NGHE EM LÊN LÃO

NGHE EM LÊN LÃO – BÀI THƠ HAY DÀNH CHO CHỊ EM TUỔI MỚI VÀO ĐỜI
NGHE EM LÊN LÃO
(Tặng Trần Thị Trâm)
Tác giả Nguyễn Thị Mai
Hết hồn! em báo tin vui
Tết này lên lão bảy mươi tuổi mình
Trời ơi! Em vẫn trẻ xinh
Miệng cười tỏa nắng lung linh đóa hồng
Sau lưng còn ngỡ chưa chồng
Tóc đen, gáy trắng, vai bồng, eo thon
Mà sao đã bẩy mươi tròn
Mà sao lên lão. Lòng còn đang xuân?
Tin như đại bác bắn gần
Em đùng một phát… Anh dần chết tươi
Tết này em đã bẩy mươi
Lạy em! Đừng nói với người yêu em.
Bài thơ 12 câu nói là để tặng Trần Thị Trâm nhưng do cái tài, cái tình của tác giả - một người trong cuộc có con mắt xanh mà bài thơ vui ấy đã trở thành món quà tinh thần thật dễ thương cho tất cả những phụ nữ tuổi mới vào đời , tức là các bà, các cô từ bắt đầu về hưu đến U tám chục:
Hết hồn! em báo tin vui
Tết này lên lão bảy mươi tuổi mình
Bài thơ được mở đầu một cách rất tự nhiên. Lời cảm thán Hết hồn! đã nhanh chóng tạo nên một tứ thơ là lạ và đầy nghịch lý. Bởi hết hồn là cảm giác sợ hãi vì bất ngờ gặp một điều gì đó khác thường. Mà bảy mươi lên lão là sự bình thường, là quy luật, là tin vui, là điều đáng mừng với mỗi người, với gia đình và xã hội.
Vậy thì vì sao dù hàng ngày vẫn tận mắt chứng kiến phụ nữ hôm nay trẻ hơn tuổi rất nhiều: Bà ngoại (nội) em vẫn chưa già / Ngày ngày bà phóng xe ga ra đường/ Mắt bà còn rất tinh tường/ Bà nhuộm tóc tím soi gương suốt ngày …nhưng nhà thơ vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước cái tin bà bạn mình vừa lên lão. Tâm trạng ấy, chắc đâu phải vì hai nàng cũng sêm sêm tuổi nhau mà chủ yếu nàng thơ không sao giải thích được, không thể nào tin được: cái người phụ nữ trẻ trung, tràn trề sức sống, lúc nào cũng váy áo xênh xang kia lại đã cán mốc bảy mươi. Cái tin người ấy lên lão như tiếng đại bác bắn gần, khiến tác giả và nhiều người, trong đó bao gồm cả kẻ thầm thương trộm nhớ bỗng choáng váng:
Trời ơi! Em vẫn trẻ xinh
Miệng cười tỏa nắng lung linh đóa hồng
Sau lưng còn ngỡ chưa chồng
Tóc đen, gáy trắng, vai bồng, eo thon
Trong mắt bọn họ, em trẻ xinh, hấp dẫn và còn ngon mọi nhẽ, nhất là lòng em còn xuân thế, Mà sao đã bẩy mươi tròn/ Mà sao lên lão?
Ngày xưa: bảy mươi tuổi đã là già, là hiếm (Nhân sinh thất thập cổ lai hy). Gần một trăm năm trước Song An - Hoàng Ngọc Phách, tác giả “Tố Tâm”- một cuốn sách mang tư tưởng rất mới, được dư luận lúc đó coi là “Một qủa bom giữa khung trời tình cảm” nhưng bà mẹ nàng chưa đến 50 đã được ông xếp vào hàng cụ già: “Lần đầu đến nhà Tố Tâm chàng (Đạm Thủy) thấy một bà cụ già chừng 48, 49 tuổi từ trên gác đi xuống”. Và cách nay chỉ vài chục năm, trên sân khấu, trong phim ảnh các bà mẹ chiến sĩ (dù có người chưa tới 40) đều tóc bạc, lưng còng...
Bởi theo quan niệm triết học phương Đông, thời gian được tính theo chu kỳ vì thế người xưa mặc nhiên đề cao cái gốc, đề cao tuổi già. Mặt khác, do đời sống quá khó khăn về vật chất, tù túng về tinh thần, do sự nhào nặn của lễ giáo phong kiến mà những người đàn bà Việt suốt đời cứ như mặt trăng chỉ biết tỏa sáng vì người khác nên hầu hết: Gái ba mươi tuổi đã toan về già.
Ngược lại, với quan niệm thời gian tuyến tính, người phương Tây thường đề cao cuộc sống hiện tại, đề cao tuổi trẻ và cho rằng tuổi già là nỗi bất hạnh lớn nhất của mỗi kiếp người: “Người ta có ba điều bất hạnh: tuổi già, cái chết và đứa con hư” (Xu khôm lin xki). Thời đại mở cửa hội nhập, đất nước con người đều đổi mới mà phụ nữ, đặc biệt là các lão bà bà xem chừng lại đổi mới nhanh hơn cánh mày râu. Do có ăn, có mặc và biết ăn biết mặc, biết hưởng thụ cuộc sống, lại năng động và sáng tao, phái đẹp luôn ý thức rất rõ về giá trị của mình, họ yêu cái đẹp, chủ động làm đẹp và thích sự trẻ trung nên họ ngày càng trẻ đẹp, duyên dáng. Vượt qua chính mình, các bà các chị chăm chỉ học hành: học công nghệ mới, học sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, lên fay búc, đến mĩ viện; học nhảy, học hát, hoc đàn, học vẽ; đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, chỉn chu trong trang phục, cẩn trọng trong ăn uống … để tạo cho mình một phiên bản tốt nhất. Ánh sáng của trí tuệ và việc dám chống lại cái già, đã giúp thế hệ mới vào đời giữ gìn được tuổi trẻ và nhan sắc:
Đầu thì chỗ bạc chỗ thưa/ Váy quân xanh đỏ quyết chưa chịu già.
Và chính sự tri âm, thấu cảm của người trong cuộc đã giúp nhà thơ tài hoa không chỉ phát hiện mà còn thể hiện rất thành công bức chân dung thế hệ mình một cách hết sức sinh động. Bài thơ càng trở nên cuốn hút, hấp dẫn nhờ lối vào đề bất ngờ, giản dị và giọng điệu hết sức hài hước, hóm hỉnh với hàng loạt câu hỏi tu từ, với những chấm than, chấm lửng và cách lặp từ rất có duyên: Hết hồn ! em báo tin vui…Trời ơi! Em vẫn trẻ xinh; Mà sao đã bẩy mươi tròn? Mà sao lên lão. Lòng còn đang xuân?
Cái cụm từ Em đã bẩy mươi được lặp lại tới 3 lần nhưng lặp mà không trùng. Nó đã giúp tác giả khẳng định sự trẻ trung đột biến của chị em phụ nữ hôm nay, dù 70 xuân nhưng vẫn rất xuân. Còn sự kết hợp linh hoạt giữa thứ ngôn ngữ nôm na đời thường: (Hú hồn, Tin như đại bác bắn gần / Em đùng một phát… anh dần chết tươi) với thứ ngôn ngữ trang trọng (Lạy em) đã làm nên những tiếng cười vô cùng sảng khoái, đã truyền cảm hứng tới cho bạn đọc . Nên đến với “Nghe tin em lên lão”, không chỉ chị em sau tuổi về hưu (mà tất cả mọi người) ai cũng thấy vui sướng, hạnh phúc, tự tin, yêu đời hơn.
Và qua bài thơ ngắn ấy ta còn có thể thấy: cái tài thơ lục bát, cái tình của thi nhân và phong cách đặc sắc của thơ Nguyễn Thị Mai.
Có thể là hình ảnh về 1 người, cải búp và cúc bách nhật
 
 
 

 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung