NGUYỄN SĨ ĐẠI
Ta về với mẹ ta thôi
Năm nay mẹ đã chín mươi mỏi mòn
Cha thì đã khuất núi non
Con dăm bảy đứa chỉ còn vài ba
Ta lo xây cửa xây nhà
Mẹ ra Hà Nội như là ô-sin…
Làm người có một trái tim
Mà sao mình để mẹ mình mồ côi?
Ta về với mẹ ta thôi
Làm con của mẹ như hồi còn thơ
Sang giàu phú quý ngu ngơ
Mẹ con con mẹ sớm trưa ruộng đồng…
Nhà nông thì cứ nhà nông
Ham chi đổi phận qua sông lụy người…
Ta về với mẹ ta thôi
Chín phương đã nếm đủ mùi trầm luân
Cái xa thì đã đến gần
Người gần chừng cũng dần dần xa xôi
Ta về với mẹ ta thôi
Phù hoa xin gửi cho người phù hoa
Ta về bên mẹ của ta
Không làm chi nữa, cũng là làm con
Còn trời còn nước còn non
Ngày mai rồi sẽ chẳng còn mẹ ta!
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
Mẹ và quê hương là bến đỗ tin cậy và bình yên nhất của mỗi người con. Trong những bài thơ hay về mẹ, tôi ấn tượng sâu sắc với “Ta về với mẹ ta thôi” của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại. Bài viết là sự trải lòng về bổn phận làm con, ẩn chứa trong đó là tình yêu và lòng biết ơn sâu nặng đối với đấng sinh thành.
Nhan đề của bài đã tạo sự chú ý: "Ta về với mẹ ta thôi” là lời tự nhắc hãy về với mẹ, với căn cốt của mỗi người. Dùng thể thơ lục bát chân phương, âm điệu êm đềm để chuyển tải tình cảm về mẹ là sự lựa chọn sáng suốt của tác giả. Những câu đầu nói rõ về mẹ và gia cảnh:"Ta về với mẹ ta thôi / Năm nay mẹ đã chín mươi mỏi mòn". Nhà thơ không viết mẹ tròn chín mươi mà viết "chín mươi mỏi mòn". Cách nói ấy gợi ra cả một chiều dài đằng đẵng thời gian mẹ đã từng vất vả lo toan “mỏi mòn”. Câu thơ trải dài hun hút những tủi buồn. Ai có sống trong mất mát mới càng cảm thương hoàn cảnh "Cha thì đã khuất núi non / Con dăm bảy đứa chỉ còn vài ba". Phải là người giàu bản lĩnh và nghị lực lắm, mẹ mới vượt qua được những nỗi đau lớn như thế để nuôi dạy các con ăn học, nên người. Thời nay, nhiều người con không hiểu hay không chịu hiểu: để sinh dưỡng, dạy dỗ được đứa con đến trưởng thành là cả "núi của non công" (ca dao) của mẹ cha. Nhưng khi lớn đủ cánh, đủ lông, nhiều người con lại chỉ chăm lo việc "xây cửa, xây nhà", không mấy quan tâm đến mẹ. "Ta lo xây cửa xây nhà / Mẹ ra Hà Nội như là ô-sin…". Tác giả trăn trở trước thực trạng: "Làm người có một trái tim / Mà sao mình để mẹ mình mồ côi?". Nghệ thuật điệp từ “mình” có ý tự trách, và dùng từ "mồ côi" thật độc đáo, mới lạ. "Mồ côi" vốn là từ chỉ đứa trẻ bị mất cha hoặc mẹ, có khi mất cả cha lẫn mẹ. Nhưng ở đây là "mẹ mình mồ côi". Ý thơ nhấn mạnh sự lẻ loi, cô đơn của mẹ cho dù sống cùng nhà với con với cháu. Câu thơ cũng như một lời tự vấn đầy day dứt làm lay động trái tim người đọc. Cũng như nhiều mẹ khác, mẹ tác giả vốn chăm chỉ, ra Hà Nội nhưng hết làm việc nọ, mẹ lại mó việc kia. Nhiều người con không thấy đó để trân quý mẹ hơn, còn coi mẹ chỉ như là người giúp việc. Người con nào có thái độ như vậy hãy tự vấn mình xem? Ý thơ những câu tiếp vẫn nối mạch cảm xúc trên: "Ta về với mẹ ta thôi / Làm con của mẹ như hồi còn thơ". Trên đời, hạnh phúc thay những người còn mẹ. Làm người, hiếu thảo với mẹ cha là điều được xếp hàng đầu trong chuẩn mực đạo đức, mọi thứ khác của cõi nhân sinh "sang giàu phú quý" cũng không thể sánh nổi tình cảm mẹ con bình dị nhưng cao cả. Dù chỉ là "nhà nông" nhưng mẹ chẳng ham "đổi phận" để "qua sông luỵ người". Chủ thể trữ tình tự nhắc mình: "Ta về với mẹ ta thôi"/ Chín phương đã nếm đủ mùi trầm luân". Khi viết bài này, tác giả đã đi quá nửa cuộc đời, tự biết ngưỡng giới hạn để thanh thản với cuộc sống của mình. Câu thơ đạt tới sự minh triết sâu sắc về cõi người: "Cái xa thì đã đến gần / Người gần chừng cũng dần dần xa xôi". Con người ta khi sống gần mà thiếu sự quan tâm, cảm thông, thấu hiểu nhau thì gần nhưng thực là xa đấy. Đoạn tiếp theo, cảm xúc thơ càng lay thức trái tim người đọc da diết hơn: "Ta về với mẹ ta thôi / Phù hoa xin gửi cho người phù hoa / Ta về bên mẹ của ta / Không làm chi nữa, cũng là làm con”. Đúng vậy! Được làm con của mẹ là niềm hạnh phúc lớn nhất. Hãy thấu hiểu điều đó và ứng xử sao cho phải đạo làm con trước khi quá muộn bởi “Ngày mai rồi sẽ chẳng còn mẹ ta!" Câu thơ được chắt lọc từ bao sự từng trải và đủ thấm thía những dư vị đắng cay, mặn ngọt ở đời. Trong bài, tác giả sử dụng rất thành công phép điệp cú pháp “Ta về với mẹ ta thôi” (5 lần), và điệp từ “ta” (14 lần) “mẹ” (14 lần) cùng nhiều từ láy phù hợp khiến cho ý thơ càng tha thiết, tình cảm mẹ con càng sâu nặng
Đây là thi phẩm thật hay không chỉ bởi câu chữ mà chính là ở tấm lòng. Bài thơ không chỉ nói lên chân thật cõi lòng của tác giả mà còn nói hộ tiếng lòng của bao người đọc khác nữa.
Người gửi / điện thoại