bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 93
Trong tuần: 1045
Lượt truy cập: 631115

THẢ NOỌNG - ĐỢI NÀNG

“Thả nọong”– Đợi nàng

Trích tiểu thuyết NHỮNG NGƯỜI TÔI YÊU của Thu Lâm

 thu_lm

 NHÀ VĂN THU LÂM

Vậy là đã gần một tháng trôi qua Dũng như không nhận biết. Cuộc sống ở nơi này chẳng ai tính đến thời gian, chẳng ai nóng ruột cần phải làm việc gì cấp bách. Mọi người chỉ mong ngóng chóng đến ngày chợphiên để tưng bừng, để ngắm nhìn nhau vậy thôi. Cứ mỗi lần anh sực nhớ: “cháu phải về thôi”, thì cả nhà xúm lại gạt đi.

Ông Dủng nói:

-   Về làm gì vội, ở đây em Liên nó sẽ lần lượt đưa anh đi thăm phong cảnh, các địa điểm du lịch nổi tiếng. Đi cả chặng đường xa như thế để lên đây đâu dễ, phải tranh thủ không sau này lại hối.

Còn chú sẽ dẫn cháu đến nhà họ hàng bà con ở thị trấn này, họ lên lịch hết rồi.

Bà Lụa tiếp lời:

-   Ở Hà Nội có ai mong đâu mà cứ đòi về, ở đây với cô chú cho vui, không sợ tốn cơm đâu.

Liên tủm tỉm vào hùa với bố mẹ:

-   Anh sợ bị bỏ bùa à? Còn mấy địa điểm du lịch tuyệt vời tuần sau em đưa anh đi.

Thế là Dũng lại bị cuốn theo cuộc sống vô tư này, ngày nào cũng như hội. Các gia đình thay nhau mời khách Hà Nội, lại tiệc rượu, thịt thú rừng, cá suối, rau rừng đủ các món ê hề. Một nhà làm cỗ thì hầu như cả thị trấn kéo đến chung vui. Cứ tưởng ăn uống xong là đủ, về đánh một giấc, thì lại thấy í ới gọi nhau sang ăn cháo lòng lợn rừng nấu với váng cao hổ cốt, bổ lắm vớ, ăn đi.

-   Anh Dũng đâu rồi? Không có anh ấy là không ai được ăn trước đâu vớ!

Các cậu thanh niên kéo đến nhà ông Dủng, lôi bằng được anh Dũng ra ăn cháo. Lại lai rai đến gần sáng, no cứng bụng mà vẫn ăn. Dũng vừa vui vừa buồn cười cách sống nơi đây, vô tư, chân thật, không âm mưu, không tính toán vụ lợi. Chẳng ai lo hơn thua nhau điều gì. Cuộc sống thật nhẹ nhõm.

Bỗng nhiên điện thoại reo vang, muộn thế này ai gọi cho mình nhỉ? Bát cháo thơm phức đang còn nóng, anh chạy ra xa nghe máy. Là Thắm gọi, chết thật. Từ hôm đi đến giờ đã tròn một tháng rồi, mình tệ quá không gọi cho Thắm lấy một lần. Mọi việc ở đây cứ cuốn anh đi, Dũng thấy hối hận:

-   A lô! Thắm à, anh Dũng đây. Ở nhà thế nào em? Có ghé vào nhà anh không?

-   Tất nhiên là có, hai lần.

Thắm nói có vẻ giận dỗi:

-   Anh bao giờ về? Đã tìm được mộ bố chưa? Anh có mang xương cốt bác về không?

-   Chuyện dài lắm, khi nào về anh sẽ kể.

-   Em có chuyện muốn nói với anh. Anh về nhanh lên.

Giọng Thắm run run.

-   Còn có chuyện gì nữa? Mẹ mất, vợ con bỏ đi rồi, bây giờ anh trắng tay còn chuyện gì nữa đâu.

Đầu bên kia Thắm lặngim.

Đám thanh niên xúm quanh nồi cháo lại réo gọi:

-   Anh Dũng đâu rồi? Nâng cốc nào.

Anh vội nói với Thắm:

-   Em nói qua điện thoại được không? Mọi người đang chờ anh.

Đầu bên kia không ai trả lời. Thắm đã cúp máy.

Sáng hôm sau, nhớ đến cuộc điện thoại của Thắm, Dũng bỗng thấy nóng ruột. Anh nói với vợ chồng ông Dủng sau bữa ăn trưa:

-   Có lẽ cháu xin phép cô chú về Hà Nội thôi ạ.

Cháu phải mang chút đất có xương máu bố cháu về bên mẹ. Xong việc cháu mới yên lòng.

Ông Dủng thấy Dũng nói có vẻ khẳng định thì cũng không cản nữa.

-   Ừ, thôi cháu đã nghĩ như vậy thì cũng nên về làm mộ gió cho bố bên mẹ. Xong xuôi mọi việc thì làm gì mới làm. Nói thật nhé, cô chú rất quý cháu, dù thời gian biết cháu không nhiều, nhưng gia đình chú và mọi người trong thị trấn này đã coi cháu như ruột thịt, như người trong gia tộc họ Nông rồi. Mọi người sẽ rất nhớ cháu.

Bà Lụa nói ngay suy nghĩ giản đơn của mình:

-   Ùi! Nó là lục liểng([1]) nhà mình rồi, không được gọi a lùa, a me([2]) nữa. Mà từ nay phải gọi pỏ, mẻ([3]), nọong nhình([4]) Liên, con Dũng nhớ chưa? Xong việc cho mẹ dưới xuôi rồi lại lên đây với pỏ mẻ nhé.

Liên ngồi bên mẹ, vẻ mặt buồn thiu. Hơn một tháng qua, cuộc sống của cô tràn đầy hạnh phúc. Cô luôn bên cạnh Dũng mọi lúc mọi nơi, anh hấp dẫn cô từ hình thức bên ngoài đến lời ăn tiếng nói. Chẳng có trai nào ở thị trấn này có thể sánh với anh, mình không thể để mất anh được.

Cô đang suy nghĩ tìm cách nào để giữ anh ở lại, cô chưa có cơ hội bày tỏ tình cảm với anh. Cô biết anh cũng không thờ ơ với cô, những ánh mắt, cử chỉ, lời nói anh dành cho cô đã nói lên tất cả. Nhưng có lẽ trong anh còn nhiều ưu tư chuyện cũ, nên anh chưa sẵn sàng mở lòng. Mình phải chủ động, không thì mất cơ hội. Sẽ không bao giờ tìm được người đàn ông nào như anh ở nơi heo hút này,

Bố mẹ cô cũng hiểu được tâm trạng và tình cảm của cô dành cho chàng trai Hà Nội, ông bà ngầm đồng tình vun vào cho con gái.

Đến lượt con gái rượu của ông bà lên tiếng:

-   Anh Dũng rồi cũng phải về Hà Nội thôi. Nhưng đã một công lên đây, anh nên kết hợp thăm hết các địa danh nổi tiếng của tỉnh miền núi này. Còn một địa danh nữa nếu anh không đến thì quả thật là uổng phí. Đó là một thác nước tự nhiên còn đậm nét hoang sơ. Em ở xó này mà còn biết nó được vinh danh đẹp nhất Đông Nam Á và xếp hạng lớn thứ tư trên thế giới. Nó nằm trên đường biên giới giữa hai quốc gia. Hàng năm, biết bao khách du lịch mất công tìm đến thác đó để chiêm ngưỡng. Vậy mà anh ở rất gần nó mà không đến thì em chịu anh đấy.

Dũng reo lên:

-   À, anh biết rồi. Học địa lý và đọc các tua du lịch anh biết mà, không đến thì đúng là rất đáng trách. Là thác Bản Cao huyện Ngọc Khánh phải không? Anh đang sẵn máu du lịch và chụp ảnh đây, từ đây đến thác hết bao lâu em?

-   Khoảng ba, bốn tiếng đồng hồ. Em tính thế

này nhé, hai ngày nữa đội văn nghệ thị trấn mình sẽ đi hội diễn bên huyện Ngọc Khánh, huyện mà có thác nước tuyệt vời đó. Anh đi cùng bọn em, vừa động viên vừa chụp ảnh cho đội, sau đó mình ở lại đi tham quan thác nước kỳ vĩ này luôn. Mùa này lúa đang chín vàng tha hồ mà chụp ảnh.

Hai ông bà cũng hùn vào:

-   Tranh thủ đi thăm danh lam thắng cảnh của đất nước, không phải ai cũng có cơ hội đâu. Cái Liên nói đúng đấy. Nhân tiện trường lớp đang nghỉ hè nó mới đưa anh đi được.

Dũng nghe cũng xuôi tai, vả lại được gần gũi với Liên anh cũng thích. “Mẹ ơi! Tha lỗi cho cái tội ham vui của con. Tuần sau con sẽ về thực hiện lời hứa với mẹ”.

-   Anh đồng ý kế hoạch của Liên. Bố mẹ khuyên con xin nghe theo, kẻo sau này không có cơ hội.

 

 

Hội diễn văn nghệ đã xong, đội của Liên đoạt giải nhì tốp ca nữ với bài “Lời Then dâng Đảng”. Dũng làm tốt nhiệm vụ cổ động viên và nhiếp ảnh gia, các cô ríu rít như chim bên anh. Cô nào cũng muốn được gần anh, thể hiện tình cảm với anh. Nhưng đội trưởng Liên bộc lộ rõ “chủ quyền” nên các cô hiểu ý, khôngdám “vượt mặt” đội trưởng.

Nhận giải xong, Liên tuyên bố:

-   Bây giờ các “noọng” về nhà nhé. Chị đưa anh Dũng đi tham quan thác nước, chụp ảnh để lấy tư liệu về dưới xuôi triển lãm.

-   Vâng ạ!

Các cô ngoan ngoãn nghe theo lời đội trưởng, nhưng ý tứ nháy mắt, cười nụ với nhau.

Hai anh em thuê một chiếc xe máy đi lên thác cho chủ động. Liên sung sướng ôm chặt eo anh Dũng, cô ghé sát vào tai người cô yêu hét lên:

-   Pây lơ.([5])

Bộ ngực nở nang nóng hổi của cô gái như cố tình ép chặt vào lưng người đàn ông độc thân. Hơi thở thơm tho mùi bạc hà, mùi hoa rừng phả ngay sau gáy như thiêu đốt chàng trai. Anh nói to trấn an tâm trạng bối rối của mình:

-   Anh chưa quen đi xe máy đường rừng núi đâu, em phải “trật tự” anh mới tập trung tư tưởng làm “xế” cho em được.

Liên cười vang rừng núi, cô sung sướng ôm anh chặt hơn lần nữa rồi từ từ trở lại bình thường. Cô thầm nhủ: “Anh yêu, hãy đợi nàng nhé!”

Cung đường hơn hai mươi cây số dẫn lên thác quanh co uốn lượn hình chữ S nối tiếp nhau. Các dãy núi trùng trùng điệp điệp với những vạt rừng nguyên sinh xanh ngắt, thỉnh thoảng điểm xuyết những cánh đồng hoa tam giác mạch màu trắng phơn phớt tím bát ngát, không khí thật mát mẻ khoáng đạt trong lành.

Đi trên con đường này, ngắm phong cảnh này người ta cảm thấy như đang được dẫn lên thiên đường, tâm hồn phơi phới, mọi điều ác không thể tồn tại nơi đây, chỉ có tình yêu thương và hướng thiện. Dũng chợt nghe thoảng qua gió tiếng Liên cắt đứt dòng suy tư của anh:

-   Dừng lại anh, chỗ này đẹp quá. Phải ghi lại hình ảnh hai anh em mình, biết bao giờ mới quay lại đây.

Khoảnh khắc này, giây phút ngẫu hứng dừng lại dưới chân ngọn núi được trải thảm bằng màu tím của cánh đồng hoa tam giác mạch, Dũng không ngờ mình lại chụp được bức chân dung của một cô sơn nữ Tày tuyệt sắc giai nhân. Tấm ảnh đó đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh.

Cô sơn nữ đứng giữa cánh đồng hoa tam giác mạch. Những bông hoa nhỏ bé nhẹ nhàng lung linh trước gió, màu trắng tinh khôi xen màu phơn phớt tím của loài hoa làm nền cho cô gái có thân hình mềm mại với eo thon nhỏ trong bộ váy áo màu xanh chàm. Cổ áo cao hai phân để lộ chiếc cổ thuôn dài trắng ngần. Chiếc vòng bạc trắng nơi ngực và vòng eo thắt dây xà tích nổi bật trên nền áo chàm như dấu ấn của thủa trinh trắng. Khuôn mặt trái xoan nghiêng nghiêng sang phải nhìn theo cánh tay mềm mại duỗi hờ, bàn tay trắng muốt búp măng đậu vào cánh hoa như muốn ngỏ lời kết bạn. Cánh tay trái buông xuôi khẽ mở dọc theo thân mình, bàn tay ngửa nhẹ nâng như đang chào đón một điều bất chợt.

Còn nữa, điều tuyệt diệu trên khuôn mặt thánh thiện, đôi môi thắm tươi hé nở nụ cười, đôi mắt nhìn xa xăm với hàng mi dàycong vút, vài sợi tóc loà xoà xuống vầng trán trắng mịn nổi bật dưới vành khăn vấn mầu đen khoanh tròn trên mái đầu duyên dáng.

Phía sau xa kia tiếp đến là một khóm tre cao um tùm tốt tươi một màu xanh mướt. Cao hơn chút nữa là một ngọn núi cao xanh thẫm vươn lên bàu trời. Bên cạnh ngọn cao nhất là những đỉnh núi thấp hơn, nhấp nhô đan xen nhau chạy dài xa tít tắp. Và kìa, một dòng thác trong suốt được bắt nguồn từ một khe đá, tạo nên một tấm lụa mềm màu trắng bạc lấp lánh chảy tràn xuống, giữa một bên là màu xanh nhạt của rặng tre một bên là màu xanh thẫm của rừng nguyên sinh.

Hình ảnh cô gái đứng giữa một khung cảnh trời mây, núi cao, rừng cây và thác nước, với thảm hoa tự nhiên dưới chân thật dung dị. Vẻ đẹp của con người hài hoà với vẻ đẹp thiên nhiên tạo nên một khung hình tuyệt mỹ đến ngỡ ngàng.

Khi bấm máy liên tục và hướng dẫn cho Liên tạo

dáng, Dũng chưa hình dung hết được thành quả lao động nghệ thuật của anh lại tuyệt vời trên cả mong đợi. Anh vô cùng say sưa, ngưỡng mộ với cảnh sắc và con người tuyệt đẹp nơi xa xôi này.

Anh reo lên với người mẫu sơn nữ:

-   Tuyệt lắm! Bây giờ em làm theo anh nhé, không vấn tóc kiểu dân tộc Tày nữa, em hãy xổ tung tóc ra. Vẫn dáng đứng như thế, em ngửa mặt lên cho gió thổi tung bay mái tóc, cười tươi lên, quay chút sang trái, được rồi, một hai ba, được rồi.

Liên vấn lại tóc, cô hái vài bông hoa tam giác mạch giắt lên vành khăn. Cô tung tăng vô tư hồn nhiên trong khung cảnh trời đất bao la tuyệt mỹ. Tất cả những khung hình ấy đều được Dũng ghi vào máy ảnh mà cô không hề hay biết gì. Cô tự nhiên ngây thơ đẹp tuyệt như đất trời nguyên khí sáng trong nơi đây.

Họ lên đường đi tiếp, Dũng rồ máy, cô sơn nữ xinh đẹp lại ôm lấy eoanh, khuôn miệng xinh xắn kêu to vui vẻ vang núi rừng:

-   Pây lơ!

Tạm biệt cánh đồng hoa bạt ngàn bất tận, tạm biệt thác nước xinh trắng sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Hai con người ngập tràn hạnh phúc lên đường đi tiếp đến ngọn thác hùng vĩ nhất, nơi mà ai đã từng một lần chiêm ngưỡng sẽ nhớ mãi những cảm xúc choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ nguyên vẹn mà tạo hoá sinh ra. Nơi đây đã từng là nguồn cảm hứng bất tận cho những người nghệ sĩ đi vào nghệ thuật với những tác phẩm hội hoạ, nhiếp ảnh đặc sắc.

Dũng cũng đã từng đọc và nghe nhiều lời ca ngợi về ngọn thác ba tầng, một điểm du lịch tuyệt vời của đất nước. Anh vô cùng háo hức hồi hộp, ngồi sau anh là cô hướng dẫn viên du lịch thành thạo miền sơn cước quen thuộc. Cô kể với anh rằng, đã đến đây lần thứ ba, nhưng lần nào cũng háo hức thổn thức như lần đầu. Đặc biệt lần này đi cùng anh, cảm xúc dâng trào niềm hạnh phúc, Dũng cảm nhận bàn tay cô lại xiết chặt vòng eo anh, các ngón tay búp măng mềm mại luồn qua khuy áo áp sát vào da thịt anh, khiến các cơ bụng người đàn ông cô đơn như run lên đón nhận. Cô ghé sát vào tai anh thì thào trong gió: “Sắp tới rồi, anh có cảm nhận thấy điều đó không?”.

Quả đúng vậy, nhiệt độ như giảm hẳn xuống, không khí tràn ngập hơi nước mát lạnh. Vòng tay xiết chặt của cô khiến trái tim chàng trai thổn thức và ấm áp lạ kỳ, anh chỉ muốn giây phút này là mãi mãi. Chợt anh nghe Liên nhắc:

-   Anh giảm tốc độ, đi từ từ thôi. Chúng ta vào bãi gửi xe đã.

Hai người rời bãi gửi xe đi bộ tiếp.

-   Hôm nay đầu tuần khách du lịch không đông

mấy, nhưng như thế này mới thích.

Liên líu ríu nói liên tụcđúng như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ.

-   Em kể anh nghe sự tích ngọn thác ba tầng này nhé. Đó là một câu chuyện tình nhưng lại có kết thúc buồn lắm anh ạ.

Ngày xưa các cô gái Tàyđược trời ban cho một vẻ đẹp như bông hoa rừng, đoan trang nết na thuỳ mị. Bởi thế các cô thường bị các quan chọn tiến cử dâng cho các bậc vua chúa. Có một cô gái đẹp nhất lọt vào mắt xanh của hoàng tử, nhưng cô đã liều mình trốn đi cùng với người mình yêu là một trai làng cùng bản. Hai người chạy đến nơi này thì kiệt sức và lịm đi. Dân bản chứng kiến trời đổ mưa tầm tã cả tuần liền. Khi mưa tạnh người ta không tìm thấy đôi nam nữ mà chỉ thấy hai ngọn thác lớn đổ nước trắng xoá phía bên cạnh bản. Ngọn thác ở giữa chia ba tầng, có hai tầng sát bên nhau như tư thế đôi tình nhân ôm nhau, tượng trưng cho hình ảnh người con trai đang ôm người yêu vào lòng cùng khóc, nước mắt của họ chảy dài thành dòng thác cuồn cuộn. Còn ngọn thác bên phải từ chân thác nhìn lên, nó đổ ồn ào không ngớt là hình ảnh của vị hoàng tử hối hận, cảm phục và tiếc nuối người con gái mình yêu thương mà không có được, cũng biến thành dòng thác, nước mắtcủa hoàng tử cùng hoà chung với nước mắt của đôi tình nhân.

Lát nữa thôi anh sẽ được ngắm toàn bộ câu chuyện em kể bằng hình ảnh hùng vĩ hoang sơ này.

-   Cô giáo có khác, cái gì cũng biết. Câu chuyện buồn thật, nhưng nó là dấu ấn là biểu tượng tình yêu vĩnh cửu đấy em ạ.

Dũng đáp lời bằng giọng trầm buồn.

Anh lại liên tưởng đến tình yêu của mình, ao ước có được người mình yêu, rồi lại mất. Không hiểu rồi tình yêu của anh cuối cùng sẽ neo đậu nơi đâu? Có tình yêu nào giống như tình yêu đầu đời của anh không? Nga ơi! Con trai ơi! Đang làm gì? Những người tôi yêu quý nhất.

Từ trên cao đi xuống, mở ra trước mắt hai người là một khung cảnh hùng vĩ hoang sơ kết tinh vẻ đẹp của tự nhiên. Âm thanh của nước chảy vang lên ầm ào, thật kỳ lạ địa hình không cao nhưng sao sức nước tuôn trào mạnh mẽ.

Dũng vô cùng xúc động ngắm nhìn dàn tháp nước, anh nắm chặt tay sơn nữ run run nói:

-   Anh không thể ngờ lại có một nơi trên đất nước mình đẹp tuyệt vời đến thế này. Anh sẽ mô tả nó bằng bộ ảnh sẽ chụp không còn sót một góc độ nào. Cảm ơn em đã dẫn anh tới đây.

Nhìn từ xa, ba tầng thác đẹp như những bức tranh thuỷ mặc. Ngọn thác với dòng chảy trải dài khoảng vài trăm mét cuồn cuộn đổ xuống từ độ cao vài chục mét. Đặc biệt giữa dòng thác chảy dài có những mỏm đá phủ đầy cây xanh chia thành ba dòng nước trắng xoá nguyên sơ hùng vĩ ào ào dội xuống thành những cột nước lớn nhỏ khác nhau, tạo thành những thác phụ với rất nhiều “dây nước”mảnh đan xen uốn cong như những bức rèm khổng lồ đầy ngẫu hứng của thiên nhiên. Những cột nước lớn cuồn cuộn tuôn chảy không ngừng đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi tung bụi nước trắng xoá. Hơi nước bốc lên tạo thành màn sương mù như một dải lụa trắng vắt ngang sườn núi.

Dưới chân thác là một dòng sông êm ả trong vắt lồng lộng soi bóng những đám mây trôi bồng bềnh trên bầu trời xanh thẳm. Những tia nắng xế chiều phản chiếu xuống mặt sông lấp lánh như dát vàng. Bên bờ là một cánh đồng lúa trĩu bông vàng ươm báo hiệu một vụ mùa no đủ đang tới. Phía xa kia là những ngọn núi với rừng nguyên sinh xanh thẫm ẩn hiện trong mây. Thấp thoáng đây đó bóng dáng những ngôi nhà sàn và những cọn nước bằng gỗ đang miệt mài kẽo kẹt ngày đêm. Khung cảnh thật thanh bình trong cuộc sống hàng ngày của người dân ngay dưới chân ngọn thác hùng vĩ nơi đây.

Dũng say sưa thưởng thức phong cảnh, ngắm nhìn vạn vật không biết chán. Anh bấm máy liên tục, kiểu có “mẫu” sơn nữ, kiểu phong cảnh dàn thác hùng vĩ ở mọi góc độ. Dũng như quên hết thời gian.

Trời đã chạng vạng tối, vạn vật như thay đổi. Những ngọn thác vẫn mải miết tuôn trào mênh mông như cuốn trôi tất cả những phiền muộn lo âu thường nhật để du khách đắm mình với thiên nhiên vô cùng thơ mộng. Những khóm hoa vẫn tươi thắm, kề bên là những nàng liễu yểu điệu thướt tha xoã mái tóc dài đón gió. Những gốc si già, lộc vừng như những chiến binh nghỉ ngơi sau cuộc chiến, suy ngẫm về những ngày tháng thăng trầm của đất nước, nhìn lên bầu trời trăng sao toả sángbao la, mong cho cuộc sống yên bình nối dài theo năm tháng.

Tất cả khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ toát lên một ước vọng tiếng súng vĩnh viễn không bao giờ vang lên suốt dọc miền biên cương xa xôi của Tổ Quốc.

Tạm biệt ngọn thác hùng vĩ, di sản thiên nhiên quý giá của đất nước, của tỉnh biên giới phía Bắc đầu sóng ngọn gió, Dũng vô cùng xúc động nói với bạn gái:

-   Liên ơi! Anh cảm ơn em đã đưa anh tới nơi này. Không có cuộc hội ngộ với gia đình em thì anh chỉ là “ếch ngồi đáy giếng”. Anh tin cuộc đời sẽ còn nhiều điều thú vị hơn.

Cô gái sung sướng nũng nịu:

-   A lúi! Văn vẻ thế em nghe không quen, sẽ còn nhiều thứ làm anh thích hơn cơ.

Cô che miệng nói bằng tiếng Tày: “noọng điếp

chài”. Cô biết anh không hiểu được câu này “em yêu anh”, nên cất tiếng cười vang rừng núi.

Cô kêu lên vui vẻ:

-   Kin khẩu vớ!([6])

Cô sơn nữ chỉ đường cùng anh đến một nhà trọ kiểu nhà sàn chuyên đón khách du lịch nhỡ độ đường. Ở nơi xa xôi heo hút này không có sự lựa chọn nào khác. Nếu không đi cùng Liên chắc anh sẽ phải nghỉ cùng ngàn sao trên trời và tiếng nước ầm ào vang vọng suốt đêm bên các ngọn núi trùng trùng điệp điệp.

Vợ chồng chủ quán tiếp khách niềm nở, đôi nam nữ này là những vị khách đầu tiên, mấy hôm nay vắng khách quá.

-   Xin chào! Anh chị cần gì ạ.

Chị chủ quán cỡ hơn Liên vài tuổi, da trắng hồng, dáng người phốp pháp trong bộ váy áo Tày màu chàm gọn ghẽ và nói tiếng Kinh khá sõi.

Liên nhanh nhẩu đáp lời. Mấy năm trước cô đã từng nghỉ chân quán này cùng chồng cô. Hồi ức thủa nào chợt sống dậy, nhưng rồi hình ảnh anh Dũng hiện hữu choán hết tâm trí cô.

-   Chị cho em một mâm cơm hai người. Tối nay chúng em nghỉ lại sáng mai đi sớm.

-   Được mà. Hai người tắm táp nghỉ ngơi, một

lát là có cơm ngay. Ăn dưới sàn đây, còn đi lên cầu thang là chỗ nghỉ đêm, cả một sàn rộng muốn chọn chỗ

nào cũng được.

-   Em biết rồi.

Liên thông thạo chỉ dẫn cho Dũng mọi việc rồi thu xếp chỗ nghỉ đêm. Cả một sàn nhà rộng thênh thang, anh chủ quán phát cho hai tấm nệm dệt thổ cẩm hoa văn sặc sỡ. Anh hỏi sơn nữ:

-   Nằm chung hay riêng?

Cô đỏ mặt, trước anh Dũng cô đành nói:

-   Riêng.

-   Đây cầm lấy hai tấm, một ri đô che cho kín đáo. Tuỳ thích nằm đâu thì nằm, đầu hướng nam chân hướng bắc. Nhớ gọn vào một góc kẻo lát nữa có khách đỡ phải xếp lại.

Mâm cơm được dọn ra, với những món ăn mang đậm ẩm thực của người Tày. Một đĩa thịt lợn quay nhồi lá và quả mắc mật vàng rộm. Món “năm khau” truyền thống nấu bằng thịt lợn ba chỉ với khoai môn ướp vô số loại gia vị. Một bát gà hầm béo ngậy, một bát canh măng nấu xương, một đĩa vừa xá xíu vừa lạp sườn tự làm. Và không thể thiếu được là một đĩa xôi ngũ sắc vô cùng đẹp mắt và hấp dẫn.

Đặc biệt, gia chủ để trên bàn một hũ rượu cất từ gạo nếp, ủ loại men riêng do đó rất thơm ngon uống đến say mà không biết chán. Rượu là thứ đồ uống không thể thiếu được trong mỗi bữa ăn, thể hiện lòng hiếu khách của chủ nhà, đặc biệt với khách từ phương xa tới.

Mở đầu bữa cơm, theo phong tục mời uống rượu chén chéo tay với ý nghĩa đoàn kết quý trọng người đối diện. Anh chủ quán chéo tay với Dũng, chị vợ chéo tayvới Liên, cả bốn người vui vẻ cạn chén.

Còn lại hai anh em Dũng với mâm cơm quá đầy đủ cả chất đến lượng. Rượu mềm môi, sơn nữ tửu lượng cao hơn anh chàng to xác dưới xuôi lên. Chéo tay xong rồi đến lúc chả cần phải chéo nữa, dù sao chàng trai còn đủ tỉnh táo dừng lại giữ sức cho ngày mai còn đi tiếp. Anh nói với Liên:

-   Anh đủ rồi, không ăn không uống nữa, mai anh còn phải làm tài xế đưa em an toàn về với mẹ. Anh lên nghỉ trước đây, buồn ngủ díp cả mắt rồi.

Liên đồng ý ngay, cô thừa kinh nghiệm để hiểu rằng không có gì vô vị bằng một người đàn ông khoẻ mạnh mất hết sinh lực trên giường vì rượu. Cứ để anh nghỉ ngơi lấy lại sức, đủ tỉnh táo để có thể trở lại là người đàn ông đích thực.

Năm ấy, cũng tại đây, nằm bên cô là cả một cơ thể ướp toàn rượu của Luân. Nửa đêm, anh ấy vùng dậy nôn ói tứ tung, khiến cho cả sàn đầy du khách không sao ngủ được. Liên phải vất vả lau chùi dọn dẹp cả đêm không chợp mắt. Nhớ tới người chồng đã khuất, sơn nữ thở dài, mệnh anh ấy ngắn. Hãy tha lỗi cho em anh Luân nhé, có một người đàn ông tốt bên cạnh em đây, anh ấy có thể thay anh chăm sóc em. Anh đồng ý cho em tìm chồng nhé.

Sau bữa cơm cô còn đà đận ngồi lại trò chuyện với chị chủ quán.

Chị cười hỏi:

-   Chử pỏ mi? ([7])

-   Chử dá([8]).

Sơn nữ đáp liền không cần suy nghĩ.

-   Sắp cưới.

Cô nói thêm.

-   Đẹp trai, dân dưới xuôi phải không?

-   Vâng.

-   Cưới xong em theo chồng về xuôi à?

-   Em chưa biết.

-   Giờ này chắc không còn khách, vậy là chỉ có vợ chồng em. Hôm nay đen quá. Thôi đi ngủ đi, để chị còn đốt vía.

Liên nhẹ nhàng bước lên cầu thang, tiến lại gần nơi Dũng nằm. Cô trải tấm thảm bên cạnh rồi ngắm nhìn anh trong giấc ngủ. Ánh trăng ngày rằm sáng vằng vặc soi tỏ hình dáng và gương mặt bình thản ngủ ngon lành, một gương mặt đàn ông với quai hàm rộng xanh rì bộ râu chưa kịp sang sửa. Áo may ô ba lỗ để lộ bắp tay khoẻ mạnh cuồn cuộn. Dáng nằm dang rộng chân tay thoải mái khoáng đạt.

Cô cúi xuống ngắm anh hồi lâu không biết chán, lắng nghe tiếng ngáy nhịp nhàng nhè nhẹ của anh lên xuống với khuôn ngực nở nang. Lòng cô rạo rực xốn xang, đã lâu lắm cảm giác được gần gũi với người đàn ông cô yêu thích quay về dầy vò tâm can. Cô đã từng nếm trải cái cảm giác tột đỉnh của khoái cảm, giờ đây cô khao khát thèm muốn tìm lại cảm giác đó.

Đã khuya lắm, ngoài kia ánh trăng dường như cũng đang mỏi mệt hạ thấp dần, mây lang thang che phủ bầu trời, tiếng thác nước xa xa vẫn ầm ào vang vọng. Tiếng đôi chim rừng ăn đêm kiếm tìm nhau nghe não nề. Sơn nữ nôn nao cồn cào một nỗi buồn nhớ, thèm muốn khát khao khôn tả.

Cô ghé nằm xuống bên anh, một tay tự mở khuy áo mình, tay kia nắm lấy bàn tay khoẻ mạnh của anh đặt vào khuôn ngực đầy dặn trắng ngần đang phập phồng theo nhịp con tim thúc giục hối hả. Bàn tay người đàn ông đang ngủ say vô cảm rơi xuống, nó không đậu lại thèm muốn như mong đợi của cô sơn nữ. Nước mắt ứa ra, cô cảm thấy mình thật đáng thương. Một bông hoa rừng đẹp nhất, lung linh nhất mà bao chàng trai ao ước được hái. Vậy sao anh lại thờ ơ với em? Hãy ngắm em dưới ánh trăng này, dù chỉ một lần thôi cho em được thoả nguyện kiếp hoa và anh cũng sẽ không hối hận đã được tận hưởng hương sắc của bông hoa rừng này.

Nghĩ đến đây, cô gái của miền sơn cước đã quả quyết làm theo bản năng khao khát tìm thấy tình yêu và quyết không để mất. Cô trút bỏ toàn bộ xiêm y của mình rồi nằm sát vào anh. Đôi bàn tay cô tìm kiếm, sờ nắn xoa bóp khắp cơ thể anh. Cô ghé vào tai anh khẽ gọi:

-   Em đây! Liên đây anh.

Người đàn ông sau một giấc ngủ sâu lấy lại sức đã bừng tỉnh và căng lên dưới bàn tay ấm áp mềm mại và âu yếm của cô gái. Khoái cảm dâng trào lên não bộ, bản năng của người đàn ông độc thân đã từ lâu khao khát trỗi dậy. Anh tự lột phăng quần áo vướng víu trên người, xiết chặt lấy cơ thể trắng ngần như bức tượng thạch cao dưới ánh trăng. Đôi môi anh chầm bập gắn chặt vào đôi môi cô gái rồi khám phá khắp cơ thể cô, dừng lại giây lát nơi khuôn ngực căng đầy có hai núm hồng xinh xắn, rồi miên man xuống mãi nơi miền trù phú ướt át đang đợi chờ anh. Họ cuốn chặt lại với nhau như không thể tách rời, cô sơn nữ rên rỉ trong nước mắt và niềm sung sướng khoái cảm tột cùng. Khi người đàn ông với nhiều nỗi khổ đau đã dồn hết tinh lực cho cô, anh chưa hiểu rồi sẽ đi đến đâu, chỉ biết rằng giây phút này cô sẽ là người chia sẻ, gần gũi an ủi duy nhất trong cuộc đời anh. Cô mang lại hạnh phúc cho anh và anh đón nhận như món quà tặng của duyên phận.

Họ dậy rất muộn, nếu như chị chủ nhà không ý tứ dùng một chiếc chày gỗ, gõ gõ lên sàn nhà nơi họ nằm.

-   Dậy đi nào! Có ăn sáng không để còn chuẩn bị.

Liên đang nằm gọn trong vòng tay ôm chặt của người yêu, cô tỉnh giấc và vui vẻ kêu lên:

-   Dậy rồi! Có ăn sáng chị ơi.

Cô quay sang người yêu hôn vào môi anh, lùa tay đùa dỡn với mái tóc tóc anh:

-   Dậy thôi anh, mặc quần áo vào, chị chủ quán lên bây giờ đấy.

Dũng vẫn nhắm nghiền mắt, anh xiết chặt sơn nữ hơn, vờ càu nhàu:

-   Không về, ở lại đây luôn, anh muốn nữa.

Liên khoái chí áp sát cơ thể nóng hổi vào anh thách thức:

-   Em chiều vớ!

Dũng vùng dậy đùa rỡn đè cơ thể cô xuống sàn rồi hôn vào đôi môi cong lên thích thú của Liên.

Đến lúc mệt nhoài, họ nằm bên nhau chợt nhớ ra thực tế hiện hữu, họ là gì của nhau? Liên lên tiếng trước, cô nói mộc mạc ý nghĩ của mình giống như sự đơn giản chân thật vốn dĩ sẵn có của dân tộc cô:

-   Anh làm chồng em nhé, mai em xin bố mẹ cho chúng mình cưới nhau.

Nghe Liên nói, Dũng như chợt bừng tỉnh. Anh sẽ là gì của sơn nữ đây? Mình không thể đùa dỡn với người con gái ngây thơ chân thật này. Nhưng liệu mình có thể lấy làm vợ, đưa cô về Hà Nội sống với mình không? Những giây phút bồng bột buông thả nơi đây liệu rồi có tìm thấy hạnh phúc hay lại là một nỗi bất hạnh kế tiếp. Lo âu bồn chồn, ân hận day dứt chợt ập đến, anh ghì sát Liên giọng run run thăm dò:

-   Liệu em có theo anh về dưới xuôi được không? Anh làm chồng, em sẽ khổ không sướng như ở với bố mẹ đâu. Rồi học sinh của em nữa, liệu có bỏ được trường lớp không?

Cô giáo trẻ sung sướng reo lên:

-   A lúi! Anh đi đâu em cũng theo được, khổ mấy em cũng chịu được. Học sinh đã có cô giáo về thực tập sẽ thay em, về xuôi em lại có trò mới lo gì. Mình về nói với “Pỏ, Mẻ ”, em nóng ruột lắm rồi.

 

 

Họ về đến nhà vào lúc chập choạng tối. Bà Lụa ra mở cửa, nhìn nét mặt hớn hở của con gái bà hiểu ngay kết quả chuyến đi. Đợi con đi vào buồng bà hỏi luôn:

-   Pắt đảy pỏ dá([9])?

-   Da([10]) a a a! Anh Dũng sẽ làm chồng con.

-   A lúi! Thế thì tốt rồi. Nhưng sau rồi ở đâu?

-   Con chưa biết. Kệ, cứ thế này đã.

Chỉ có mẹ cô tinh ý mới nhận ra nét thay đổi ở con gái, chàng trai có vẻ lúng túng ngượng ngập thiếu tự nhiên. Cậu ta ít nói hơn mọi hôm, bữa cơm tối hôm đó chén thù chén tạc với ông Dủng không được vui vẻ như mọi khi. Bà Lụa lo cho con gái nhỡ ra nó bị lừa thì sao? Bà mong bữa cơm chóng kết thúc để còn bàn bạc với chồng.

Đột nhiên Dũng có điện thoại, anh xin phép cả nhà đứng lên ra ngoài nghe máy. Bà Lụa đứng ngồi không yên nhấm nháy với chồng và con gái, ông Dủng không hiểu ý vợ gạt đi:

-   Bà làm cái gì mà lạ thế, để yên cho tôi uống rượu.

Dũng bước ra sân, không khí mát lạnh, bầu trời đầy sao khoáng đạt làm cho anh dễ thở.Là ông Hải, trưởng cái “điếm canh” gọi. Trong lúc tâm trạng bối rối

như thế này anh chỉ mong sao có được một lời khuyên từ ai đó, một người bạn chia sẻ tâm tình, một người thân tin cậy bên cạnh. Nhưng giờ đây anh hoàn toàn cô độc, ông Hải như một cứu cánh như một chỗ dựa tinh thần cho anh.

-   Dũng à! Xong việc chưa? Bao giờ cậu về?

-   Ôi! Anh Hải, anh khoẻ không?

Dũng mừng rỡ trả lời.

-   Mọi việc xong hết rồi anh ạ. Em tranh thủ đi thăm mấy điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh miền núi này, kẻo không có dịp nào đến. Tuyệt lắm anh ạ.

-   Trời ơi, hèn gì mà lâu thế. Hôm qua có đoàn cấp trên đến, kiểm tra sĩ số thấy thiếu cậu. Tôi phải trí trá nói cử đi công tác. Sau đó một bữa rượu thịt, lòng lợn là xong. Nhưng kiểu gì cũng phải về sớm đi.

-   Ôi! Em cảm ơn anh nhiều. Nhưng em cũng vướng vài việc khó nghĩ quá anh ạ.

-   Lại có bóng hồng nào “níu vạt áo đề câu thơ”

chứ gì? Tôi còn lạ gì cậu, số đào hoa nó thế, chẳng bù cho tôi “nhõn” chỉ có một.

Được lời như cởi tấm lòng, Dũng trút bầu tâm sự

và chốt câu: “nếu anh rơi vào trường hợp em, anh khuyên em nên thế nào”?

Ông Hải tưng tửng đáp:

-   Còn thế nào nữa, bông hoa rừng lạ cũng thú vị

đấy, hái về ngay. Hoa rừng vừa đẹp vừa thơm cả nghĩa đen lẫn bóng đấy nhé. Người miền núi họ sống chân thật và rộng lòng tha thứ, không có màn chia tay chia chân như gái xuôi đâu. Đã đến lúc cậu cần có một

người phụ nữ bên cạnh rồi. Làm luôn đi.

-   Vâng! Em cảm ơn lời khuyên của anh.

Dũng bước vào nhà, lòng nhẹ nhõm bội phần. Cả

ba đang nhìn anh như người từ một hành tinh lạ đến.

Trong khi Dũng ra ngoài sân, bà Lụa đã kịp thông báo tình hình con gái “bắt được chồng” cho ông Dủng nghe. Ông không tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng vừa mừng vừa lo. Mừng vì nếu có được cậu con rể này là tốt rồi, nhưng lo nhỡ nó không chịu thì sao? Kiện à? Kiện ở đâu? Với ai? Ông là đại diện chính quyền ở đây, xử thế nào? Nó lại còn là con liệt sĩ?

Dũng ngồi xuống, trịnh trọng rót rượu cho cả nhà, sau đó nâng ly nói:

-   Con xin phép mời bố mẹ, em Liên chén rượu nghĩa tình. Thời gian qua, bố mẹ và em Liên đã tận tình giúp đỡ con hoàn thành tâm nguyện với bố mẹ đã khuất của con. Đã đến lúc con phải về Hà Nội để làm nốt một số việc còn lại.

Dũng nói đến đấy liếc nhìn thấy nét mặt ông bà Dủng và cô con gái lo lắng căng thẳng.

-   Trước khi về, con có lời muốn thưa với bố mẹ. Thời gian qua sống trong gia đình con đã nhận được tình cảm rất chân quý của bố mẹ, em Liên và cả bà con thị trấn. Quả thật, con sống đến bằng này tuổi đầu nhưng chưa bao giờ được đón nhận tình cảm ấm cúng gần gũi đến thế. Con như tìm thấy được gia đình

của chính mình.

Nhưng con muốn xin phép không phải chỉ làm con nuôi mà còn được làm con rể của bố mẹ. Con rất yêu em Liên và xin được cưới em Liên làm vợ. Hoàn cảnh của con chắc bố mẹ đã biết, con mồ côi cả cha lẫn mẹ, nay chỉ có một thân một mình trên đời. Ở quê bố mẹ con cũng chỉ còn họ hàng xa, ít khi gặp nhau nên tình cảm không gắn bó lắm.

Thực tình đến giờ phút này, con cũng chưa định liệu được nếu bố mẹ đồng ý cho con làm chồng em Liên, thì con sẽ làm thủ tục kết hôn ra sao rồi sẽ ở đâu? Quả tình con chưa tính toán thu xếp được. Con chỉ là một cán bộ thường trong một cơ quan nhỏ ở Hà Nội, mang tiếng là ở Thủ Đô nhưng con rất nghèo, chỉ sống bằng đồng lương ít ỏi của nhà nước cấp cho hàng tháng. Nhà con ở trong khu tập thể nhà máy của mẹ, gọi là nhà cho sang chứ thực sự không bằng cái bếp của nhà mình đây.

Cả nhà ông Dủng thở phào nhẹ nhõm, khuôn mặt ai cũng dãn ra không còn căng thẳng như khúc dạo đầu của Dũng.

-   A lúi! Ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu.

Bà Lụa vội đỡ lời con rể tương lai. Ông Dủng gắt vợ:

-   Bà chỉ được cái… Để yên cho nó nói hết đã.

-   Vâng! Con xin trình bày hoàn cảnh của con là

như vậy, liệu rồi em Liên có thể cùng con đồng cam cộng khổ về dưới xuôi sống không? Còn bố mẹ có mỗi em Liên, tuổi già rồi sẽ ra sao khi không có con cái bên cạnh.

Ông Dủng vẻ trầm ngâm, đúng dáng vẻ người đứng đầu thị trấn, cân nhắc câu chữ để không sai sót trước người dân. Những lời lẽ của Dũng quả thực bắt ông phải suy nghĩ cân nhắc. Một lúc sau ông nói:

-   Trước hết đây là việc hệ trọng cả đời của cái Liên, bố phải nghe ý kiến nó thế nào đã.

Từ đầu đến giờ, con gái ông sốt ruột muốn phát biểu ý kiến lắm rồi. Nay nghe bố nói, cô vội vàng trả lời cho bố mẹ và anh Dũng cùng nghe.

-   Con nói luôn, ngay từ đầu con đã thích anh Dũng rồi, chỉ sợ anh ấy không thèm lấy con gái miền ngược thôi. Bây giờ anh nói yêu con, muốn lấy con về làm vợ, con thích lắm. Con đồng ý, anh đi đâu con đi theo, khổ mấy con cũng chịu được. Thỉnh thoảng con về thăm bố mẹ. Bố mẹ già đã có cả thị trấn này là họ hàng rồi lo gì, mà còn lâu bố mẹ mới già, lúc ấy về dưới xuôi ở với chúng con. Bố mẹ lo làm đám cưới cho chúng con đi thôi.

Ông Dủng gắt lên với con gái, giọng dạy dỗ:

-   Ơ hay, cái con này. Chuyện lớn như con trâu chứ có phải nhỏ như hạt đậu đâu mà nói cưới là cưới ngay được. Thế còn công việc thì sao, trường lớp đang dạy giao cho ai? Hội phụ nữ thị trấn ai đảm nhiệm đây? Phải tính cho kỹ, không phải cứ thích là làm lấy được đâu.

Bà Lụa đỡ lời con gái:

-   A lúi! Có gì phải lo. Cả thị trấn này xúm vào mỗi người một tay một chân là xong.

Ông Dủng chậm rãi rót tiếp ly rượu cuối cùng, cạn chén rồi chốt hạ:

-   Thôi được rồi, biết hoàn cảnh nó khó khăn đành cho không đứa con gái này vậy. Chứ phong tục ở đây là nhà trai phải lo hết từ rượu thịt chín ngày đám cưới đến tư trang quần áo vòng xuyến cho cô dâu về nhà chồng. Cưới con gái trưởng bản là to lắm vớ! Không đùa được đâu! Cả thị trấn này, xóm xa xóm gần đều có mặt uống rượu mừng đấy.

 

 

Một tuần sau, cả thị trấn như có lễ hội. Ông Dủng là chủ tịch thị trấn, phải gương mẫu lối sống giản dị tiết kiệm cho bà con noi theo. Vậy nên đám cưới con gái ông được tổ chức chỉ trong năm ngày, chứ không phải chín ngày như tục lệ

Người vui nhất, đẹp nhất thị trấn là con gái ông chủ tịch. Người mệt nhất và hoang mang nhất là chú rể. Anh mệt vì phải uống rượu, phải ăn, nói cười, bắt tay nhưng lại thấy hân hoan sung sướng vì được đón nhận tấm lòng chân thật rộng mở của bà con toàn thị trấn. Anh hoang mang chưa biết sau lễ cưới sẽ phải làm lại từ đầu như thế nào? Cuộc sống vợ chồng sẽ ra sao? Thôi thì “trai có vợ như giỏ có hom”, Dũng lại nhớ đến mẹ, mỗi lần hết gạo hết tiền mẹ lại nói câu: “liệu cơm gắp mắm”.

Sau đám cưới hai vợ chồng trẻ sống tại nhà vợ. Họ hạnh phúc bên nhau làm cho ông bà Dủng cũng yên tâm và tự hào với mọi người. Họ hưởng tháng trăng mật nơi miền sơn cước với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng những ngày hạnh phúc khó quên.

Đã đến lúc phải về nhà, Dũng bàn với vợ:

-   Anh ở trên này đã ba tháng, bây giờ phải về trước lo mộ cho bố mẹ và chuẩn bị chỗ ăn ở đón em xuống. Còn em cũng phải ở lại bàn giao công việc chứ?

Nghe thấy thế, Liên kêu lên:

-   Mọi việc em đã thu xếp xong cả rồi. Cũng đơn giản mà anh, lớp em chủ nhiệm có giáo viên thay rồi. Hội phụ nữ có cô em hội phó sẵn sàng giúp hội trưởng lấy chồng dưới xuôi. Còn đội văn nghệ các nọong tự lo được mà.

Bây giờ đời em chỉ có anh. Anh đi đâu, em đi đấy.

Mấy hôm sau Liên làm thủ tục nghỉ dạy ở trường, bàn giao các công tác đang làm. Cô đành hy sinh sự nghiệp đang có nhiều triển vọng để theo chồng về dưới xuôi.

Hai ông bà Dủng và một số bà con thân thiết ra bến xe đưa tiễn. Họ ấn vào tay cặp vợ chồng biết bao món quà quê hương đơn sơ nhưng thấm đẫm nghĩa tình.

Liên đã đổi trang phục, cô không còn mặc bộ váy áo Tày quen thuộc nữa mà diện một bộ âu phục quần đen áo sơ mi hoa mầu tím nhẹ nhàng “cắm thùng”. Mái tóc dài được tết thành hai đuôi sam cặp gấp lên. Nhìn cô xinh đẹp và trẻ trung hơn rất nhiều. Dũng ngắm vợ và thầm tự hào “ăn đứt các cô Hà Nội”,

anh tủm tỉm cười thú vị.

Liên ranh mãnh bắt thóp:

-   Anh cười gì đấy? Nào ngắm xem vợ của anh có thua các nàng dưới xuôi không?

-   Vợ là số một!

Dũng giơ ngón tay cái ra hiệu cho vợ yêu, miệng nói:

-   Nào! Lên đường.


[1] Con nuôi

[2] Cô, chú

[3] Bố, mẹ

[4] Em gái

[5] Đi nào.

[6] Ăn cơm nào!

[7] Chồng à?

[8] Đúng rồi, vâng.

[9] Bắt được chồng rồi à?

7583.jpg_wh860

[10] Vâng.

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)