Nhà văn Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1944, tại xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Giải thưởng:
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001
- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002
- Giải thưởng Văn học Asean năm 2004 cho tập truyện Một loài chim trên sóng.
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm Một loài chim trên sóng, Tản mạn trước đèn.
MỘT LOÀI CHIM TRÊN SÓNG
Truyện ngắn
Bìm bịp kêu đâu đó, thế là mùa nước lên, những con chim cánh nâu, ức cổ mang màu đỏ như lửa bay là là ngang qua mặt đê, ngang qua mặt người. Chúng bay gần lắm, tưởng như với tay ra là tóm được, nhưng khốn thay chính lúc ấy ta lại đứng sững lại vì quá ngỡ ngàng và thế là chúng mất hút trong bãi dâu. Trời trong xanh. Mây trắng ngổn ngang tầng tầng lớp lớp. Dưới sông Cầu nước trôi băng băng, con sông già nua vốn thường uể oải lờ đờ mà nay bỗng quay cuồng với những vùng xoáy trông vào đến khiếp. Vài ba con thuyền ngược dòng nặng nhọc, buồn kéo lên đón nam tuy vậy vẫn phải có thêm dăm người khom lưng cõng dây kéo, họ bước chậm chạm ven bờ.
Nhưng bên trong đê lại là một khung cảnh khác hẳn, thật êm ả. Cánh đồng rộng không một bóng người, vừa gặt chiêm xong, mặt ruộng khô ráo còn trơ những gốc rạ. Giữa đồng là một dãy chuôm nước trong veo, đấy là vết chân ngựa ông Gióng, móng ngựa sắt cắm sâu vào đất, để lại kỷ niệm muôn đời. Dãy chuôm chạy từ những vùng đất xa xôi về tới đây thì chấm hết. Thuở ấy ông Gióng qua làng chúng tôi rồi leo lên núi Sơn, bay về trời. Ông Gióng đánh tan giặc là đi luôn, cho nên trên núi giờ vẫn đang còn đền thờ ông. Bà nội tôi kể ông hiển thánh cũng bởi thế, nếu ông không về trời ngay mà còn ở lại lấy vài mươi năm thì thiên hạ thật khó nhọc, bởi vì ông ăn khoẻ lắm, mỗi bữa ăn nong cà bảy nong cơm. Ngẫm ra những ai chịu chết sớm nhường miếng ăn cho người khác cũng đã đáng để được thờ phụng. Buổi hai bà cháu tôi dắt nhau xuống Sơn là một buổi nắng đẹp. Bóng tôi bóng bà lồng dưới đáy chuôm. Chúng tôi tắt qua cánh đồng để lên đê. Bà không quên dặn tôi chớ có bao giờ lội xuống đùa nghịch dưới những cái chuôm ấy nữa. Tất nhiên là tôi biết sợ rồi. Hồi năm ngoái tôi suýt chết đuối ở chỗ này. Tôi theo lũ bạn trong làng ra đồng vầy nước, rồi thình lình hai chân tôi bị ai tóm chặt lôi tụt xuống. Tôi sặc sụa vẫy vùng mà không sao thoát ra khỏi đám rong đuôi chó dầy dịt, những bụi rong ngoi theo nước vật vờ như cánh tay ma. Khi tôi được lũ bạn kéo lên thì bụng đã trương phềnh. Tôi được chúng đặt lên bờ cỏ, nằm thẳng cẳng, đứa dận chân vào bụng cho nước ộc ra, đứa quỳ xuống hai tay chắp lạy lia lịa. Chúng khấn xin cô Nỗng cho tôi được sống. Những cái chuôm vốn mang một truyền thuyết đẹp, từ ngày cô Nỗng chết thành ngao ngán quá thể. Tôi như con cá ươn thở ngáp một lúc lâu thì hồn vía nhập về, lúc tỉnh lại lũ bạn xúm quanh hỏi ở dưới ấy thế nào, có gặp cô Nỗng không, tôi đáp không gặp ai cả nhưng sợ lắm, đúng là có người, có rất nhiều người đưa tay giằng co rủ rê mình ở lại. Mà không phải mình đang chìm xuống nước, nó cứ mang máng như thể đang bay lên trời. Hôm sau bà tôi sửa lễ mang tôi ra miếu cô, thắp hương tạ lỗi. Trong miếu chẳng thấy có gì ngoài một cái bình vôi lăn lóc và một đống cứt trâu trước đấy tôi có chót dại vứt vào. Bà bảo tôi ngồi trước cửa miếu, dưới bóng cây đa cổ thụ, lầm rầm kể cho tôi rõ bí mật cuộc đời khốn khổ của cô. Người đã phải sống một kiếp trầm luân như thế là ta phải thương yêu, phải kính cẩn, chớ có hỗn hào. Sinh thời cô là một người con gái cao lớn khác thường, bàn chân to như bàn cuốc, tay dài như tay vượn mà hiền hậu lắm. Nhưng người thế ai dám lấy về làm vợ, lâu dần cô thành ế chồng. Tính nết mỗi ngày một thất thường, lắm lúc như người hóa dở. Trai làng nhiều người sức vóc lực lưỡng nhưng hễ nghe tiếng cô là lảng trốn, có người bị cô đuổi kỳ cùng, ba ngày không dám bén mảng về nhà. Cô chết thê thảm. Dắt một con trâu mộng lầm lũi ra giữa đồng, vật nhau với trâu từ sớm đến xế chiều, tiếng chân người chân trâu quần thảo huỳnh huỵch. Hôm sau làng xóm thấy xác cô xác trâu nổi trên mặt chuôm. Mái tóc đen nhánh như mun phủ lòa xòa lên khuôn mặt bầm tím, cái miệng há rộng như cười cợt. Còn con trâu thì bị bẻ gãy cả hai sừng, nó bị rút tung ruột ra, hai hòn dái cũng bị cô bóp lòi ra, nát bét. Bà tôi ngồi thở than trước miếu. Các anh bây giờ là người hay quỷ mà xấc xược cốc láo làm vậy, rồi tai ương có lúc sập xuống cho mà xem. Sống trên đời đã có người là phải có thần có thánh, ai xui các anh vào chùa vặn chân tay phật, vứt những thứ thối tha vào chỗ linh thiêng. Những quân vô sư vô sách, những đứa tham lam mưu kế, những phường lừa thầy phản bạn... tất thảy nếu không chịu sửa mình rồi sẽ phải gặp nhau ở đáy địa ngục. Bị hỏa thiêu, bị quỷ sứ moi gan móc mắt. Có sống thêm ngày nào ở đời cũng mới chỉ là sống tạm, nào có vui sướng gì cho cam, còn phải qua nhiều kiếp nữa chứ, vậy mà các anh chẳng hay biết gì, các anh hỗn loạn nhốn nháo quá... Giọng bà khê khê, nằng nặng, khắp vùng không có tiếng nào khó nghe như tiếng làng tôi, chợt nghe là nhận ra ngay, chẳng trộn vào đâu được. Người ta kêu "ối trời đất quỷ thần ơi", thì làng tôi mọi người lại kêu "ới ểu ơi là ểu ơi, ế leo ơi". Thiên hạ ngày tết gói bánh chưng vuông, bánh chưng làng tôi lại tròn và dài như cây cột. Làng người ta gặp năm đình đám mở hội thi múa hát kèn sáo, rước cờ rước kiệu, còn làng tôi thì khác hẳn, đám đông đàn ông cởi trần chân đất, mỗi người đóng một cái khố, hò nhau khiêng những quả pháo rõ to mang ra ngoài đồng đốt ầm ầm như súng thần công - Năm nào có đốt pháo là thấy có trẻ con bị chết cháy - họ xem sự chết như thế là một sự may. Người ta gọi chỗ đi ngoài ra hố xí, làng tôi gọi là chuồng trồ, còn phân thì gọi là khuẩn, khuẩn lợn, khuẩn chó, khuẩn người. Củ khoai lang thì gọi là con củ! Những người thông thạo lịch sử bảo gốc tích tổ tiên chúng tôi từ trong Thanh Nghệ mò ra đây lập ấp, mà cũng có thể là những tù binh Chiêm Thành bị vua Lê vua Lý thích trán xăm mặt rồi đầy về đây khẩn hoang. Tóm lại nguồn gốc kể ra chẳng lấy gì làm vẻ vang cho lắm. Mà sự tối tăm mờ mịt xem ra có phần hơi nhiều. Trong khi đó các làng xung quanh là cả một vùng văn hiến. Làng nào cũng một đống ông Nghè một bè ông Cử, có người vác đó đi đơm tép gặp khoa thi vội rửa chân tay vớ luôn nghiên bút làm bài vèo một cái là đỗ. Có ông mít đặc biết tuốt nói năng mộng mị một hồi được phong trạng, tục gọi là Trạng Lợn. Con cháu họ về sau cũng vẫn một cái mẹo ấy mà hóa cử nhân tiến sĩ rất nhiều. Lại như con gái làng tôi thì vụng dại đủ đường, ăn nói líu lo ngọng nghịu đã đi một nhẽ, nhiều cô nghiện thuốc lào, vừa nhóm bếp vừa rít điếu cày chân thò vào lửa không rút ra nổi, có cô nói khí không phải, say thuốc đái cả ra quần. Chả bù cho các cô gái làng bên, họ ăn nói mới duyên dáng làm sao. Có cô động mở miệng là thành vè rồi. Trẻ con cùng lứa chúng tôi, có đứa nổi tiếng thần đồng. Nhìn chiếc lá bàng rơi nó nói đấy là thông điệp của trời gửi cho đất, trong khi chúng tôi chỉ chầu chực chờ cho cây rụng thêm lá thì tranh nhau thu về nhóm nồi cám lợn. Bởi vậy thật không dám kêu oan khi bà tôi gọi tôi là đứa tối tăm như cái hũ nút. Ai đã chui vào trong cái hũ rồi đậy nút kín lại xem nó tối đến như thế nào thì chắc sẽ hiểu tình cảm của tôi đáng lo ngại đến đâu.
Thế đất làng tôi là cái thế con cua bấy nằm giữa đồng lụt, cho nên dân tình đời này qua đời khác buồn bã là phải. Dẫu có muốn khôn xem chừng cũng khó mà lại nổi với thiên hạ. Nói ra chỉ thêm sượng sùng, vào ngày cúng thành hoàng làng tôi người già bóp chuối tiêu nhừ nát cho vào một cái gơ sơn son thiếp vàng, bên cạnh có đặt một đôi đũa cả, có nghĩa là cụ tổ lập ra làng thuở xưa chọn nghề gắp cứt! Tôi từ khi biết bưng bát cơm trên tay trong cái đầu không óc của mình chỉ thấy những ngậm ngùi, muốn ứa nước mắt. Thương từng bước chân người làng sao mà lật đật, những bước chân mạnh mẽ quá mức cần thiết, đi thế thì đã nhàn nhã làm sao được. Rồi những tiếng mẹ gọi con, vợ gọi chồng í a í ới chiều hôm nghe sao chất phác quá chừng... thôi thì trâu ta ăn cỏ đồng ta, cái phận làng mình nó như vậy, thì thương luôn cái phận ấy. Mỗi bước đi trên mảnh đất làng với tôi đủ là một nỗi miền, một yêu dấu.
*
* *
Trong đầu tôi có óc không nhỉ, điều đó tôi không được rõ lắm, nhưng quả thật tôi chỉ thấy hào hứng mỗi lân được theo bà đi bán ruộng. Nhà neo người, chỉ có hai bà cháu, nhưng ruộng nương thì không biết ở đâu ra mà nhiều thế, hình như làng nào cũng có ruộng nhà mình. Vậy nên hễ có ai đánh tiếng muốn mua ruộng là bán liền, rẻ mấy cũng bán cho xong. Thủ tục mua bán thật đơn giản, đối với tôi nó là chuyện dễ ợt. Dạo đó tôi đã lên mười, cũng đã biết cầm bút ký tên mình lên giấy, nhưng người ta không cần tôi ký, chỉ điểm chỉ là đủ. Hóa ra ngón tay cái của con người ta lạ lắm, không ai giống ai, nhúng nó vào đĩa mực nho rồi ép lên bản văn tự, như thế là ổn thỏa.
Hay nhất là sau đó bao giờ cũng có một bữa ăn thịnh soạn. Tôi được mời ngồi ngang hàng với những ông già, họ vừa gắp thịt tới tấp vào bát tôi vừa phỉnh khéo: "Cậu này lớn lên ắt sẽ là người sứng!". Mũi tôi nở to bằng cái bánh rán, tôi cũng gật gù như các cụ trong lúc dám đàn bà trẻ con chạy tít mù ở xung quanh. "Chị cả đâu nhỉ, cho thêm tí muối chanh, thịt gà muối chanh là phải vị lắm. Dạ có. Bố thằng buồi lấy mấy cái tăm. Dạ tăm đây ông ạ. Chuẩn bị thau nước và cái khăn bông, lấy nước trong bể ấy nhá". Những ngón tay lòng khòng búng nhẹ vào thau nước rồi vuốt qua lên miệng, có người dùng đũa tre quệt ngang mồm. Bữa ăn kết thúc.
Tôi mong lâu lâu lại có dịp được theo bà đi làm cái công việc vui vẻ đó. Nhưng bà tôi thì khác, bà lấy làm đau lòng vì không giữ nổi gia sản tổ tiên để lại, nhiều lần thấy tôi săn đón hỏi han bà chửa tôi là đứa phá gia chi tử, quân vén tay áo đốt nhà táng, bà còn lo sau này không khéo tôi hóa thằng ăn mày đầu đường xó chợ.
Nhưng ruộng ở xa nếu có người hỏi mua là bà vẫn cứ phải gọi tôi cùng đi. Lần này hai bà cháu xuống Sơn, bán ruộng cho cụ chánh hương. Tôi chưa một lần gặp cụ Chánh, cũng chưa đến đó lần nào, nhưng trên núi Sơn đang có đồn Tây và làng Sơn là một làng tề, chuyện ấy trẻ con làng tôi đều biết. Thường mỗi lần gặp trẻ làng Sơn chăn trâu ngoài đồng chúng tôi đều réo gọi chúng là bọn Việt gian, không thèm chơi với lũ Việt gian. Chúng không bao giờ cãi lại, có ý lảng ra xa.
Tôi hỏi bà:
- Cụ Chánh Hương có theo Tây không?
Bà tôi im lặng hồi lâu mới trả lời:
- Không. Cụ Chánh là người tốt. Chẳng qua cũng vì cái thế đời bó buộc bắt cụ phải ra làm việc. Anh Ty làng ta con rể quý như cụ đấy, mày có biết anh Ty không đã?
- Anh Ty đang đi vệ quốc đoàn, anh ấy ở ngoài chiến khu Việt Bắc.
- Đúng rồi. Còn gì nữa?
- Anh Ty là chồng chị Tâm con cụ Chánh, khi anh Ty đi bộ đội thì chị Tâm về dưới Sơn.
- Đúng rồi, còn gì nữa?
- Con chỉ biết có vậy thôi bà ạ.
- Ngày bố mày bị giặc giết, anh ty và cụ Chánh khiêng bố mày về làng. Rồi hôm đưa bố mày ra đồng, cụ Chánh khiêng một đầu quan tài còn anh Ty thì đội mũ rơm cho mày, bế mày đi ở phía trước. Năm ấy mày lên ba, chẳng nhớ được gì, suốt dọc đường chỉ thấy mọi người khóc thì cũng khóc theo. Nhà ta không có họ hàng gì với anh ấy, nhưng đấy là một người cháu phải mang ơn. Khi lớn lên đường bao giờ quen chuyện ấy. Loạn lạc mãi rồi cũng phải có lúc yên hàn, nhưng chẳng hiểu bà con có sống nổi tới ngày anh ấy trở về hay không.
Bà tôi thở dài, giọng bà cứ nhỏ dần, thoảng trong gió. Chắc bà buồn vì cảm thấy cái ngày anh Ty trở về còn xa lắm. Tôi nắm lấy bàn tay gầy khô của bà mà không biết nói gì. Tà áo tứ thân nhuộm vỏ quạch đã bạc màu của bà, dải khăn mỏ quạ trùm trên đầu bà, cây gậy trúc bà cầm nơi tay, những lời bà thầm thì dặn dò, mãi mãi in trong tâm trí tôi.
- Cháu nhìn lên trên núi kia. Mỏm cao nhất là đền thờ ông Gióng. Còn mỏm bên cạnh là bốt giặc, bốn xung quanh có hàng rào thép gai, bên trong tua tủa những súng. Chúng nó có cả ống nhòm, đến ngón chân bà cháu ta bám trên mặt đường chúng cũng nom thấy. Những gì bà cháu nói chuyện với nhau thì ở xa chúng không biết nổi, nhưng chúng có thể đoán ra cả đấy. Thỉnh thoảng chúng lại gọi nhau bằng máy "lô phôn", ở xa cả chục cây số cũng vẫn nghe rõ.
Tôi cảm thấy sợ luôn cả trái núi trước mặt. Đoạn đường dẫn vào làng Sơn rút ngắn dần. Càng tới gần cổng làng tim tôi càng đập mạnh vì bồi hồi lo lắng. Lần đầu tiên tôi chợt nghĩ ra rằng không phải chuyến đi bán ruộng nào cũng vui cả, như chuyến đi này chẳng hạn, giá đừng bán chác gì lại hơn, thà cứ để mặc đấy cho cỏ mọc.
*
* *
Ngôi nhà cụ Chánh nằm ở giữa làng. Một ngôi nhà ngói năm gian có hàng hiên rộng, tựa lưng vào núi, ngoảnh nhìn ra sông. Hàng cột hiên nhẵn bóng, chân cột có kê đá. Bậc thềm cũng bó bằng đá. Bức tường bao quanh nhà và cái cổng đồ sộ, tất cả đều là đá. Ngoài cổng có hai con chó đá chôn xuống đất. Từ con đường làng san sát những đá, leo lên những bậc đá mỏi chân rồi mới tới nhà ông. Một cái ngõ chập chùng xếp toàn đá là đá. Tôi chẳng bao giờ được tới một nơi nào lạ mắt như nơi này, có thể nói làng Sơn là một quần thể kiến trúc của đá. Ông già đạo mạo, râu tóc phơ nom phúc hậu đang đứng trên thềm nhà đón chúng tôi.
- Hai bà cháu hiện ra ở ngoài đê là tôi đã thấy ngay. Thằng cháu mau lớn nhỉ, kể từ ngày chú ấy qua đời, tôi cũng ít có dịp lên trên ấy.
- Cám ởn cụ. Nắng nôi quá, hai bà cháu tính đi sớm để chiều còn về. Thấy cụ cho người nhắn là tôi mang cháu xuống ngay, văn tự ruộng tôi cũng có bọc trong người đây rồi.
- Việc ấy là việc nhỏ, lo lúc nào xong lúc đó. Cụ cứ để văn tự đây, tôi cất vào góc tủ này rồi chiều cháu Tâm về nó sẽ đếm tiền gửi cụ chu đáo. Nhưng hôm nay hai bà cháu chưa về ngay được, hãy nghỉ lại dưới này, đợi cháu Tâm có việc qua sông về, nó cũng đang có ý quyến luyến muốn được chuyện trò lâu lâu với cụ đấy.
- Chuyện gì mà tôi nghe cụ nói có phần hệ trọng?
- Nó sắp ra ngoài vùng tự do với thằng Ty, chỉ nay mai có người thông thạo đường đất đến đón là nó xin phép tôi xin phép cụ theo người ta ra ngoài đó. Nói riêng để cụ biết, dạo này bọn lính tráng trên đồn nhiều lắm, chẳng mấy hôm chúng không xuống làng bắt phu phen tạp dịch, chúng bắt cả đàn bà con gái lên đồn, người gánh nước, kẻ vác đá vác tre, đã có vài ba cô bị hãm hiếp. Nhục lắm cụ ạ. Tôi tính phải cho con Tâm trốn đi sớm mới mong thoát được cảnh ấy, gần đây trên đồn có một thằng đội ta mới chuyển về, hắn thường lảng vảng xuống đây luôn, hắn ra mặt chòng ghẹo con bé, tôi làm sao giữ nổi.
- Cụ tính thế là phải quá, cô Tâm ra ngoài vùng kháng chiến sớm muộn cũng được gặp chồng. Ngoài ấy nghe nói vui lắm, hội họp suốt đêm, người nhanh nhẹn tốt nết như cô ấy thì chưa biết chừng có khi còn được chọn đi làm cán bộ.
- Tôi cũng chả dám mong xa thế, chỉ cần vợ chồng chúng nó gặp được nhau là đủ mừng rồi.
Ngang chiều chị Tâm về. Tôi ngồi ở bậc thềm trông ra đê, thấy có hai người đang đi vào làng, một người chị cùng một cô bé, cả hai đều áo trắng, quần đen, nom kiểu cách thanh lịch như người ngoài tỉnh về quê. Cụ Chánh bảo đúng là chúng nó rồi đấy, con bé đi bên cạnh chị Tâm là cái Diễm, chị Tâm phải gọi mẹ Diễm là dì ruột, nó ở bên Thị Cầu, cũng chập tuổi tôi, nhà có cửa hàng buôn nước mắm mang lên trên này.
- Nó đẹp lắm ông nhỉ?
- Cũng vừa vừa thôi, nhưng xem ra có duyên thầm, người có duyên mới quý cháu ạ.
Ông Chánh nhìn tôi tủm tỉm cười, rồi ông nắm lấy bàn tay bé bỏng của tôi. Bàn tay tôi lúc nào cũng mềm nhão, lại hay đổ mồ hôi mỗi khi mệt mỏi.
- Cháu có bị hen không?
- Cháu hen đấy ông ạ, hôm nào trở trời là cháu lại lên cơn, khó thở lắm, nghe có tiếng lạo xạo trong ngực. Tôi đưa cái ngực lép kẹp ra cho ông xem.
- Bệnh hen khó chữa lắm. Nghe nói nếu tìm được mật quạ và tầm gửi cây gạo làm thuốc thì may ra khỏi, nhưng tìm đâu ra. Có điều những đứa trẻ hen lại thường học giỏi, mà sống có tình, cũng là ông trời bắt chịu cái khổ này thì cho phần vinh kia.
- Cháu học dốt lắm, đầu óc cháu lan man những chuyện vớ vẩn đâu đâu mà bài thì lại không thuộc.
- Lớn lên cháu sẽ học được, rồi ra cháu không dốt đâu, đừng lo lắng gì cả.
Nghe ông nói vậy tôi cũng vững tâm hơn. Tôi úp hai bàn tay ướt đẫm mồ hôi xuống viên gạch lát trên thềm, hình hai bàn tay tôi hiện lên trên nền gạch khô ráo.
Ông Chánh lẳng lặng nhìn vào tôi, rồi trước khi quay vào trong nhà tôi thấy ông buông một câu bâng quơ:
- Một cái mầm quặt quẹo yếu đuối, nhưng sẽ cứng cáp dần lên, đấy là nhờ ông trời có mắt.
*
* *
Cảm giác đầu tiên của tôi là chị Tâm rất đẹp, đẹp như người trong bức tranh lụa cổ. Dáng chị thanh mảnh, mặt mũi nhẹ nhõm tươi sáng, giọng nói, giọng cười đều ngọt ngào. Cái cổ cao, nom thật sang. Mà chị dễ gần lắm. Vừa trông thấy bà cháu tôi là chị reo lên, chị chạy lại nắn nắn hai bả vai, hai cánh tay bà, hỏi chuyện tíu tít. Rồi chị kéo tôi vào lòng, âu yếm vuốt bàn tay mát mẻ lên mái tóc bờm xờm của tôi, chị chỉ tay vào đứa em gái đang đứng bên cạnh, bảo:
- Đấy là Diễm, nó là em chị, chú cũng là em chị. Anh Ty hồi còn ở nhà quý chú nhất, trẻ em con trong làng không đứa nào được anh ấy thương bằng chú, có nhẽ rồi ra sau này cũng chỉ có hai anh em chú là đi một đường với nhau. Em nhớ anh Ty chứ?
- Em nhớ ạ.
Tôi thấy hai mắt chị chớp chớp, có ánh buồn và ngấn lệ. Tôi hiểu là chị cũng đang nhớ thương anh lắm. Anh đang ở một nơi nào xa xôi, rừng xanh núi đỏ, xông pha trận mạc, cũng có khi chết mất rồi. Những người như thế dễ chết lắm, như bố tôi đấy, bòm một tiếng, thế là không còn ở đời.
- Chị cho em đi theo, em muốn cùng đi tìm anh Ty với chị, em cũng muốn gặp cả mẹ em nữa.
- Em còn nhỏ quá, phải ở nhà trông nom bà cho bà vui. Chị sắp ra ngoài đó, chưa chắc đã gặp được anh ngay, đầu tiên chị định tìm đến chỗ mẹ em, chị sẽ gặp mẹ em, các em em trước, rồi sau liệu tính dần dần.
Cái ngực lép kẹp của tôi phập phồng, tôi thấy nghẹn ngào trong cổ họng, rồi tôi thở khò khè, đầu óc vất váng, thế là lại bắt đầu một cơn hen.
- Anh ấy bị động kinh hay sao?
Diễm lo lắng kêu lên. Chị Tâm bế tôi đặt xuống phản, lúng túng chưa biết xoay xở ra sao thì bà tôi bảo:
- Cho nó chiêu một ngụm nước mưa, để nằm im một lúc là khỏi.
Diễm chạy ra sân múc một gáo nước trong bể mang vào đưa cho chị Tâm, tôi cố gắng bưng cái gáo dừa uống vội một ngụm, nước nghẹn làm tôi sặc sụa, lát sau thấy tỉnh táo dần, tôi vẫn nằm đó, mắt nhìn lên nóc nhà, lại như mọi khi, bắt đầu nghĩ vẩn vơ, tưởng tượng ra đủ thứ chuyện trên đời. Tôi hình dung rõ ràng cảnh mẹ tôi gặp chị Tâm, hình dung như thật, chị Tâm khoác tay nải, mặc cái áo cánh nâu, mồ hôi mồ kê vã đầy trên mặt, ra ngoài đấy không mặc áo trắng được nữa vì sợ máy bay, đường lại lấm bụi, làm gì có xà phòng. Mẹ tôi ôm lấy chị hỏi tin tức về bà cháu tôi đang sống trong này ra sao, rồi mẹ dắt chị ra ngoài suối tắm rửa cho lại sức. Con suối nằm khuất ở mé rừng, có những cây mua cây sim, đàn bướm vàng đậu lên đậu xuống. Chị Tâm và mẹ tôi giục nhau cởi áo cùng lội xuống dòng nước ngâm mình, tóc mẹ tôi cũng bó gọn trên đầu thành búi như tóc chị, mẹ tôi hỏi, thằng Bình ở nhà hư lắm phải không, chị Tâm bảo nó ngoan và lớn lắm rồi, sắp sửa đi bộ đội được rồi thím ạ... Tôi cứ nằm nghĩ miên man như thế rồi thiếp đi lúc nào không rõ, tỉnh dậy thì trời đã tối. Cả nhà ngồi ăn cơm trên thềm, bóng đêm mờ mờ ánh sao, trong nhà có một ngọn lửa le lói bập bùng, đó là cây nến đặt khuất trên bàn thờ. Ông Chánh vừa ăn vừa ho húng hắng, rồi ông kêu mệt xin phép bà tôi đi nằm sớm. Chị Tâm buông bát đũa chạy vào nhà rũ giường chiếu cho ông. Lát sau quay ra ăn tiếp - Còn Diễm dỗ tôi cố ăn thêm bát cơm nữa, tôi nghe bùi tai, bằng lòng đưa bát cho cô đơm. Mọi người giục nhau đi ngủ sớm. Tôi nằm với ông Chánh ở một gian, gian bên kia có một cái giường nữa, giành cho ba người đàn bà - Ông Chánh trở mình thao thức, tôi khe khẽ hỏi ông:
- Liệu đêm nay đã có người về đón chị Tâm chưa?
- Không đêm nay thì đêm mai, lúc nào cũng phải sẵn sàng, họ đến là đi liền. Sao cháu chưa ngủ?
- Cháu đợi, với lại cháu đã ngủ một giấc lúc chiều rồi.
Ông Chánh cũng không ngủ được. Ông nằm kể chuyện cho tôi nghe. Ông kể chuyện Sơn tinh Thủy tinh. Thần sông dâng nước lên ngập ngang núi, thần núi dâng núi lên cao hơn, cao chạm mây. Nước phải rút, con sông lại chảy xuôi êm ả, thần núi mở đám cưới rước dâu về nhà, dân khắp vùng nô nức trảy hội. Họ mừng cho đôi trai gái nên vợ nên chồng. Người trai gan góc dũng cảm, người gái xinh đẹp nết na... Chuyện cổ tích mà hao hao như chuyện hôm nay ở giữa trần gian. Đấy đúng là câu chuyện của anh Ty và chị Tâm rồi. Trong chuyện của ông kể đêm ấy chỉ thiếu có một điểm, đấy là cảnh người con gái kia không dám lao qua đồng nước, không dám lặn lội trong đêm tối để đi đến với người mình yêu mà thôi. Cô ta còn kém xa chị Tâm.
*
* *
Nửa đêm trên núi có động. Tiếng súng bắn nhau loạn xạ, tắc bọp, liên thanh rồi súng cối. Đại bác từ các đồn bên kia sông bay đến ù ù như trời bão. Mảnh sân gạch sáng bừng trong ánh những trái hỏa châu. Ông Chánh gọi:
- Chui cả xuống gầm sập đi, quân ta về nhổ bốt đấy.
Chúng tôi chui rúc vào gầm cái sập gụ đặt trước gian thờ. Chị Tâm giục:
- Thầy còn đứng ngoài ấy làm gì, ngộ nhỡ nó bắn vào nhà thì làm sao.
- Tao thì không cần, chết lúc nào cũng được, tao muốn xem anh em mình hôm nay đánh đấm ra sao, hay lại chỉ đì đọp vài phát rồi chuồn. Có cái đồn bằng cái vẩy ốc mà chẳng hiểu sao suốt mấy năm không lấy nổi, bao nhiêu chủ lực biến đi đâu, mấy cậu du kích cà mèng thì xoay xở thế nào nổi với chúng nó. Đã bao nhiêu lần tao nhắn ra bảo muốn lấy đồn thì phải gọi chủ lực về, đừng để du kích quấy rối chỉ thêm tốn đạn mà rồi khổ dân. Đám du kích cho người đến trách tao là có ý coi thường họ, họ bảo có ngày họ sẽ làm cỏ bọn giặc trên núi cho mọi người mở mắt xem. Nghe kiểu đánh chác thế này thì lại vẫn là mấy anh chàng ấy mất rồi, nước mẹ gì mà bảo người ta phải mở mắt.
Có tiếng chó sủa ran, rồi tiếng chân rậm rịch ngoài ngõ. Một tiếng gọi khe khẽ:
- Cụ Chánh, cụ Chánh!
Cụ Chánh chạy vội ra mở cổng. Bóng mấy anh du kích đi vào nhà.
Họ thì thầm với cụ:
- Hỏng cả rồi, có một đồng chí nằm lại trong hàng rào chúng cháu không lôi ra được... một người bị trúng đạn chúng cháu cõng được về...
- Để ở đâu?
- ở ngoài ngõ thượng, giờ cụ bảo nên dấu anh ấy vào chỗ nào cho tiện, nhờ cụ chăm non giúp cháu một và ngày, rồi sẽ có người mang anh ấy đi.
- Các chú đánh đấm như cứt, chưa chi đã chạy, chưa gì đã chuồn, bắn có mấy phát như mấy cái rắm mà để xảy ra bao nhiêu rắc rối. Nhanh nhanh dấu anh ấy vào sau chùa cho tôi, để tôi cùng ra với, ngoài đó đã có sẵn một cái hầm kín rồi.
Mấy anh du kích bị ông cụ mắng chỉ đứng im, rồi họ chạy theo ông ra ngoài ngõ, tiếng báng súng lưỡi lê va đập loảng xoảng - gần sáng ông cụ về, đóng cổng thật chặt, lại thắp ngọn nến cho nhà sáng lên, rồi thủng thẳng nói:
- Số mày khổ lắm con ạ, vợ chồng mày rồi ra có nhẽ sẽ sa vào cảnh Ngưu Lang Chức Nữ, cái người thầy định nhờ đưa mày ra với chồng giờ cụt một chân mất rồi, mày phải ở lại lo thuốc thang băng bó giúp người ta cốt làm sao đừng chết là may.
- Mai con qua Đáp Cầu kiếm thuốc, chắc là kịp thầy ạ.
- ừ, mai dẫn con Diễm về nhà nó luôn, ở bên này lâu không hay gì.
Ngồi trong gầm phản Diễm run rẩy đặt tay lên vai tôi. Nó ép mình vào lưng tôi, hơi thở của nó thổi nóng cả mang tai tôi. Bàn tay tôi toát mồ hôi, tôi xoay người lại nắm chặt lấy cổ tay của nó.
Sáng hôm sau bà cháu tôi chào ông Chánh để về nhà. Chúng tôi đi thêm một đoạn đường cùng chị Tâm và Diễm. Con đường làng chạy dưới chân núi với những bậc đá cùng những bức tường cũng bằng đá nhấp nhô chỗ thấp chỗ cao. Người trong xóm quẩy thùng xuống giếng gánh nước chuyện trò rầm rì. Những cái giếng cũng được xây bằng đá, nước trong vô cùng. Tôi ngoái nhìn ngôi chùa nằm trong rừng cây cổ thụ âm u, chị Tâm kéo tay tôi đi nhanh khi qua cổng chùa.
- Mấy người kia đứng lại!
Có tiếng quát. Một tên lính dõng đang lùng sục trong chùa đã nhìn thấy chúng ôi. Vài tên từ đâu chạy ra.
- Bà già này người làng nào, đêm qua ngủ lại nhà ai?
- Bà bá tôi ở làng trên xuống chơi từ hôm qua, ngủ lại nhà tôi.
- Nhà chị là nhà ai?
Một tên đội cười hềnh hệch hiện ra thật đúng lúc:
- ồ cô Tâm con cụ Chánh, người nhà mình chứ ai. Thế cô Tâm hôm nay đi đâu sớm vậy.
- Tôi đưa bá tôi và hai đứa em về nhà, các ông để chúng tôi đi.
- Đêm qua du kích về khiêu chiến, một tên chết còn nằm trên núi chưa chôn, một vài tên bị thương có vết máu dẫn xuống làng. Chúng tôi được lệnh lục soát, không cho phép ai ra khỏi làng. Nhưng nể cô là chỗ quen biết, tôi để cho đi đấy.
- Cám ơn thầy đội.
- Đừng gọi tôi thế. Tôi vẫn biết cô có ý khinh ghét cái nghề này, chỉ cân cô nói với tôi một tiếng tôi xin bỏ mũ áo về sống cùng cô ngay.
- Tôi là gái đã có chồng...
- Sá gì, người chết như rạ, đêm nào cũng có, nơi nào cũng có, ở đâu súng nổ là ở đó có người chết, liệu cô có chờ mãi được anh ấy không. Tôi cũng xin thành thật nói ra như thế.
- Chào thầy đội, chúng tôi xin phép đi kẻo muộn.
Tên đội đứng chống nạnh, nhìn theo mấy bà cháu chúng tôi. Hắn nghĩ ngợi gì mà lặng lẽ, lạnh lùng. Con sông Cầu đang mùa nước. Nhiều bãi dâu bị ngập. Bìm bịp lại kêu. Những tiếng kêu khắc khoải. Những cánh chim đỏ rực như những đốm lửa. Chúng xà xuống bay lên thấp thoáng. Chị Tâm và bà tôi im lặng bước ở phía trước. Không ai nói gì với nhau. Tôi đi bên Diễm - cô bé có đôi mắt thật lạ, một đôi mắt mở to khác thường, lúc nào cũng đầy lo âu, áo dài lật phật trong gió, mái tóc ngắn ngủn bỏ xõa nhưng chưa chấm vai. Một đôi vai gầy mỏng và đôi cánh tay lóng ngóng như thừa. Đến chỗ rẽ xuống cánh đồng, chúng tôi dừng lại chia tay nhau.
Chị Tâm nghe bà tôi dặn gì đó chỉ gật đầu vâng khe khẽ, còn Diễm thì chào bà chào tôi. Giọng nói nghe khàn khàn, âm ấm, mà cũng nằng nặng như tiếng làng tôi. Khi đã về tới giữa đồng, ngoái nhìn lại tôi vẫn thấy họ trên con đê xa xa như hai chấm trắng di động, như hai bóng chim bay ở cuối trời.
Tôi rùng mình nhớ lại đôi mắt sáng rực của cô bé cùng tuổi. ở đó có một nỗi buồn khó hiểu đặt vào tôi. Sẽ chẳng bao giờ tôi còn được gặp lại cô bạn ấy, đấy là lần duy nhất trong một đời người chúng tôi có dịp biết nhau, cũng chỉ là một thoáng. Giờ đây tôi đã năm chục tuổi, ngồi viết những dòng hồi tưởng này tôi vẫn như đang thấy cô nhìn vào tôi mà chẳng chịu nói gì. Còn tôi thì biết nói như thế nào đây, có lẽ tôi đã có một tình yêu từ thuở lên mười chăng - một tình cảm như thế nào đó, không hẳn là yêu nhưng cũng gần như vậy, thật không sao diễn đạt nổi bằng lời.
Về sau lớn lên, tôi nghe nói cô đã thành một ca sĩ có giọng hát tuyệt vời. Nhiều đêm giữa cuộc chiến nằm trên võng trong rừng cao su ven thành, nhìn vào quầng sáng của Sài Gòn, vặn nho nhỏ chiếc máy thu thanh tôi vẫn thường bắt gặp giọng hát của cô, một giọng trầm, nồng cháy và ngột ngạt. Tôi nhớ cô đã hát như sắp nức nở. "Đôi vai em gầy, vòng tay ôm lấy tiếc thương vơi đầy... Đường trơn xa ngái bàn chân dẫm gai"...
*
* *
Tôi đón hòa bình trong tâm trạng nửa buồn nửa vui. Người từ vùng tự do sau nhiều năm chạy giặc lần lượt hồi cư về làng. Lũ trẻ chúng tôi đeo khăn quàng đỏ mặc quần xanh áo trắng mang trống đi đón các anh trong đội giảm tô cải cách. Sau vào tuần hội họp thâu đêm suốt sáng bà tôi bị quy địa chủ. Cũng chẳng oan gì vì nhà vẫn còn nhiều ruộng, nhưng cũng chẳng xấu xa nỗi gì vì địa chủ chẳng qua cũng chỉ là chủ đất, địa chẳng là đất thì còn là cái quái gì. Đấy là một kiểu cãi bậy chứ trong lòng hai bà cháu là ngổn ngang bao nhiêu tủi nhục. Người ta có ý ra mặt lánh xa tôi. ở các làng lân cận chiến sĩ Điện Biên nô nức trở về, anh nào anh ấy huân chương huy hiệu chói lòa trên ngực. Họ kể chuyện quân ta hết bò vào lại bò ra, quân địch chui rúc như nhím như chuột. Bà tôi buông gọn một câu chắc là trên đó phải có lắm người chết. Người chết chẳng kể gì được với ai, nhưng đấy mới là những người đáng thờ. Còn sống mà về với cha mẹ vợ con thì cho dù có tài giỏi mấy cũng cứ nên bớt mồm mới phải. Vài tháng sau bà tôi qua đời. Đám tang vắng vẻ. Có người đưa tang đến ngang ruộng mình thì tạt vội xuống nhổ cỏ lúa, làm như nhân tiện ra đồng. Một lần nữa tôi lại đóng vai mũ gậy, lần này thì tôi không cần ai bế nữa.
Khi chôn cất xong, mọi người tản mát ra về, chỉ còn một mình tôi ngồi lại. Chính vào phút cô đơn ấy thì anh Ty đột ngột hiện ra, vừa đi vừa chạy trên bờ chuôm. Tôi ôm chầm lấy anh, oà lên khóc. Suốt ngày hôm ấy tôi không sao khóc được. Anh Ty mặc bộ quần áo đã bạc phếch, cái áo ba mươi sáu đường gian khổ, trên ngực trắng trơn chẳng thấy có huy hiệu huân chương gì hết. Anh nói thật vắn tắt.
- Anh vừa gặp mẹ em và các em của em trên Thái Nguyên, chắc chỉ nay mai là về đến nhà, còn kịp làm ba ngày cho bà. Anh tiếc là về hơi muộn, không được gặp bà. ở nhà em có tin tức gì về ông Chánh và chị Tâm dưới Sơn?
- Địa chủ cường hào, ông Chánh sắp bị đem lên núi đấu tố, người ta đang dựng kỳ đài để toà án nhân dân ngồi luận tội. Chị Tâm bị ép phải lấy một thằng đội trên đồn, đã có với nhau một thằng con trai, họ chuồn vào Nam cả rồi. Hôm sắp đi chị ấy lén lên chào bà em, dặn em mấy lần, nếu anh có về thì nói xin anh tha thứ cho chị ấy.
- Chị chú không có tội tình gì.
- Anh về thăm làng có được lâu không?
- Anh em mình ngủ với nhau một đêm cho vui, mai anh đi sớm.
Nhưng ai vui, anh không vui, tôi cũng không vui. Nhà anh vốn nghèo, cha mẹ chẳng còn, mái nhà xưa đổ nát giờ chỉ là một mảnh vườn hoang, có mấy đống rơm của ai chất nhờ trong đó. Anh dẫn tôi cùng vào để nhìn lại một lần cảnh cũ. Vậy mà cũng thấy bâng khuâng. Bầy chim sẻ đang mổ nhau chí choé nhác có bóng người liền bay vù cả lên. Trên nóc mấy đống rơm, sau những cơn mưa mùa hạ nấm mọc trắng xoá. Anh Ty ngả mũ ra leo lên nhặt đầy một mũ nấm mang về nhà tôi. Hai anh em nấu bát canh nấm đặt lên bàn thờ cúng bà. Khi còn sống bà tôi thường khen nấm rơm nấu canh gia thêm chút mắm cua là ngon lắm. Bà cắn một con cua muối, và miếng cơm nguội, thế là xong bữa rồi. Anh Ty tính tình phóng khoáng, dễ dàng nhưng lại rất ít lời. Đêm đó nằm gác chân lên bụng anh tôi hỏi:
- Anh có đánh ở Điện Biên Phủ không?
- Đánh từ đầu đến cuối.
- Anh phất cờ xông vào hầm...
- Không. Lúc ấy anh không ở đó.
- Vậy anh ở chỗ nào?
- Anh phá bom bên ngoài có được vào sâu đâu.
- Thế thì anh kể chuyện phá bom vậy.
- Có gì mà kể. Gặp bom nổ chậm thì bảo nhau chạy lên tháo kíp, lăn nó xuống vực, anh thấy công việc cũng đơn giản. Sự thật đời anh không có chuyện gì nên xem là đơn giản cả. Chẳng qua anh không thích nói về mình mà thôi. ít lâu sau tôi vớ được một cuốn họa báo "Hình ảnh Việt Nam" mở ra xem thì thấy có ảnh của anh in trong đó. Anh được phong anh hùng phá bom, Huân chương quân công hạng Nhất.
Sáng hôm sau chúng tôi dậy từ tinh mơ, anh Ty bắt tay tôi rồi thủng thẳng nói:
- Bà già thì phải mất, cũng là lẽ thường. Chú ở nhà cố học để trưởng thành, bây giờ anh phải đi, anh kỷ niệm lại chú cái mũ nan anh mang từ mặt trận về. Mũ anh tự đan lấy đấy.
Rồi anh loay hoay cởi lớp lưới và lớp vải bọc bên ngoài có đính ngôi sao cất vào túi, trao cho tôi cái cốt tre ở bên trong. Một cái mũ với hình những quả trám đều đặn, nan tre già vót kỹ lưỡng nhẵn bóng, trông đẹp quá, tôi chụp ngay chiếc mũ anh cho lên đầu.
- Em cũng xuống Sơn bây giờ đây, xuống thăm cụ Chánh xem tình hình thế nào. Cháu nội một mụ địa chủ đến thăm một tên địa chủ, làm đếch gì mà phải sợ, đằng nào chả là đã có liên quan.
Anh Ty cười, đấm nhẹ vào ngực tôi. Hai anh em chia tay ở trước miếu cô Nỗng. Tôi một mình bóng đi trên cánh đồng, qua mộ bà, qua những cái chuôm quen thuộc. Cụ Chánh đã bị đuổi ra ngoài vườn chùa. Có anh du kích bị đánh gãy đùi từng sống trong căn hầm nơi đây. Có người chị gái từng tới nơi này săn sóc anh, mỗi lần mang cháo mang thuốc ra đây chị vẫn đóng áo dài, tay xách theo làn trong đó có đủ hương hoa như một người ra chùa lễ phật. Cụ Chánh ngồi tiếp tôi trang trọng dưới một vòm thị um tùm. Bộ ấm chén tàu bày trên một phiến đá nhẵn bóng.
- Ta nhóm lá đun siêu nước, uống với cậu ấm trà mạn bên bàn thạch, kể cũng là tiên cảnh đấy chứ.
Tôi kể bà tôi vừa mất, mẹ tôi và các em sắp về, có thể gia đình tôi cũng sắp bỏ làng mà tìm đến một nơi nào đó. Ông Chánh lắc đầu ra ý bảo dúng là cả một cảnh tang thương. Ông ngẩng mặt dăm dăm nhìn lên núi. Rồi ông đứng dậy, rủ tôi cùng vào trong chùa. Hai ông cháu đốt một bó hương thật lớn, đến từng bệ Phật, gặp bát hương nào cũng cắm vài nén. Đã từ lâu chùa vắng bóng sư bóng sãi, thì ông ngồi xuống xếp bằng tròn làm sư, ông thong thả cầm chày thỉnh từng hồi chuông. Tiếng chuông ngân nga hòa quyện vào không gian tĩnh mịch, hương khói dâng lên thơm lừng, đánh thức đàn dơi từ trong bóng tối bay ra chao liệng. Ông khấn Trời Phật, vĩnh biệt quê cha đất tổ. Ông cho tôi biết ông phải xuống Hải Phòng ngay hôm nay để kịp chuyến tàu vét vào Nam.
- Cháu gửi ông chiếc mũ nan này cho chị Tâm trong đó. Đây là chiếc mũ anh Ty tặng cháu. Anh ấy về nhà có một đêm rồi đi ngay.
- Nó đi là phải, chắc cũng buồn.
Chúng tôi quay lại khu vườn, ông nâng chén trà trên tay, cảm khái ngâm nga: "Quê hương nghĩa nặng tình sâu, bể dâu biến đổi biết đâu là nhà...".
Chiều ấy xuôi theo bờ sông Cầu tôi tiễn chân cụ Chánh một đoạn đường. Cụ đi chân tay không, như người dạo mát, đầu chụp cái mũ nan tôi gửi cho chị Tâm. Bóng cụ đổ dài, lầm lũi.
Giữa tháng 5 năm 1975 lấm láp bùn đất tôi vào đến Sài Gòn, gặp chị Tâm được biết cụ còn sống thêm mười năm nữa mới mất, tim cụ bị đau đã lâu. Tôi gặp chị ở chợ Bến Thành, trong lúc chị đang ngồi bán hoa quả - chị ngỡ ngàng mất vài phút mới nhận ra tôi. Chị kêu lên như người phải bỏng, sao mà tôi sớm già, chắc là bị sốt rét nhiều. Vừa bổ xoài mời tôi chị vừa tíu tít hỏi chuyện quê nhà, duy chỉ có anh Ty là chị tịnh không đả động đến. Tôi lấy làm lạ, không rõ vì sao. Chị dẫn tôi về nhà mình, một căn nhà khá rộng, có hai buồng, lợp tôn. Căn nhà nằm sâu trong một lối ngõ gần trường đua Phú Thọ. Người chồng chị, thầy đội năm xưa nay lụ khụ như một ông già, răng rụng gần hết, khuôn mặt nom méo mó. Họ được hai đứa con, đứa đầu vừa bỏ ra nước ngoài vài hôm trước, chưa có hồi âm. Tôi ở lại ăn bữa cơm với vợ chồng chị Tâm và cháu bé. Đồ đạc trong nhà thấy cũng sơ sài, bàn ghế nhựa, chén bát lồng bàn tất cả đều nhựa. Nhưng ở một góc tường có treo một cái mũ nan. Cái mũ nan Việt Minh. Thấy tôi nhìn vào chiếc mũ hơi lâu, người chồng rụt rè nói: "Tôi có tội nhiều quá chú ạ". Tôi vẫn im lặng không bắt chuyện, chị Tâm lúc đó mới lên tiếng: "anh Ty cũng đang ở trong này phải không chú?". Tôi nói với vợ chồng chị rằng anh ấy đã hy sinh từ ba năm trước rồi, hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên. Vì một trái bom nổ chậm, lúc đó anh đang là trung đoàn trưởng của một trung đoàn công binh mở đường. Khi tôi tới trung đoàn anh công tác, anh em đã dẫn tôi tới viếng mộ anh, nhưng đấy chẳng qua cũng chỉ là một ngôi mộ tượng trưng thôi. Xác có còn đâu mà nói đến mộ. Chị Tâm buôn bát đũa xuống bàn, lẳng lặng bỏ vào buồng trong. Người chồng ngồi ngây như ngỗng ỉa. Một lát sau anh đứng dậy bắc ghế lấy chiếc mũ nan trên tường mang đặt vào bàn thờ, rồi thắp nén hương. Cử chỉ ấy làm tôi động lòng và bắt đầu thấy mến anh.
Lại phải có trên mười năm sau đó, một lần qua Tây Âu vào thăm một cái chợ của người Việt, tôi không ngờ lại gặp chị Tâm. Trước mặt chị vẫn chỉ thấy toàn rau quả nhiệt đới. Có đủ cả gừng, tỏi, hành răm, trăm thứ quê nhà. Chị gọi tôi ơi ới. Nói đùa rằng chẳng làm cách nào tránh nổi tôi, hóa ra gầm trời cũng hẹp, cậu có định sang đây giải phóng chúng tôi lần nữa hay không thì bảo! Tôi cười khì. Chị lại than thở ở bên này kiếm được miếng ăn cực nhọc lắm, mùa đông nhìn thấy tuyết rơi mà sợ. Từ nơi chị ở tới chợ phải qua ba tuyến xe, hơn một giờ đi bộ nữa, vậy là ngót năm chục cây số. Cả hai người con chị đều sống ở thành phố khác, chúng đã có gia đình riêng, năm thỉnh mười thoảng mới gọi điện về xem mẹ còn sống không - Nói dại chứ nếu có mệnh hệ nào thì mình đã chết thối ra đấy chúng nó cũng chưa biết mà về. Căn hộ của chị lạnh lẽo như một cái hộp kín, treo lơ lửng ngang trời, ở tầng thứ ba mươi mốt. Lắm đêm nằm một mình trong đó, chỉ mong được quay về nước, cháo bẹ rau măng cũng còn vui hơn. Nhưng con cái đang ở bên này cả rồi, sau khi chồng mất chị được chúng gửi giấy về bảo lãnh sang đây. Chị mời tôi về qua chỗ chị ở để biết, tôi nói chị em gặp được nhau là mừng, về nhìn một căn phòng như thế phỏng có hơn gì. Nhưng chị nghiêm mặt bảo, thì chú cứ qua chị một lát cho chị yên lòng, chị vẫn có bàn thờ anh Ty trong căn buồng ấy, cái mũ nan chị cũng vẫn mang theo đặt trên bàn thờ anh. Ôi chao, hóa ra cái mũ anh Ty cho tôi ngày nào đến nay chị Tâm còn giữ được. Nó là kỷ vật, là một mảnh hồn của chị em tôi. Vậy thì tôi phải cùng chị đi đến căn buồng ở tít trên cao kia rồi. Hai chị em bước đi bên nhau giữa một thành phố xa lạ, hết sức là ồn ào. Tôi thấy se lòng khi nhìn vào mái tóc đã bạc trắng của chị, bất giác tôi buột miệng hỏi:
- Diễm giờ đang ở nơi nào?
- Ca-li-phoóc-ni-a. Cô ấy có lần gửi thư cho chị, nhắc đến chú, hỏi chú có còn bị bệnh hen hành hạ nữa không. Cô ây hát ở một quán có tên là "Quê mẹ", khi nào có việc sang đó, ghé qua chắc chắn sẽ gặp được nhau, chị đã viết thư kể chuyện gặp lại chú ở Sài Gòn năm nọ, nói chú là người thiệt hay đó nghe.
Tôi thở dài. Ôi dào, hay hớm cái nỗi gì hả chị Tâm, hả Diễm. Chẳng qua đời mỗi chúng ta cũng giống như con chim gì đang nhảy nhót chấp chới trên những ngọn sóng. Chỉ những ai từng lênh đênh ngoài khơi mới gặp loài chim ấy. Chẳng hiểu chúng đậu vào đâu mà sống nổi, và nhờ đâu chúng vẫn cứ cất lên tiếng hót giữa trùng trùng sóng gió. Kiếp người tưởng như vậy mà nào có khác nhau là bao. Tôi vẫn thấy có tiếng hát của em, tiếng gọi của chị trong mỗi ngày sống của mình.
Hà Nội, tháng 5 năm 1994
Nhà thơ Lê Đức Nghinh gửi cho trang TÁC PHẨM & BẠN ĐỌC