Ngưỡng cửa
Vũ Quần Phương
Nơi này ai cũng quen
Ngay từ thời tấm bé
Khi tay bà, tay mẹ
Còn dắt vòng đi men
Nơi bố mẹ ngày đêm
Lúc nào qua cũng vội
Nơi bạn bè chạy tới
Thường lúc nào cũng vui
Nơi này đã đưa tôi
Buổi đầu tiên đến lớp
Nay con đường xa tắp
Vẫn đang chờ tôi đi
Lời bình của Vũ Nho
Vũ Quần Phương (bìa trái) và Vũ Nho
Trong kiến trúc của ngôi nhà tre hay gỗ truyền thống của Việt Nam, nhà có cửa và bao giờ cũng có cái ngưỡng cửa để ngăn cách phần thềm nhà với lòng nhà, nghĩa là ngăn cách phía bên trong và bên ngoài. Ngày ngày, các thành viên trong nhà đều nhiều lần qua cái ngưỡng cửa đó để đi làm, đi chơi và về nhà đi ngủ. Ngay từ bé thơ, trẻ em đã được người lớn “dắt vòng đi men” cái vật thân thuộc đó. Vì vậy mà ai cũng quen. Bố mẹ là lao động chính trong nhà thì qua đó lúc nào cũng vội. Đó là cách nói ẩn dụ về sự vất vả, bươn chải của người lao động. Còn trẻ em, bạn bè cùng trang lứa thì đến với nhau, bước qua ngưỡng cửa vào nhà, hoặc là ngồi chính ngay trên ngưỡng cửa mà trò chuyện, nghịch ngợm thì thường lúc nào cũng vui. Thường lúc nào cũng vui là vì thi thoảng cũng có lúc bất thường, không vui, ấy là khi xích mích hoặc cãi vã…
Nhưng điều quan trọng nhất mà tác giả muốn nhắc đến chính là cái ngưỡng cửa ấy là nơi xuất phát những bước đi đầu tiên trên con đường học hành, thu lượm học vấn để thành người. Cái con đường xa tắp kia đang chờ bạn nhỏ bước tiếp những bước quan trọng. Cái ngưỡng cửa ngôi nhà ấy cũng là nơi xuất phát để bước vào ngưỡng cửa cuộc sống. Vì vậy mà ngưỡng cửa còn có tính chất tượng trưng. Dù đi đâu, làm gì, thành đạt đến bao nhiêu chăng nữa thì mỗi người đều nhớ lại những bước đi đầu tiên từ “ngưỡng cửa” của nhà mình. Đó cũng là điều nhắn gửi thầm của tác giả bài thơ.
Tháng 12 năm 2016
Người gửi / điện thoại