bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 23
Trong ngày: 163
Trong tuần: 1113
Lượt truy cập: 794568

MƯỜNG LÒ DU KÝ

Cầm Sơn
 
MƯỜNG LÒ DU KÝ
(Kỳ 1: Ngày 20/5/2023 – Nghĩa Lộ)
 
     Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức chuyến công tác cho các hội viên đi thực tế sáng tác tại một số địa điểm danh lam, thắng cảnh trong tỉnh Yên Bái.
  7h30p sáng ngày 20 tháng 5 năm 2023. Chiếc xe 29 chỗ ngồi mang biển kiểm soát 29B-300.52 do lái xe Thanh điều khiển đưa các thành viên đoàn do Nhạc sĩ – Chủ tịch Hội Nông Quốc Bình làm trưởng đoàn xuất phát từ trụ sở Hội số nhà 66 Nguyễn Văn Huyên theo tuyến cao tốc về thành phô Yên Bái.
  9h45p xe đến thành phố Yên Bái. Điểm đầu tiên đoàn đến thăm là Bảo tàng tỉnh Yên Bái. Trong phút hội kiến với lãnh đạo Bảo tàng tại hội trường, Nhạc sĩ Chủ tịch Hội Nông Quốc Bình có lời giới thiệu các thành viên là Nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, các nhà nghiên cứu văn học và các nhà nhà văn, nghệ sĩ tham gia chuyến công tác.
   Sau đó, đoàn được Mai Thị Thùy Hương – Phó phòng Trưng bày - Tuyên truyền Bảo tàng tỉnh Yên Bái hướng dẫn và thuyết minh tham quan Bảo tàng.
 Đoàn được Chi hội Yên Bái do Chi hội trưởng: Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Anh Đậu và nhà văn Nông Quang Khiêm đón tiếp giao lưu bữa cơm trưa tại nhà hàng Mộc Lâm.
Sau khi dùng cơm trưa, xe tiếp tục lên đường đưa đoàn đi thị xã Nghĩa Lộ, trên đường đi có dừng nghỉ tại một cửa hàng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật chế tác từ đá khai thác từ các mỏ đáy quý của địa phương. Theo kế hoạch, đến thị xã Nghĩa Lộ, đoàn được bố trí nhận phòng nghỉ tại Khách sạn Bảo Trân.
  17h30p, đoàn được Bác sĩ Đặng Phương Lan – là một hội viên của Hội thuộc Chi Hội Yên Bái đang công tác tại Bệnh viện Thị xã Nghĩa Lộ đến hướng dẫn đoàn đi tham quan Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  Thăm đồi Căng Đồn, tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ và cuối buổi rút về Nhà Văn hóa bản Chao Hạ dùng cơm tối và giao lưu Văn nghệ cùng đội Văn nghệ của Bản.
  Đối với bữa ăn, đoàn được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản, đặc trưng của người Thái Tây Bắc như da trâu chế biến, thịt nướng lá dong, xôi ngũ sắc, măng lay, rượu ngô men lá…Còn về văn nghệ thì các cô gái Thái vốn nổi tiếng với các điệu dân vũ mê hoặc và say đắm lòng người. Về phía đoàn có tiết mục đọc thơ của nhà thơ Pờ Sảo Mìn và giọng hát của nhạc sĩ Đinh Thiên Vương tham gia. Và tiết mục cuối cùng là vòng xòe tưng bừng rộn rã của tất cả các thành viên đoàn cùng với các nghệ sĩ dân gian của Nhà Văn hóa bản Chao Hạ. Do thời lượng chương trình rất dài nên chúng tôi xin được tách phần Giao lưu Văn nghệ thành chương trình riêng. Mời độc giả cùng chờ đón xem ở những chương trình kỳ sau.
                                                                                           

(Kỳ 2 Ngày 21/5/2023-Trạm Tấu)
 
  Sáng ngày 21/5/2023, xe đưa đoàn đi thăm khu vực huyện lỵ Trạm Tấu. Điểm dừng chân đầu tiên là một bản làng có khu du lịch sinh thái hồ tắm nước khoáng nóng. Khu du lịch này chắc là cũng mới xây dựng vì đoạn đường đi vào đang được đổ bê tông. Lúc xe vào thì đi bên phía đường bê tông đã khô cứng nhưng khi đi ra thì công nhân đã đổ nhiều đống cát sỏi chuẩn bị cho việc đổ nốt nửa bên đường còn lại. Xe không ra được đành phải cho mọi người xuống xe đi bộ ngược dốc, còn lái xe đánh xe không quay đầu đi vào một đường tránh khác có độ dốc lớn nên không thể chở theo người. Tại đây, một hội viên của Hội có tên là Lầu A Sa đi xe máy đón và hướng dẫn đường đi cho đoàn.
  Khu du lịch sinh thái có 3 khu vực tắm. Đầu tiên là bể có vòi nước nóng từ trong núi phun ra, tiếp nối thông với một cái bể tắm nước nóng lớn hơn và thấp nhất là một bể nước lạnh. Khu sinh thái này có nhà hàng đáp ứng nhu cầu cho thực khách, có một số bungalow cho khách ngủ nghỉ qua đêm giá chỉ 500k/1 ngày đêm. Nếu chỉ vào tắm thì mỗi vé 50k. Đoàn mua vé vào cổng gần hai chục người nhưng nhảy xuống tắm chỉ có vài người.
  Buổi trưa sau khi trèo ngược dốc tránh đường đang thi công thì đoàn nghỉ ăn trưa tại một quán có tên bảng hiệu là Homestay An Nhiên. Món ăn không có gì đặc biệt, chỉ đặc biệt nhất là bụi đường. Đường đang thi công nên rất bụi! Ở tổ dân phố này có một hợp tác xã dịch vụ du lịch bao gồm nhiều công ty, nhiều hộ kinh doanh loại hình Homestay nên các ngôi nhà sàn mới đang tiếp tục được dựng lên.
  Sau khi dùng cơm trưa, đoàn được Lầu A Sa dẫn lên thăm Đồi thông Eo gió. Đây là đồi thông có diện tích trên dưới 20 héc ta. Có nhiều cây thông rất to đường kính lên tới 40cm. Là một cán bộ có thâm niên công tác trong ngành Lâm nghiệp trên 40 năm, tôi dự đoán rừng thông này phải có tuổi đời trên dưới 100 năm. Nhưng theo lời Lầu A Sa nói thì đồi thông này mới được công nhân Lâm trường Trạm Tấu trồng vào những năm 70 của thế kỷ trước, có nghĩa là nó mới có tuổi đời trên 50 năm. Nhiều người công nhân trồng rừng thông này vẫn còn sống và rừng thông là niềm tự hào của họ.
  Có suối nước khoáng nóng, có rừng thông mát mẻ thơ mộng, tiềm năng du lịch của Trạm Tấu còn rộng cửa nhưng cũng có cái khó là cách xa trung tâm tỉnh lỵ, đường đi lại nhỏ hẹp, quanh co, khó khăn nên để phát triển được thì cán bộ, nhân dân Trạm Tấu còn phải nỗ lực hơn nhiều. Ngoài ra còn phải có sự hỗ trợ lớn của Nhà nước cho mở một tuyến đường cao tốc mới thu hút được khách du lịch. Mà để có được mấy chục cây số đường cao tốc xuyên núi thì kinh phí phải bỏ ra không hề nhỏ.
  Buổi chiều, xe đưa đoàn quay về khách sạn Bảo Trâm ở Nghĩa Lộ. Do trời rất nắng, nóng nên đoàn nghỉ không có hoạt động gì thêm.
                                                                                       
 

(Kỳ 3- Ngày 22 và sáng 23/5/2023 – Suối Giàng; Mù Cang Chải)
 
  Sáng ngày 22 tháng 5 năm 2023, xe đưa đoàn lên thăm Khu du lịch sinh thái Suối Giàng. Nắng, chao ôi là nắng, nắng trắng đồi, trắng núi, trắng cả những cây chè cổ ở vườn chè. Thực ra ở Suối Giàng có nhiều điểm để thưởng ngoạn nhưng vì trời quá nắng nên chúng tôi không đi đâu được xa, chỉ loanh quanh khu đồi chè cổ thụ và Đồi sim là hết buổi sáng.
  Suối Giàng là một xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm cách trung tâm huyện lỵ Văn Chấn 12 km về phía Bắc, với diện tích tự nhiên 5.922 héc-ta, bao gồm 4 tộc người cùng cư trú là người Mông, Kinh, Dao, Tày, trong đó người Mông chiếm 98,5%, còn lại các dân tộc khác chiếm gần 2%. Do vậy, các giá trị văn hoá dân gian truyền thống của đồng bào Mông nơi đây còn lưu giữ được nhiều yếu tố cổ truyền độc đáo. Đây chính là sự khác biệt, tạo cho Suối Giàng có tiềm năng để trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái của vùng phía Tây nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.
  Suối Giàng nằm ở độ cao 1.371 mét so với mực nước biển nên nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm. Chính vì vị trí địa lý như vậy nên cây chè là một đặc sản không những nổi tiếng trong nước mà kể cả người nước ngoài cũng biết đến trà Suối Giàng. Nếu để ý ta thấy tất cả những thương hiệu trà nổi tiếng đều là những vùng đất có độ cao lớn như chè Mộc Châu, chè Thái Nguyên, chè Hà Giang, chè Bảo Lộc…và xa hơn nữa là chè Long Tỉnh (龍井茶) một loại trà nổi tiếng thế giới của Trung Hoa cũng là vùng núi cao thuộc Hàng Châu tỉnh Chiết Giang. Có lẽ ở trên cao, cây chè đã tích tụ được vị của đất, hương của trời để rồi ngấm ra cống hiến cho đời thứ nước sánh vàng chát ngọt, ngất ngây mê đắm lòng người. Ở Suối Giàng còn có nhiều loại đá quý dùng để chế tác các vật dụng như bàn ghế, giường sập và các đồ mỹ nghệ phong thủy. Ngoài cây chè, Suối Giàng còn có cây quế cũng là một cây kinh tế mạnh của vùng đất. Tôi đã đến Suối Giàng nhiều lần nên được biết ở đây cũng có nhiều nghệ nhân người Mông rất giỏi thổi sáo, thổi khèn. Tôi đã từng được nghe một thanh niên người Mông tên là Sùng A Mạnh phục vụ ở quán trà thổi sáo không kém gì những nghệ sĩ chuyên nghiệp thực thụ. Tôi có hỏi một cháu gái thì được cháu trả lời: “Hôm nay nắng nóng ít khách, anh Mạnh ở nhà. Nếu chú thích thì để cháu gọi anh ấy ra!”. Tôi chưa nghỉ qua đêm ở Suối Giàng nên không biết tại đây có đội văn nghệ biểu diễn dân ca, dân vũ sắc tộc người Mông phục vụ khách nghỉ lại không? Nếu chưa có thì theo tôi cần phải có như nhiều bản làng người Thái khác ở vùng núi Tây Bắc, có như vậy mới thu hút được khách nghỉ lại và khách có lưu lại lâu thì mới bán được nhiều hàng.
  Sau khi dùng bữa cơm trưa tại Nhà Trung tâm Ngôi làng Hạnh phúc (Nahi Village) xe xuống núi và đưa đoàn ngược lên Mù Cang Chải. Đoàn dừng lại nghỉ ngơi, chụp ảnh tại điểm bay dù lượn đèo Khau Phạ và điểm có bia tưởng niệm đội du kích Khau Phạ. Tại điểm bay dù lưng chừng đèo Khau Phạ có một khu nhà làm dịch vụ của một hợp tác xã dịch vụ du lịch. Ở đây có phục vụ nước uống, bán các thứ hàng đặc sản địa phương, có bể nuôi cá tầm, cá hồi phục vụ ăn uống và có cả nhà nghỉ.
  Khau Phạ là một con đèo cực kỳ quanh co hiểm trở với những vách núi dựng đứng chênh vênh, thuộc địa phận của tỉnh Yên Bái. Khau Phạ cũng là điểm phân chia ranh giới giữa huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải.
  Đèo Khau Phạ, cùng với đèo Pha Đin, đèo Ô Quy Hồ, đèo Mã Pì Lèng là “tứ đại đỉnh đèo” của vùng cao Tây Bắc. Đèo Khau Phạ có chiều dài khoảng 30km, ở độ cao 1.200m. Theo tiếng dân tộc Tày, đỉnh núi này có nghĩa là “Sừng Trời” - chiếc sừng núi nhô lên tận trời.
  Đoàn được bố trí nghỉ qua đêm tại một nhà nghỉ ở thị trấn huyện lỵ huyện Mù Cang Chải.
  Sáng ngày 23 tháng 5, sau khi ăn sáng tại thị trấn phố huyện, xe đưa đoàn đến La Pán Tẩn. Tại đây, mỗi người muốn lên chụp ảnh ngắm đĩa mâm xôi trên đỉnh đồi phải thuê xe ôm đưa lên. Khác với những năm trước, đường đi lên đỉnh đồi nay đã được dổ bê tông nên đi lại an toàn hơn. Trước đây, tôi đã ngồi sau một xe máy của đội xe người Mông đi lên đỉnh trong một ngày mưa đường đất trơn trượt rất nguy hiểm. Những bánh xe được quấn bằng xích xe máy để bám đường. Đường mòn có những rãnh bị nước chảy khoét rất sâu nhưng đội xe gồm những thanh niên người Mông vẫn đi lại ào ào, ngồi phía sau xe nhiều khi lạnh ớn gáy. Ngày nay theo như chú lái xe đèo tôi nói thì mỗi nhà trong thôn được cử một xe phục vụ, vì vậy có cả phụ nữ địu con đi làm xe ôm chở khác. Mỗi khách được chở lên đỉnh rồi lại chở về có giá quy định của xã là 80k. Đôi khi có xe chở luôn hai người lấy 160k. Mùa này ruộng đã gặt xong nhưng chưa đổ ải lấy nước để chuẩn bị cấy nên không có ảnh đẹp. Nếu khoảng nửa tháng sau, khi nước được lấy về ruộng thì sẽ có ảnh đẹp hơn. Nhưng thôi, dù sao thì cũng đã lên đến La Pán Tẩn, không nháy một cái hình ruộng mâm xôi thì cũng thấy áy náy. Vì vậy, mọi người trong đoàn đều thuê xe chạy lên đỉnh đồi chụp ảnh.
  Rời La Pán Tẩn, xe đưa đoàn về trở lại thị xã Nghĩa Lộ dùng cơm trưa.

 
(Kỳ 4: Chiều 23 & Ngày 24/5/2023 – Chiến khu Vần; Hồ Thác Bà)
 
    Chiều ngày 23/5, sau khi dùng cơm trưa tại thị xã Nghĩa Lộ, xe đưa đoàn trở về thành phố Yên Bái. Trên đường đi, đoàn ghé vào thăm di tích lịch sử cấp Quốc gia – Nhà ông Trần Đình Khánh, đây là Trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của tỉnh Yên Bái tọa lạc tại làng Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, một trong 4 điểm di tích gồm Hang Dơi, đình Chung, gò cọ Đồng Yếng nằm trong Cụm di tích lịch sử Quốc gia Chiến khu Vần được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia ngày 4/9/1995.
     Ông Trần Đình Khánh là Chánh tổng Lương Ca, huyện Trấn Yên làm việc dưới chính quyền cai trị của Pháp. Ông là người có tư tưởng tiến bộ, yêu nước thương dân, bất mãn với chế độ bóc lột của thực dân Pháp. Được các cán bộ Việt Minh giác ngộ, với tầm ảnh hưởng của mình, ông đã vận động nhân dân trong vùng tham gia Đội du kích Âu Cơ, quyên góp ủng hộ lương thực, thực phẩm, tiền vàng, vũ khí cho kháng chiến. Bản thân gia đình ông ủng hộ cách mạng hàng chục tấn thóc gạo, cùng nhiều trâu bò, tiền bạc và dùng ngôi nhà của mình làm căn cứ hoạt động của Việt Minh, trở thành địa điểm tiếp nhận sự quyên góp, ủng hộ của nhân dân cho kháng chiến, là nơi tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Đội du kích Âu Cơ và căn cứ địa cách mạng. Theo chỉ thị của Mặt trận Việt Minh, tháng 9/1945 Ủy ban hành chính kháng chiến được thành lập, với những đóng góp to lớn và uy tín của mình ông Trần Đình Khánh được bầu làm chủ tịch, trụ sở đầu tiên đặt tại nhà ông. Năm 1946, ông vinh dự được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
    Đoàn về nhận phòng nghỉ tại Khách sạn Hào Gia thành phố Yên Bái. 17h30, nhà văn Nông Quang Khiêm đến khách sạn đón đoàn và hướng dẫn đoàn đi thăm Công viên Yên Hòa nằm trên đường Nguyễn Thái Học có diện tích rộng trên dưới 30 héc ta với cảnh quan hồ nước, vườn hoa rất yên bình, thơ mộng. Đặc biệt ở đây còn có khu tưởng niệm các anh hùng dân tộc trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái với lời nói nổi tiếng của lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Nguyễn Thái Học “Không thành công cũng thành nhân”
 Rời công viên Yên Hòa, đoàn tiếp tục được hướng dẫn đến thăm ngôi chùa lớn nhất ở Yên Bái là chùa Tùng Lâm tọa lạc ngay trên bờ sông Hồng lộng gió. Sau đó đoàn về dùng cơm giao lưu với lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái gồm có các ông bà Nguyễn Đình Thi – Chủ tịch Hội, Nguyễn Thị Ngọc Yến – Phó Chủ tịch Hội và nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thanh Miền.
    Sáng ngày 24 tháng 5 năm 2023, đoàn được xe đưa ra bến cảng Hương Lý lên tàu thăm lòng hồ Thác Bà. Tàu đưa đoàn đi thăm Nhà máy Thủy điện, đảo xanh cho các đoàn viên chụp ảnh kỷ niệm rồi tiến một mạch dài trên lòng hồ. Đoàn được những nhà văn, nghệ sĩ người Yên Bái chỉ trỏ giới thiệu “…Núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà, Đát Ô Đồ, động Xuân Long…”.
     Mỗi ngọn núi, ngôi đền ở đây đều gắn với một truyền thuyết dân gian hay huyền thoại ly kỳ, độc đáo, cảm động về tình người, về ý chí và sức lao động sáng tạo phi thường nhằm chinh phục thiên nhiên của người xưa.
     Riêng đền Thác Bà nằm trên núi Hoàng Thi là đền thờ Mẫu, lễ hội chính vào ngày mùng 8, mùng 9 tháng Giêng hàng năm, người địa phương và du khách tấp nập đến dâng hương hoa thờ cúng.
    Đến một đoạn, khi ấy tôi đứng gần nhà văn Lương Ky thấy ông cứ bần thần khang khác. Tôi hỏi: “Sao thế bác? Đừng nghĩ chỉ là mát, coi chừng gió thổi mạnh cũng bị cảm lạnh đấy!” Nhà văn Lương Ky chầm chậm trả lời: “Dưới chân chúng ta đang đứng, trước kia là làng bản, quê hương nhà tôi đấy!”. Thì ra những ký ức về quê hương không bao giờ có thể phai mờ, kể cả khi nó đã chìm xuống hàng trăm mét nước.
    Tàu dừng tại một quả núi đá vôi thuộc xã Mông Sơn huyện Yên Bình, nơi đây có động Thủy Tiên nhưng phần lớn người dân bản xứ quen gọi là Hang Tỉnh ủy bởi thời ký chiến trang chống Mỹ, hang này được chọn để làm trụ sở sơ tán của Tỉnh ủy và các cơ quan đầu não của tỉnh Yên Bái từ năm 1965 đến năm 1969
    Đoàn được một nhân viên trong Ban quản lý động hướng dẫn đi thăm và giới thiệu động, mỗi vé vào thăm mất 20k cho một người ngoài ra nhân viên này yêu cầu trả phí 100k cho việc ông thuyết minh. Mặc dù thăm Hồ Thác Bà rất thú vị nhưng khi vào thăm động này thì cũng cần phải nói mấy điều. Việc khai thác lợi thế để phát triển du lịch là điều nhất thiết phải làm cho tốt. Lấy những truyền thuyết dân gian, thần thánh hóa cho di vật là điều ở đâu cũng làm nhưng không thể cứ nhặt bừa các truyền thuyết hoặc bịa ra không có căn cứ làm lệch lạc nội dung, không mang tính tuyên truyền, giáo dục hoặc quá sống sượng, lộ liễu. Những truyền thuyết cho nhân viên hướng dẫn du lịch thiết nghĩ phải được người có chuyên môn, tốt nhất là các nhà văn xem xét và chỉnh lý lại, sau đó cơ quan quản lý Văn hóa phê duyệt thì mới được làm câu chuyện cho hướng dẫn viên sử dụng. Ở đây, ông bạn hướng dẫn viên kể các câu chuyện nhiều chỗ khó có thể nghe được: Ví dụ như “…đây là kho báu của Công chúa đựng các văn bằng chứng chỉ…”. Thời tiền sử của loài người, khi ấy loài người còn chưa có chữ viết thì lấy đâu ra văn bằng, chứng chỉ… Chúng tôi nghe một lúc thấy “đau cái lỗ tai” quá đành bỏ đi ra ngoài cửa động. Hoặc những nhũ đá mới được đắp lại bằng ciment cát trông lộ liễu. Đành rằng việc này cũng cần phải làm nhưng nhất thiết là phải do bàn tay của nghệ nhân thực thụ làm cho nó giống như nhũ đá thật chứ người đến thăm phát hiện ra nó là giả thì thật là “lợi bất cập hại”.
      Ngoài ra, ở phía ngoài cửa động có một ngôi đền mang tấm đại tự và đôi câu đối bằng chữ Hán, Tấm đại tự ghi: “Thủy tiên Sơn Động” ( ) Câu đối ghi: “Thủy tiên động thiên niên cổ tích – Hồ Thác bà vạn đại truyền lưu” (仙洞千年古蹐 - 湖托婆) Ai cũng có thể hiểu ngôi đến này chỉ mới được xây dựng sau khi có hồ thủy điện Thác Bà vì khi chưa có hồ thì nơi đây nằm trên một đỉnh núi cao làm gì có Thủy động. Nên việc viết hoành phi câu đối bằng chữ Hán đã không nên, nhưng cũng còn có thể chấp nhận, có điều đã viết thì nên viết cho đẹp và cho đúng. Tôi có nhận xét là chữ viết rất non, hai là chữ “lưu” chưa hiểu đúng. Theo nội dung mấy chữ cuối câu đối là”…Thiên niên cổ tích” đối với “Vạn đại truyền lưu” thì chữ lưu ở đây phải là (lưu truyền, lưu giữ) chứ không thể viết ( – lưu thông, dòng chảy).
   Vài ý kiến nhỏ đóng góp, Thiết nghĩ ngành Văn hóa của huyện Yên Bình và tỉnh Yên Bái cũng nên tham khảo ý kiến của khách thập phương để xây dựng các tou du lịch trên lòng hồ hoàn thiện hơn.
    Rời Hang Tỉnh Ủy, chúng tôi được con tàu đưa sang một hòn đảo đối diện có ngôi nhà sàn lớn dựng trên đỉnh đồi là một nhà hàng phục vụ ăn uống. Ở đây chúng tôi còn gặp một đoàn đi trên một con tàu riêng người dân tộc Dao ở xã Đại Sơn huyện Yên Bình cũng cập bến vào nghỉ dùng cơm trưa. Hỏi thì được biết không do đoàn thể nào tổ chức mà đoàn do bà con hàng xóm rủ nhau đi chơi thôi. Chứng tỏ đời sống bà con ở nới này cũng rất khấm khá. Trong đoàn duy chỉ có một bà tên là Bàn Thị Khé 58 tuổi ăn vận trang phục của người Dao. Theo đề nghị của tôi, bà Khé đã hát một bài hát bằng tiếng Dao.
    Sau khi dùng cơm trưa, đoàn lên tàu quay về cảng Hương Lý, lên xe trở về Hà Nội. Kết thúc chuyến công tác thăm vùng đất Mường Lò dưới ánh nắng tháng 5 gay gắt ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người nhưng được khám phá những miền đất lạ nên ai cũng vui vẻ, không ai tỏ ra mệt mỏi. Một chuyến đi bổ ích và thú vị.

                                                                                                                             C.S





In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)