bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

mike fun

bài rất hay tôi có thể lấy làm bài ktra ko

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM GỌN VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÙI PHƯƠNG THẢO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN LÃ THANH TÙNG!THƯƠNG NHỚ ĐĂNG BẤY, NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG VUI TÍNH , HÒA ĐỒNG, GIẢN DỊ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

 

VU NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN!KÍNH MỜI CÁC ANH CHỊ DỰ BUỔI TỌA ĐÀM ĐÓ XEM HÌNH ẢNH CỦA MÌNH TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 55
Trong tuần: 823
Lượt truy cập: 716961

MỘT NGƯỜI SAY ĐỒ XƯA

Một người say đồ xưa – Tạp bút của Bùi Đức Khiêm

 

Vanvn- Hơn 10 năm qua, sau nhiều chuyến rong ruổi đi Tây bắc, Tây nguyên rồi thì dọc dài miền Trung vào Sài gòn đến các tỉnh Tây Nam bộ và vài ba chuyến chu du đi Tây đúng nghĩa (châu Âu)…giờ thì trong hai ngôi nhà của Mạnh chỉ có thể nói: Cơ man là đồ xưa được sưu tầm và lưu giữ. Để tìm hiểu chi ly về số lượng, tên, xuất xứ, ý nghĩa, giá trị…của từng hiện vật lớn nhỏ của Mạnh thì có dễ phải vài ba ngày, thậm chí cả tuần lễ?

Nhà văn Bùi Đức Khiêm

I. Đó là gã trai Nguyễn Mạnh, ít hơn tôi 20 tuổi. Hơn hai năm trước chú cháu bắt chuyện rồi quen nhau ở “chợ xe đạp” bên Hồ Tây, rìa đường Thanh Niên. Nói là chợ, nhưng thực ra mua, bán diễn ra chẳng mấy còn thì chủ yếu dân chơi xe đạp Hà thành thường tụ tập đến đây vào sáng sớm thứ bảy, chủ nhật hằng tuần để trưng, khoe con xe mình đang sở hữu là chính! Họ dựng từng tốp những chiếc xe (đa phần là Peugeot) mới tinh tình tình có, cũ kỹ từ nhiều chục năm trước có rồi ngồi uống nước chè chén cạnh đó mà chém gió, bình phẩm về sắc mầu, tuổi đời, cả giá trị thương mại của từng con xe…

Tôi thường sáng ra đạp xe sở lượn một vòng Hồ Tây, thi thoảng dừng ghé đây ngắm nghía và hóng chuyện về xe đạp. Tất nhiên rồi, cũng xôm tụ và vui ra phết! Một hôm Mạnh rủ tôi ghé Galleri tranh tượng của mình chơi. Hóa ra Galleri tranh tượng của Mạnh lại ở ngay giữa con dốc thoai thoải từ đường Văn Cao quẹo lên đường Hoàng Hoa Thám, cách nhà tôi chỉ mấy trăm mét. Đó là một ngôi nhà nhỏ chỉ chừng 20 mét vuông, ba tầng. Tầng nào cũng xin xít tranh, tượng, đồng hồ, các loại bình, lọ chất liệu sứ và gốm…đồ ta lẫn đồ tây đủ cả. Tóm lại, một Galleri khá phong phú và ấn tượng!

Chuyện trò rồi tôi biết, đây chỉ là nơi giao lưu, trao đổi với những người cùng đam mê và sở thích. Còn thì Mạnh có một cơ ngơi lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật văn hóa xưa và nay ở huyện ngoại thành Phúc Thọ, cách trung tâm Thủ đô gần 50 km. Mạnh nói với tôi: – Ở đó mới thực sự là một “thế giới đồ xưa” riêng – nơi cháu thường đi về nghe nhạc, ngắm nghía, thưởng ngoạn những đồ vật mà lâu nay cháu dày công sưu tầm và lưu giữ.

Thế là tôi hẹn hôm nào cùng đi Phúc Thọ với Mạnh. Hẹn hò vậy, nhưng rồi cũng bẵng đi đến hai năm…

Bình vôi cổ Đông Sơn thế kỷ 18 – Người say đồ xưa Nguyễn Mạnh.

II. Nguyễn Mạnh đội mũ phớt dạ trông giống như một tài tử điện ảnh ngồi sau vô lăng đến nhà đón tôi đi. Huyện Phúc Thọ nằm trên trục đường 32 ngược lên xứ Đoài – Sơn Tây. Trên một thửa đất khá rộng cách trung tâm phố huyện không mấy xa, Mạnh dựng hai ngôi nhà, một chính diện nhìn thẳng ra cái cổng sắt, rộng chừng 150 m2, một nhỏ hơn chừng 70 m2 nằm dọc với lối cổng ra vào. Giữa hai ngôi nhà là khoảng sân có cây xoài và cây khế đang trĩu quả. Hai ngôi nhà của Mạnh đều 3 tầng, được thiết kế theo kiểu nhà biệt thự thời Pháp ở Hà Nội. Nói chung cả hai ngôi nhà trông rất Pháp, từ cái cổng sắt đến cửa chính bằng gỗ vào nhà rồi cửa sổ các tầng đều sơn một mầu xanh đậm, dịu mắt. Ngày nay người ta có thể thấy dáng dấp một vài cái cổng sắt và mầu sơn cửa gỗ của một số tòa nhà các Đại sứ quán nước ngoài trên phố Trần Phú, Lê Hồng Phong hay hai bên con đường rất đẹp Phan Đình Phùng (Hà Nội). Đến như hàng con tiện mấy lan can bancon, rồi cầu thang lên tầng trong nhà của Mạnh cũng được thửa i trang phom con tiện ở Nhà hát lớn Hà Nội hay một số ngôi nhà quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Như thế chứng tỏ Nguyễn Mạnh – chủ nhân của hai nhà – là người yêu thích kiến trúc, nét văn hóa Hà Nội xưa đến như thế nào!

Nguyễn Mạnh học chuyên ngành kiến trúc, ra trường nhiều năm làm cho Công ty Kiến trúc, phong cảnh – Văn hóa xưa và nay và từng trực tiếp tham gia trùng tu, tôn tạo nhiều di sản văn hóa ở Hà Nội, Hưng Yên, Huế, Đà Lạt…Không biết từ bao giờ máu say mê tìm hiểu, sưu tầm và lưu giữ các hiện vật mang đậm nét văn hóa ta lẫn tây qua các thời kỳ ngấm vào con người Mạnh? Tôi để ý thấy trên tường nơi phòng tiếp khách của Mạnh có treo Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Lê Doãn Hợp ký tặng: “Đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa thông tin phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2006 tổ chức tại Hà Nội tháng 11 năm 2006”.

Ở tuổi gần ngũ thập, Mạnh thôi không làm cho công ty nữa. Nguyên do là sự gò bó về giờ giấc, đã thế nhiều cái cần lưu thì không được giữ, nhiều thứ lẽ ra phải sưu thì chẳng mấy ai tầm. Vậy là Mạnh ra làm tự do để thỏa sở thích và ý tưởng của riêng mình.

Hơn 10 năm qua, sau nhiều chuyến rong ruổi đi Tây bắc, Tây nguyên rồi thì dọc dài miền Trung vào Sài gòn đến các tỉnh Tây Nam bộ và vài ba chuyến chu du đi Tây đúng nghĩa (châu Âu)…giờ thì trong hai ngôi nhà của Mạnh chỉ có thể nói: Cơ man là đồ xưa được sưu tầm và lưu giữ. Để tìm hiểu chi ly về số lượng, tên, xuất xứ, ý nghĩa, giá trị…của từng hiện vật lớn nhỏ của Mạnh thì có dễ phải vài ba ngày, thậm chí cả tuần lễ?

Trong khoảng thời gian hai ba giờ đồng hồ “lạc” đến đây tôi chỉ có thể chấm phá, khắc họa đôi nét về gia tài riêng của một người say đồ xưa mà tôi chưa từng gặp trong đời. Trước hết là cái “kho” xe đạp, xe máy cổ hơn 200 chiếc, xếp gần kín mặt bằng tầng 3 của ngôi nhà lớn. Chủ yếu là Peugeot (Pháp) còn thì là xe Fa-vô-rit, Adiman, Mipha…đây là những thương hiệu xe đạp có xuất sứ từ các nước Tiệp Khắc, CHDC Đức (trước đây) xuất hiện ở miền Bắc vào những năm 60 – 70 thế kỷ trước. Cho đến nay bóng dáng những con xe ấy vẫn còn đọng lại trong ký ức của nhiều người tiêu dùng. Nhưng tôi thực sự ấn tượng và thấy có điều gì đó gần gũi hơn chính là những món đồ quý hiếm của người Việt cổ. Đó là những chiếc bình vôi, những chiếc thạp, đỉnh, chân nến, bát đĩa sứ từ thời Lý, Trần, Lê hay những chiếc trống đồng Đông Sơn, mấy bộ cồng chiêng, sanh đồng của người Mường xưa…

Tranh thiếu nữ các dân tộc thiểu số Tây bắc

Tôi lại cũng rất thích thú ngắm những bức tranh treo trên tường ở phòng ăn của Mạnh khi buổi trưa hai chú cháu ngồi nhâm nhi nâng lên đặt xuống chút chút. Đó là bộ tranh vẽ chân dung các thiếu nữ người dân tộc thiểu số ở Tây bắc bận trang phục riêng của dân tộc mình. Mạnh nói là tranh của một họa sĩ “tay trái”, người Hà Nội lên Sa Pa định cư từ nhiều chục năm trước. Khác với các tác phẩm tranh thường thấy tại các bảo tàng, nhà triển lãm mỹ thuật ở Hà Nội, khung tranh các thiếu nữ người dân tộc thiểu số làm bằng thân cây gỗ nhỏ. Trông thô mộc, đơn giản, nhưng lại rất độc đáo với mầu sắc trang phục của các nhân vật trong tranh. Treo dưới các bức tranh đó là những chiếc mõ trâu, một vật dụng khá phổ biến của người miền núi Tây bắc, trước đây thôi chứ giờ thì tôi biết đã thuộc diện khó kiếm!

Cô bé giúp việc cho Mạnh khi bê đồ ăn ra bàn, không biết do vô tình hay cố ý chạm  khuỷu tay vào mấy cái mõ trâu trên tường làm phát ra chuỗi âm thanh “lốc cốc, lốc cốc…” nghe đến là vui tai.

Gia chủ quả là một người có ý tưởng và khéo sắp đặt!

Bồn tắm đá của vua Mèo Vương Chí Sình

III. Trưa ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024, tôi điện thoại cho Nguyễn Mạnh để hỏi thêm vài chi tiết bổ sung cho bài viết này. Mạnh bắc máy, giọng nghe chìm và xa lắm, hình như là tiếng gió rú rít: – Cháu đang tận trên Đồng Văn – Mèo Vạc, phải hai ba hôm nữa mới về Hà Nội!

Lại thêm một chuyến đi nữa của người say mê sưu tầm và lưu giữ đồ xưa. Mấy hôm sau Mạnh có mặt ở Hà Nội. Gặp tôi, Mạnh hí hửng khoe: – Cháu mới tầm được chiếc bồn tắm bằng đá của ông vua Mèo Vương Chí Sình xưa nhé!

Mừng cho Nguyễn Mạnh. Tôi biết, Mạnh đang ấp ủ ý tưởng lập một bảo tàng cá nhân về văn hóa đồ xưa sưu tầm được từ một số vùng miền của đất nước…

Hà Nội, đầu năm 2024.

BÙI ĐỨC KHIÊM

Xem thêm:
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)