Nguyễn Thị Mai
Nhà văn nữ lấy sáng tạo văn chương và chăm lo công việc
gia đình – xã hội để vượt qua mùa dịch Covid -19
NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ MAI
Đợt dịch Covid – 19 lần thứ tư trỗi dậy, hoành hành tàn phá đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta đến nay đã 7 tháng trời. Bảy tháng trời qua, cuộc sống của người dân cả nước bị đảo lộn và xô đẩy ghê gớm: Trẻ con không đến trường phải học online ở nhà, người lớn ngày làm ngày nghỉ, hàng quán kinh doanh phải đóng cửa, người người phải giãn cách không được tự do đi lại, mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao phải dừng, kinh tế khó khăn thiếu thốn… Kèm theo đó là nỗi lo lắng, hoảng sợ, luôn bất an trong lòng mỗi người…
Người dân Thủ đô nói chung và các nhà văn nữ Hà Nội nói riêng không ngoài tình trạng cuộc sống ấy. Bình thường người phụ nữ trong gia đình vốn đã vất vả vì vai trò của mình đối với chồng con, cháu chắt và cha mẹ. Giờ lại thêm đại dịch thế kỷ rình rập trước cửa nhà, có nguy cơ cướp đi bản thân họ và những người thân yêu ruột thịt khiến họ phải gồng mình thêm để vừa giữ được an lành cho gia đình vừa phải lo toan để đảm bảo có bữa cơm bình thường cho cả nhà. Nhà văn nữ cũng là những người bà, người mẹ, người vợ trong gia đình như bao người phụ nữ khác. Nhưng bằng sáng tạo văn chương và chăm lo công việc gia đình, tham gia công việc xã hội, chị em đã và đang vượt qua mùa dịch Covid -19 với những thành tích đáng kể.
Trước hết chăm gia đình, đặc biệt là chăm cháu. Với số lượng 2/3 các cây bút nữ trong độ tuổi từ 50 đến 70 thì hầu hết là có cháu và bận việc trông cháu. Cứ thử nhấc máy a lô gọi một cây bút nữ trong số ấy, kiểu gì cũng “bận lắm, dạo này phải trông cháu”. Đúng thôi, Hà Nội học sinh vẫn học online trong khi bố mẹ các con vẫn phải đi làm thì các bà nhất định nhận gánh vác trách nhiệm dù rất nhiều bà còn trẻ đẹp, bình thường váy áo tung trời đi chơi bung lụa… Có nhiều bà còn nhường máy điện thoại cho cháu học online hoặc dùng máy dỗ cháu chơi đến nỗi không thể nào liên lạc được. Không chỉ ở Hà Nội trông cháu, các chị còn về quê trông cháu, vài chị còn cùng cháu sơ tán về quê tránh dịch. Bên cạnh nhiệm vụ ấy, các chị vẫn phải tay năm tay mười đi chợ, nấu cơm, giặt dũ, dọn dẹp cửa nhà, lau dọn cầu thang… (Vì dịch không thuê được người giúp việc).
Ấy vậy mà những cây bút nữ Thủ đô vẫn không ngừng sáng tạo. Sáng tạo vào ban đêm, giờ nghỉ, sáng tạo lúc trông cháu, sáng tạo lúc chăm chồng ốm đau, có khi vừa đi chợ, nấu cơm, lau nhà vừa sáng tạo. Bởi chữ nghĩa luôn thường trực trong đầu những người đam mê văn chương, ham vươn mình tới chân thiện mĩ. Trong những ngày căng thẳng, vất vả vì dịch bệnh chỉ một cảm xúc nhỏ cũng làm nên tác phẩm và đó là niềm vui để quên hết lo âu mà sống.
Thống kê không hết đã có hàng trăm bài thơ, hàng chục truyện ngắn, tản văn và cả tiểu thuyết được viết trong mùa dịch thứ tư này. Đó là các nhà thơ nhà văn: Chử Thu Hằng viết 3 tản văn, 10 bài thơ; Phạm Vân Anh với tập bút ký “Binh Pháp chống dịch” và 5 bài thơ; Phạm Phương Thảo viết và hoàn thành 1 tập trường ca và 1 tập Tản văn đề tài về Covid; Vũ Minh Thu viết 7 bài thơ và in 1 tập thơ mới; Đỗ Thu Yên xong 1 tập tản văn và 1 tập ký; Nguyệt Vũ dịch và sáng tác 25 bài thơ; Vũ Thị Kim Liên viết 2 tập truyện; Hồng Huyên viết 1 tập truyện 1 tập thơ và 1 tập tùy bút; Nguyễn Thị Kim hoàn thành 2 tập sách; Minh Tân viết và in xong 1 tập thơ.
Ngoài ra, các nhà thơ như: Phương Anh, Ngọc Mai, Đào Thanh Cườm, Hạnh Mai, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Minh Hiền, Thanh Bảo Nguyên, Minh Kính, Phương Nghi, Hồng Nụ, Trần Thị Nương… vẫn viết đều đều với hàng chục bài thơ, trong đó nhà thơ Đoàn Thị Ký và Nguyễn Thị Mai có 2 chùm thơ viết về Thành phố Hồ Chí Minh trong cơn đại dịch, dự thi được vào Chung khảo.
Ban Công tác nhà văn nữ trong mùa dịch đã luôn trao đổi động viên các hội viên. Đặc biệt đã liên hệ đăng bài trên các báo như: Báo Quân đội nhân dân in 7 kỳ liên tục với gần 4 chục bài thơ và giới thiệu gương mặt thơ nữ, tập trung vào chủ đề Phòng chống dịch Covid – 19 và người lính tham gia chống dịch; Thời báo Văn nghệ với 2 kỳ báo dành nhiều trang thơ cho hơn 2 chục cây bút nữ để Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam và ngày Nhà giáo Việt Nam. Với những tác phẩm nóng hổi vừa viết ra đã được in như một lời cổ vũ khiến chị em rất phấn khởi .
Thành tựu sáng tác thật đáng cảm phục, tuy nhiên còn cảm phục hơn nữa là hành động và tấm lòng chia sẻ của các nhà văn nữ với nhân dân trong đại dịch. Nhà văn không phải giàu có gì, nhưng người nhiều người ít, chị em đã đóng góp gần 200 triệu đồng vừa ủng hộ quỹ văc xin, vừa ủng hộ đồng bào vùng tâm dịch và những người giữ chốt. Trong đó có nhà văn Phạm Vân Anh ủng hộ 70 triệu, nhà thơ Phương Nghi 19 triệu, nhà thơ Chử Thu Hằng 3 triệu, nhà thơ Phi Tuyết Ba 3,5 triệu. Không chỉ ủng hộ, nhà văn nữ còn tham gia tổ phòng chống dịch Covid 19, giữ chốt cộng đồng. Họ cũng mặc bảo hộ, đeo băng đỏ đứng gác đêm ngày để cùng bảo vệ vùng xanh mà không quản ngại mình là nữ hoặc cao tuổi như các nhà thơ Đoàn Thị Ký, Hạnh Mai, Vũ Thị Kim Liên…
Thật đáng khâm phục các chị - Những cây bút phái đẹp biết lấy sáng tạo và công việc gia đình – xã hội để vượt qua cơn đại dịch này. Tài năng sáng tạo và đức độ của các chị khiến nhà phê bình lý luận Đỗ Ngọc Yên đã phải thốt lên “Những trang sách nữ làm đắng lòng cánh mày râu” và nhà thơ Y Phương đã viết “Các chị muôn đời vẫn rất vĩ đại… Họ đẹp bởi sự dịu dàng và cứng cáp. Vì thế nói về phụ nữ viết văn tôi chỉ biết vô cùng ngưỡng mộ”.
Hà Nội ngày 27/11/2021
N.T.M