Quê hương
Phạm Ngọc Tâm Dung
Ngày ta xa quê
Ta như kẻ trốn chạy
Ta trốn chạy cái nghèo khó bần hàn
Ta trốn chạy cái thấp hèn lam lũ.
Con đò xưa, đưa ta qua dần sang sông
Nhìn lại Cha
Đứng ngóng theo Cha
mờ xa ...
như tàu lá rũ!
Dòng đời mãi cuốn ta đi
Cái dốt, cái nghèo, cái hèn của kẻ xa quê
Lặn ngụp cùng ta mấy mươi năm trả giá
Chỉ một chốn đi - về, chở che tha thứ
Bóng chiếc mỏi mòn như tàu lá rũ của Cha.
Ôi quê hương máu thịt mặn mà!
PHẠM NGỌC TÂM DUNG
Lời bình: Nguyễn Thị Xê
Từ xưa đến nay , đề tài Quê Hương rất quen thuộc trong văn học nói chung , thơ ca nói riêng . Nhưng " Quê Hương " trong " Biển màu nắng " của thi nhân - Trưởng Miền Phạm Ngọc Tâm Dung thật đặc sắc ! Bài thơ đã khiến tôi nghẹn ngào trước tình yêu quê hương chân thành , đằm thắm , sâu sắc của thi nhân !
Bằng thể thơ tự do , nhịp điệu linh hoạt , khổ thơ dài ngắn khác nhau... và đặc biệt , hình ảnh thơ có giá trị biểu cảm sâu sắc , cảm xúc đã được trình bày sắc nét , xúc động !
Khổ đầu : những hồi ức sâu sắc của người con lần đầu xa gia đình , quê hương , thoát ly , tìm hạnh phúc .
" Ngày ta xa quê hương
Ta như kẻ trốn chạy
Ta trốn chạy cái thấp hèn , làm lũ "
Có lẽ hầu hết những con người ra đi đều có chung mục đích : đi để mưu cầu hạnh phúc . Đi để thoát khỏi cái nghèo khó " bần hàn " , " thấp hèn" , "lam lũ " ! Và đây , hình ảnh con đò luôn gắn liền với việc " ra đi " . Người dân Thái Bình - nơi có vị trí như một hòn đảo , qua sông Hồng , sông Thái Bình và sông Luộc , mới là ra khỏi quê hương . Cho đến khi đất nước thanh bình, giàu mạnh , Thái Bình mới có được những cây cầu hiện đại mà thôi . Về mùa lũ , con đò nhỏ bé , thô sơ phải vật lộn với sóng nước gian nan mới đưa được số ít bộ hành cập bến bình an . Giao thông khó khăn cũng là một trong những lý do để người đi không thể trở về luôn được ! Người con gái lấy chồng thiên hạ , chấp nhận nỗi thương nhớ âm thầm :
" Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê mẹ mà không có đò " !
Người con khắc sâu ấn tượng về người cha kính yêu trong buổi tiễn đưa . Người cha đã phải gồng mình vật lộn với muôn vàn khó khăn để nuôi con khôn lớn, thiên tai, địch họa ... đã vắt kiệt sức ông !
Nhịp thơ đang trải dài, bỗng đột ngột ngắn lại, diễn tả hình ảnh cha trong trái tim con:
" Nhìn lại cha
Đứng ngóng theo cha
Mờ xa
Như tàu lá rũ "!
Trong thơ văn , hình ảnh người mẹ xuất hiện rất nhiều và thường khiến ta cảm động . Nhưng ở đây , chính người cha trong con mắt đứa con đi xa đã khiến ta nghẹn ngào ! Nhịp thơ đã góp phần thể hiện sống động tâm trạng nhân vật !
Người cha hy sinh tất cả cho con , giờ đây có vẻ như là thật nhỏ nhoi , tội nghiệp nhưng mà sừng sững như một tượng đài thiêng liêng , biểu tượng của tình phụ tử cao quý !
Người cha lặng im nhưng nhưng chắc chắn sẽ là động lực cho con phấn đấu trong suốt cuộc đời mưu cầu hạnh phúc !
Khổ thơ thứ hai : cảm xúc về quãng đời xa quê :
Để đạt được ước mơ thay đổi cuộc đời , xứng đáng với quê hương , gia đình..., người con đã cố gắng hết mình :
" Dòng đời đã cuốn ta đi
Cái dốt , cái nghèo , cái hèn của kẻ xa quê
Lặn ngụp cùng ta mấy mươi năm trả giá " !
Thế đấy , ca dao đã khẳng định :
" Có khó thì mới có sang
Không dưng ai dễ cầm tàn che cho "!
Rời xa quê, trốn chạy cái nghèo, nhưng trốn đâu cho thoát.
Gánh cực mà đổ lên non
Còng lưng mà chạy cực còn theo sau
Thời ấy cả nước nghèo “cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ” ( Chế Lan Viên) thì tìm đâu ra cuộc sống tốt hơn quê?
Trưởng thành được đổi bằng tuổi thanh xuân , quyết tâm , tinh thần vượt khó ...
Phải chấp nhận đắng cay , sự tàn nhẫn của cuộc đời ! Bao nhiêu là gian khổ, khó khăn, vất vả gói gọn trong hai từ “lặn ngụp” và khoảng thời gian “ mấy mươi năm trả giá”.
Con người trưởng thành mới thấu hiểu quê hương quan trọng biết nhường nào:
" Chỉ một chốn đi - về , chở che , tha thứ "
Chốn đi về ấy là tấm lòng mẹ cha , là quê hương mà hình ảnh kết tụ lại thật thân thương :
" Bóng chiếc mỏi mòn như tàu lá rũ của cha "!
Chỉ có mẹ cha , chỉ có quê hương mới sẵn lòng che chở, tha thứ, nâng ta đứng lên sau mỗi lần vấp ngã mà thôi ! Xa quê rồi mới thấm thía tình quê, càng tha thiết nhớ quê, thương quê, yêu quê…
Câu thơ cuối được tách thành khổ riêng :
" Ôi quê hương máu thịt mặn mà "!
Tấm lòng biết ơn , yêu quý ...khi nghĩ về gia đình , quê hương ...nơi cho ta làm người !
Như vậy " Quê Hương " của Phạm Ngọc Tâm Dung đã diễn tả tình yêu quê hương , gia đình thật độc đáo , sâu sắc , xúc động ! Tình yêu gia đình đã hòa quyện với tình yêu quê hương , làm cho Quê Hương càng thêm đằm thắm , thiết tha !
Xin chúc mừng và cảm ơn thi nhân Phạm Ngọc Tâm Dung với bài thơ vô cùng xúc động !
Người gửi / điện thoại