Phê bình văn học của Hà Nội và những thách thức
Vũ Nho
Tôi còn nhớ trong Hội nghị Lí luận phê bình của Hội nhà văn Việt Nam tổ chức ở Đồ Sơn, bản thân đã có một tham luận về cái khó của nghề phê bình. Nhà văn hay nhà thơ có thể dựa vào năng khiếu trời phú, viết tác phẩm không mấy khó khăn. Còn người viết phê bình, nghiên cứu thì phải đọc, đọc và đọc. Chỉ có đọc nhiều mới có cơ sở để viết phê bình. Vì thế mà không có mấy người mặn mà với nghề phê bình. Ấy là chưa kể, làm thơ, viết truyện, viết bút kí có thể tham gia các cuộc thi. Giành giải nhất nhì, ba. Lập tức nổi tiếng, được báo chí và các nhà xuất bản biết đến, đặt hàng. Còn phê bình ư? Hầu như hiếm cơ hội lắm. Cũng có cuộc thi bình thơ, nhưng quy mô nhỏ, giá trị giải không cao, không có nhiều người tham gia. Có thể nói phê bình nghiên cứu là công việc âm thầm, lặng lẽ, thua thiệt đủ đường.
Những cây bút làm nghề phần lớn công tác ở Trường Đại học, Viện nghiên cứu và một số tờ báo lớn. Bây giờ hầu như đều đã lớn tuổi. Họ là ai? Là các tên tuổi quen thuộc như: Tôn Phương Lan, Lưu Khánh Thơ, Bích Thu, Nguyễn Hữu Sơn, Phạm Thu Yến, Lê Thị Bích Hồng,Trần Thị Trâm, Lí Hoài Thu, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Đăng Khoa, Phạm Khải, Quang Hoài, Đỗ Ngọc Yên, Chu Thị Thơm, Văn Giá, Văn Chinh, Bùi Như Hải, Trần Thị Việt Trung, Cao Thị Hồng, … Trẻ nhất trong số họ có lẽ là Hoàng Quỳnh Anh. Cũng có một số nhà văn thi thoảng ghé qua sân phê bình như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Mai Nam Thắng, Lê Thành Nghị, Lê Thiếu Nhơn, Ma Trường Nguyên,... Đó là nói về lực lượng cả nước. Còn Hà Nội thì sao? Mỏng hơn nhiều. Mà chưa thấy cây bút phê bình trẻ nào xuất hiện. Trên tạp chí Người Hà Nội, có thể kể một số tác giả quen thuộc : Nguyễn Hữu Sơn, Bùi Việt Thắng, Văn Giá, Đặng Huy Giang, Vũ Nho, Quang Hoài, Nguyễn Thị Thiện,…
Có thể nói các cây bút lí luận, phê bình của Hà Nội khá mỏng. Hội đồng lí luận phê bình của Hội nhà văn Hà Nội có thống kê các đầu sách lí luận phê bình được xuất bản trong nhiệm kì là bao nhiêu? Các bài viết lí luận phê bình đăng trên báo Hà Nội mới cuối tuần, trên tạp chí Người Hà Nội là bao nhiêu? Các bài viết của Hội viên đăng trên báo, tạp chí Trung ương là bao nhiêu? Chỉ có làm như thế, chúng ta mới nhìn rõ lực lượng của Hà Nội như thế nào, mạnh hay yếu? Mạnh ở mặt nào, yếu ở mặt nào?
Những cuốn sách được trao giải thưởng thường niên của Hội nhà văn Hà Nội đã được giới thiệu, phẩm bình trên các phương tiện thông tin như thế nào? Tôi nghĩ, điều này, Ban chấp hành và Hội đồng lí luận phê bình cần có định hướng, đặt bài cho các hội viên.
Có cám giác là những bài viết nghiên cứu có vẻ mạnh hơn, chất lượng hơn những bài phê bình. Phải chăng vì phê bình còn tản mạn, còn mới dừng lại ở mức độ điểm sách, chưa có hàm lượng khám phá và học thuật cao? Điều này thiết tưởng cần được trao đổi kĩ lưỡng.
Thơ của Hà Nội khá mạnh. Văn xuôi của Hà Nội cũng khá mạnh. Phê bình có vẻ như không tương xứng? Không rõ nhận xét thế có chủ quan hay không? Chỉ biết rằng những buổi sinh hoạt chuyên môn gần đây, giới thiệu các nhà văn có thành tựu tốt của Hà Nội, nhưng ít có các bản tham luận sâu về chuyên môn, chỉ là cảm nghĩ, chỉ là “ý kiến” chợt đến. Điều đó cho thấy chất lượng của nghiên cứu phê bình chưa cao.
Vấn đề thách thức của Hà Nội là phát hiện, bồi dưỡng lực lượng kế cận, tạo điều kiện cho họ xuất hiện trên diễn đàn. Bám sát các sáng tác của Thủ Đô, giúp công chúng tiếp cận với các tác phẩm của nhà văn Hà Nội về đời sống của Thủ đô và cả nước. Tôi cho rằng ban Chấp hành cần chỉ đạo tạp chí Người Hà Nội khôi phục và nâng cấp chuyên mục “Đến với bài thơ hay” để biểu dương các bài thơ hay viết về Hà Nội và cả nước.
Mấy điều suy nghĩ trên, mong được trao đổi và cảm thông.
THAM LUẬN TỌA ĐÀM 30/11/2022 CỦA HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI
Người gửi / điện thoại