NHÀ KHÔNG CÓ BỐ.
Thằng con dẫn hai ba đứa bạn sau khi đá bóng về nhà ngồi uống nước. Thấy tôi lúi húi nhặt rau nấu cơm chiều , bạn nó hỏi thì thào nhưng tôi vẫn nghe :
- Mẹ mày đâu ?
Im lặng.
- Nhà không có mẹ à ?
Không thấy thằng con trả lời. Ừ , nhà không có bố hay không có mẹ thì cũng có sao đâu . Có điều , nhà không có bố đã được viết thành thơ - còn nhà không có mẹ chưa thấy thơ ca nào đả động cả . " Nhà không có bố " của nhà thơ Nguyễn thị Mai từng được giải nhất một cuộc thi thơ.
NHÀ KHÔNG CÓ BỐ
Nhà không có bố buồn sao
Cái đinh cũng thiếu , con dao thì cùn
Bơm xe chẳng hiểu cái jun
Rát tay bật lửa, đá cùn , xăng khô.
Không có bố không thì giờ
Bữa ăn sớm muộn , chẳng chờ chẳng mâm
Ngày đông gió bấc mưa dầm
Dây che mái dột , âm thầm mẹ con...
Chẳng nghe tiếng điếu rít giòn
Bia không mua uống em còn bán chai
Nước đun sôi , để nguội hoài
Nhà không có bố biết ai pha trà.
Cho dù bãi mật phù sa
Mà không bên lở , chẳng là dòng sông .
Nguyễn thị Mai.
Với những cảm nghiệm tinh tế của mình , nhà thơ đã vẽ nên bức tranh "Nhà không có bố " như một phóng sự đầy hình ảnh qua mấy dòng lục bát vừa đằm thắm vừa lắng sâu , làm lung lay sự yếu mềm trong mỗi con người. Nó chạm vào cả tuyến lệ vốn khô hạn của cả những gã đàn ông...
Đọc xong bài thơ , những mảng màu cuộc sống ấy cứ trở trăn, ray rứt , đan xen với nhiều cảm xúc như người có lỗi. Muốn gửi hết tình thương của mình vào những phận người trong bài thơ.
Nhưng đó là những cảm nhận xa xưa - Hồi mấy sợi dây xúc cảm trong đầu còn mẫn cảm , chưa được nhúng vào...nước sôi cuộc đời . Giờ đã là những người đàn ông thực thụ , biết lấy sự mạnh mẽ để khỏa lấp yếu mềm và không còn ngây thơ tin vào ma mỵ lục bát !
Ngày xưa đọc bài thơ chưa cần kính , nên nó trong veo cảm xúc ( chưa đủ tuổi đeo kính) . Bây giờ đọc lại " Nhà không có bố " phải qua cặp kính , nên những mảng màu trong đó tương tác hiện lên thật khác xưa . Rõ nét hơn và có lý hơn .
Nhà không có bố buồn sao
Cái đinh cũng thiếu , con dao thì cùn .
Đành rằng " Vắng đàn ông quạnh nhà , vắng đàn bà quạnh bếp" , nhưng xu thế đời nay , nhiều phụ nữ chọn cuộc sống đơn thân khá phổ biến. Họ chấp nhận nuôi con một mình. Thế thì nhà không có bố hà cớ gì phải buồn. Không có bố càng khỏe xác, đỡ phải nuôi! Đinh thiếu , dao cùn , vài chục bạc ra chợ có tất. Cứ mua mỗi loại một ít , ném vào một góc nào đó , lúc cần thì có ngay mà sử dụng. Còn chân yếu tay mềm không tự đóng đinh được thì ...dễ ợt. Các nàng cứ vẫy tay một cái , đừng ngại , thằng cha hàng xóm nhảy qua liền. Đừng nói là đóng đinh , mà đóng nguyên cái cột đình vào vách núi hắn cũng chẳng lăn tăn gì đâu (!).
Bơm xe chẳng hiểu cái jun
Rát tay bật lửa , đá cùn xăng khô
Xưa rồi Diễm.! Qua cái thời" xế điếc " lâu rồi nhé. Bây giờ xe tay ga ,các nàng cứ ngồi yên trên xe , lắc tay : " Bơm"!. Anh chàng nào mà thấy người đẹp chả thích bơm !? Bơm xong, hai bên mãn nguyện , đường ai nấy đi. Còn bật lửa - tức là cái hộp quẹt , thời giờ tràn lan , xài hết gas thì cho vào sọt rác, kiếm cái mới .
Không có` bố , không thì giờ
Bữa ăn sớm muộn chẳng chờ chẳng mâm.
Ừ , cái này thì thời nào cũng trúng. Không phải lo khẩu vị món ăn , mâm bàn, giờ giấc ...Đến bữa , mẹ một tô , thức ăn để nguyên trong nồi không cần múc ra làm gì, bạ đâu ngồi đấy , vừa ăn vừa chấm chấm , miết miết Phây -Bút. Con một tô , cũng một góc , vừa ăn vừa dí mũi vào máy tính bảng đọc truyện tranh. Thế là quá ư tiện lợi . Vừa hiện đại vừa...đại tiện , than thở con mẹ gì nữa! Tự do hơn cả ...thế giới tự do .
Ngày đông gió bấc mưa dầm
Dậy che mái dột, âm thầm mẹ con.
Gió bấc mưa dầm mùa đông thì đâu riêng chỉ mấy mẹ con , mà là...toàn quốc. " Lụt thì lút cả làng " có riêng một mình ai đâu , kể cả nhà có nhiều... bố ! Che mái dột ư ? Lại giơ cái cổ tay tròn trắng ra vẫy thằng cha hàng xóm thôi. Hắn luôn dài cổ chờ mong cái vẫy tay dẻo như múa ấy đấy ! Đàn ông là loài sinh vật ưa ngọt , các nàng cứ liếc xéo cho nó một phát , nhẹ nhàng cho nó một câu , thì hắn còn nằm dài lên mái nhà mà che dột cho mấy mẹ con suốt đêm đông ấy chứ .
Chẳng nghe tiếng điếu rít giòn
Bia không mua uống , em còn bán chai .
Tiếng điếu rít giòn mà làm mê hoặc phụ nữ thì quả là...Ngoa sĩ chứ không phải là Thi sĩ nữa rồi trời ạ ! Nếu thuốc lá gây khó chịu một thì thuốc lào phải gấp lên nhiều lần - Cái hôi hám của thuốc lào rất bền màu và phát tán diện rộng . Một ông bố nọ từ ngoài Bắc vào thăm con vì nghiện nên mang cả điếu cày vào Nam. Người già đêm thường khó ngủ , mỗi lần thức giấc , ông lại rít thuốc lào. Mà hút thuốc lào là phải rít càng kêu to càng sướng. Đêm thanh vắng làm nền cho tiếng điếu vút cao như tiếng súng liên thanh làm cô con dâu trăn trở khó chịu. Một hai đêm đầu , cô còn nhịn , đến đêm thứ ba thì cô không nhịn được nữa và..." Gìa sắp chết mà hút hít gì rống to thế , chẳng cho ai ngủ" . Ông đành nhẹ hơi , rít sụt sịt như ăn trộm . Còn may là nó mới chỉ nhắc nhở , chưa vả vào mõm ông. Thế mà trong thơ , tác giả " Ngoa sĩ " lên là nhớ tiếng điếu cày !
Nước đun sôi , để nguội hoài
Nhà không có bố , biết ai pha trà .
Đàn ông là lắm tật lắm. Ngoài rượu bia lại còn trà, không có các ông , đỡ nhọc lòng lau rửa ấm chén. đỡ phải ngứa mắt nhìn cảnh các ông khề khà bên ấm trà trong lúc người khác đánh vật với một núi việc nhễu nhã mồ hôi . Nhưng không cứ phải pha trà mới là đun nước sôi , mà nước sôi để nguội vẫn phải dùng cho cả nhà đó thôi...Uống trà xong , các ông cứ đánh trần vác cái bụng bia dạo qua dạo lại , việc dọn dẹp đổ bã có người lo.
Chân lý bên lở bên bồi cuả dòng sông là mãi mãi , nhà không có bố chẳng gì phải buồn . Chẳng quái gì phải lăn tăn. Nhiều cô lỡ rước chồng về nuôi , giờ rảy ra không được đó thôi. Dính bền vững luôn.
Nhà không có bố, chẳng sao
Bao anh hàng xóm nghêu ngao...hát thầm !
Rõ ràng khi đọc thơ qua cặp kính , ta nhìn thấy nhiều điều mà tác giả hồi ấy loay hoay với những câu hỏi chưa có câu trả lời . Bài thơ như một phóng sự ảnh , lưu đọng vào người đọc lâu nay, ray rứt và ấm ức với nhiều thấu cảm. Bây giờ tân tiến hơn ,thực dụng hơn nên có những điều không còn phù hợp nữa . Những gút mắc đều có lối ra êm ái. Cuộc sống vốn dĩ không bao giờ ngừng chảy. Những bức ảnh cảm động trong bài thơ trên đều có lối thoát ,xử lý được qua ngả Photoshop... hàng xóm !
Người gửi / điện thoại