Hữu Thỉnh
Chiếc vé tàu cũng hồi hộp như con khi con về với mẹ
con lại ngồi vào chiếc chõng tre xưa
nơi mẹ vẫn ngồi khâu cha thường chẻ lạt bao xa cách lấp bằng trong chốc lát
trăm cánh rừng về dưới giọt gianh thưa
xin mẹ lại cho con bắt đầu đi gánh nước gánh bao nhiêu trong mát để dành
xin mẹ lại cho con nấu bữa cơm mà không cần giấu khói
để con được cảm ơn ngọn lửa nhà ta ngọn lửa biết thay con tìm lời an ủi mẹ
vẫn chiếc dây phơi buộc ở đuôi kèo vẫn ở đó giờ cao hơn với mẹ
con phơi áo nghe hai đầu dây kể
thương quá những khi mưa con trai mẹ vắng nhà
chiến tranh đi qua mẹ con mình
hàng gạch lún giữa sân cơn mưa còn đọng nước hôm nay con trở về nhà
chiếc vó nhện trên tường cũ vô cùng thân thuộc
với một người từng chịu nỗi cách xa
họ chỉ cần đi ngược con đường đã làm nên xa cách là có thể về với mẹ được ngay
nhưng với một người lính như con muốn gặp mẹ phải vượt lên phía trước phải lách qua từng bước hiểm nghèo
ở trên đó bất ngờ con gặp mẹ như con đang gặp mẹ bây giờ
bước chân con chưa kín mảnh sân nhà phía biên giới lại những ngày súng nổ ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ
chúng con đến và đi trong suốt cuộc đời mình.
(1980)
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
Trong cuốn “100 bài thơ hay thế kỷ XX”, do NXB Giáo dục ấn hành năm 2007, tôi rất thích bài “Ngôi nhà của mẹ” do nhà thơ Hữu Thỉnh - hiện là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - sáng tác. Qua việc tái hiện lại một lần về quê thăm mẹ của người lính, thăm ngôi nhà xưa thân thương lưu giữ bao kỷ niệm thuở thiếu thời, tác giả đã gửi gắm ở đó biết bao tình thương yêu và lòng biết ơn mẹ sâu sắc.
Bài thơ không nói đến những điều lớn lao hay xa lạ. Mở đầu chỉ là những câu thơ tự sự: “Chiếc vé tàu cũng hồi hộp như con / khi con về với mẹ”. Nghệ thuật nhân hóa khiến cho vật vô tri là “chiếc vé tàu” cũng chất chứa đầy tâm trạng, cũng hòa niềm sướng vui, hồi hộp đến khó nói nên lời của người lính, sau nhiều năm đóng quân, chiến đấu nơi xa, nay được về thăm quê, thăm mẹ. Liền đó, tác giả tiếp nối mạch thơ: “con lại ngồi vào chiếc chõng tre xưa / nơi mẹ vẫn ngồi khâu cha thường chẻ lạt / bao xa cách lấp bằng trong chốc lát / trăm cánh rừng về dưới giọt gianh thưa”. Còn gì thân thuộc và cảm động hơn khi được sống lại trong không gian của những vật dụng từng gắn bó thường nhật những tháng ngày gia đình được sum họp đủ đầy. Hình ảnh “chiếc chõng tre” mộc mạc và mái nhà gianh tre vốn rất gần gũi với mỗi con người sinh ra, lớn lên từ làng quê, khơi gợi trong chúng ta những kỷ niệm một thời... Về gặp mẹ rồi, người con trai xin mẹ được làm những công việc gánh nước, thổi cơm thuở xưa đã từng quen: “xin mẹ lại cho con bắt đầu đi gánh nước / gánh bao nhiêu trong mát để dành / xin mẹ lại cho con nấu bữa cơm mà không cần giấu khói / để con được cảm ơn ngọn lửa nhà ta / ngọn lửa biết thay con tìm lời an ủi mẹ”. Ngôn từ dung dị, hình ảnh xiết bao thân thuộc cùng với nghệ thuật ẩn dụ “gánh bao nhiêu trong mát để dành” chất chứa bao nỗi niềm. “Ngọn lửa” ở đây được nhân hóa “biết thay con tìm lời an ủi mẹ” khi con trai vắng nhà nói lên rất nhiều tình thươ lòng hiếu nghĩa với đấng sinh thành. Với đoạn thơ này, tác giả đã “đánh thức trong nhiều chúng ta những cung bậc cảm xúc rất thân thương, rất gần gũi với con người mà có lẽ chỉ những người lính từng đi qua nỗi đau chiến tranh mới thấm thía được” (Nguyễn Bùi Vợi). Mấy câu thơ tiếp tái hiện lại hình ảnh “chiếc dây phơi buộc ở đuôi kèo / vẫn ở đó giờ cao hơn với mẹ”. Câu thơ này tả thực rất rõ: cùng với tháng năm lam lũ và sự đợi chờ, lưng mẹ giờ đã còng xuống “con phơi áo nghe hai đầu dây kể / thương quá những khi mưa con trai mẹ vắng nhà”. Mấy câu thơ giàu sức gợi tả niềm thương xót mẹ nhiều lẽ: Dây phơi cao mà lưng mẹ thì còng, gạch lún giữa sân mưa còn đọng nước lo mẹ bị ngã, chưa kể những khi mẹ trái gió, trở trời… Lời thơ dung dị, ý thơ sâu lắng, ngôn ngữ thơ tinh tế như được chắt lọc từ mạch nguồn ca dao phong phú của ông cha. Dưới tầng câu chữ ấy còn hàm chứa một quan niệm sống đẹp đẽ “với một người từng chịu nỗi cách xa / họ chỉ cần đi ngược con đường đã làm nên xa cách là có thể về với mẹ được ngay / nhưng với một người lính như con / muốn gặp mẹ phải vượt lên phía trước phải lách qua từng bước hiểm nghèo”. Chỉ có vượt lên những khó khăn, thách thức ở phía trước, chỉ có cầm chắc vũ khí chiến đấu bảo vệ quê hương và người thân, người lính mới thật đường hoàng trở về gặp mẹ“như con đang gặp mẹ bây giờ”. Bài thơ kết thúc bằng khổ thơ giàu sức khái quát “bước chân con chưa kín mảnh sân nhà / phía biên giới lại những ngày súng nổ / ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ / chúng con đến và đi trong suốt cuộc đời mình”. Trong toàn bài, đại từ ngôi thứ nhất số ít “con” điệp tới mười bốn lần cho thấy rõ chủ thể trữ tình là người lính, con trai của mẹ. Song đến câu thơ kết, đại từ nhân xưng đã chuyển sang số nhiều “chúng con”. “Ngôi nhà của mẹ” giờ đây không chỉ là của riêng một người lính nữa; mọi ngôi nhà của những người mẹ đều là “chiếc ga” cội nguồn, căn cốt của tình yêu thương, là điểm “đến và đi” cho các chiến sỹ, cho những người con trong suốt hành trình cuộc sống.
Trong toàn bài, đại từ ngôi thứ nhất số ít “con” điệp tới mười bốn lần cho thấy rõ chủ thể trữ tình là người lính, con trai của mẹ. Song đến câu thơ kết, đại từ nhân xưng đã chuyển sang số nhiều “chúng con”. “Ngôi nhà của mẹ” giờ đây không chỉ là của riêng một người lính nữa; mọi ngôi nhà của những người mẹ đều là “chiếc ga” cội nguồn, căn cốt của tình yêu thương, là điểm “đến và đi” cho các chiến sỹ, cho những người con trong suốt hành trình cuộc sống. Toàn bài là những câu thơ chỉ ngắt dòng mà không có dấu và cũng không viết hoa bởi đó là những cảm xúc liền mạch trong sâu thẳm trái tim và tâm trạng người con.
Bài thơ tuy kết thúc nhưng ý thơ lại mở ra, lan tỏa những giá trị nhân văn rộng lớn. Thơ hay là thơ nói hộ tấm lòng của người đọc, tạo sự giao thoa và cộng hưởng nỗi niềm. Ở bài thơ trên, Hữu Thỉnh đã làm được điều đó.
Người gửi / điện thoại