Phạm Trọng Thanh
BÀI THƠ KÍNH ĐỀ NAM THIÊN ĐỆ LỤC ĐỘNG
CỦA GIÁO THỤ TRẦN HỮU ĐÁP
Năm 1924, khi làm Giáo thụ (vị quan trông coi việc học) phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, Trần Hữu Đáp có chuyến du xuân, ngoạn cảnh Nam thiên đệ lục động (Động đẹp thứ sáu trời Nam). Đây là động Kính Chủ trên đất làng Dương Nham, nay thuộc phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Đối cảnh sinh tình, thi nhân đã có bài thơ chữ Hán khắc trên vách đá, được bảo tồn trong động một thế kỷ qua. Nguyên văn chữ Hán:
Phiên âm:
KHẢI ĐỊNH CỬU NIÊN XUÂN
Phi vân trực thướng thạch môn quynh,
Phủ khám quần phong liệt hạ bình.
Lý Chúa du quan di tượng tại,
Phạm Công sự nghiệp cố sơn minh.
Địa khai Dương Cốc tiên tàng nhật,
Nhân hướng Nham A tiện khất linh.
Tuyệt lĩnh tọa khan kim cổ sự,
Hà sơn y cựu tự cao thanh.
Hàn lâm Kiểm thảo Kinh môn Giáo thụ
Hà Nam, Duy Tiên, Lê Xá, Long Sơn – Trần Hữu Đáp kính đề.
(Theo bản phiên âm của nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành –
Nguyên giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương)
Dịch nghĩa:
Khải Định năm thứ 9, mùa Xuân năm 1924 Mây bay, người dấn bước lên thẳng cửa đá hẹp,
Cúi nhìn những ngọn núi tầng lớp như những bức bình phong.
Vua Lý chơi thăm động đến nay vẫn còn tượng đá tôn thờ,
Sự nghiệp Phạm Công thuở xưa còn lưu bài thơ khắc trên bia lớn.
Đất mở hang Dương Cốc rạng ngày mặt trời soi chiếu,
Người đời hướng về Nham A chốn thiêng linh khí tụ
Trên đỉnh cao nhất ngồi xem mọi việc xưa nay,
Sông núi như xưa tự thanh cao với giang sơn muôn vẻ
Giáo thụ phủ Kinh Môn, Hàn lâm Kiểm thảo, quê làng Lê Xá,
Long Sơn, Duy Tiên, Hà Nam là Trần Hữu Đáp kính đề.
Dịch thơ:
Mây bay cửa động mở phương trời,
Trùng điệp gần xa núi đứng ngồi.
Vua Lý du sơn còn tượng tạc,
Phạm Công sự nghiệp đẹp muôn lời.
Hang soi nắng sớm vầng dương tỏ,
Động hướng tâm linh của mọi người.
Tuyệt đỉnh thấu tường bao tích truyện,
Núi sông muôn thuở tự tươi ngời.
(Trần Quốc Toản dịch)
Bài thơ Đường luật khắc ở bên phải cửa động, câu phá đề đúng là câu mở đầu “khai môn kiến sơn” (mở cửa thấy núi) thật sinh động: Mây bay đỉnh núi vấn vít, thạch động thêm huyền ảo, khách du dấn bước lên, cửa đá hang động đón mời. Câu thừa đề tiếp theo, khách du cúi nhìn núi non châu tuần về động như những bình phong thiên tạo phía dưới, gợi niềm cảm hứng thanh cao.
Hai câu thực – ba, bốn, câu trên: sự tích Lý Thần Tông (1128 -1138) vị vua thứ năm triều Lý về đây hiện còn tượng thờ trong động. Câu dưới bao quát sự nghiệp kinh bang tế thế của danh thần triều Trần Phạm Sư Mạnh (1303-1384). Bài thơ “Hành dịch đăng gia sơn” (Nhân đi việc quan, lên chơi núi quê nhà) của ông được khắc vào bia lớn còn đây.
Hai câu luận năm, sáu biểu lộ bút lực triết luận “Thiên-Địa-Nhân” của thi nhận trước kỳ quan của tạo hóa ở nơi này: Đất mở động trời “Dương Cốc” để đón ánh dương đầu ngày mặt trời ló rạng bình minh. Người người hướng về hang động núi thiêng mà cảm nhận linh khí nghìn năm đất nước.
Hai câu kết bảy, tám: tác giả nâng người đọc lên vị trí cao nhất: “tuyệt đỉnh” nhìn bao quát cảnh trí thiên tạo, xem xét, tỏ tường mọi việc từ xưa đến nay, nơi sông núi tự thanh cao, rạng rỡ đất trời.
Bài thơ Khải Định cửu niên Xuân của Giáo thụ Trần Hữu Đáp là thi phẩm thứ ba được khắc trên cửa động sau bài thơ Ngự chế khắc trên nóc động của vua Lê Thánh Tông triều Lê sơ và bài thơ của danh sĩ Phạm Sư Mạnh thời Trần, khắc trên bia lớn trong động. Bài thơ của thi nhân họ Trần đạt đến độ toàn bích.
Bản dịch bài thơ của ông do cháu nội Trần Quốc Toản thực hiện là một bản dịch khoát đạt, trang nhã.
Xin có đôi lời về vị học quan - thi nhân Trần Hữu Đáp (1873-1956). Xuất thân trong một gia đình nghèo ở làng Lê Xá, huyện Duy Tiên, xứ Sơn Nam Hạ, Trần Hữu Đáp thông minh, ham học từ thuở nhỏ. Được bà cô giúp đỡ, ông bền chí theo nghiệp bút nghiên, vừa theo thầy là tiến sĩ Đàm Liêm ở Hương Mặc, Bắc Ninh sôi kinh nấu sử, vừa dạy học.
Trần Hữu Đáp thi đậu Tú tài 2 khoa Đinh Dậu (1897) và Nhâm Tý (1912) tại trường thi Nam Định. Sau đó, học trường Hậu bổ, trúng tuyển Giáo học Hàn lâm, ông được bổ làm Huấn đạo ở hai huyện Chí Linh và Cẩm Giàng, Hải Dương. Năm 1923, bổ Tri châu. Năm 1924, được bổ làm Giáo thụ phủ Kinh Môn, Hải Dương. Ông có những học trò thành Đạt: Dương Thiệu Tường, Tiến sĩ – Binh bộ Thượng thư, Tổng đốc Hưng Yên. Nguyễn Đình Yên, Cử nhân, Chánh tòa Lạng Sơn.
Ông được triều Nguyễn ban tặng hai đạo sắc phong:
1). Triều liệt Đại phu Hàn lâm viện Thị độc học sĩ.
2). Phụng nghị Đại phu.
Năm 1925, ông được thăng Trợ tá phủ Bình Giang. Năm 1931, quyền Tri phủ Bình Giang. Năm 1939, Thông phán Thượng hạng.
Là nhân sĩ yêu nước, Cách mạng thành công, tháng 8/1945, ông Trần Hữu Đáp được bầu làm Chủ tịch UBNDCM lâm thời xã Châu Sơn, Duy Tiên, Hà Nam (8/1945 – 3/1946).
Ông là ông nội của cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, một trong Tứ trụ sử học Việt Nam “Lâm – Lê - Tấn - Vượng” (Đinh Xuân Lâm – Phan Huy Lê – Hà Văn Tấn – Trần Quốc Vượng). Giáo sư Trần Quốc Vượng được thế giới tôn vinh là một trong 2000 học giả xuất chúng của thế kỷ XX; được Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, nhà giáo Ưu tú, giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ.
Cùng với bài thơ chữ Hán đề động Kính Chủ, thi nhân Trần Hữu Đáp còn có bài thơ lục bát tiếng Việt, vịnh cảnh động Kính Chủ rất nhuần nhuyễn, thơ về núi Đọi, chùa Đọi… Ông là danh sĩ của đất văn hiến Duy Tiên, Hà Nam, trưởng hội Tư văn Duy Tiên với những đóng góp còn lưu trong sử sách.
TP Nam Định, 10/7/2024
P.T.T