bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

mike fun

bài rất hay tôi có thể lấy làm bài ktra ko

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM GỌN VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÙI PHƯƠNG THẢO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN LÃ THANH TÙNG!THƯƠNG NHỚ ĐĂNG BẤY, NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG VUI TÍNH , HÒA ĐỒNG, GIẢN DỊ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

 

VU NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN!KÍNH MỜI CÁC ANH CHỊ DỰ BUỔI TỌA ĐÀM ĐÓ XEM HÌNH ẢNH CỦA MÌNH TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 53
Trong tuần: 822
Lượt truy cập: 716937

RUỘNG LẦY

Nguyễn Trọng Luân
RUỘNG LẦY
 
  Bà Tần về quê ăn tết sau mấy chục năm trời kể từ ngày bà đi lấy chồng và cư ngụ ở phương nam. Chiều ba mươi tết đi cùng các cháu ra thăm mộ cha mẹ trên cánh đồng Ngòi. Cánh đồng xanh và lạnh. Chiều cuối năm đến những bông hoa giong riềng trên các bờ rào đỏ thế mà cũng thấy tê tái. Bà Tần nhặt những cọng cỏ trong khuôn viên mộ cha mẹ mình, hỏi đứa cháu.
  • Mộ nhà ai đàng kia mà nhiều hoa giong riềng thế hả cháu.
  • Dạ mộ ông bà Hàn đấy bác ạ.
Bà Tần giật mình. Vừa lúc ấy bà nghe thấy tiếng cuốc kêu. Chiều chạng vạng tiếng cuốc tru lên …” cuốc tu u rà cuốc cuốc tu rà. “Bà nghe nhoi nhói từ xa lắm. Cuốc kêu thế này là cuốc gọi nhau. Đứa cháu bảo:
  • Cuốc kêu ở chỗ khu mồ mả nhà ông bà Hàn. Họ bảo ỏ đấy có hai con cuốc ức vàng khôn lắm. Không bắt được nó đâu bà ơi.
Đứa cháu dắt bà sang thắp hương cho ông bà Hàn. Có tiếng sột soạt rồi nhoáng bóng chim bay vù vào chiều sẫm. Đêm ấy bà Tần không ngủ. Bà nhìn trời thâm đen rin rít tiếng con hiu hiu kêu như tiếng dế. Cũng ở chỗ nền nhà này ngày xưa đêm khuya bà từng ngồi đếm tiếng cuốc kêu. 
 
***
  Đời chả biết sao mà lần. Ngày ấy hai nhà ghét nhau, cắm cẳn như chó ăn vã mắm. Sự ghét nhau như trò trẻ con. Hồi cải cách, cả hai nhà đều bần nông. Yên ổn mà sống nghèo, chả “rễ” chả “chuỗi” gì hết. Hòa bình lập lại, con cháu lóc nhóc đến trường thân nhau ra phết. Tối lửa tắt đèn có nhau. Có nồi quả cọ ỏm thơm tháng chạp cũng gọi cho nhau. Mớ tép phơi khô chưng với quả dọc cũng ới nhau làm chén rượu. Người ta bảo hai nhà ông Thưởng ông Hàn đến con gà con chó nó cũng thân nhau. Ấy thế mà rồi cũng đến lúc chọng chọe nhau, không còn bằng mặt nhau từ cái thời ông Thưởng lên làm cán bộ xã.
Cái ngày ông Thưởng mua được chiếc xe đạp Thống Nhất phân phối kính coong đi vào cổng, chó nhà Hàn cắn gay gắt. Cũng từ ấy nhà Hàn vắng hẳn khách. Khách đến nhà ông Thưởng, chó nhà ông Hàn lại ong óc sủa. Lâu rồi, bà vợ ông Hàn bực, vác chổi đập con chó.
- Chó nhà người ta có, người ta không cắn thì thôi mày cắn làm gì?
Bên kia rào bà Thưởng nghe mà điên tiết. Bà đập con chó nhà mình đang cúm rúm nằm chân cối xay đánh ẳng một cái. Bà cũng đay lại:
- Này này, người ta đang bảo mày là chó kia kìa, đồ ăn hại. Không biết cắn. Chỉ được cái nhòm ngó.
Chuyện đến tai hai ông chủ nhà. Hai ông thở dài rồi nhìn vợ rồi ngán ngẩm cái nỗi đàn bà. Hai ông cứ đi làm việc đàn ông, mặc kệ đàn bà, chả hơi đâu. Nhưng rồi các cuộc chén chú chén anh thưa dần. Lối sang nhà nhau cỏ gà nhổm lên ngơn ngởn
***
Chuyện chỉ có thế thì chả nói làm gì. Khối láng giềng cứ cãi chửi nhau rồi lại xí xóa như chưa hề có chuyện khúc mắc bao giờ. Ai cũng thấm cái câu, bán anh em xa mua láng giềng gần. Ừ mà láng giềng thế nào thì mới mua chứ. Hơi đâu mà mua cái thằng láng giềng đểu. Ông Thưởng bảo vợ thế. Con gái ông Thưởng tên là cái Tần thập thò nghe bố bầm chì chiết nhau mà rấm rứt khóc.
Từ ngày hai nhà không qua lại nhau như trước cái Tần với thằng Sỹ con ông Hàn không đi học cùng nhau nữa. Gặp nhau ở lớp chúng nó cắm mặt xuống chân. Thằng Sỹ ngó lơ chỗ khác, chỉ khi xếp hàng vào lớp nó nhìn cái đuôi tóc con Tần và cái vạt tam giác khăn quàng đỏ dưới cái cặp ba lá.
Từ ấy thằng Sỹ cứ đi về sau cái Tần suốt đoạn đường từ trường về nhà. Bây giờ chúng nó đã học cấp 2 bố cái Tần nay là Chủ tịch xã còn bố thằng Sỹ làm thợ mộc ở tổ nông cụ HTX. Thằng Sỹ bảo với mẹ nó:
- Bầm xích con chó nhà mình lại sau nhà đừng để nó sủa rinh rom làng xóm nữa.
Bà Hàn vừa dắt chó ra sau nhà vừa ngoảy cái mặt về phía nhà ông Thưởng bảo, kệ nó cho nó sủa. Con của nó biết gì, chỉ con người cứ vận thân chó vào thân mình rồi cãi nhau.
  Đùng cái thằng Mỹ mang máy bay ném bom ra miền bắc. Mùa hè năm ấy ngột ngạt nắng và khói bom. Ông Thưởng và ông Hàn tối ấy ra bờ rào ngồi tới khuya. Ông Hàn xung vào tổ trực chiến dân quân ra gò cao gần ga tàu hỏa bắn máy bay. Ông Thưởng suốt ngày đầu đội mũ lá vai đeo sắc- cốt chạy cánh đồng này tới kho đội khác để động viên bà con yên tâm sản xuất chi viện tiền phương đánh Mỹ.
  Kì thi tốt nghiệp cấp 2 năm ấy sao mà khổ thế. Cái Tần và thằng Sỹ vừa khiêng vác đồ đoàn cho cả nhà sơ tán vào rừng vào dộc vừa ôn thi. Chả hiểu 2 ông chủ nhà tính toán thế nào mà hai nhà lại sơ tán làm lán đào hầm ở 2 chân đồi cách nhau một thửa ruộng lầy bề ngang chừng bốn chục mét. Chỉ một thửa ruộng thôi nhưng là ruộng lầy không thể lội qua được. Họ bảo trâu lội xuống còn không lên được. Người ta đi cấy đều dùng bằng 2 ống bương dài 3 mét làm đà mà đi bằng cả 4 chân tay. Hai nhà hàng ngày nhìn thấy nhau. Nhà này ngửi thấy mùi cá kho của nhà bên kia. Tiếng í ới mắng mỏ con cái trong đêm của nhà này là nhà kia cũng nghe được hết. Gần thế thôi mà muốn đến nhà nhau phải đi ngược lên ngọn dộc rồi vòng xuống dễ đến gần cây số. Rõ là gần nhà xa ngõ. Muốn giận cũng chả giân được, muốn yêu cũng chả thể yêu ngay. Từ ngày máy bay Mĩ đánh phá, hai nhà đối diện nhau qua thửa ruộng mà không giáp mặt nhau thì con cái Tần và thằng Sỹ cứ chiều đến là đợi nhau. Lạ một cái là thằng Sỹ ngồi thái chuối lợn mặt quay sang nhà con Tần cũng đúng lúc cái Tần đứng giã sắn cho lợn. Một buổi chiều lúc thằng Sỹ thái chuối cho lợn nhìn cái Tần nhấp nhổm giã sắn khô bằng cối chầy tay thì có tiếng cuốc kêu. Cuốc kêu đôi tiếng vui lanh lảnh “cuốc cuốc tù ra rà…” Bên kia, cái Tần ngừng tay giã cối sắn bần thần nhìn qua ruộng lầy loi thoi những cây rau đùi ếch. Có đôi chim cuốc ức vàng lủi thật nhanh vào bụi chít ven đồi.
  Đêm khuya có tiếng cuốc kêu. Cuốc kêu buổi sáng nghe trong trẻo khỏe khoắn. Buổi trưa tiếng cuốc cuốc uể oải khiến không gian tịch mịch hơn. Con chó nhà bà Hàn ngỏng đầu nghe tiếng cuốc cuốc rồi lại lim dim ngủ.
  Chỉ có buổi hoàng hôn hai nhà ríu rít bữa chiều thì cuốc lại kêu lên như hát như níu kéo một ngày đẹp đã qua. Cái không gian giữa hai nhà không còn là không gian ba chiều nữa mà thêm vào đó là một chiều tiếng chim cuốc.chim_cuoc

   Chiến tranh đau khổ bao nhiêu thì nó lại càng kéo mọi mảnh đời lại gần nhau bấy nhiêu. Chiến tranh nó làm bật bung ra những giả dối ước lệ mà lâu nay con người hay ngộ nhận. Trước đây dù có không ưa nhau điều gì thì nay trước sự sống chết con người thấy cần phải yêu thương nhau thế. Bao nhiêu lỗi lầm gì của bà con cộng đồng nay ở trong đạn bom nó bỗng trở nên bé tí. Chiến tranh nó kì lạ đến nỗi những mảnh ghép xã hội đang vô lí bỗng trở nên hợp lí.
   Thằng Sỹ và con cái Tần chúng nó thi tốt nghiệp cấp 2 vào chập chiều tối. Lâu nay lớp hoc sơ tán trong gò cọ. Lớp nào cũng đào giao thông hào vào tận lớp. Lũ học trò tranh thủ lúc máy bay Mỹ đến phải chạy ra hầm là được dịp chí chóe. Cái Tần và thằng Sỹ tranh thủ hỏi nhau dưới hầm về chuyện bố mẹ nhau, chuyện lúa nhà mày còn hay hết, kể chuyện ăn độn khoai ăn độn chuối xanh cho nhau nghe. Có một lần giữa lúc máy bay ném bom ngoài ga, hầm trú ẩn của lớp rung bần bật. Hai đứa nắm chặt tay nhau. Cái Tần bảo, có chết thì mình chết cùng nhau. Thằng Sỹ thấy lạnh sau gáy còn cái Tần thì má ửng hồng lên, đẹp thế.
  Hồi ấy tuổi mười lăm mười sáu mà yêu nhau là khủng khiếp lắm. Vậy nên chúng nó thích nhau nhưng cứ “cấm khẩu” ứ hự không dám nói ra. Chúng nó yêu nhau chỉ biết khóc. Họ bảo nước mắt là thước đo vui, buồn, hờn, giận, yêu, ghét. Nước mắt là tinh chất của tâm hồn động vật cấp cao. Động vật bình thường chúng cũng yêu nhau tha thiết cũng ghen tuông đau đớn nhưng làm gì có nước mắt.  Cũng có loại động vật có nước mắt nhưng không mấy khi nó dùng đến. Hình như chỉ có con người dùng nước mắt làm tiếng nói thậm chí còn có khi làm vũ khí. Ai bảo nước mắt là xấu, thì chính là kẻ tệ bạc nhất với loài người.
  Một ngày nắng như lửa. Trận địa trực chiến của dân quân xã có một khẩu trung liên và 6 khẩu k44 bị bom. Vào lúc 2 giờ chiều máy bay chúi đầu ném bom vào ga tàu hỏa. Tiếng đạn trung liên nghe lốp đốp kéo dài, tiếng k44 đĩnh đạc, đòm đòm. Lũ trẻ con trong xã reo lên. Súng xã mình, Súng xã mình. Người lớn người già người trẻ thấy lồng ngực nở ra thở hổn hển. Lúc cả nước đánh quân xâm lược mỗi con người thoắt già thoắt trẻ. Tiếng súng nào cũng già, còn niềm vui chiến công thì luôn trẻ. Niềm tự hào đâu chỉ riêng ai. Trong chiến tranh tất cả những người phụ nữ đều thấy các đàn ông nhà mình đều trở nên phi thường, đều đáng kính vô cùng. Bom nổ, khói đen nghi ngút. Tiếng súng im bặt. Rồi thì tiếng trống của xã đổ dồn. Sau tiểng trống là tiểng kẻng các thôn rung lên. Hàng trăm người đổ ra trận địa trực chiến. Họ bới lên những người bị vùi lấp vì bom. Họ khâm liệm những người hi sinh. Một buổi chiều lửa và khói bom khiến hoàng hôn làng màu máu.
  Đêm ấy ông Thưởng ngồi bên ông Hàn. Ông Hàn bị sức ép máu ra tai. Khi moi lên, ông thở hắt ra, mắt thao láo không nói không cười. Vợ con ông khóc váng lên, tiếng khóc khiến những người hàng xóm cũng nưng nức xụt xịt. Bỗng có tiếng cuốc kêu, mà sao đêm nay nó kêu thảm thiết thế. Mọi đêm nó kêu cuốc cuốc cu ra ra aaa. Hôm nay nó kêu rõ khan đục nặng nề. Cuốc …cuốc. Lâu lắm mới được một tiếng. Màn đêm ở chỗ bom Mĩ đánh ban chiều có mùi chua. Cái mùi chua xót đặc trưng mang vị đắng. Từ ấy ông Hàn nghễnh ngãng. Ông ba ngơ, ông nhìn chim sẻ bay qua cũng cười. Nghe bìm bịp kêu hay nghe cuốc kêu ông cũng khóc. Nghe sấm mùa hè là lên giường đắp chăn. Phải một thời gian sau ông mới làm thợ trở lại. Nhưng ông không làm thợ mộc nữa mà ông làm thợ đóng cối. Mỗi cái cối ông làm ra khi xay thóc ông ghé sát tai vào vành cối. Ông bảo ông yêu cái tiếng ù ù cối xay. Nghe hệt như tiếng tàu bay Mĩ sắp rơi.
  Khuya, cái Tần mang bát cháo đun bằng dải khoai nước với đỗ xanh đi vòng lên ngọn dộc sang cho bác Hàn. Bà Hàn khóc. Bà bảo, ông ơi cháu cái Tần nó sang cho ông ăn cháo này. Ông Hàn ngơ ngơ, tai ông vẫn rỉ nước hồng hồng. Ông nhìn con bé Tần chẳng hề một xúc động mảy may. Tay ông huơ huơ ra hiệu máy bay đến. Cái Tần òa lên khóc. Lúc ấy bên nhà cái Tần ông Thưởng đứng dậy sốc xà cột đi ra xã lo chôn cất những người hi sinh.
*****
   Cái tràn ruộng lầy sao mà đáng ghét đến thế. Bà Thưởng một tay cầm cái đèn hoa kì tay kia cầm con dao quắm phát lối sang thăm ông Hàn. Gọi nhau thì được nhưng sang nhà nhau thì khó. Ước gì ruộng không lầy để đắp một cái bờ nối hai sườn đồi với nhau cho sớm tối lửa đèn. Có hôm bà Hàn gọi chó êu êu, thì thấy con lu chạy lồng bên vườn nhà bà Thưởng mãi mươi lăm phút sau nó mới chạy về, Trên lưng nó đầy nhũng hoa ké và lá cây. Không biết ở cái làng này ruộng lầy có từ bao đời. Ruộng lầy chỉ ở các thung lũng mà hai bên là đồi rừng rậm. Mặt ruộng cứ lùng bùng những cỏ và rau đùi ếch. Người nào dẫm mãi một chỗ sẽ thụt sâu xuống đến bụng đến ngực. Bùn ruộng lõng bõng như cháo sắn. Mùi bùn thối như mùi trứng gà ung. Mỗi năm ruộng lầy chỉ cấy một vụ còn một vụ bỏ hoang cho rau tróc rau đùi ếch mọc xanh rầm rĩ. Ruộng lầy là ruộng loại hai, váng phèn chua ăn mòn cả lưỡi cuốc. Vì thế HTX phaỉ chia đều cho các đội kiểu như hoa thơm mỗi nhà ngửi một tí. Con đường chạy vòng lên ngọn dộc sang nhà nhau bắt đầu từ đàn chó hai nhà đi thành chổ. Con đường ấy cái Tần và Thằng Sỹ dẫm nát cả những ngày mưa hỏi bài nhau ngoài đồi. Từ ngày ông Hàn bị bom vùi ngoài trận địa gò cao nó trở thành con đường chính thức sang nhà nhau bởi ông bà Thưởng mỗi lần đi sang nhà ông Hàn tay cầm dao phát cây cỏ cho đường rộng ra thêm. Bà Hàn cầm cái cuốc bổ những bậc cho đỡ lúc trời mưa trơn.
  Khi con đường rộng ra thêm thì thằng Sỹ và cái Tần lại ít đi con đường ấy nữa. Ruộng lầy vẫn cứ hun hút những cỏ hoang và rau đùi ếch. Đêm mùa đông ở những tràn ruộng lầy có tiếng con hiu hiu kêu triền miên. Thứ tiếng kêu của con hiu hiu nghe tê tái. Con hiu hiu giống y như con nhái nhưng nó đen. Người ta bảo bắt hiu hiu kho với măng là thành món ăn nhái ôm măng. Nghe vậy thôi nhưng những người dân ở bên ruộng lầy ở làng thằng Sỹ cái Tần không bao giờ họ ăn món ăn đó. Cái thú bắt cá trèo đồi ngày mưa rào ở những ngọn rừng gần ruộng lầy luôn là thích thú của Sỹ và cái Tần. Hai đứa từng đội mưa chạy ngược lên ngọn rừng theo những lạch nước chảy xuôi để rình bắt những con cá trèo đồi không may mắc kẹt lại trong đám cỏ cây. Chỉ có những khe suối trong những cánh ruộng lầy mới có giống cá trèo đồi, Nó to như con cá chuối nhưng khỏe hơn nhiều. Cứ mưa rào là nó nhảy lên bờ rạch ngược lên đồi cao theo những luồng nước mưa chảy xuống. Đến một đoạn rừng nào đó nó nhảy lăn ra đám cỏ lá nằm im đó để côn trùng kiến mối ngửi mùi tanh của nó mà bu vào. Da cá trèo đồi tiết ra một thứ nhớt nhưng rất dính mà côn trùng bám vào không ra được. Chừng biết mưa gần tạnh là chúng lại nhảy sang luồng nước chảy để tụt xuống ruộng lầy. Xuống đó chúng bắt đầu sơi món côn trùng vừa kiếm được. Những trận mưa bắt cá trèo đồi nhìn áo cánh dính chặt vào ngực cái Tần. Thằng Sỹ luống cuống còn cái Tần thì môi đang xám ngoét vì nước mưa bỗng ửng lên. Chúng nó thở hổn hển bước những bước tườn tượt xuống chân đồi.
  Cái Tần đi học cấp 3 dưới huyện. Thằng Sỹ thì ở nhà làm ruộng trông ông bố mới gần 40 tuổi mà đã ba ngơ. Mỗi chiều thứ 7 thằng Sỹ ngồi thái chuối lợn nhìn sang nhà cái Tần. Bà Hàn gọi:
- Sỹ ơi sao mày thái chuối kiểu gì mà tháng năm một nhát tháng mười một nhát thế hả con?
Thằng Sỹ cãi:
- Đâu mà, con vẫn thái đều đấy chứ.
Bà Hàn:
- Bầm có nghe thấy soèn soẹt đâu? Nghe nói tuần này con cái Tần không về. Bầm nó bảo, nó phải đi đào trận địa cho huyện.
Thằng Sỹ im lặng. Lâu nay bố bầm nó không hiểu nỗi lòng của đứa con trai bị tụt lại sau bạn gái. Chả ai hiểu cho nó nằm trong những người đàn ông phải chịu kém về bậc học với người con gái mình yêu. Mặc dù cái chuyện nhiều chữ hay ít chữ rất vô duyên khi mang ra làm thước đo cho tình ái và lại càng vô tích sự cho việc sinh tồn nòi giống.
Người ta cuốc ruộng lầy và cấy lúa. Đận ấy đang là mùa hè. Cuốc dẫm ruộng lầy trong nắng ngột ngạt lại ngửi mùi thối bùn dộc ai cũng mệt. Ruộng lầy mà cuốc lên mùi thối bao nhiêu thì lại nóng bấy nhiêu. Kể cả trời rét khi lật mặt cỏ ruộng lên là thấy nước ấm nóng hệt như nồi nước ỏm quả cọ. Cấy lúa ruộng lầy lâu bén rễ lắm. Lúa con gái mà loi nhoi thưa huếch hoác.
  Con cái Tần về nghỉ hè nhìn mấy con cuốc lom khom lội trên ruộng lúa. Con cuốc ức vàng cắp con hiu hiu lên vườn nhà thằng Sỹ đứng ngoai ngoái nuốt mồi. Bà Thưởng trong nhà bước ra nhìn con gái:
- Nghe đâu thằng Sỹ đi khám bộ đội con ạ. Nghĩ tội quá. Nhà bên ấy chỉ có nó là lao động chính. Ông Hàn cũng khá hơn rồi nhưng hay khóc mỗi khi thấy bố mày sang chơi.
   Đêm hôm ấy, có tiếng kêu cuốc cuốc…. tu ra tu ra… cuốc cuốc. Trời vắng sao và vắng gió. Tiếng cuốc kêu đêm thật lanh lảnh, nó không như cuốc kêu ban ngày. Tiêng đêm nay là thứ tiếng báo một sự đi xa, đi rất xa. Cái Tần đi vòng ngọn tràn ruộng lầy sang nhà Sỹ. Hai đứa ngồi tít trên ngọn tràn lầy, hai con chó hai nhà theo chân chủ cũng loạt soạt theo nhau đi bắt chuột. Cái Tần kể nó được đi thi học sinh giỏi. Thằng Sỹ khoe, nó sắp tòng quân. Hai đứa ôm nhau, mồ hôi hôm ấy đầm đìa. Có tiếng kêu cuốc cuốc dưới ruộng lầy. Thằng Sỹ bảo, bao giờ về anh sẽ bắt con cuốc này cho hết kêu não nề để hai nhà không buồn nữa. Đấy em nghe thấy không, nó kêu “cuốc cuốc tu ra tu ra” tức là nó bảo “bước bước đi xa đi xa”. Cái Tần hít mùi mồ hôi thằng Sỹ:
- Em chỉ mong hết ruộng lầy để hai nhà đắp con đường sang nhau. Hì hì, nó cười… để dẫn dâu cho gần. Còn cuốc thì cứ kệ cho kêu. Thằng Sỹ ngạc nhiên nhìn cái Tần, ngực nó phập phồng. Hai đứa cắn vào môi nhau. Hai con chó hai nhà ngồi hai bên lè lưỡi, thở.
 
****
  Mùa hè năm ấy nhiều bom thế. Thằng Mỹ dường như muốn đổ hết bom trong kho nhà nó vào miền Bắc nước ta. Trai tráng lên đường đánh Mĩ kìn kìn. Khắp nơi những là khẩu hiệu thúc dục nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Trên các áp phích, nhà kho, tường đình, đâu đâu cũng là dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
   Cái Tần đi đại học cũng là lúc nhà bà Hàn nhận thư của thằng Sỹ. Trong thư có kèm theo thư cho cái Tần. Thư viết: “Tần ơi, em cố học cho cả anh với nhé. Bọn anh đang vào đợt 2 Mậu Thân. Mùa hè ở Củ Chi này cũng lại nghe tiếng cuốc kêu. Tiếng cuốc kêu ở ven sông Sài gòn này không khàn khàn như tiếng cuốc quê mình. Nó cứ lanh lảnh khiến anh nhớ con cuốc cô đơn ở ruộng lầy ngăn hai nhà chúng mình, Con cuốc ở nhà mình tiếng kêu nó buồn lắm…”
Cuối thư thằng Sỹ viết.
… “Em Tần của anh, chờ ngày anh về sẽ đắp con đường qua ruộng lầy sang nhà nhau. Lúc ấy sẽ không còn ruộng lầy nữa em nhé!”
  Đó là lá thư duy nhất cái Tần nay là bà Ba Dũng ở Sài Gòn giữ đến tận bây giờ. Thằng Sỹ hi sinh trên Củ Chi vào cuối đợt 2 Mậu Thân. Đơn vị chả tìm thấy xác Sỹ, chỉ thấy có tên trên Đền Bến Dược.
  Bà Tần về quê thấy con đường nối hai nhà qua tràn ruộng trồng toàn hoa râm bụt. Ông bà Thưởng ông bà Hàn đã là người thiên cổ. Cái ruộng lầy nay thành cái ao chung hai nhà chỉ ngăn một tấm phên giữa ao thôi. Họ bảo có thể cá nhà này sang ao nhà kia là thường.
  Hai ngôi nhà lá quay mặt vào nhau nay đều xây và lớp ngói. Họ bảo hai nhà ấy treo hai cái huy chương kháng chiến y hệt như nhau có hai tấm ảnh ở góc trên tường. Ở nhà ông Hàn là tấm ảnh cô gái tóc bím đuôi sam 17 tuổi. Còn bên ông Thưởng có ảnh chú tân binh đeo binh nhì nghiêm nghị.
  Lại nghe nói, bây giờ không còn ruộng lầy nữa vì chủ trương của cấp trên một thời đốt rừng trồng sắn trồng chè cho hợp tác xã khiến rừng biến mất nên đất đồi sói mòn xuống ruộng. Ruộng lầy nay thành khô cứng.
  Bà Tần về ăn tết ở quê. Đêm ba mươi bỗng nghe thấy tiếng cuốc kêu. Bà lắng nghiêng đầu. Ờ nhỉ, tiếng cuốc kêu ở miền Bắc nghe khàn khàn hơn tiếng cuốc kêu miền Nam. Bà lẩm bẩm. Tiếng cuốc kêu là tiếng của người xưa.
Người thân của hai nhà thì bảo, chỉ có nghe tiếng cuốc miền Bắc kêu mà bà Tần cũng khóc.
 
                                                                     N.T.L 
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)