấy ngày báo tử làm ngày cúng giỗ con, thắp hương lên bàn thờ Tổ quốc “Cầu tổ tiên mình che chở đứa con xa!”. Mấy câu thơ cuối nói lên sự quan tâm đầy ân tình của địa phương và cô bác: “Làng xóm đã thay con dựng cho mẹ căn nhà / Đã có bể nước trong, đã có cong gạo trắng / Mẹ vẫn trồng vạt khoai môn,ươm một giàn mướp đắng / Rằm tháng bảy năm nào cũng gói bánh chờ con”. Rõ ràng là mẹ vẫn không nguôi hy vọng, tiếp tục gieo trồng loại rau quả con quen dùng khi trước, mẹ vẫn làm bánh dịp rằm tháng bảy và đau đáu ngóng chờ con…
Phần kết nói riêng và cả bài thơ thấm đượm một nỗi buồn thương khiến người đọc càng thêm thương yêu và kính trọng Mẹ bởi hoàn cảnh của mẹ là điển hình cho bao bà mẹ Việt khác. Có những nỗi buồn khiến người ta trở nên tầm thường nhưng cũng có nỗi buồn khiến con người trở nên cao cả, thanh khiết lạ lùng. Nỗi buồn của người mẹ trong bài thơ này là một nỗi buồn như thế.
Người gửi / điện thoại