NHỚ MỘT NGƯỜI
Hoàng Phủ Ngọc Tường
Có đôi khi tôi ghé thăm vườn cũ
Hỏi người đi dạo ấy có quay về?
Cỏ bảo rằng: - Nàng về thăm một độ
Đốt khói trầm nghi ngút, lại bay đi
Tôi bồi hồi hỏi sang cây cổ thụ:
- Đường xưa còn vàng nắng áo mơ phai?
Nắng bảo rằng: - Nàng nhớ mùa thu cũ
Tận bên trời vẫn ngóng gió heo may.
Có một lần qua sông tôi hỏi gió:
Rằng tháng năm như nước chảy qua cầu
Gió mách rằng: - Nàng chờ người bạn cũ
Dẫu thời gian theo nước chảy về đâu.
Có nhiều ngày tôi nhớ em tha thiết
Nhớ bừng bừng như ngọn lửa trong tim
Đời lãng tử có một lần li biệt
Để buông nhau. Để quay quắt đi tìm
Có nhiều đêm tôi trở về gặp tôi
- Người là ai? Là đóm lửa ven đời
Ôi đóm lửa vẫn từng đêm hiu hắt
Nhớ một người. Và mãi mãi khôn nguôi.
LỜI BÌNH CỦA LINH CHI
Tôi thích đọc thơ, nhưng không có nhiều bài thơ thực sự tạo nên sự rung động
cho tôi và “NHỚ MỘT NGƯỜI” là một trong số đó. Mỗi một thể thơ, bằng cách
dụng vần, dùng từ lại thích hợp cho việc thể hiện một nội dung khác nhau. Thơ
năm chữ dễ dùng cho ngụ ngôn và triết lý; thơ bảy chữ và tám chữ thích hợp
cho việc tả tình và bày tỏ cảm xúc. Những vần lục bát sẽ dễ dàng đi vào lòng
người với những điều thân thuộc từ ngày xưa, những điều gần gũi với cả nền
văn hóa. Hoàng Phủ Ngọc Tường thông qua sự miên man của thể thơ tám chữ,
bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn vần bằng trắc, tạo nên trong lòng người đọc một
sự da diết khôn nguôi. Hàng loạt hình ảnh khi mờ ảo, khi trong suốt liên tục hiện
ra, trập trùng, theo dòng chảy của ngôn ngữ và dòng cảm xúc của người viết nó.
Có một cặp yêu nhau song không đến được với nhau. Khu vườn cũ là nơi họ từng ghé
tới và sau khi không gặp nhau nữa, thỉnh thoảng chàng trai vẫn trở về nhìn lại. Bâng
khuâng tự hỏi: người cũ của mình có quay về chốn cũ hay không..
Có đôi khi tôi ghé thăm vườn cũ
Hỏi người đi dạo ấy có quay về?
Giữa tĩnh lặng, chỉ nghe thấy ngọn cỏ thì thầm rằng, người năm cũ của chàng đã có một
lần ghé về, đốt chút hương trầm rồi sau đó, hình bóng ấy cũng tan dần theo làn hương
khói.
Cỏ bảo rằng: - Nàng về thăm một độ
Đốt khói trầm nghi ngút, lại bay đi
Cách dùng từ bắt đầu từ một âm cao thấp dần, trầm lắng dần, rồi đến khi nghe thấy về
người yêu cũ, từ ngữ lại chợt bung ra theo một âm vang xa, mênh mang, tạo cảm giác
bâng khuâng nhưng có chút xa vời, vô vọng. Có một nét riêng rất Huế, đọng lại trong
vần thơ ấy, cảm giác có chút bâng khuâng khó tả, như làn khói ấy còn lảng bảng xung
quanh khu vườn mà chàng trai đang bần thần đứng lại. Chàng trai ấy lại quay sang hỏi
cây cổ thụ bên cạnh, thực ra vẫn là hỏi lại lòng mình: Liệu hình bóng ấy, liệu tình yêu ấy
có tan đi trong nắng trên con đường năm xưa. Và không phải cây cổ thụ, chính là những
tia nắng vàng đang đọng lại trên mặt đất của khu vườn nhắc lại với chàng rằng: người
trong mơ của chàng vẫn luôn nhớ về mùa thu năm nao, dù ở phương trời xa vẫn ngóng
về miền heo may của năm tháng đầy thương nhớ.
Tôi bồi hồi hỏi sang cây cổ thụ:
- Đường xưa còn vàng nắng áo mơ phai?
Nắng bảo rằng: - Nàng nhớ mùa thu cũ
Tận bên trời vẫn ngóng gió heo may.
Sự bồi hồi được đặc tả bằng ngôn ngữ, cũng mang những nét bồi hồi theo vần điệu,
cùng một nhịp với khổ trước, với sự trầm bổng của ngôn từ, mang một cảm giác xa
xăm, nhung nhớ và trống vắng.
Chàng trai với trĩu nặng một nỗi nhớ, đi qua con sông. Nhìn về phía dòng nước xa và
mơ tưởng về mái tóc của người bạn - người yêu, cảm nhận thấy từng ngọn gió thổi về
trên khuôn mặt của mình. Chàng lại ngẩn ngơ hỏi cơn gió ấy: liệu rằng qua tháng năm,
qua thời gian, người ta có quên không. Và rồi, như tự nhủ lòng, cơn gió ấy lại thì thào
với chàng rằng: người chàng thầm nhớ ấy vẫn chờ đợi, dù thời gian qua, dù năm tháng
trôi..
Có một lần qua sông tôi hỏi gió:
Rằng tháng năm như nước chảy qua cầu
Gió mách rằng: - Nàng chờ người bạn cũ
Dẫu thời gian theo nước chảy về đâu.
Khoảng cách địa lý từ khu vườn tới con sông được miêu tả bằng cả sự thay đổi về âm
điệu của vần thơ. Ở hai khổ trên, từ đầu tiên đều là các vần Trắc-bằng-bằng nhưng tại
khổ này, bắt đầu bằng các vần trắc-trắc-bằng, tạo cảm giác bước qua một vùng địa lý
khác, một vùng cảm xúc khác ngay trong câu thơ, nhưng nỗi nhớ thì vẫn miên man như
thế, vẫn theo một mạch thơ như thế.
Nhưng đột nhiên, nỗi nhớ ấy trở nên cồn cào, vượt qua sự dè dặt và rụt rè cố hữu của
người viết, chàng trai trở nên bạo dạn và can đảm nói lên nỗi nhớ của lòng mình, câu từ
dùng cũng trở nên khác đi. Đối tượng mong nhớ chuyển từ “nàng” với hàm ý tình yêu
kín đáo trở thành từ “em” rõ ràng, trong suốt; tình yêu thầm kín trong một phút nhớ
nhung tột bậc, đã được công khai, sự da diết giấu sâu trong lòng đã được thổ lộ ra bằng
lời nói, mạnh mẽ và say đắm, lãng mạn và đau đớn. Các vần trắc được sử dụng nhiều
hơn trong khổ thơ, biểu thị cao trào của cảm xúc, bùng lên ngay trong ngôn từ viết nên
nó.
Có nhiều ngày tôi nhớ em tha thiết
Nhớ bừng bừng như ngọn lửa trong tim
Đời lãng tử có một lần li biệt
Để buông nhau. Để quay quắt đi tìm
Chàng trai đã dám nói ra suy nghĩ thật của chính mình, nhưng vẫn chỉ là nói với nắng,
với gió, với dòng sông, với cỏ cây và với chính mình. Anh ta tự trách sự nông nổi li biệt
ấy, trách cho phút rời xa ấy để họ mãi tìm nhau trong quay quắt của nỗi nhớ nhung, vô
vọng.
Nhưng rồi, sự bừng bừng ấy lại hạ xuống, chàng trai lại quay trở về với bản chất rụt rè
cố hữu của chính mình. Anh ta mang nhung nhớ ấy vào giấc ngủ từng đêm, trở về gặp
lại chính mình trong ngày xưa, khiêm tốn tự nhận mình như đóm lửa nhỏ ven đời, đóm
lửa trong tim ấy sẽ nhen nhóm bên đời, hiu quạnh, tàn tạ nhưng chưa bao giờ tắt, chưa
bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ về người yêu năm cũ..
Có nhiều đêm tôi trở về gặp tôi
- Người là ai? Là đóm lửa ven đời
Ôi đóm lửa vẫn từng đêm hiu hắt
Nhớ một người. Và mãi mãi khôn nguôi.
Và thật lạ, những vần thơ làm cho tâm hồn ta trở nên lãng mạn hơn, trong sáng
hơn, sâu sắc hơn. “NHỚ MỘT NGƯỜI” đã làm được điều ấy!
Linh Chi
Người gửi / điện thoại