bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 24
Trong ngày: 106
Trong tuần: 1053
Lượt truy cập: 786461

MIÊN MAN - CAO NGUYÊN XANH

Cầm Sơn
MIÊN MAN – CAO NGUYÊN XANH
                                 Bút ký
      Mấy Nhiếp ảnh gia ở Phú Thọ rủ nhau lên Cao nguyên xanh Châu Mộc dự ngày Hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu. Đối với riêng tôi, đã từng làm việc với Mộc Châu, qua lại bao nhiêu lần rồi không thể nào nhớ hết, nhưng mỗi lần có dịp quay lại thăm vẫn thấy trong lòng thắc thỏm như có một cái gì đấy mình còn để quên ở xứ sở cao xanh mù sương ấy. Xe chạy qua khu vực huyện Mai Châu Hòa Bình thì phát hiện một quầng mây ôm núi rất hùng vĩ. Ven đường có một cái nhà xây nhỏ, có sân, có cả cột cờ, chắc là huyện cho xây dựng để du khách chạy trên Quốc lộ 6 có thể dừng chân thưởng ngoạn cảnh quan hùng vĩ của non nước Mai Châu với thung lũng thị trấn như một cái nhụy nằm giữa những cánh hoa xanh khổng lồ miên man, ngút ngát. Chợt nhớ đến ông  bạn nhà thơ họ Lò, tính tình vui vẻ, hóm hỉnh với biệt danh Lò Pú Chóp và bài thơ “Rượu núi” đã từng giật giải nhất trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Có lần tôi đã từng yêu cầu ông đọc ngay tại nhà ông… Nhớ điệu xòe con gái Bản Lác múa trên sàn nhà Lò Cao Nhum, nhớ những ly rượu thay hoa chúc mừng vũ công uống theo kiểu “Sơn La cao”, “Sơn La Thấp” Nhớ những ngụm rượu cần vít chung cùng các em gái Thái sau khi kết thúc điệu xòe…
  Đường vắng, xe chạy mát ga, chẳng mấy chốc đã vào đến địa phận huyện Mộc Châu cũ, nay mới tách ra gọi là huyện Vân Hồ. Địa bàn giáp ranh với huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình thuộc xã Lóng Luông có chung khu Bảo tồn sinh Thái Hang Kia – Pà Cò với những khu rừng nguyên sinh đen xanh mát mắt, một cái chợ nằm trên địa phận của cả hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình. Lóng Luông cũng là quê hương một người bạn gái mà tôi may mắn được thân quen. Trước tiên là từ quan hệ công tác, khi ấy tôi được Tổng công ty Giấy Việt Nam giao nhiêm vụ phát triển vùng nguyên liệu sang Mộc Châu còn Giàng Khánh Ly đang giữ cương vị Phó chủ tịch huyện. Nhưng nếu mới là vậy thì cũng chỉ có thể dừng lại ở mức biết nhau thôi. Chúng tôi quen thân là bởi ngoài nhiệm vụ chính trị ra, Giàng Khánh Ly còn là một ca sĩ. Chị đã từng được tặng thưởng nhiều huy chương vàng trong nhiều hội diễn từ thuở còn là sinh viên, và cho đến khi tuổi ngoại ngũ tuần, chị vẫn cho ra đời những album với giọng ca sâu lắng, đằm thắm, mượt mà.
 Máu “Văn” máu “Nghệ” gặp nhau, không thân quen mới lạ. Nhà tôi bên Phú Thọ, nếu có dịp đi qua là chị ghé vào thăm. Còn tôi, nếu qua đất Mộc Châu cũng không thể không “alo” cho chị. Nhớ năm trước, câu lạc bộ thơ Lạc Hồng đi Điện Biên về nghỉ lại Mộc Châu, Giàng Khánh Ly mặc dù rất bận rộn với công viêc chức trách nhưng chị vẫn bố trí cùng anh chị em văn nghệ Mộc Châu đón tiếp chúng tôi, vẫn hát, hát không cần nhạc đệm mà vẫn cứ hay.
 Đối với cánh nghệ sĩ Nhiếp ảnh, sự thu hút của Mộc Châu ngoài màu xanh của bạt ngàn chè, của miên man đồng cỏ còn là sắc màu rực rỡ đỏ, trắng, tím, vàng…của váy áo thiếu nữ các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, chính vì vậy mới có chuyến đi này của chúng tôi. Cũng vào ngày này nhiều năm trước chúng tôi đã đến, nhưng rồi đến năm sau vẫn cứ muốn đến, năm nào cũng có chừng ấy sắc màu nhưng ảnh thì không năm nào giống năm nào. Còn nhớ cách đây khoảng mươi năm, ông Nguyễn Văn Vinh là phó chủ tịch huyện Mộc Châu phụ trách Nông Lâm nghiệp khi ấy, là người tôi đã từng có mối quan hệ công tác chặt chẽ, đã từng cùng ông đi xuống nhiều địa bàn các xã trong huyện để triển khai công tác trồng rừng. Đối với ngày Hội Văn hóa các dân tộc Mộc Châu, ông Vinh cho biết: Năm đầu tiên, vào đêm ngày 01 tháng 9, tự nhiên thấy rất đông người Mông ùn ùn kéo về huyện lỵ Mộc Châu, lãnh đạo huyện chưa hiểu nguyên do là sao nên cũng lo và đề phòng, canh chừng gìn giữ trật tự an ninh. Bởi đã từng có chuyện những tổ chức lợi dụng sự khao khát tìm vua của người Mông để hoạt động mang màu sắc chính trị. Nhưng sáng hôm sau, ngày 02/9 lại chẳng còn thấy người nào ở lại thị trấn nữa, rồi năm sau cũng vẫn lặp lại như vậy. Sau khi tìm hiểu kỹ thì thấy đây chỉ là một nhu cầu không thể thiếu của người dân tộc Mông, mỗi năm cần có một ngày tụ tập gặp mặt mà người ta quen gọi là “chợ tình”. Chợ tình có từ thời xa xưa ở những địa danh nổi tiếng như Khau Vai mỗi năm một lần, Sa Pa mỗi tuần một lần nay đã được ngành du lịch khai thác tới mức triệt để nên nó mang nặng màu sắc thương mại. Người Mông có nhu cầu một chợ tình thuần khiết nên đã bảo nhau tụ tập về thị trấn  Mộc Châu họp một cách tự phát vào đêm 01/9 để sớm hôm sau về nhà nhau ăn tết mừng ngày độc lập của dân tộc luôn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của đồng bào, đưa hoạt động này trở thành một hoạt động văn hóa có ý nghĩa, lãnh đạo huyện Mộc Châu báo cáo tỉnh và được lãnh đạo tỉnh Sơn La đồng ý cho tổ chức thành ngày Hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu. Ngày hội không chỉ là một đêm ngày 01/9 đến rạng sáng ngày 02/9 nữa mà được khai mạc từ ngày 28 tháng 8 đến hết ngày 02/9. Có nhiều chương trình bao gồm các môn Thể thao, các tiết mục Văn nghệ, các trò chơi và hội chợ. Mỗi năm lại có sự rút kinh nghiệm để năm sau tổ chức tốt hơn, hoành tráng hơn. Năm nay, chúng tôi đến thị trấn Mộc Châu vào hồi 7 giờ sáng đã thấy đông người đủ các dân tộc Mường, Thái, Kinh, Dao… đủ các sắc màu nhưng đông nhất vẫn là người H,Mông. Người H,Mông lại có mấy dòng trang phục khác nhau gồm có người Mông Đơ, Mông Đu, Mông Si, Mông Súa, Mông Lềnh. Gọi là ngày Hội Văn hóa các dân tộc Mộc Châu nhưng riêng đối với người H,Mông thì không phải chỉ là người ở Mộc Châu mà còn có nhiều người đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước và có cả những người từ Lào, Mianma, Thái Lan…cũng về dự hội, khách đến thăm từ Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng đông. Đặc biệt cánh Nhiếp ảnh có nhiều người từ các tỉnh thành rất xa như Công Tiến Thịnh từ Hà Nội, Ngọc Thái từ Quảng Bình…Gặp một nghệ sĩ ở Bắc Giang bảo chúng em đi những hơn mười người, lại có cả những nhiếp ảnh gia là người nước ngoài cũng về say sưa ngắm chụp. Dọc Quốc lộ 6 chạy qua thị trấn, người đi lại ngược xuôi từng tốp, từng tốp sắc màu khác nhau, có những hoạt động mua bán ven đường, có biểu diễn văn nghệ dân gian đường phố. Mặc dù người đông nhưng trật tự an ninh vẫn được đảm bảo, không hề xảy ra xô xát hoặc tai nạn đáng tiếc, cảnh sát, trật tự viên và nhiều thanh niên tình nguyện mặc áo xanh hướng dẫn du khách và người đi hội. Vào sân vận động có hoạt động ca múa tại khu vực sân khấu, đánh cù, thổi khèn, ném pao, thi nấu ăn…
   Được biết còn nhiều điểm khác như rừng thông Bản Áng có lễ hội “hết chá”, ném còn của người Thái, thị trấn Nông trường có thi bắn nỏ, thi kéo co…Theo như Trần Xuân Việt – Trưởng phòng Văn hóa-Thể Thao và Du lịch huyện Mộc Châu cho biết, năm nay có thêm một chương trình đặc biệt là cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) cho huyện và ảnh đẹp Mộc Châu xưa và nay đã thành công tốt đẹp. trong số giật giải có hai ông bạn tôi là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Ngọc Vinh và Ngô Quang Đức. Gặp lại Phạm Thị Lợi – Giám đốc trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Mộc Châu, là người chịu trách nhiệm khá nặng nề trước lãnh đạo huyện về các chương trình của lễ hội, Lợi bảo tối nay có chương trình “Mộc Châu âm vang bản tình ca” đã được luyện tập và chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ hơn một tháng nay, chắc là sẽ rất hoành tráng, tiếc là chúng tôi không ở lại được.
  Chúng tôi dùng bữa trưa bằng một nồi thắng cố được một nhà hàng dựng lán phục vụ ngay tại sân vận động, gọi là thắng cố chứ thực ra nó là một nồi lẩu ngựa, bởi nhà hàng phục vụ ngày lễ hội cho khách thập phương nên không thể là thắng cố ngựa thật được. Tôi đã từng ăn thắng cố thật do người H,Mông nấu trên chợ Sa Pa, nó nặng mùi lòng ngựa, không phải là người H,Mông xịn, chắc không mấy ai quen thưởng thức món này. Năm anh em ăn một nồi lẩu lại còn cả rượu, nước ngọt thoải mái mà mất có hơn sáu trăm ngàn đồng. Khi giao lưu với những người H,Mông mâm bên cạnh, được biết có người từ Vân Hồ lên, có người từ Bắc Yên đến. Con trai H,Mông rất vui vẻ, cởi mở, nhưng con gái thì có vẻ e dè, khó tiếp xúc hơn.
   Vì đã đến Mộc Châu nhiều lần nên theo kế hoạch, chúng tôi chỉ cần bấm máy lấy không khí ở lễ hội. Do vậy, sau khi dùng bữa trưa, chúng tôi lên xe quay về. Được biết nghệ sĩ Nhiếp ảnh Ngọc Vinh vừa có cuộc triền lãm ảnh cá nhân, chúng tôi rẽ vào nhà riêng thăm, ông nói là mấy anh em nhiếp ảnh Mộc Châu vừa đi cửa khẩu Lóng Sập chụp ảnh chọi trâu về còn ảnh triển lãm thì lại treo trong khách sạn Công Đoàn Mộc Châu. Lúc đi ngang qua chúng tôi thấy khách sạn này đang được nâng cấp rất khang trang, khác hẳn những năm trước tôi thường đến đây tá túc. Được biết khách sạn nay đã thay đổi loại hình doanh nghiệp thành công ty cổ phần rồi, đúng là đổi mới vẫn có khác, nó có chủ rõ ràng chứ không nhập nhằng theo kiểu “Toàn dân làm chủ” mà thực chất chẳng có ai là chủ nhân thực sự như thời bao cấp trước kia. Chợt nhớ đến ngày dự trại sáng tác VHNT tại khách sạn Công Đoàn Mộc Châu do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức, nhớ ánh mắt như có lửa của cô gái Thái trong ảnh Ngọc Vinh, nhớ tiếng sáo Mông réo rắt như rủ rê, mời gọi của Ngô Quang Đức, nhớ Hoàn Thiện, Thái Hưng, Cầm Hùng, Phan Định, nhớ Vân Hạc, Thủy Chi…Nhớ nhà văn Đăng Bảy, nhạc sĩ Xuân Vinh đã cùng lọ mọ đến Mộc Châu để rồi cùng sáng tác bài hát “Khúc nhạc thu Tây Bắc”… Nhớ cả buổi giao lưu thơ giữa Câu lạc bộ thơ Lạc Hồng Phú Thọ với Câu lạc bộ thơ Thảo Nguyên thị trấn Nông trường ở hội trường khách sạn, nhớ chú Mạnh bếp trưởng, cô Hà kế toán mà tôi bấm được cái ảnh cô bắt tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông lên thăm Sơn La rẽ vào dùng cơm trưa tại khách sạn. Nhớ những buổi rủ nhau đi hát karaoke rồi nhớ lây đến cả bà bán cháo lúc nửa đêm…nhớ truyện ngắn “ Hạnh phúc xanh” và bài thơ “Mơ” viết về Môc Châu ngày tham dự trại.bosuamocchau
Tôi mơ được chở buồng cau
Thuốc chè, trầu quả qua cầu bản em
Để cùng cô bé lọ lem
Vào trang cổ tích ta đem nhau về!
Vòng xòe tay nối vai kề
Mặc hồn lạc cõi si mê bồi hồi
Hoa ban nở trắng tình tôi
Đồi chè, đồng cỏ bật chồi non tơ
Thôi thì ở lại làm thơ
Trồng đào, ươm mận…
                             Đợi chờ mùa cau…
 
  Chúng tôi quyết định lối về đi theo đường qua huyện Phù Yên, hy vọng chụp được những bức ảnh về hoạt động thủy sản ở vùng lòng hồ Sông Đà. Từ thị trấn Nông trường xuống đến bến phà Vạn Yên có đoạn đường dài trên dưới 40 km đi qua những xã Hua Păng, Tả Lại, Nà Mường, Tân Hợp… mà trước đây tôi đã từng cùng ông Vinh triển khai công tác trồng rừng. Lại nhớ những kỷ niệm xưa…Những ngày đầu, khi mới triển khai phải lên báo cáo lãnh đạo tỉnh Sơn La, chúng tôi đi theo đường qua Bắc Yên, qua cầu Tạ Khoa, qua huyện Mai Sơn rồi gặp Quốc lộ 6 tại Cò Nòi. Cơ man nào là ngô, ngô điệp trùng từ chân lên đến tận đỉnh núi. Khí hậu đã phú cho cây ngô ở Sơn La có một sức sống mãnh liệt, tầng đất màu mỏng dính, bên dưới là đá hoặc đất mẹ thế mà cây ngô vẫn cứ tươi xanh. Chắc gió núi, mây trời, sương sa cùng nắng ấm đã hòa quyện cho cây ngô đơm hoa kết trái. Vẫn biết rằng thời chiến tranh chống Mỹ, hàng ngàn vạn tấn ngô từ đất này đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp kháng chiến thắng lợi. Nhưng với con mắt của nhà Lâm nghiệp, tôi vẫn thấy không yên tâm bởi nhìn những con suối, con ngòi khi nước lũ lồng lên ngầu đỏ, mỗi năm chuyên chở hàng triệu mét khối đất đem lấp lòng hồ thủy điện Sông Đà. Khi ấy, tôi đã từng bật ra một bài thơ mà sau này ông Nguyễn Văn Vưu – Phó bí thư thường trực huyện ủy huyện Mộc Châu lúc bấy giờ yêu cầu tôi đọc tại một cuộc họp Thường vụ huyện ủy mở rộng mà tôi được mời dự nhưng tôi không dám đọc:
Sập trời dải xuống thành ngô
Gập ghềnh xe chạy nhấp nhô núi đồi
Thương câu thơ thuở xa xôi
“Rừng che bộ đội” hết rồi còn đâu
Chang chang nắng đổ trên đầu
Mang mang đồi trọc, ngầu ngầu dòng sông
Ừ thì ngô đã trổ bông
Nhưng liệu mùa tới còn trồng được chăng?
Trắng trời mưa dội dăng dăng
Xẻ đồi, nước cuốn trôi phăng xuống hồ
Trồng rừng ư? - hãy cứ chờ
Đất này dự án đã sờ từ lâu
Mày lay, lau, cỏ ngập đầu
Cũng là phòng hộ, cũng mầu xanh thôi (?!)
Tiền thì dự án chi rồi
Nên trên giấy mực phải coi là rừng
Bao nhiêu dự định đành ngừng
Đất mà không có trồng rừng vào đâu
Nhắn người yêu quý Mộc Châu
Gian nan là bước khởi đầu đấy thôi
  Để rồi đem cái nhiệt huyết, quyết tâm, quyết chí phủ xanh rừng trồng trên trùng trùng đồi trọc nơi đây:
 
Được lòng dân - thắng lợi rồi
Có tình đất sẽ bật chồi đơm bông
Phải làm trong lại dòng sông
Rừng trồng phủ kín mênh mông núi đồi
Dẫu đi cuối đất cùng trời
Vững lòng, quyết chí - không dời Mộc Châu!
 
 Từ nhiệt huyết ấy đã gắn kết chúng tôi, ông Vinh nguyên là kỹ sư Nông nghiệp quê ở một tỉnh đồng bằng được phân công công tác lên ở từ những năm thuộc thập kỷ 70 thế kỷ trước thành người Châu Mộc, ông Vưu là người Thái Bình nhưng đã nhận đất này làm quê hương cũng từ thời gian đó, ai cũng mơ ước núi rừng Mộc Châu được trả lại màu xanh của rừng như thời kỳ “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” hoặc ít ra cũng như rừng bên Phú Thọ. Tôi là người được Phú Thọ cử lên đặt nền móng cho sự nghiệp trồng rừng nên được các ông rất yêu quý, ông Vinh còn coi tôi như một người em, những điều hay, nét dở của Mộc Châu ông đều trao đổi với tôi. Ông dặn: “Lên đến thị trấn Mộc Châu cấm không được cho người lạ đi nhờ xe, dù đấy là cô gái xinh đẹp hay ông già khốn khó cũng đều không cho đi, nhỡ ra trong hành trang của nó có vài bánh là chú đi tong”. Đấy là cái dở ở Mộc Châu về tệ nạn buôn lậu Heroin, chống mãi cũng chưa đẩy lùi nổi vì nó nằm trong đường dây buôn lậu trung chuyển từ vùng Tam giác vàng ra thế giới. Ông dẫn tôi đi thăm rất nhiều cảnh quan cũng như tiềm năng phát triển của Mộc Châu. Những điểm du lịch chính có Thác Dải Yếm, nơi mà người mẫu Ngọc Quyên cùng Nhiếp ảnh gia Tô Thanh Nghiệp có bộ ảnh gọi là “Vì sự nghiệp bảo vệ môi trường” gây ra nhiều ý kiến trái chiều cho cư dân mạng một thời, có Hang Dơi, Bia Tây Tiến, có rừng thông Bản Áng, Ngũ Động... Về tiềm năng kinh tế, ông dẫn tôi đi thăm và giới thiệu đồi chè Ô Long, một dự án đầu tư của Đài Loan mang giống chè từ bên họ sang trồng, chè này là một sản vật quý, ngon bổ, thơm mát. Khi thu hoạch búp phải hái bằng tay chứ không được dùng máy để đảm bảo độ chính xác của búp chè, những ngày phát lệnh hái, đồi chè người đông như trẩy hội, búp chè vào chế biến được vo tròn trông tưởng là lá chè bồm nhưng khi pha nước nở bung ra đúng một tôm hai lá. Rừng mận Bản Ôn bạt ngàn, mùa xuân hoa trắng, miên man cùng sắc trắng hoa ban, mùa hạ quả sai trĩu trịt thách đố nam nữ đua tài trong ngày hội hái quả Mộc Châu. Khu nông nghiệp công nghệ cao có rau quả trồng trong nhà kính, hoa ly, tu líp, lay ơn, cúc tím cũng trồng trong nhà kính. Lại có cả những trang trại bạt ngàn phong lan, địa lan rực rỡ đỏ vàng xanh trắng. Ông dẫn chúng tôi thăm những trang trại bò sữa với công nghệ vắt sữa bằng máy, đến buổi vắt sữa, bầu vú những chú bò căng mọng nên chúng rất cần được vắt sữa để gỉai tỏa, chúng đứng đợi đến lượt rất trật tự, chỉ cần chủ trang trại xướng đến số hiệu chúng là chúng nhanh nhẹn đi vào vị trí đặt máy vắt sữa. Được biết cứ đến 14, 15 tháng 10 hàng năm, Mộc Châu lại có ngày hội thi “Hoa hậu bò sữa” với hàng ngàn “thí sinh bò” tham dự. Năm 2014 là năm thứ 10 tổ chức, Cúp vàng Hoa hậu được trao cho “thí sinh bò” số 1386 của hộ ông Bùi Văn Định ở tiểu khu Sao Đỏ với sản lượng trong chu kỳ vắt sữa lên đến 14 tấn, có khả năng cho đến 80 lit sữa một ngày. Ông còn dẫn tôi đến thăm dây chuyền sản xuất của Nhà máy Sữa Mộc Châu, rất ít khách được vào vì quy trình công nghệ yêu cầu vệ sinh nghiêm ngặt…Đồng thời chúng tôi cũng từng cùng nhau thưởng thức những món ăn đặc sản của thảo nguyên xanh, món độc nhất chỉ riêng Mộc Châu có là bê chao. Bê chao là thịt của những chú bò đực chỉ mới vài ngày tuổi. Ở đây người ta cần bò cái nuôi để lấy sữa chứ không cần bò đực nên bò sơ sinh mang giống đực thì ngay lập tức được đưa ra nhà hàng để thành món ăn đặc sản hấp dẫn thực khách muôn nơi. Rượu mận cũng là đặc sản, ở Mộc Châu có một nhà máy chưng cất rượu được chế biến từ quả mận, đúng là ít có nơi cất được loại rượu này. Nếu vào làng Văn hóa, thưởng thức món bê chao, cá phết mật ong nướng chấm chảm chéo mà người Thái Đen gọi là Pa pình tộp, thịt trâu hun khói, ốc đá suối Bàng, khoai sọ Mán, rau cải Mèo, nậm pịa, xôi ngũ sắc, uống với rượu mận rồi cùng chị em người Thái múa xòe thì thôi rồi…
 
Mật ong vàng sánh long lanh
Rượu mận nồng ấm chòng chành bờ môi
Điệu xoè cũng ngất ngây rồi
Bao cô gái Thái đứng ngồi đong đưa
Rượu hay tình đã say sưa
Gà rừng gọi sáng mà chưa muốn về.
 
 Cứ miên man nhớ, miên man mơ, chẳng mấy chốc mà xe đã đến bến phà Vạn Yên. Chú nhân viên Nhà Phà có vợ và cái hàng quán trên bến vẫn còn nhớ tôi bảo lâu lắm mới lại thấy bác qua đây. Ờ phải, tôi nghỉ hưu có đến gần sáu năm rồi còn gì. Trước khi nghỉ hưu, Phân trường Mộc Sơn có trụ sở đóng tại Nà Mường thuộc Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn tôi quản lý đã được Tổng công ty Giấy tách ra thành Công ty riêng. Vậy mà bây giờ chú nhân viên Nhà Phà bảo cái trụ sở ấy đã bàn giao lại cho địa phương thành trụ sở Ủy ban nhân dân xã Nà Mường rồi. Công ty Mộc Sơn giải thể không còn tồn tại nữa. Ước mơ đồi núi Mộc Châu xanh đen bạt ngàn những cánh rừng nguyên liệu giấy của tôi, của ông Vinh, ông Vưu đã tan thành sương mù để trả lại cái “Sập trời dải xuống thành ngô” cho đồi núi Mộc Châu. Ừ thì tôi và những người lãnh đạo cấp trên tôi đã nghỉ hưu, khi công ty Mộc Sơn phải giải thể là từ những người lãnh đạo khác. Nhưng từ sâu thẳm đáy lòng, tôi tự thú nhận việc nó không tồn tại được cũng một phần lớn là do lỗi tại tôi, hóa ra không chỉ cứ ý chí là có thể làm được. Ừ thì nếu là rừng cây thì môi trường sẽ được bảo vệ tốt hơn, nhưng rừng cây nguyên liệu giấy chưa làm cho cái bụng của dân no ấm được. Cứ cho là năng suât rừng cao thì mỗi năm cũng chỉ đem lại thu nhập năm, bảy triệu đồng trên một héc ta, mà tận tám năm mới hết một chu kỳ rừng. Nếu trồng ngô thì một năm ba vụ, mỗi vụ cho cả chục triệu đồng mà chỉ đầu tư, chăm sóc có mấy tháng đã cho thu hoạch. “Dân dĩ thực vi thiên” Chẳng có lý luận nào thuyết phục dân hơn là làm sao cho cái bụng họ no, cái thân họ ấm.
 
   Phà chở chúng tôi ra đến giữa lòng hồ, tôi thẫn thờ ngắm lại những quả đồi mà tôi đã từng cho trồng rừng nay lại trở thành trọc lốc mà ngao ngán buồn, ngao ngán đến xót xa vì sự thất bại của mình. Ừ thì “Nhân vô thập toàn” Cuộc đời mấy ai được “Vạn sự như ý”. Thôi thì tự an ủi rằng mình cũng đã toàn tâm, toàn chí rồi nhưng “Lực bất tòng tâm”. Nghĩ mình cũng chỉ là một giọt nước nhỏ nhoi hòa trong lòng hồ mênh mông có cái phà chở mình đang lênh đênh trên mặt nước…
  Cho dù sự nghiệp bất thành, nhưng những năm tháng gắn bó với cao nguyên xanh Châu Mộc đã ghi dấu hình sắc nét trong tôi không bao giờ phai nhạt. Ấy là những cảnh quan đa dạng, đa diện, đa sắc màu kỳ thú, ấy là những miền đất của cao nguyên mát mẻ, tươi xanh và đặc biệt, ấy là lòng người Châu Mộc mãi mãi là nguồn nhiệt sinh học sười ấm tình rừng, tình núi, tình tôi.
 
                                                                              C.S
 
                                                
 
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)