NHÀ THƠ BÙI TUYẾT MAI
BÙI MINH TRÍ
Họ Bùi chúng tôi rất vui mừng có một nhà thơ nữ trẻ đang được giới Văn học nghệ thuật hoan nghênh và chú ý. Tôi gặp nhà thơ Bùi Tuyết mai ở Đại hội Nhà văn Hà Nội và các buổi sinh hoạt của Hội nên có dịp để trao đổi về việc làm thơ và cuộc sống gia đình của chị.
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai tên thật là Bùi Thị Tuyết Mai dân tộc Mường, sinh năm 1971, tại Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Bùi Tuyết Mai có thời gian học trường cấp 3 Chu Văn An ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, chị theo học Trường Cao đẳng Sư Phạm Thường Tín thuộc Hà Sơn Bình cũ. Trong thời gian này, chị bắt đầu làm thơ, bài thơ đầu tiên ra đời nhan đề “Tâm tình người thiếu nữ”, ghi lại nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ khi đi học ở nơi xa. Năm 1991, tốt nghiệp Sư Phạm ra trường, chị được phân công về giảng dạy tại Trường Đảng tỉnh Hòa Bình, sau đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh Hòa Bình. Trong thời gian này do yêu cầu công tác chị phải đi đây, đi đó, vùng sâu hẻo lánh, được nhìn xa thấy rộng, hồn thơ thúc bách ghi chép sáng tác thơ nên đã cho ra đời những tác phẩm thơ đầu tiên. Đến năm 1998, tập thơ dầu tay “Mưa trong nhà” của Bùi Tuyết Mai ra đời. Sau đó, Bùi Thị Tuyết Mai bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ Kinh tế rồi chuyển công tác về Hà Nội, làm ở Cơ quan Đảng uỷ Khối các Cơ quan Trung ương.
Một việc làm rất đáng trân trọng của nhà thơ Bùi Tuyết Mai là chị dịch văn học tiếng Mường ra tiếng phổ thông.
Về cuộc sống đời thường hiện nay của mình, chị cho biết: “Là công chức nhà nước, sống ở thành phố, nhưng cuộc sống hàng ngày của tôi không khác nhiều so với khi ở cộng đồng Mường. Đó là sáng thức dậy sớm, tập thể dục rồi nấu cơm cho cả nhà ăn, sau đó đi làm. Thực đơn vẫn giữ như một người Mường: cơm rau, nước đậu tương hoặc đậu nành, muối vừng, trứng, cá nhiều hơn thịt... Những lúc rỗi rãi cả nhà, thì tôi quay sợi, dệt vải. Trong lúc quay sợi mà có ý tưởng sáng tác thì tôi nhờ con trai hoặc em gái ghi chép hộ, nếu không có ai thì mới rời khung dệt”.
Bùi Tuyết Mai được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007.
Chị đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số TP Hà Nội. Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Hà Nội. Tại Văn Miếu QTG Hà Nội trong Ngày thơ VN năm 2017 ra mắt cuốn sách Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - Cuộc đời và Tác phẩm của Bùi Tuyết Mai, dài 475 trang khổ 14cmx21cm kèm theo bộ 3 đĩa nhạc phẩm của Nhạc sĩ. Cuốn sách được viết trong 15 năm.
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai đã được tặng nhiều giải thưởng văn học.
BÂY GIỜ TÔI CHIA SẺ CẢM NHẬN VỀ THƠ CỦA NHÀ THƠ BÙI TUYẾT MAI
Cách đây đã hơn chục năm, thơ của Bùi Tuyết Mai nổi lên như một hiện tượng.Thơ chị rất giàu hình ảnh của đời sống xã hội, hơi thở của văn hóa dân gian, nhất là của dân tộc Mường, giản dị mà vẫn có nét hiện đại.. Tập thơ đầu tay “Mưa trong nhà” (NXB Văn hóa dân tộc 1998) khi chị mới 27 tuổi đã gây ấn tượng với người đọc và đoạt giải thưởng của Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Kể về tình yêu chồng yêu con chị viết:
“Những người đàn bà như những con ong
Ru con ạ ời
Nựng chồng lả lơi
Yếm thắm nồng bầu rượu ngọt
Và thời gian như con gấu choàng lên vầng trăng đỏ
Trộm từng hớp mật..."
Thơ Bùi Thị Tuyết Mai trong trẻo, hồn nhiên, như trong bài “Ru con””chị viết:
“ …Ngủ đi
Cho mẹ ôm cha
Cho con mọt đục vách
Ngủ lâu
Cho khói bếp lượn bẩy vòng nhà ba vòng bản
Ngấm vào lá trầu
Ngậm vào quả cau
…
Ngủ đi cái khăn bịt trôốc
Cho bông gạo xanh
…Cho rễ cây ngắn, đời người dài
Ú ủ la hay
Ngủ cho cơm đồ thơm vào lỗ tai
Cho nhà gác dài không nhìn hết
Cho nước vác để đầy gian bếp
Cho lợn thui thơm điếc mũi bốn Mường”…
Hay như trong bài “Về Mường”:
“Mường anh mường thắt eo mường
thổn thức men theo lời hát
Em mới vờ làm người Pú Nhung đến đây bán cót
Giả làm người Mường muổi đến nhà tập chăn trâu
Tập làm việc mường cho quen tiếng bén hơi
Cho gà vịt theo em như theo ngô lúa
Cho mùa tiếp mùa yêu nhau như
khăn áo quấn lấy người
Cho anh say em như say rượu
Cho anh dính em như khẩu tan*”
* Loại cơm nếp thơm và dẻo của người Thái vùng Tây Bắc
Thơ chị rất trữ tình mềm mại mang đậm bản sắc văn hóa Mường như
“Chuyện tình trên núi”:
“Bằng đôi chân trần
đạp đá tai mèo
Không ngại hầm chông bẫy thú
em gài khăn thắt áo theo anh
Bằng mắt lá đạp gió bão
Không ngại lũ sâu dữ
em bay cao theo anh
Bằng tiếng suối trong vượt núi
Không ngại hang cùng ghềnh thác
em lặn sâu theo anh
Hoa ban đỏ nở ra ban xanh
Đánh rơi lời
Trời đang lành nở ra sấm sét
Chẳng nên như hẹn ước
Em thành mây
Mây làm trời đen kịt hóa giải lời nguyền
Em thành lũ
Lũ cuốn anh về biển với em”
Như trên đã kể, cuộc sống của chị ở Thủ đô Hà Nội vẫn giản dị như ở miền núi Hòa Bình, quê chị. Điệu đó đã được phản ánh bằng câu thơ đến với “phố phường bằng vị chanh non” :
“Con đến phố phường bằng vị chanh non
Mang giấc mơ hương cốm ra khơi xa
Nếm ngọt mía vào thu, rượu môi sang rét
Và mỉm cười với những vệt chân chim.”
Và bài thơ sau đây đã phản ánh tương đối rõ nét cuộc sống của nữ sĩ dân tộc Mường Bùi Tuyết Mai tại Thủ đô Hà Nội, với điện thoại di động, máy vi tính, cầu thang máy, quạt trần, mải mê trên bàn phím, khách vào nhà phải tháo giày đi tất - không có ai chân đất đến nhà chơi:
NHẬT KÝ HÀ NỘI
“Chiếc điện thoại di động của tôi gừ gừ
như con mèo bị người khác dọa lấy con chuột nó vừa vồ được
Máy vi tính của tôi đã lách cách nhiều giờ như tiếng thoi dệt của bà tôi
Hà Nội tôi ở Mường Trời tầng chín và đi cầu thang máy
Mèo và thoi lên xuống làm sao?
Giấc mơ mười bảy của tôi biết đội bông từ đâu?
Đầu tôi nhộn nhịp quạt trần quay
tiếng bầy ong của ông nội tôi đang vầy mật mùa hoa nhãn
Tôi bây giờ bận nhắn tin và mải mê trên bàn phím
Trong thế hệ “ngón tay cái” này
Quạt giấy và quạt mo biết vịn vào đâu?
Chẳng lẽ ngày hôm nay của tôi lại là một phần của bài hát cũ
Mỗi nhịp thở của tôi luôn ngân nga về
Tiếng của cụ ông, cụ bà, tiếng của cha mẹ tôi cồn cào
Rì rào
Thình thịch!
Chiếc nôi đầy bồ hóng vẫn còn kia
Từng đong đưa từ khi đất còn pạc lạc, nước còn pời lời
Bài hát cũ cứ ngày ngày qua lại trong tôi như những đường cày
Và đêm đêm hiện về những ngôi sao mang hình dấu hỏi
Tôi rồi sẽ ra sao?
Nghe như nhà có khách
Tiếng gõ cửa lốc cốc từ thuở chăn trâu dội vào
Không nghe được tiếng gáo dừa dội nước
Người ta tháo giày và đi tất vào nhà
Không có ai đi chân đất đến nhà tôi chơi cả!
Với chiếc nậm bầu khô đựng rượu
Tay tôi chạm vào khoảng trống
Chẳng lẽ tôi đã đánh mất lá bùa khiến người say tôi?”
*Một số bài thơ tiêu biểu gần đây.
Bài thơ “Trên ngực em” diễn tả những hình ảnh thân thương quen thuộc làm ấm áp trái tim chị: Ngọn gió, ngọn núi đương xuân, Đám cháy của cỏ còn vương trên áo cha, Bóng chiều tà lăn qua vai mẹ, Nong cau của bà mới phơi cong cong dáng chiếc thuyền , các con Một ngủ ngoan/Một xa xôi dấu chân chim Đáy khát:
“Khi ngọn gió mùa khô ngả vào
Em bén lửa
Những ngọn núi đương xuân
nhô lên cao
cao nữa
Khói
Đám cháy của cỏ còn vương trên áo cha
Ống tên vót dở treo lửng lơ sau chái nhà
Bóng chiều tà lăn qua vai mẹ
Gọi gà,
gọi bước xa nên gần,
gọi xưa sau quen thân
về ăn cơm cá
Sương
Nong cau của bà mới phơi cong cong dáng chiếc thuyền
Mỗi miếng một lời hẹn,
một kỉ niệm
một nên
một lỡ
một còn
một mất
Bên nôi
Một ngủ ngoan
Một xa xôi dấu chân chim Đáy khát
Âm ẩm tro trên đất
Vết sẹo xưa vẫn mặn
Cỏ tranh gai gai da
Mới đấy
Chao xa
Ôi!
Đám cỏ
vẫn găm
bời bời
Khói
sương
mải mê trôi
Cỏ gai không bao giờ có tuổi
Khi anh như ngọn gió ngả vào
Mùa
em
bén lửa.
Bài thơ “Lính biên phòng kể chuyện” là câu chuyện của người lính biên phòng về người yêu của mình. Nàng đẹp “Như cánh hoa đào/ Như bông hoa mận”, nàng nhỏ nhẹ “Nói êm lời mật ong núi/Nói ấm lời xôi nếp nương”. Có hậu phương vững chắc ấy nên “Lính biên phòng vững vàng như cây lim cây nghiến” và làm tròn nhiệm vụ: “Tuần tra Qua Lũng Cú, Fansipan,Trường Sa,Hoàng Sa/Giữ biển, giữ đất Giữ bài ca vừa bền vừa chắc”
“ Người yêu tôi
Như cánh hoa đào
Như bông hoa mận
Như sương chiều khói bản
Nhuộm tôi nhớ cong cánh ná
Nhuộm tôi lử đử mật ong
Người yêu tôi
Nhỏ như sợi lanh
Nói êm lời mật ong núi
Nói ấm lời xôi nếp nương
Ánh nhìn mũi tên xuyên đá
Gặp rồi bắt được vía tôi
Người yêu tôi
Sợi lanh nhỏ lưng thon
Khéo ở nhuộm thắm chỉ thắm
Khéo làm nhuộm vàng chỉ vàng
Buộc tôi
Buộc chắc
Vừa dai vừa bền
Lính biên phòng
Vững vàng như cây lim cây nghiến
Ánh mắt màu da nhuộm nắng nhuộm gió
Nhuộm màu nồng ấm sợi lanh thon
Suốt dọc đường cánh sóng
Tuần tra
Qua Lũng Cú
Fansipan
Trường Sa
Hoàng Sa
Giữ biển, giữ đất
Giữ bài ca vừa bền vừa chắc”
Bài thơ “Khèn nhớ” kể về cuộc sống an lành, đẹp tươi của bản Mường khi bình minh lên, một ngày mới đến:
“Trời chưa sáng chăn đang rất ấm
Người đã thả nhớ ra
Thả cái bóng lung linh như ngôi sao đêm qua
Vía vướng sợi lanh
Vía vướng dây tình
Bóng người nóng ấm như mặt trời đầu đông mới dậy
Ngày mới gặp đã muốn biết sao sáng nhường kia có mấy anh
mấy em
Có chồng con chưa mà trông e thẹn
Vừa mới gặp đã muốn gặp nữa
Muốn nhìn lâu
Sẽ nói những gì trong mắt
Sẽ nói những gì cầm tay
Sẽ nói lấy cho được đám mây hồng đem về một đêm
Sẽ nói sắm thêm váy áo cho em
Ngày gặp nữa đã muốn biết người ăn gì uống gì cũng chiều
Kể cả ngày mai chết đói cũng chịu
Muốn hát cùng nói cùng
Trời thấy cùng cái đẹp
Muốn lấy sao xuống cho mà chơi
Muốn cởi áo giữa trời đông giá cho đỡ nóng
Mắt nói lời nước đang đun sôi
Môi nói lời cánh đào mới nở
Gió đi qua thơm như ai thở
Mai lại muốn gặp nữa
Muốn gặp nữa
Gặp nữa.”
Bùi Tuyết Mai đã dịch “Đẻ đất đẻ nước” (tiếng Mường: Te tấc te đác) từ tiếng Mường sang tiếng Việt. Đó là một bộ sử thi, tác phẩm văn học dân gian của người Mường ở Việt Nam. Đây là bộ sử thi lớn, hiện sưu tầm được 10 bản, bản trung bình 8 nghìn câu, bản dài nhất 16 nghìn câu, kể về gốc tích và công cuộc đấu tranh của người Mường ở thời đại rất xa xưa, chứa đựng những quan niệm người Mường cổ về việc hình thành trời đất, tạo lập thế giới. Tác phẩm này được bảo tồn và lưu truyền dưới hình thức truyền miệng, tập trung đầy đủ nhất dưới hình thức "mo" (hát cúng).”Đẻ đất đẻ nước” có giá trị về rất nhiều mặt: Văn học, dân tộc học, ngôn ngữ học, nghệ thuật dân gian...
Trên Văn học thiếu nhi các em đã được nghe nhà thơ Bùi Tuyết Mai trò chuyện về không gian diễn xướng đặc biệt của sử thi cũng như vai trò của thầy mo – người diễn xướng, và thơ của chị phảng phất tính sử thi như trong bài “Trong đám cưới”
“Đi qua rừng bạc bạc
Đi qua biển xa xa
Nhớ giữ lời cho ấm
Nhớ giữ bước cho êm
...
Chín bài chiêng đẹp cho con lời chúc
Chín bài cồng xinh cho con lời mừng
Tiếng trống đồng cho con đủ giòn nếp tẻ
Vò rượu nồng cho con đẹp hồng
vành vạnh rằm trăng
Hay trong bài “Rượu rót lúc đưa dâu”
Đây sừng rượu con ong
qua suối vén váy khẻ
Đây sừng rượu con nai
lên núi bước nhè nhẹ “
...
*Đôi điều về nghệ thuật:
Thơ của Bùi Tuyết Mai có bản sắc riêng, mang lối cảm nghĩ của các dân tộc Tây Bắc, đặc biệt là dân tộc Mường Hoà Bình rất giàu hình tượng, rất tự nhiên của núi đồi nương rẫy, với chất sống hồn nhiên. Nhưng thơ chị cũng mang chất hiện đại, nhiều tứ thơ hay, nhiều hình ảnh đẹp.
Chị đã khéo sử dụng phép tu từ nghệ thuật,
+Nghệ thuật nhân hóa ẩn dụ khiến sự vật vô tri vô giác cũng sinh động như người:
khói bếp lượn bẩy vòng, cơm đồ thơm vào lỗ tai, Những ngọn núi đương xuân, Quạt giấy và quạt mo biết vịn vào đâu
+Nghệ thuật so sánh: anh say em như say rượu, Người yêu tôi:Như cánh hoa đào/Như bông hoa mận/Như sương chiều khói bản, Mắt nói lời nước đang đun sôi/Môi nói lời cánh đào mới nở/Gió đi qua thơm như ai thở. Người yêu tôi:
Nhỏ như sợi lanh/ Nói êm lời mật ong núi/Nói ấm lời xôi nếp nương. Lính biên phòng Vững vàng như cây lim cây nghiến, Nong cau của bà mới phơi cong cong dáng chiếc thuyền, Chiếc điện thoại di động của tôi gừ gừ như con mèo bị người khác dọa lấy con chuột nó vừa vồ được.Máy vi tính của tôi đã lách cách nhiều giờ như tiếng thoi dệt của bà tôi…
Xin chúc mừng những thành công của nhà thơ Bùi Tuyết Mai.
Bùi Minh Trí
Người gửi / điện thoại