NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT
Mẹ...
Đã ba mươi năm con không dược gọi từ này
Mỗi lần nhớ mẹ mắt cứ cay cay
Mẹ...
Mỗi mùa xuân về con nhớ
Đất quê mình phù sa tươi đỏ
Mẹ nằm kia bên vạt ngô xanh Mẹ...
Dáng gầy chênh vênh
Đôi mắt hiền từ nhìn con âu yếm
Ngày xưa mỗi lần đói kém
Mẹ giành mình ăn độn phần khoai
Mẹ ơi
Nay cuộc đời khác rồi
Chúng con lớn lên không còn mẹ nữa
Nâng bát cơm thơm lòng con gọi khẽ
Mẹ ở đâu nhớ về
Mỗi lần trở lại thăm quê
Mẹ mừng rung rinh cây lá
Mẹ chính là cội rễ
Cho con kết quả đơm bông
Mẹ ơi
Ba mươi năm nước mắt lặn vào trong
Xuân về con viết bài thơ này dâng mẹ.
11/1967 -11/1997
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
Thơ là câu hát từ trái tim. Thơ hay không chỉ nói lên tình cảm chân thành của người viết mà còn nói hộ nỗi lòng của người đọc. Nếu xét như vậy thì "Mùa xuân dâng mẹ" của Nguyễn Thị Hồng Ngát rút từ tập "Bài thơ tặng mẹ" (NXB Hội Nhà văn 2008 - tr 154) là một bài thơ hay. Đây là tiếng lòng của người con xa biệt mẹ tròn 30 năm nhưng lòng vẫn đau đáu nhớ thương và tri ân mẹ không lúc nào nguôi.
Bài viết được trình bày theo thể thơ tự do, các dòng thơ dài ngắn đa dạng, cuối các dòng hầu hết không có dấu câu, phù hợp cảm xúc liền mạch với nhiều cung bậc và tâm trạng. Mở đầu là tiếng gọi mẹ thân thương. Nhưng vì mẹ đã về cõi vĩnh hằng lâu rồi nên đây chỉ là tiếng gọi thầm, mẹ đâu có còn nghe được nữa. "Mẹ.../ Đã ba mươi năm con không được gọi từ này / Mỗi lần nhớ mẹ mắt cứ cay cay". Người con lâu lắm không còn được gọi tiếng "mẹ" trìu mến. Mỗi lần nhớ về mẹ, mắt "cay cay" muốn khóc nhưng cố kìm lòng. Lời thơ chân thực, bình dị như lời con gái tâm sự với mẹ. Sống xa quê, lòng người con luôn nhớ tới "Đất quê mình phù sa tươi đỏ", nơi ấy in dấu bao kỷ niệm với gia đình và người thân, nhất là nơi ấy có mẹ. "Mẹ nằm kia bên vạt ngô xanh". Ngắm nấm mộ mẹ yên nằm, người con tưởng như thoáng thấy lại bóng hình mẹ năm nào với: "Dáng gầy chênh vênh / Đôi mắt hiền từ nhìn con âu yếm / Ngày xưa mỗi lần đói kém / Mẹ giành mình ăn độn phần khoai". Nhớ về mẹ, người con cảm động nhớ về ánh mắt hiền từ và cái nhìn âu yếm, lại càng thương mẹ đến thắt lòng bởi quãng đời mẹ sống xiết bao vất vả, đói kém. Thương con, mẹ luôn nhường con từng miếng cơm manh áo, riêng "mẹ giành mình ăn độn phần khoai". Giờ đây cuộc sống nơi quê hương đã no đủ, con đã trưởng thành thì chẳng còn mẹ nữa: "Nâng bát cơm thơm lòng con gọi khẽ / Mẹ ở đâu nhớ về / Mỗi lần trở lại thăm quê / Mẹ mừng rung rinh cây lá". Từ tấm lòng hiếu kính, người con dâng lên mẹ bát cơm thơm, chỉ mong hương hồn mẹ có linh hãy về thụ hưởng. Bằng trí tưởng tượng sáng tạo, chủ thể trữ tình tưởng như mẹ đang theo gió về trên cây cối trong vườn nhà: "Mẹ mừng rung rinh cây lá". Hay nhất trong bài là những câu: "Mẹ chính là cội rễ / Cho con kết quả đơm bông". Lời thơ hàm súc, ý thơ cô đọng một điều mang tính quy luật: nhờ có mẹ ngày tháng cần mẫn tích luỹ như cội rễ nuôi thân cành, cây con mới được đơm hoa kết nên trái ngọt. Những câu thơ khiến người đọc cảm nhận được tấm lòng thương và tri ân mẹ sâu sắc của người con. Trong bài, từ "Mẹ" nhiều lần đứng riêng là câu đặc biệt và điệp từ "mẹ" (14 lần), "con" (7 lần), có ý nghĩa gia tăng thêm tình mẹ nặng sâu không gì sánh được.
Đến nay, mẹ nhà thơ đã đi xa hơn nửa thế kỷ, người con “nước mắt lặn vào trong”, cố nén xót đau “viết bài thơ này” dâng lên mẹ tấm chân tình và niềm tri ân sâu sắc.
Người gửi / điện thoại